Nhà văn không phải là người hầu của sử gia
Nhà văn Pháp gốc Séc Milan Kundera vừa trở thành một trong số ít các nhà văn được Tủ sách Pléiade danh giá tôn vinh khi còn sống (1). Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu bài trả lời phỏng vấn được nhiều người quan tâm của ông chung quanh tiểu thuyết L'Ignorance (Vô tri) trên tuần tạp chí L'Express (2). 
Vô tri là tiểu thuyết thứ ba viết bằng tiếng Pháp của ông. Quan hệ của ông với ngôn ngữ này đã tiến triển như thế nào? Ông còn hoài nhớ tiếng Séc như khi nhân vật Josef trò chuyện với bạn N của mình bằng tiếng mẹ đẻ?
“Tất cả chúng ta đều chìm đắm trong sự ngu muội, vô tri. Không nên xem vô tri như một khiếm khuyết về trí tuệ mà phải xem nó như cứ liệu cơ bản của thân phận con người.” |
Không, không có hoài nhớ. Bởi vì trái với Josef, tôi nói chuyện bằng tiếng Séc với vợ tôi hàng ngày. Nhưng từ mười tám năm nay, thế giới xung quanh tôi là thế giới Pháp ngữ. Thế giới đó nói với tôi bằng tiếng Pháp và tôi nói với thế giới đó bằng tiếng Pháp. Thế nên, hàng ngày tôi có thể nhận ra sự khác biệt rõ ràng giữa tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ. Khi tôi nói bằng tiếng Séc, ngôn từ tuôn ra một cách tự nhiên, không thể kiểm soát, theo phản xạ đã có trong trí não tôi từ hồi còn nhỏ. Thế nhưng tiếng Pháp với tôi không có gì gọi là tự động cả. Tất cả đều có ý thức. Tất cả đều được suy nghĩ chín chắn. Được cân nhắc. Kiểm soát. Và cũng mới nữa. Được chinh phục. Bất ngờ. Trở nên quyến rũ. Mỗi từ, mỗi hình thức ngữ pháp. Tôi rất mê mối quan hệ có ý thức cực điểm này với ngôn ngữ. Nó không mâu thuẫn với văn phong của tôi. Từ lâu, văn phong của tôi được chi phối bởi sự rõ ràng, giản dị, minh bạch, chính xác.
Khi đọc tiểu thuyết của ông, có cảm giác như sự lưu đày vượt qua bối cảnh chính trị, nó là số phận của tất cả mọi người, là dữ kiện cơ bản của cuộc sống. Như thể con người mãi mãi bị lưu đày trong chính bản thân mình. Ông nghĩ sao?
Lưu vong là kết quả của những sự bùng nổ chính trị kinh khủng. Nhưng anh có lý, nó đồng thời là sự lưu vong nội tâm trong phiên bản thầm kín của nó, là “cái phận của mọi con người”. Nhà văn không phải là kẻ đi hầu các sử gia. Nhà văn không muốn kể lại hay bình luận về Lịch sử mà chỉ muốn khám phá những khía cạnh mà người ta chưa biết về cuộc sống con người. Các sự kiện lịch sử trọng đại với nhà văn như một cái máy chiếu bất ngờ soi rọi và phô bày những khía cạnh bị giấu kín đó. Quả thế, thương nhớ là gì nếu người ta loại bỏ tất cả những sáo ngữ tình cảm liên quan đến nó? Bên cạnh nỗi thương nhớ quê hương xứ sở xa cách, phải chăng còn có nỗi nhớ thương về sự lưu vong mất mát? Bên cạnh nỗi nhớ về Pénélope, còn có nỗi nhớ về Calypso? Còn ngày trở về, Ngày Trở Về Trọng Đại? Nhưng có còn ngày trở về không trong thế giới mà Lịch sử rất nhanh tiến về phía trước và tái tạo hàng ngày những cảnh vật đã từng là của chúng ta? Và ký ức là gì? Ở đâu tôi cũng nghe những khẩu hiệu về “nghĩa vụ ký ức”, về “công tác ký ức”, nhưng cả hai nhân vật trong tiểu thuyết của tôi về nước sau hai mươi năm xa cách cảm thấy bị sốc trước “một điều hiển nhiên: thực tế vốn có không còn nữa; tái lập thực tế đó là một việc làm bất khả”. Lãng quên xóa nhòa quá khứ; ký ức thay hình đổi dạng dĩ vãng. Tất cả chúng ta đều chìm đắm trong ngu muội, vô tri. Không nên xem vô tri như một khiếm khuyết về trí tuệ mà phải xem nó như cứ liệu cơ bản của thân phận con người.
Ông có thể nói về bố cục tiểu thuyết này không? Nhịp độ của cuốn sách này mỗi lúc mỗi nhanh, thế nhưng người đọc lại đọc nó mỗi lúc mỗi chậm: phải giảm tốc độ đọc vì sự căng thẳng đến chóng mặt của câu chuyện.
Ông vừa nêu lên lý tưởng bố cục tiểu thuyết của tôi. Tôi thường nói rằng ba cuốn tiểu thuyết viết bằng tiếng Pháp mới nhất của tôi lấy cảm hứng từ fuga2. Quả thế, fuga là một bài học lớn về sự hoàn hảo của hình thức, có giá trị cho mọi loại hình nghệ thuật. Nguyên tắc đa thanh của nó đòi hỏi từng chi tiết, mỗi khi được bày ra, biến thành một mô-típ. Mô-típ này sẽ tái hiện đi tái hiện lại, biến đổi, ám chỉ nhiều lần xuyên suốt tác phẩm. Trong Vô tri, đó là những mô-típ về thương nhớ, lãng quên, về Ulysse, Arnold Schönberg, về tấm gương (Irena, Milada, người mẹ, Gustaf đều mê gương), về một chiếc áo thun rộng thùng thình có in gương mặt của Kafka, nội thất một ngôi nhà ở Đan Mạch (mà Josef luôn bị ám ảnh), âm nhạc biến thành sự ồn ào, v.v… Những mô típ này in đậm trong ký ức của người đọc, từ khi chúng xuất hiện đến khi tiểu thuyết kết thúc. Đó là lý do mà nửa sau của tác phẩm dường như đẹp hơn nửa đầu, phong phú hơn, “căng thẳng” hơn như anh nói; bởi vì người ta càng đi sâu vào tiểu thuyết, âm vang của những câu nói, của những chủ đề được đề cập càng nhân rộng và hòa quyện vào nhau để ngân vang từ mọi phía. Đó là cái mà trong thuật ngữ âm nhạc người ta thường gọi là “đoạn đuổi dồn”, phần cuối của fuga mà đặc trưng của nó là một lối viết rất chặt.
André Clavel thực hiện
Nguyễn Duy Bình dịch từ L’Express số ra ngày 03/04/2003
—
1. Đến nay mới chỉ có 12 trong tổng số gần 200 tác giả có tác phẩm được Tủ sách Pléiade giới thiệu khi còn sống.
2. Từ năm 1985, Milan Kundera không nhận trả lời phỏng vấn với báo chí, nhưng ông đã đồng ý trả lời bằng văn bản các câu hỏi của L’Express.
3. Nhạc phức điệu, nhiều bè.