Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: “Đừng phong tặng danh hiệu nghệ nhân vì rất phù phiếm!”

Quan tâm khai thác, bồi dưỡng nghệ nhân một cách triệt để và thỏa đáng là vấn đề quan trọng của công tác sưu tầm, điền dã và bảo tồn vốn cổ. Nhất là với những chuyên môn lấy di sản văn hóa văn nghệ dân gian làm đối tượng nghiên cứu. Về vấn đề này, PV Tia Sáng đã trao đổi với giảng viên Văn học dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội.

Thực tế cho thấy đã có nhiều nghệ nhân văn hoá văn nghệ dân gian bị “lãng quên” đến tận khi các cụ qua đời. Đây là điều rất đáng tiếc! Theo ông, nên có biện pháp gì đủ mạnh để “cải thiện” tình hình này?
Nguyễn Hùng Vĩ:  Cần sớm quay phim, ghi âm, lập dữ liệu các nghệ nhân hiện còn sống. Đối với các nghệ nhân vào bậc kỳ cựu, người làm tư liệu cần trả tiền một lần cho xứng đáng, có hợp đồng hẳn hoi. Quay phim, ghi âm một nghệ nhân trong thời gian một tuần hay một tháng chẳng hạn, trả họ khoảng vài chục triệu. Có những người nhờ được con cháu nên đời sống ổn định, nhưng nhiều người còn rất khó khăn.

Ngoài kinh phí thỏa đáng nên chăng cần có một sự ghi nhận từ phía cơ quan chủ quản?
NHV: Cùng với tiền là việc cấp Bằng khen của Bộ VHTT, hoặc sau khi khai thác một nghệ nhân thì đề nghị cấp cho nghệ nhân đó Bằng ghi nhận đóng góp vào công cuộc bảo lưu văn hóa truyền thống.

 
Trong một cảnh quay tư liệu ở Bắc Ninh

Ý kiến của ông về việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân của ta hiện nay?
NHV: Đừng làm kiểu công nhận nghệ nhân, rất phù phiếm! Chúng ta nên gọi chung những con người đó là nghệ nhân. Đối với cộng đồng, người ta đã gọi họ là nghệ nhân trước khi các cơ quan nhà nước, cơ quan chuyên môn công nhận rồi! Bằng ghi nhận là một sự thiết thực vì nghệ nhân nào cung cấp tư liệu thì mới được trao. Việc này sẽ khuyến khích họ tích cực tham gia cung cấp, truyền lại nghề. Phong tặng mà thiếu sót và không đủ, không kịp thời với những người tiêu biểu, dễ làm nảy sinh tâm lý tị nạnh, tiêu cực.
NHV: Đừng làm kiểu công nhận nghệ nhân, rất phù phiếm! Chúng ta nên gọi chung những con người đó là nghệ nhân. Đối với cộng đồng, người ta đã gọi họ là nghệ nhân trước khi các cơ quan nhà nước, cơ quan chuyên môn công nhận rồi! Bằng ghi nhận là một sự thiết thực vì nghệ nhân nào cung cấp tư liệu thì mới được trao. Việc này sẽ khuyến khích họ tích cực tham gia cung cấp, truyền lại nghề. Phong tặng mà thiếu sót và không đủ, không kịp thời với những người tiêu biểu, dễ làm nảy sinh tâm lý tị nạnh, tiêu cực.

Với nguồn dữ liệu khai thác được từ việc ghi âm, quay phim, chúng ta nên xử lý như thế nào?
NHV: Nghiên cứu chúng. Bảo vệ chúng thật tốt để trong tương lai, khoa học phát triển hơn, chính chúng ta hoặc đời sau sẽ phát hiện thêm. Rút kinh nghiệm trong thời kỳ chiến tranh, nhiều tư liệu bị hỏng, bị mất mát, thế hệ sau nghiên cứu rất khổ!

Ông chắc chắn là về sau người ta còn có thể phát hiện thêm từ những điều mà hôm nay, rất nhiều người nghĩ rằng đã quen thuộc, đã hiểu hết?

NHV: Ví dụ như một cụ bà hát lạ, một cụ ông hát khác mọi người, đó là những điều đặc biệt để hôm nay và mai sau chúng ta đi sâu hơn. Nhiều nghệ nhân có những sáng tạo riêng rất đáng lưu tâm, họ có vô vàn cái lạ mà chúng ta chưa hiểu hết. Nếu ta đi gặp các nghệ nhân dân tộc ít người còn sống để làm tư liệu về tiết tấu, sẽ có một kho phong phú vô cùng. Ngay đến việc giã cối thôi, nhiều vùng đã có tiết tấu khác nhau rồi! Ghi âm được tiết tấu, nền âm nhạc sẽ thừa hưởng một nguồn tài sản lớn và quý giá. Các nhạc sĩ sẽ không phải đạo nhạc Hàn, nhạc Nhật nữa.

Theo ông, làm tư liệu về các nghệ nhân, nên chú ý điều gì?
NHV: Ghi lại một cách sống động các hình ảnh, hoạt động, lời ca giọng hát, nhạc cụ, phương tiện v.v… Bên cạnh đó cũng cần những đề tài tổng quan với nhiều đề tài nhánh và những “cú đấm” kinh tế mạnh. Anh có thể triển khai, giao các đề tài về các địa phương cho chuyên viên các sở VHTT. Một số nơi như Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM… còn dư dả, chứ ở nơi nghèo như Nghệ An, Thái Bình v.v…, vài chục triệu đã là lớn rồi!

Giao đề tài khắp nơi như thế có đảm bảo chất lượng không?
NHV: Anh phải tập huấn cho họ và có nghiệm thu đàng hoàng. Không những tạo điều kiện để các địa phương khai thác và có ý thức quan tâm hơn tới nghệ nhân, mà anh còn góp phần khởi phát phong trào văn hóa trong xã hội. Cùng với việc khai thác này, đời sống văn hóa sẽ được tái lập, người ta sẽ trở lại với âm nhạc, điêu khắc, văn hoá dân gian.
Tôi xin nói thêm, trong việc này, đừng lập chính sách thường xuyên, vì như thế sẽ tạo gánh nặng cho xã hội. Anh khai thác cái gì thì trả tiền và ghi nhận cái đó. Tôi nghĩ, nguồn ngân sách, nguồn tận dụng từ các tổ chức văn hóa, có thể làm được và nên làm sớm việc này!

Xin cảm ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ!

Dương Xuân (thực hiện)

Theo GS Hà Văn Cầu: vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính được ghi lại từ nửa cuối năm 1956 do cụ An Văn Mược, cụ Đặng Hồng Lô đọc và chép, có đối chiếu với các cụ Trùm Thịnh và Cả Tam; vở Trương Viên thì được thu băng trực tiếp từ Hội nghị biểu diễn của các nghệ nhân chèo cổ năm 1961 – 1963 sau đó lại được đối chiếu với văn bản nôm viết tay của cụ Mược (Ninh Bình) và cụ Cán (Hà Bắc).
Vở Kim Nham  thì còn công phu hơn, được chép tại chỗ từ năm 1954, tại hội diễn Liên khu III của các nghệ nhân hai chiếu chèo Nam và Đông gồm các cụ An Văn Mược, Phạm Hồng Lô, Nguyễn Mầm, Nguyễn Văn Tích. Đến tháng 6 năm 1955, Ban nghiên cứu Sân khấu, Vụ Nghệ thuật và các nghệ nhân trên lại duyệt lại với sự tham gia của cụ Nguyễn Văn Thịnh và cụ Trịnh Thị Lan. Năm 1957, Đoàn chèo Cổ Phong mời nghệ nhân Dịu Hương bổ sung phần múa hát cho nhân vật Súy Vân. Năm 1960, Hội nghị nghệ nhân lại mời các cụ Kiều Trọng Đóa, Định Thị Sửu đóng góp thêm vào lớp múa hát ấy, đồng thời mời cụ Trùm Thức và cụ Trùm Sứng góp thêm lời cho các vai hề. Sáu năm, một vở chèo cổ mới có thể được coi là hoàn chỉnh. Quả là nghề chơi cũng  lắm công phu!
Cho đến hôm nay, 7 vở chèo truyền thống được gìn giữ, bảo tồn đã cho thấy hành trình bảo tồn, sáng tạo nghệ thuật không chỉ tính bằng tháng năm thông thường mà phải được tính bằng đời nghệ sỹ, tính bằng những thăng trầm và lòng nhiệt huyết với nghề tổ. Các nghệ nhân được quy tụ, tập hợp, khuyến khích sáng tạo trong môi trường lao động nghệ thuật đúng hướng và thực chất sẽ mang lại hiệu quả lớn mà thời gian và công chúng thưởng thức nghệ thuật sẽ là thước đo đánh giá chính xác./.

Hoàng Thi

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)