Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nói chuyện về kiến trúc Katu

Sáng 14/06, tạp chí Tia Sáng đã tổ chức buổi nói chuyện Kiến trúc của người Katu với phần trình bày của họa sĩ – nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, người vừa có chuyến đi khảo sát tại hai huyện miền núi Đông Giang và Tây Giang thuộc tỉnh Quảng Nam, nơi tộc người Katu sinh sống.

Ông Phan Cẩm Thượng cho biết, nghiên cứu của ông về văn hóa Katu còn khá sơ sài nhưng sở dĩ ông chọn nói chuyện về đề tài này bởi ông muốn báo động về nguy cơ tiếp tục mai một rồi mất đi vĩnh viễn những giá trị văn hóa đích thực của cộng đồng người Katu.

Ba đối tượng được ông khảo sát kỹ đó là nhà Gươl (nhà cộng đồng), nhà Đong (nhà của từng dòng họ/gia đình), và nhà mồ, mà trong đó nhà Gươl – sự kết hợp hoàn hảo giữa nghệ thuật đan lát và chạm khắc – và nhà mồ đơn giản, hồn hậu nhưng không kém phần đẹp đẽ, theo ông, đều là những tác phẩm nghệ thuật đích thực. Ông nhận xét, kỹ thuật dựng nhà của người Katu hết sức tỉ mỉ, tinh xảo, cho thấy họ am hiểu công dụng của nhiều loại cây cỏ để có thể dùng chúng một cách khôn khéo cho từng phần của công trình. Tiếc rằng kỹ thuật này không được ghi lại trong sách vở mà chỉ được truyền bằng ký ức, từ đời này qua đời khác. Cùng với sự thu hẹp/biến mất của rừng, hiểu biết của các thanh niên Katu ngày nay về cây cỏ đương nhiên không thể bằng cha ông họ.

Ông đặc biệt lưu ý về  các hình khắc động vật biển trên các xà và diềm của nhà Guwowl, coi đó như một dấu ấn của biển trong tiềm thức người Katu.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng còn nhấn mạnh, quan điểm cho rằng nhà lá nhà gianh là hình ảnh của cái nghèo là sai lầm, và nỗ lực muốn tôn hóa các ngôi làng của người dân tộc vừa tốn kém vừa không thực tế. Chỉ có những ngôi nhà mái gianh lợp dày nhiều lớp, mới giúp người dân chống chọi được với cái nóng ban ngày và cái lạnh lúc đêm về ở nơi đây. Bên cạnh đó, thực tế đã chứng minh nhà gianh của người Katu có thể bền đến 50 năm.

Không chỉ phân tích các đặc điểm kiến trúc nhà ở của người Katu, ông còn trình bày một số nét độc đáo trong đời sống của họ như người Katu nuôi lợn nhiều khi chỉ để lấy răng nanh làm vật trang sức cho đàn ông, và con lợn nuôi để lấy răng có giá bằng hai con trâu; hay người Katu quan niệm con người có hai linh hồn – tốt và xấu, và khi họ qua đời, linh hồn tốt luôn được chào đón trở về để sống cùng những người thân.

Tham dự buổi nói chuyện, nhà văn Nguyên Ngọc, người am hiểu sâu sắc về các dân tộc ở Nam Trường Sơn, đã có phần chia sẻ làm rõ thêm một số chi tiết mà nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho rằng mình chưa có điều kiện tìm hiểu thật kỹ.

 

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)