Người mẹ điên
Nước Môngtelô có một phụ nữ nông dân nghèo, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Bà chẳng có một đặc điểm gì đáng lưu truyền sử sách. Người ta cũng chẳng nhớ tên bà. Nhưng bà có một vị con danh giá, vua Lơxíp đệ nhất, người ta gọi bà là mẹ vua Lơxíp.
Lòng trọn đời thương tật nỗi thiên thanh. LĐ |
Lơxíp… Hồi đó con bà chưa có cái tên Lơxíp lẫy lừng nước Môngtelô, bà gọi nó là thằng Chíp vì lúc lọt lòng nó bé bỏng quá, như một con chim chíp.
Người đàn bà mồ côi bố mẹ và mồ côi chồng này quý đứa bé hết sẩy. Chíp là con, là chồng, là bố mẹ, là niềm an ủi, nó theo sự cô đơn của bà vào bến ấm dòng sông lạnh chảy xiết của cuộc đời.
Quý, nhưng bà không có thì giờ chăm sóc nó. Bà còn phải vất vả đầu hôm sớm mai kiếm mồi nuôi con… Và thằng bé lớn lên như tự nhiên, khỏe mạnh, phóng khoáng, rắn rỏi, chơi nghịch với con bê mũi đỏ, con ngựa non háu đá, cặp họa mi cứ chiều lại tấu tình trong bụi cây tinh huyền hay con sơn ca cưỡi tiếng hát thăng thiên lên trời sớm.
Cũng chẳng có sự kiện gì lớn lao trong cái cuộc sống vất vả khổ sở không tên của hai mẹ con. Trừ một việc. Một buổi chiều, Chíp đánh bẫy được một con gà gô to, vừa đi vừa huýt sáo khải hoàn bỗng thấy một ông già máu me đầm đìa nằm bất tỉnh trước cửa. Vốn tính thương người như phần lớn trẻ nghèo, Chíp bế ông cụ vào nhà. Hai mẹ con đun nước rửa vết thương cho người bất hạnh. Bát xúp gà gô khiến ông cụ tỉnh dần. Hai mẹ con Chíp không biết rằng đó là một võ sư nổi tiếng bị trò phản thùng, đánh trọng thương, hủy bỏ công lực, quăng ra bìa rừng. Ông già lê đến nhà Chíp thì kiệt sức, té xỉu.
Sự chăm sóc tận tình của người mẹ quen với đủ thứ dược thảo hào phóng của trời đất và món gà gô không mất tiền mua của đứa bé sát cầm đã khiến ông già mau chóng bình phục. Mặc dầu bị hủy hết công lực, yếu như một kẻ bất túc, trí óc ông vẫn minh mẫn. Ông dành những ngày tàn của đời mình truyền lại cho Chíp chút ít chữ nghĩa và tuyệt kỳ võ học.
Và thời gian qua đi rất nhanh. Với đứa bé thì là tuổi trẻ với người mẹ thì là bóng xế… Với ông già là nấm mồ.
Giữa lúc đó, giặc Xít (không biết có phải tiền thân của phát xít không) kéo đến cướp phá đất nước Môngtelô tươi đẹp. Lũ giặc dã man đến mức chỉ nghe nói đến chúng, nhiều bà mẹ đã chột thai hoặc băng huyết.
Giặc đến nhà đàn bà phải đánh huống hồ Chíp. Chàng thanh niên lên đường và chẳng bao lâu trở thành một vị chỉ huy nổi tiếng của nghĩa quân.
Nhưng bà mẹ không được hưởng niềm vui đó. Một đêm, trong khi ngủ, chẳng biết bà mơ thấy những gì mà không muốn tỉnh nữa. Cũng có thể thần Zeus đã sai nữ thần Giấc Ngủ trùm tấm lưới bằng tơ bướm vàng lên năm tháng vất vả của người mẹ. Để làm gì? Ai biết được những toan tính của Trời mà các nhà thơ thường biểu hiện dưới hình tượng một vị thần định mệnh mù mắt.
Người mẹ ngủ liên tục mười lăm năm thâm niên.
Trong thời gian đó, nhiều biến đổi đã xảy ra trên đất nước Môngtelô. Giặc Xít đã bị đánh lui. Chíp, đứa con trai yêu quý của mẹ, sau những chiến công hiển hách đã trở thành đức vua chí tôn chí kính của vương quốc Môngtelô rừng vàng biển bạc.
Nhưng có đấng quốc vương nào lại xưng đế hiệu là Chíp đệ nhất.
Tể tướng vốn là người thạo việc và mưu lược liền sáng tác ngay ra một biệt danh rất đắt: Lơxíp. Biệt danh này gần với âm Chíp, tên cúng cơm của nhà vua… Hơn nữa lại na ná Lơđíp, tên một vị anh hùng thời dựng nước. Khi thằng Chíp con bà thành vua Lơxíp đệ nhất, bà mẹ vẫn ngủ.
Thấm thoát vua Lơxíp trị vì đã được mười năm.
Mười năm trong đời một người ngủ thì hầu như không có chuyện gì. Nhưng mười năm trong đời một người, nhất là trong đời một ông vua thì bộn bề thật không sao kể xiết.
Những trò vui, những yến tiệc thâu đêm suốt sáng của triều đình, những nỗi đau… những oan khuất của dân đen bị đám tham quan ô lại bịt mồm móc họng, cướp ngày cướp đêm như ong đánh mồi, những đòn hiểm của đám đàn bà và đám hoạn quan nơi hậu cung… Cuộc chiến đầy quỷ kế của lũ sủng thần tranh ghế. Và mái tóc nhà vua đã bắt đầu xuất hiện nhiều sợi bạc.
***
Một hôm, bà mẹ chợt tỉnh cũng thình lình như lúc bà chợt ngủ.
Bà đi lại, ăn uống bình thường. Nhưng thỉnh thoảng mắt bà có những ánh lạ. Có thể là ánh mắt của mười lăm năm trước chưa bị nhiễm đục của cuộc đời nhiễu nhương ngày một xuống cấp. Cũng có thể là ánh mắt của một người đã một lần bắt chợt sự thật ở một hẻm chiêm bao chưa đánh số. Nôm na hơn, có thể là ánh mắt của một người bất thường hóa dại. Nó trong và sáng kỳ dị.
Quan địa phương lập tức cho lính khinh kỵ đốt lửa phi nhật dạ về kinh báo tiệp.
Một tình cảm mười lăm năm bỏ quên xó bụi của ký ức bỗng trỗi dậy như một chứng bệnh bột phát, vua Lơxíp những muốn một người một ngựa phóng ngay về thăm mẹ như ngày nào. Nhưng không được. Một ông vua không thể sống vo theo tình cảm hồn nhiên mà phải theo những nghi lễ những ước lệ nhiều khi thậm sân khấu.
Người đầu tiên có ý kiến là quan tể tướng. Đất nước trải qua gần mười lăm năm hưng thịnh giờ đang lâm vào bước suy vi. Đá khóc tu tu trên đỉnh Thương Sơn và đổ kềnh xuống Lũng Lành. Gà mái mọc ba chân và gáy te te như gà trống. Nước con sông Đonxê bỗng chảy ngược đỏ như máu, đạo đức băng hoại, em chửi anh, con đánh cha, luân thường đảo ngược.
Quan tể tưởng thấy cần phải tổ chức lễ “Kiến Mẫu” thật là trọng thể đặng nhân dịp này chấn hưng đạo lý cho toàn dân. Ông đặt một thi quan làm một thiên trường ca về gương thập hiếu của vua Lơxíp. Trong một ngày thi quan đã nằm ổ một bài dài… lâm ly khiến nhà vua cũng phải mủi lòng.
“Thằng cha này không biết mò đâu những tình tiết xúc động làm vậy?”
Chỉ có điều là nhiều chỗ không đúng sự thật lắm.
Trải bao nâng giấc sớm hôm
Canh gà lạnh mũ trăng sương buốt hài.
Lời thơ thật mùi, nhưng khốn nỗi bà mẹ ngủ một mạch mười lăm năm thì việc gì phải nâng giấc sớm hôm. Nhưng đó là chi tiết.
Bài thơ lập tức được truyền đi khắp trong nước qua hệ thống loa Tao Đàn. Thi quan được thưởng hai tấm vóc hồng và tăng ba bậc lương.
Ngày lễ Kiến Mẫu long trọng khỏi phải nói. Các địa phương đều cử đại diện về phó hội. Có đốt pháo bông cao mười thước, có múa lân và cờ đèn kèn trống náo động cả một vùng.
Bà mẹ bây giờ được gọi là quốc mẫu vẫn chưa định thần hẳn. Chao ôi, trong có mấy ngày phải tốc hành một chặng đường dài dằng dặc mười lăm năm, bà như rơi tõm từ cõi mộng ngủ vào một cõi mộng thức.
Nhưng cái gì thì bà còn có thể mơ hồ chứ cái dáng đi nghiêng đầu về phía trước, đôi chân hơi chữ bát kia thì dầu có ngủ đến trăm năm bà cũng không lầm được. Bà gọi không thành tiếng “Chíp… Chíp” rồi chạy vội lên ôm lấy con.
Ôi! Đứa con thân yêu, mười lăm năm mẹ không được gặp mặt.
– Chíp… Chíp…
Theo một lệnh của vị tể tướng, những tiếng hò la lập tức vang lên tứ phía.
– Vua Lơxíp muôn năm! Vua Lơxíp muôn năm!
Át tiếng gọi con Chíp Chíp của bà mẹ. Bà nhìn nhà vua chằm chằm… Bỗng bà lùi lại… Có phải đúng con bà không? Hay bà lầm?… Cái ánh mắt kia, cái ánh mắt kia không phải của Chíp. Mắt nó to tròn, đen lánh và hiền lành như mắt một con bê non. Mắt Lơxíp cũng to tròn, cũng đen lánh nhưng sắc lạnh như ánh dao găm. Nụ cười hồn nhiên mất hẳn, thay vào đó là một nét nhếch mép kiêu kỳ. Bà mẹ lưỡng lự.
Giữa lúc đó, bầy thiếu nhi áo quần sặc sỡ đến dâng hoa. Bỗng một thằng bé không biết con nhà ai… lem luốc, cởi truồng tồng ngồng thấy hay cũng chạy sấn vào. Vua Lơxíp hơi cau mặt. Lập tức hai cận vệ to lớn như hai hộ pháp xách thằng bé như con nhái ném ra ngoài giữa tiếng khóc thất thanh của tuổi nhỏ.
Một hình ảnh bỗng kéo về đầy ắp mắt bà như một grôplăng.
Ngày ấy, cách đây mười lăm năm trước khi bà rơi vào giấc ngủ. Chíp lúc đó đã là một vị chỉ huy uy quyền, cùng với một số tùy tướng đi ngựa tranh thủ về thăm mẹ. Ngựa phóng đại trên con đường bụi mù. Bỗng một đứa bé cũng bẩn thỉu và rách rưới như đứa bé vừa rồi lẫm chẫm chạy qua trước vó ngựa của Chíp. Thằng bé thế nào cũng bị ngựa dẫm vỡ sọ.
Bà mẹ rú lên, hai tay che kín mặt không dám nhìn.
Khi bà bỏ tay ra thì bà đã thấy Chíp mặt đầm đìa máu… tập tễnh ôm đứa bé giữa đám tướng lĩnh náo động. Thì ra Chíp đã thình lình kìm cứng cương ngựa. Con tuấn mã đương đà phi, hất ngã chủ xuống đất. Hình ảnh Chíp áo quần bê bết bụi máu tươi cười ẵm đứa bé như một bức tranh chạm lõm, axít ăn sâu vào màng nhớ của bà mẹ.
Nó quá xa lạ với ánh mắt khó chịu và lạnh của Lơxíp khi đám cận vệ quẳng đứa nhỏ ra lề đường.
Bà mẹ bỗng xua tay lùi lại:
– Ông, ông không phải con tôi.
Trước sự sững sờ của nhà vua, quan tể tướng nhanh trí hô lớn:
– Quốc mẫu lại lên cơn rồi… Ngự y đâu đưa Người vào chữa trị.
***
Nhà của người mẹ điên được sửa sang lộng lẫy đồ sộ. Có một phòng mênh mông giả cảnh đồng ruộng, một phòng giả cảnh rừng, một phòng giả cảnh biển y như thật. Bà mẹ lúc nào cũng có sẵn sơn thủy phục vụ tại nhà. Nhưng bà vẫn khôn nguôi nhớ Chíp. Ngày nào bà cũng thắp hương một lòng cầu đấng Tối cao phù hộ nhà vua nghĩ lại trả con cho bà.