Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân: “Trại điêu khắc đang có nguy cơ bị hành chính hóa”

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về chất lượng các vườn tượng điêu khắc được tổ chức trong mỗi kì Festival Huế mấy năm qua?

Nhận xét của ông về tiêu chí xét duyệt nghệ sĩ tham gia các trại điêu khắc ở đây? Nó đã phù hợp, khách quan, thu hút và “sàng lọc” được những tác giả xuất sắc chưa?
Các tác giả nổi tiếng thế giới tất nhiên không tham gia các trại. Muốn có tác phẩm của họ, ta phải bỏ hàng triệu USD ra mà mua! Các trại thường gửi thư mời các tác giả đương thời có danh ở các nước, cũng có khi họ tham gia, còn phần lớn do đồng nghiệp hay các nhà phê bình giới thiệu với ban tổ chức. Các nghệ sĩ trẻ thường hăng hái nhất vì đây là cơ hội để họ thể hiện mình và có điều kiện làm tượng lớn, được trưng bày nơi công cộng (biết đâu trong số họ lại chẳng có một thiên tài tương lai!). Hơn nữa việc tranh được một hợp đồng tượng công cộng thường rất khó khăn. ở ta chuyện “tranh cướp” hợp đồng tượng đài là rất quyết liệt. Và quý nhất là các trại thường không ràng buộc đề tài như các hợp đồng nên tác giả tha hồ thử sức mình. Các tác giả quốc tế ở Huế cũng từng tham gia nhiều trại quốc tế ở nhiều nước từ Trung Quốc tới Basilia, từ Hàn Quốc tới Châu Âu… nên chất lượng nói chung không phải là kém. Thực tế họ thường trội hơn các tác giả chủ nhà. Số lượng tác giả tới các nước phương Tây khá đông, Châu Á chỉ là một phần thôi nên tính “quốc tế” là có thật.

Ông đánh giá như thế nào về cách thức tổ chức cũng như sự bố trí các tác phẩm điêu khắc của Ban tổ chức? Việc bố trí tác phẩm dọc theo bờ sống Hương có ảnh hưởng mỹ quan một thành phố di sản và tôn vinh được giá trị của chính những tác phẩm ấy?
Đây là khâu yếu nhất của các trại điêu khắc. Với tính chất như trên thì một trại có được 30- 40% các tác phẩm xứng đáng với đô thị đã là một thành công lớn. Các tác phẩm này cần được các nhà design đô thị xử lý hoặc tạo ra một công viên riêng, hoặc bố trí vào các điểm thích hợp trong đô thị. Còn các tác phẩm khác nên được phân tán rải rác vào các địa điểm “ít nhạy cảm hơn”. Các tác phẩm quá yếu có thể phải mang “cất đi”. Tất cả các tác phẩm là quà tặng cho thành phố nên ta hoàn toàn có thể xử lý cho phù hợp với yêu cầu của mình. Khâu này, không chỉ ở Huế, còn bị bỏ quên, kết quả các trại thường vẫn giữ nguyên túm tụm tại một chỗ nên hiệu quả thẩm mỹ chưa cao. Riêng ở Huế việc bố trí tượng (tốt, đã sàng lọc bởi các nhà chuyên môn) dọc sông Hương là hợp lý, không làm xấu mà còn có thể làm đẹp cho đô thị cổ. Còn đối với tác phẩm thì vị trí ấy là lý tưởng rồi! Vấn đề này từng gây tranh luận nhưng thực tế cho thấy “cấy” điêu khắc hiện đại loại tượng vườn vào đô thị cổ là có thể thành công.
Trong mỗi kỳ tổ chức trại, Ban tổ chức không quy định chất liệu sáng tác. Điều đó tạo nên sự phong phú chất liệu cho vườn tượng nhưng cũng gây khó khăn không nhỏ về vấn đề bảo quản. ý kiến của ông như thế nào? Theo ông, thực trạng bảo quản các tác phẩm trong vườn tượng Huế hiện nay là khả quan không?

Chất liệu, chủ đề… là chuyện của ban tổ chức cụ thể tùy theo yêu cầu và điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương. Bảo quản là việc của thành phố và người dân, khi quen rồi người ta cũng không phá mà dần có ý thức bảo vệ tác phẩm “của thành phố mình” hơn. Tuy nhiên tượng vườn là để đối thoại, “chơi đùa”, thân thiện với người dân chứ không phải để chiêm ngưỡng kiểu “không sờ vào hiện vật” như trong bảo tàng! Việc bày nhất loạt lên bục bày hàng, cấm người ta sờ mó, trẻ em leo trèo, chạy chơi quanh tượng như ở Tao Đàn TP HCM là ngược với ngôn ngữ tượng vườn, làm cho các tác phẩm mất sức sống thực của chúng. Có lẽ kém nhất là việc bày tượng như đồ mỹ nghệ quanh Hồ Gươm ở Hà Nội!

Mỗi kỳ Festival là một dịp Huế lại có trại sáng tác điêu khắc quốc tế, điều đó khiến nhiều người lo ngại rằng chẳng mấy chốc Huế sẽ tràn ngập điêu khắc hiện đại và không còn thấy đâu vẻ đẹp của di sản thế giới nữa. Nhiều người cũng băn khoăn hình như điêu khắc được ưu ái quá, tại sao không thay đổi một loại hình sáng tạo khác. Theo ông thì sao?
Trại điêu khắc là một hình thức tốt đối với mỹ thuật Việt Nam và các đô thị Việt Nam hiện nay. So với “tệ nạn” làm tượng đài xấu xí và tham nhũng thì nó vị nhân sinh hơn hẳn. Còn việc mỗi Festival có cần một trại điêu khắc hay không là việc của BTC Festival và của mỗi đô thị. Mới đây ở Vũng Tầu tôi cũng nêu gợi ý về “nguy cơ” trở thành phong trào, bị “hành chính hóa”, làm cho có của các trại điêu khắc. Tất nhiên có nhiều cách để nâng cao chất lượng các trại từ việc chọn mới tác giả, chọn chất liệu, chủ đề, phong cách. Đó cũng là một khâu chuyên môn cực quan trọng của các trại. Và việc này cũng có phần bị bỏ quên. Nhà điêu khắc Nguyễn Hiền, người trực tiếp điều hành ba trại vừa qua ở Huế cũng đã nói sẽ tìm hình thức khác cho điêu khắc hiện đại ở Huế thí dụ như làm một vườn tượng ở chân núi Ngự Bình với các tác giả tác phẩm xuất sắc để hình thành một bảo tàng ngoài trời chứ không “điêu khắc hóa” toàn bộ hai bờ sông Hương được. Tôi nghĩ điêu khắc hiện đại thực sự không bao giờ làm hỏng “di sản” của UNESCO được! Đúng là có nhiều hình thức để đưa nghệ thuật đến với môi sinh và cộng đồng mà Trại điêu khắc quốc tế là một cách rất tốt nhưng không phải là duy nhất. Cần bỏ ảo tưởng về những giá trị vĩnh cửu của tác phẩm nghệ thuật, thứ đó cực hiếm, như Truyện Kiều vậy. Lại còn quan niệm “cúng tế” chen vào nghệ thuật công cộng làm người ta không dám thay một “biểu tượng”, một tượng danh nhân hay lãnh tụ mà ai cũng biết là quá xấu bằng một thứ gì khác. Điều đó phản nghệ thuật và phản dân sinh. 
Nhận xét của ông về việc các địa phương đang “đua nhau” tổ chức trại sáng tác điêu khắc, sau đó xây dựng vườn tượng tại chỗ và hiện tượng đang tràn lan trên  quy mô toàn quốc hiện nay?

Festival, vườn tượng, trại điêu khắc là ba việc khác nhau, không nhất thiết “dính lương” với nhau. Trại là để sáng tác và đô thị có một số tác phẩm mà mình cần. Không có Festival vẫn cần làm trại và ngược lại. Còn vườn tượng là việc quy hoạch văn hóa đô thị. Tác phẩm của các trại có thể dùng làm vườn tượng (cách này rẻ nhất và phong phú) nhưng cũng có thể được đặt để mọi nơi từ công sở, trường học, vườn hoa, khu mua sắm, trên đường đi… theo nghệ thuật thiết kế đô thị. Các địa phương, các ban tổ chức dần dần sẽ ý thức được việc này và sẽ xử lý kết quả của các trại tốt hơn. Có một thực tế là mời được các tác giả giỏi, thích hợp với mong muốn cụ thể của mình không dễ. Mặt khác các trại diễn ra với mật độ cao cho thấy năng lực của các tác giả điêu khắc nước ta không phải là vô tận mà rất “có giới hạn” và chưa có “tay nghề” cao, quan niệm hay về thể loại tượng vườn vì lâu nay chỉ quen làm tượng đài, tượng mỹ nghệ và tượng trang trí kiến trúc khá máy móc mà thôi.
 
Sau một thời gian theo dõi và trên cơ sở đánh giá giá trị của các vườn tượng điêu khắc, ông có đề xuất gì cho các địa phương trong quá trình tổ chức hoạt động này?
Tôi vẫn tin rằng trại điêu khắc là một hình thức hoạt động nghệ thuật tốt, thích hợp với bước phát triển đô thị ở nước ta. Sau một thời gian làm quen với nó, đã đến lúc ta cần làm chủ nó một cách sáng tạo hơn. Tôi không có kiến nghị gì vì đó là những tác nghiệp chuyên môn của từng địa phương, từng Festival, từng ban tổ chức.

Xin cảm ơn ông.

Lê Mỹ

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)