Nhân chuyện Nguyễn Huy Thiệp đi bắt chim*

Chim trời cá biển biết đâu mà lần, Nguyễn Huy Thiệp bắt con chim nào đây?

Trả lời cho câu hỏi mở đầu này dẫn ta đến khái niệm đối tượng. Trong các ngôn ngữ phương Tây, đều có chữ objet nội dung na ná nhau mặc dù cách ghi âm có chút khác biệt, vừa có nghĩa là “đồ vật” và cũng đều có nghĩa là “đối tượng”. Đồ vật trên đời này thì nhiều, nhiều đến vô số. Chính vì thế mà khi được ta quan tâm nên tìm cách kéo nó lại gần, thì cái đồ vật bất kỳ nào đó trở thành đối tượng của ta. Kéo đồ vật lại gần đến mức, nếu chiết tự tiếng Hán-Việt, thì “đối tượng” có nghĩa là cái “tượng”, cái “hình”, cái “vật” đem đặt ngay trước mặt ta. Có ở trong tư thế mặt giáp mặt chiền chiền như thế thì mới xem xét được cái đồ vật đó. Thậm chí đã mặt giáp mặt rồi mà còn dùng kính hiển vi điện tử phóng to hàng trăm nghìn lần mới thỏa.
Con chim là đối tượng của Nguyễn Huy Thiệp lại không giống như con chim là đối tượng của giáo sư Sinh vật học Võ Quý, nó đang bay trên trời hoặc nó đang ngủ gà gật ở rừng Cúc Phương; đây là con chim theo nghĩa bóng. Vì cái “đồ vật” văn chương được Nguyễn Huy Thiệp săn bắt là cái đồ vật tồn tại bằng nghĩa bóng và đòi hỏi được cư xử theo nghĩa bóng. Nói toạc ra, đó là con chim Văn. Là cái đồ vật Văn. Nó nằm lăn lóc chưa thành văn trong đầu óc các nhà văn, nó nằm lăn lóc trên các trang bản thảo dở dang,  và nó còn nằm lăn lóc trên các trang sách đã in chưa in và không in. Nguyễn Huy Thiệp muốn kéo cái đồ vật Văn tản mát đó lại gần, biến nó thành đối tượng xem xét, để tìm cách hiểu cho thấu đáo cái đồ vật được anh rất quan tâm, và không chỉ riêng anh quan tâm, đó là “cái” Văn, đó là “con” Văn, bây giờ nó thành đối tượng Văn.
Tại sao có mỗi một “con chim” bé bỏng con con ấy mà lắm người quan tâm đến thế?
Trước hết là tại thực trạng các nhà lý luận Văn vẫn chưa chịu xác định đối tượng Văn song vẫn cứ tạo ra một thứ lý luận Văn “phải đạo” nào đó. Hoặc diễn đạt cách khác, cái quen được gọi bằng lý luận Văn xưa nay vẫn là sản phẩm của thứ hành động chẳng cần biết rõ đối tượng Văn đầu cua tai nheo ra sao.
Thật thế ư? Đến nỗi vậy ư?
Thì cứ xem cả một Hội nghị lý luận Văn với vài trăm con người mà chỉ đẻ ra vài ba báo cáo nổi tiếng. Tiếc rằng đó lại là mấy báo cáo có nội dung sai về lý luận. Mấy người bạn tôi, đều đạo cao đức trọng hơn tôi, bỗng dưng đòi tự do sáng tác(!). Thế là sai về lý luận rồi. Vậy vẫn chuyện tự do sáng tác, thế nào thì đúng về lý luận? Sẽ là đúng nghĩa lý luận nếu các bạn của tôi lý giải được vì sao không có tự do mà vẫn có tác phẩm để đời– và định lý đảo, có khi được ban phát ê hề tự do, mà vẫn không có tác phẩm hay.
Dẫu sao các bạn tôi cũng vẫn không rơi vào lối “lý luận, phê bình” theo cung cách của mấy viên trương tuần: cầm cái tay thước– và bây giờ thì thêm cuốn từ điển ảo Kakapedia– để chỉ chỏ khen cái này chê cái kia mà tuyệt nhiên không ai hiểu vì sao cái ấy lại được khen trong khi cái kia lại bị chê.
Phần còn lại vẫn mới là mon men đến bên rìa đối tượng. Trong những nỗ lực đó, thật đáng trân trọng vô cùng những nhà nghiên cứu cần cù đang dày công sưu tập vô vàn tư liệu thực chứng – tiếc rằng sưu tập xong rồi, chừng nào đã kéo được cái đối tượng tới gần gần rồi, nhưng vẫn chưa có ai dựa vào số tư liệu ít ỏi nhưng quý báu đó để lập ngôn về lý luận Văn.
Cũng nên trân trọng nữa công lao của những nhà phê bình mà ta nên tạm gọi là những người đi “trinh sát tác phẩm mới”. Song cũng đáng tiếc, phần lớn đó mới là những lời khen tốt bụng hơn và thông minh hơn “lý luận” của các ông trương tuần. Nhưng vẫn chưa thấy ló ra chút gì là lý luận Văn chương.
Chuyện có hay không có lý luận Văn, chuyện lý luận Văn đúng hay sai thực ra không thuộc phạm vi cái đối tượng cá nhân tôi quan tâm. Bạn bè gần xa đều rõ, tôi chỉ có hai việc làm, hai mối quan tâm. Một là thực nghiệm và đúc kết công việc dạy Văn ở bậc tiểu học (rồi có ai muốn ngoại suy ra các bậc khác thì tuỳ tâm), và hai là, khi có hứng thú thì nghêu ngao mấy trang viết. Bất chợt sau khi nhận đựoc giấy mời dự Hội nghị Lý luận-Phê bình, thì do đã đoán trước được kết quả, nên cũng bớt chút thời giờ hiếm hoi lúc cuối đời viết vài ba điều phải trái, có thể tóm tắt như dưới đây.
Trước hết, nghĩ rằng, các nhà lý luận cần định nghĩa lý luận là gì đã. Tôi đã thử định nghĩa cái ấy như sau: lý luận chỉ ra hướng đi và cách thực hiện để đẩy bất kỳ đối tượng nào đến trình độ lý tưởng. Vậy là, muốn có trình độ lý tưởng của Văn ở bậc nào thì sẽ phải có lý luận Văn ở tầm đó.
Có điều là, Văn không chỉ nằm ở những văn bản đã được công bố. Đối tượng Văn thực sự nằm kín đáo ở trong lòng và trong hành động của hai loại người – nhà văn và bạn đọc.
Ở nhà văn, đó là quá trình làm ra tác phẩm văn chương. Quá trình đó nói chung gồm ba giai đoạn khác nhau. Trước hết có giai đoạn nung ủ với nhiều phẩm chất vô thức lẫn lộn với tính ý thức. Tiếp đó là giai đoạn ý thức hoá một cách vô thức cái đã hình thành trong giai đoạn nung ủ. Tiếp đó mới là giai đoạn hoàn thành văn bản. Một nhà văn thứ thiệt sau khi hoàn thiện giai đoạn thứ ba gần như sẽ ngay lập tức nung ủ một đứa con tinh thần tiếp theo. Vì đặc điểm của nhà văn đích thực là không bao giờ thỏa mãn với sự biểu đạt của mình.
Công việc lý tưởng đối với người hưởng thụ tác phẩm văn là làm lại quá trình tâm lý mà nhà văn từng trải nghiệm. Công việc đó tiến hành thuận lợi hơn cả trong một nhà trường có cung cách dạy Văn đúng đắn. Người học phải huy động được sức tưởng tượng của mình để sống lại – càng như thật càng tốt – cái trạng thái tâm lý trong khi nung ủ tác phẩm trong lòng nhà văn. Tiếp đó, người học sẽ hành động hệt như nhà văn, sẽ chọn lựa và trau chuốt những ngôn từ này thay cho những ngôn từ khác trong tiến trình tạo ra hình ảnh và cấu trúc tác phẩm.
Một người học văn được thỏa mãn về tâm lý như vậy sẽ trở thành một độc giả tiềm tàng cả đời về sau. Đó sẽ là một độc giả suy tưởng của một nền văn hóa đọc, thay vì là người tiêu thụ những tác phẩm nghe nhìn để giải trí.
Một nền lý luận Văn ít nhất cũng phải nghiên cứu tâm lý hai loại người đó. Xin nhắc lại, đó là tâm lý của loại người làm ra tác phẩm văn học, và tâm lý của loại người làm lại tác phẩm đó một lần khác trong lòng mình. Nguyễn Du làm ra tác phẩm Truyện Kiều. Chu Mạnh Trinh, Tự Đức và Cao Bá Quát làm lại ba cô Kiều khác nhau và có ba tác phẩm Kiều khác nhau. Nghiên cứu vào phương diện tâm lý sáng tác và tâm lý cảm nhận đó may ra sẽ giúp ta tránh được nạn vàng thau lẫn lộn, và cũng tránh được cả sự hàm hồ. Cái lợi nhỡn tiền của việc làm lý luận theo cách đó là sẽ giúp ta tránh được việc bắt công chúng độc giả, nhất là bắt học sinh phổ thông, phải đọc và học những “tác phẩm” xoàng xĩnh, vô bổ, những sản phẩm văn chương dù có rao giảng khản cổ cũng vẫn không gợi được hứng thú để họ làm lại thành tác phẩm đích thực cho riêng mình.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là một người tràn trề sức sáng tạo văn chương với những xung lực bao gồm cả hai mặt ý thức và vô thức. Mọi hành vi của nhà văn này đều bộc lộ sức mạnh tâm lý nội lực đó. Sẽ rất nhầm nếu nghĩ Nguyễn Huy Thiệp “nhảy” sang lý luận để được nổi tiếng. Anh cần sự đồng cảm trước, anh thích tiếng tăm sau.
Chính vì thế mà anh tỏ ra sốt ruột trước thực trạng nền lý luận Văn. Một thứ lý luận làm hại anh, khiến anh bị bớt đi rất nhiều bè bạn. Một thứ lý luận dẫn tới cho anh những người hâm mộ mà giá như họ đừng hâm mộ thì mình còn thấy ấm áp hơn nhiều. Một thứ lý luận làm cho hàng chục triệu học sinh không có điều kiện đồng tình, phản đối, tranh cãi, hòa thuận cùng anh. Một thứ lý luận khiến anh buồn bã không biết mình có nên viết văn nữa hay là nên đi vẽ tranh gốm nghịch ngợm chơi…
Nhưng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không có hoàn cảnh xây dựng một nền lý luận Văn chính cống. Nhà văn cũng không có trách nhiệm ấy tuy rằng vẫn có lý luận của riêng mình và lầm lũi thực thi cách đẩy Văn đến trình độ lý tưởng và là trình độ lý tưởng theo quan điểm của riêng mình. Thi thoảng, anh phóng bút một thân một mình giăng một mẻ lưới bắt con chim đối tượng Văn ấy. Thực ra là giới thiệu chính con chim Văn ấy ở trong lòng mình. Dù có nói đến Đồng Đức Bốn, có nói đến Vi Thùy Linh, có nói đến Bảo Sinh… thì cũng chỉ là xả hơi bộc lộ hết tâm can mình. Anh viết lý luận theo cách “bất cần” lý luận, vì trong từng dòng chữ, ta vẫn chỉ thấy một nụ cười buồn “đây không phải công việc của ta”. Bần cùng lắm ta mới phải làm thay quý vị và các bạn…
Không rõ tôi đã hiểu đúng Nguyễn Huy Thiệp chưa.
Điều tôi biết chắc chắn, ấy là tôi tự hiểu chính mình.
———–
*Giăng lưới bắt chim tập tản văn và tiểu luận của Nguyễn Huy Thiệp, Hội Nhà văn và Công ty Đông A xuất bản, Hà Nội, 2005, giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội 2006.

Châu Diên

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)