Nguyễn Bỉnh Khiêm trong sự chuyển biến
về ứng xử chính trị của trí thức Việt Nam
Sau nhiều năm hòa bình trong hoàn cảnh quốc gia phong kiến độc lập và thống nhất, Việt Nam bước vào một thời kỳ phân tranh và nội chiến kéo dài gần ba thế kỷ bắt đầu từ 1527 với việc Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Khác với thời Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, chiến tranh Nam - Bắc triều nổ ra ngay sau đó, kéo dài hơn một trăm năm đồng thời nuôi dưỡng trong nó mầm mống của một tình thế phân tranh khác khởi đi từ mâu thuẫn giữa hai nhóm Trịnh - Nguyễn trong nội bộ triều Lê Trung Hưng. Những mâu thuẫn xã hội và biến động chính trị nảy sinh từ hoạt động tranh giành quyền lực giữa các phe phái phong kiến đặt ra trước tầng lớp nhà nho - trí thức Việt Nam đương thời nhiều vấn đề trong cả nhận thức lẫn hoạt động, và quá trình giải quyết những vấn đề ấy đã tạo ra một chuyển biến trong khả năng cũng như tập quán ứng xử chính trị của họ. Có thể tìm hiểu sự chuyển biến này qua cuộc đời chính trị của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Thường xuyên bị đặt trước hiểm họa ngoại xâm, Nhà nước dân tộc ở Việt Nam sau khi hình thành đã phát triển không phải chỉ nhằm đáp ứng các nhu cầu quản lý hoạt động kinh tế và sinh hoạt xã hội của cộng đồng, mà còn nhằm đáp ứng các nhu cầu bảo vệ độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc. Điều này được chứng minh suốt một ngàn năm Bắc thuộc và được khẳng định qua hoạt động của Nhà nước phong kiến dân tộc từ các triều Đinh, Lê, Lý, Trần tới Hậu Lê. Dễ hiểu vì sao trí thức Việt Nam cả các cao tăng thời Lý- Trần lẫn các danh nho đầu thời Hậu Lê đều gắn mình vào với chính quyền, coi triều đình là biểu trưng cho lý tưởng độc lập của dân tộc. Đúng ra, ở họ cũng đã xuất hiện những mầm mống độc lập trong tư duy và hành động chính trị, mà điển hình là việc người trí thức kiệt xuất, vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi ra cộng tác với nhà Hồ “soán nghịch” năm 1400. Nhưng quá trình tham gia kháng chiến chống quân Minh đã kéo tác giả Bình Ngô đại cáo trở về với tập quán truyền thống khi đất nước đã được giải phóng, và tự giới hạn trong một khuôn mẫu ứng xử chính trị chỉ chấp nhận một vương triều duy nhất là chính thống vào lúc triều Lê trên con đường phong kiến hóa của nó đang dần dần hạ thấp ngọn cờ dân chủ, đồng thời ngày càng tỏ ra đối lập với tư tưởng nhân nghĩa, Nguyễn Trãi đã bị đẩy tới thảm kịch Lệ Chi Viên. Yêu cầu thống nhất vương triều để thống nhất đất nước mà tạo ra sức mạnh cần thiết cho việc đề phòng hiểm họa ngoại xâm do đó dĩ nhiên là có ý nghĩa tích cực, nhưng sự tập trung đáp ứng yêu cầu ấy theo lề lối phong kiến qua nhiều năm lại tạo ra tâm lý phổ biến coi triều là nước, thậm chí trong không ít trường hợp còn dẫn tới việc hy sinh những quyền lợi lâu dài của đất nước, đi ngược lại những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, vùi dập người hiền, bao che kẻ ác… dưới danh nghĩa gìn giữ uy tín và sự thống nhất của vương triều. Theo đà trượt trên đó phương tiện đã bị ngộ nhận là mục đích ấy, đường lối của chính quyền cũng như hoạt động của trí thức dần dần không còn phản ảnh được chính xác hiện thực của đất nước và xã hội nữa. Trong phạm vi cung đình, sự suy thoái này lại làm hình thành các nhóm chính trị đối lập nhau về quan điểm và chống báng nhau vì quyền lợi, mà kết quả điển hình là sự quy tụ của một số quan lại quanh Hồ Quý Ly thời Trần hay Mạc Đăng Dung thời Lê, ủng hộ hai viên Thái sư nhiều tài năng và giàu tham vọng này bá chiếm quyền hành rồi tiến tới đoạt ngôi Thiên tử. Nhưng ở thế kỷ XVI thì những xáo trộn trong đất nước sau vụ đảo chính của Mạc Đăng Dung đã kéo tầng lớp nho sĩ – trí thức ra khỏi giấc mơ bình an ý thức hệ, khi cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa các phe phái phong kiến đặt ra trước họ nhiều vấn đề mới về tương lai đất nước và vận mệnh dân tộc, những vấn đề thách thức tài năng của họ đồng thời đặt toàn bộ tri thức cũng như đạo đức chính trị của họ vào một khảo nghiệm lịch sử có thêm những tiêu chuẩn mới của một chủ nghĩa nhân văn. Sự chuyển biến trong ứng xử chính trị của trí thức Việt Nam thời Nguyễn Bỉnh Khiêm vì vậy cần được nhìn nhận trong hoàn cảnh và theo chiều hướng ấy.
Với Nguyễn Bỉnh Khiêm, giới nho sĩ – trí thức Việt Nam đã đạt tới một trình độ nhận thức cũng như khả năng ứng xử chính trị cao hơn so với thời gian trước đó. Sự phân biệt vương triều chính thống với văn hóa truyền thống nơi họ đã minh bạch hơn trước, điều này giúp họ vươn lên thành tầng lớp thể hiện và phản ảnh không những quyền lợi và tương lai của đất nước mà còn cả lợi ích và nguyện vọng của nhân dân. |
Thi đỗ Trạng nguyên rồi làm quan với nhà Mạc năm 1535, Nguyễn Bỉnh Khiêm hẳn cũng chẳng tị hiềm gì cái việc có thể bị coi là “tội nhân danh giáo” vì đã ra phù tá “ngụy triều” trong con mắt của những nho sĩ trung thành với nhà Lê, nhất là khi trước đó cục diện Nam Bắc triều đã chính thức mở ra với việc Lê Trung Tông từ Ai Lao trở về Thanh Hóa. Hơn thế nữa, ông còn thường xuyên bộc lộ chí nguyện khuông phù nhà Mạc, kể cả trước lẫn sau khi về trí sĩ lần đầu năm 1542. Nhưng cuộc đời chính trị của ông lại mang một mâu thuẫn nhuốm màu bi kịch. Bị các lực lượng thân Lê chống đối và không đủ khả năng tiêu diệt Nam triều, nhà Mạc cứ phải lùi dần trên cả chiến trường lẫn chính trường và do đó không thể trở thành phương tiện hữu hiệu để Nguyễn Bỉnh Khiêm thi thố tài năng mà thực hiện tâm nguyện giúp đời hành đạo. Trong khi đó, sự trọng vọng và đãi ngộ của các vua nhà Mạc đã đưa viên Thị lang tước hầu về trí sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm lên địa vị một viên Thượng thư tước công, một vị “Sơn trung Tể tướng” sau 1542 lại không cho phép ông dứt khoát như những Lê Bá Ly, Nguyễn Khải Khang mà bỏ Mạc về Lê, ghép mình vào với lực lượng đang ngày càng chiếm ưu thế trong việc kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà đã có truyền thuyết rằng ngoài việc chỉ cho Mạc Mậu Hợp rút lên Cao Bằng, ông còn mách nước cho Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, thậm chí còn khuyên cả Trịnh Kiểm cứ giữ danh nghĩa bề tôi nhà Lê mà nắm thực quyền, “giữ chùa thờ Phật mà ăn oản”(1). Việc xuất hiện một chính khách lớn, một chiến lược gia kiệt xuất đủ khả năng giải quyết các vấn đề trọng đại với chính những điều kiện thực tế của hiện trạng chính trị đương thời nếu không phải là một hiện thực của lịch sử thì cũng là một nguyện vọng của xã hội, nhưng đó lại phải là một người ở vào cái thế đứng trên tất cả các phe phái chính trị hay ít ra cũng không gắn bó với lợi ích của riêng bên nào như Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cho nên, ngoài việc thể hiện sự chấp nhận tạm thời của một bộ phận trí thức và nhân dân Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII về hiện trạng chính trị nước nhà, truyền thuyết nói trên còn ít nhiều phản ảnh nhận định của người sau về cuộc đời chính trị của Trạng Trình, một cuộc đời tiêu biểu cho hàng trăm hàng ngàn kẻ sĩ có cả tâm huyết, đức độ lẫn tài năng mà đành để cho “sở học trở nên vô dụng” nói như Vũ Phương Đề vì không có cách nào thực hiện lý tưởng giúp nước lo đời với phương tiện đương thời là chính quyền phong kiến. Đáng tiếc là trên niên biểu Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện vẫn còn nhiều khoảng trống, điều này hạn chế rất lớn tới việc tìm hiểu hành trạng chính trị của ông sau 1542. Song rõ ràng là khác với Nguyễn Trãi, cái bi kịch trong cuộc đời chính trị ấy lại không đưa Nguyễn Bỉnh Khiêm tới một Lệ Chi Viên. Dĩ nhiên, nhân cách chính trị ở cả hai người trí thức lớn này đều sáng ngời một tấm lòng thương dân yêu nước, nhưng thời đại đã cho phép Nguyễn Bỉnh Khiêm đạt tới một quan niệm cũng như một thái độ ứng xử chính trị phù hợp hơn. Nếu chính quyền nhà Lê đối với Nguyễn Trãi gần như là lý tưởng thì chính quyền nhà Mạc đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ là phương tiện – Vũ Phương Đề từng ví việc ông ra làm quan với nhà Mạc như việc Khổng Tử muốn tiến thân với Công Sơn Phất Nữu, loạn thần nước Lỗ thời Xuân thu. Nhưng chẳng phải Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ đơn giản tiến thoái theo kiểu “đời dùng thì làm, đời bỏ thì ẩn” như lời tán dương của Vũ Phương Đề. Đối với ông, việc cáo quan không hẳn đi đôi với việc ở ẩn theo cái nghĩa chán đời thoát tục. Người ta đã thấy ông bộc lộ một quan niệm khá độc đáo về việc hành tàng, xuất xử qua bài thơ vịnh hai cây đa già bên quán Trung Tân:
Sơ phạp đống lương phù đại hạ,
Hảo tương ấm tý cập tư dân.
(Rường cột thiếu tài nâng mái lớn,
Nắng mưa còn tán giúp dân này)
Trung Tân quán nhị lão dung thụ (2)
Lễ hội tại khu di tích đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm |
Không làm được bề tôi lương đống của triều đình thì cũng có thể trở thành kẻ sĩ che chở cho dân một phương, đó hẳn là ước nguyện mà cũng là nhận thức của Nguyễn Bỉnh Khiêm sau lần đầu tiên cáo quan về trí sĩ. Nhận thức ấy cùng với tư tưởng dân là gốc của nước “Cổ lai quốc dĩ dân vi bản, Đắc quốc ưng tri tại đắc dân – Xưa nay nước lấy dân làm gốc, Được nước nên hay bởi được dân” (Cảm hứng) đã giúp ông luôn giữ được sự thanh thản trong tình cảm và đặc biệt là sự quân bình về tâm lý, để cho những khi bất đắc chí trên con đường hoạn lộ, người “thiên hạ sĩ” này có thể lập tức trở thành một vị “địa trung tiên”. Nhưng để đạt được sự ung dung ấy, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dùng những cách thức gì và nhất là những phương tiện nào mà che chở cho nhân dân chẳng hạn ở quê ông vùng Vĩnh Lại, Trung Am khỏi nạn thuế nặng sưu cao, tai trời ách nước? Chỉ có tấm lòng cùng kiến thức, và vị chính khách nơi ông đã hóa thân thành nhà đạo đức trong bài Trung Tân quán bi ký khi viết “Trung là cái chính giữa của tính thiện, Tân là cái bến bãi để về theo…”, triển khai nguyên lý “Trung giả bất thiên bất ỷ vô quá bất cập chi danh” của sách Trung dung một cách rất trung dung nhưng có những khía cạnh phù hợp với đời sống chính trị Việt Nam buổi ấy. Rèn tính thiện, giữ mực trung, suy xét trọn vẹn, hành động nhất quán, thận trọng ở việc, thành tín với người… – những nguyên tắc xử thế bàng bạc màu sắc “minh triết bảo thân” mà Nguyễn Bỉnh Khiêm nêu trong bài Trung Tân quán bi ký hẳn đã được khái quát từ một thực tiễn ứng xử chính trị. Đáng chú ý là trong bài văn bia nói trên, ông lại viết “Thờ cha hết lòng hiếu, thờ vua chớ dối trá”, chứ không viết “Thờ vua hết lòng trung”, nghĩa là không sa vào một cực đoan của tín điều Nho giáo. Cho nên, cùng diễn tả tấm lòng lo nước lúc tuổi già, nhưng khác với Nguyễn Trãi viết trong bài Gián nghị đại phu kiêm Tri Tam quán sự tạ biểu “Sao vãn cảnh đã xế bóng tang du, mà thanh mộng còn vương nơi kim khuyết?”(3) coi triều đình là đất nước, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết trong bài Tự thuật “Lão lai vị ngải tiên ưu chí” (Lo đời, tuổi lớn chưa nguôi chí), lấy xã hội làm non sông. Rõ ràng, với Nguyễn Bỉnh Khiêm, giới nho sĩ – trí thức Việt Nam đã đạt tới một trình độ nhận thức cũng như khả năng ứng xử chính trị cao hơn so với thời gian trước đó. Sự phân biệt vương triều chính thống với văn hóa truyền thống nơi họ đã minh bạch hơn trước, điều này giúp họ vươn lên thành tầng lớp thể hiện và phản ảnh không những quyền lợi và tương lai của đất nước mà còn cả lợi ích và nguyện vọng của nhân dân.
Cần nói thêm rằng với nhân cách và bản lĩnh chính trị của ông, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng chỉ mới đứng trong chặng đầu của quá trình chuyển biến toàn diện có thể coi như một trào lưu lịch sử về tập quán ứng xử chính trị của trí thức Việt Nam thời phong kiến. Có lẽ phải đến nhà nho tài ba và năng động không cam tâm chết già cùng cây cỏ Đào Duy Từ, giới trí thức Việt Nam mới thực sự có được một quan niệm dân chủ và tinh thần tự do trong cả tư duy lẫn hành động chính trị, mặc dù trên phương diện lịch sử, Đào Duy Từ có thể vừa là một nạn nhân vừa là một tội nhân. Nhưng mâu thuẫn giữa nhu cầu được giải phóng trong sinh hoạt chính trị với khả năng đáp ứng nhu cầu ấy của xã hội đương thời đã đặt những Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ trước một sự chọn lựa nhiều khi bi thảm. Người trí thức chỉ có thể được giải phóng triệt để về chính trị khi nào họ không còn bị chi phối bởi các lợi ích phe nhóm và nhất là không còn phải hoạt động trong tổ chức của các lực lượng đối lập với nhân dân.
***
Học sinh trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm |
Xuất hiện ở một thời kỳ khủng hoảng của thể chế quân chủ và suy thoái của tầng lớp thống trị, sự chuyển biến về ứng xử chính trị của trí thức Việt Nam thời Nguyễn Bỉnh Khiêm là một tất yếu lịch sử. Trong giới hạn những điều kiện cụ thể của thời đại mình, với chuyển biến ấy, họ đã giữ được vị trí và vai trò truyền thống trong sinh hoạt chính trị của đất nước, vị trí và vai trò đã được lịch sử xác nhận qua truyền thuyết về việc “làm thầy” cho cả ba tập đoàn Mạc, Lê Trịnh và Nguyễn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Dĩ nhiên, bên cạnh sự chuyển biến nói trên, một quá trình phân hóa toàn diện về tư duy và học thuyết chính trị cũng diễn ra trong nội bộ giới trí thức, nhưng nhìn chung thì sự phân hóa này lại tạo điều kiện cho họ qua thực tiễn nhận thức và hoạt động của mình phản ảnh và thể hiện được chính xác hơn, sâu sắc hơn, toàn diện hơn các quá trình xã hội trong lịch sử của đất nước cũng như những trào lưu tư tưởng trong đời sống của dân tộc. Đó có lẽ còn là sự chuẩn bị của lịch sử cho người trí thức Việt Nam thích ứng được với những xử cảnh chính trị đặc biệt kiểu “Đã có vua lại có chúa” của chính quyền Lê Trịnh ở Đàng Ngoài hay tự xưng là Thiên vương song “vẫn theo chính sách nhà Lê” của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong thế kỷ XVII-XVIII. Hơn thế nữa, với một Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm của nhà Mạc “ngụy triều” rồi một Hoằng quốc công Đào Duy Từ của họ Nguyễn cát cứ, người trí thức Việt Nam đã chứng tỏ được rằng họ hoàn toàn có khả năng kế thừa truyền thống cũng như thi thố tài năng mà không nhất thiết phải ghép mình vào với vương triều chính thống. Theo thời gian, bước trưởng thành về ứng xử chính trị ấy sẽ dần dần được khẳng định, góp phần tạo ra một truyền thống dân chủ chính trị nơi những người trí thức Việt Nam ngày trước, truyền thống đã đem lại cho lịch sử Việt Nam những Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích trong triều đại nông dân Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII và một Cao Bá Quát với ngọn cờ Vũ Thang “Điếu dân phạt tội” ở miền Bắc năm 1851 rồi những Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Hữu Huân, Hồ Huân Nghiệp dưới ngọn cờ cứu nước “chẳng nghe Thiên tử chiếu” ở Nam Kỳ sau Hòa ước 1862.
———————-
(1) Theo Vũ Phương Đề, Bạch Vân am cư sĩ, Nguyễn Công Văn Đạt phổ ký, Công dư tiệp ký,
(2) Trung tâm Học liệu Bộ Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1973, tr. 396 – 415.
Theo Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Hồ Như Sơn, Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, NXB. Văn học, Hà Nội, 1983, tr. 270 (phần phiên âm Việt Hán). Những trích dẫn thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm khác dùng trong bài viết đều rút từ công trình này.
(3) Theo Văn Tân, Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp, Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1973, tr. 205 (bản dịch của Đào Duy Anh).