Nhiều cây nên không thấy rừng

Nối tiếp chủ đề: Quá khứ, di sản và bản sắc văn hóa trong đời sống đương đại ở Việt Nam, Tia Sáng đã có cuộc trò chuyện với GSTS Triết học Thái Kim Lan để góp thêm một góc nhìn của người Việt Nam ở nước ngoài về bản sắc văn hóa dân tộc.

Thưa giáo sư, ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều ý kiến khác nhau về bản sắc văn hóa dân tộc. Vậy theo quan niệm của GS bản sắc văn hóa của một dân tộc là gì?
Bản sắc theo tôi có thể xem như một quá trình nhận diện của mỗi người đối với những yếu tố xã hội, văn hóa mà con người tiếp cận, nói chung, đối với trào lưu hay truyền thống văn hóa mà mỗi người đã và đang nhận lãnh. Đó là một quá trình “nhất thể hóa nhân cách” (persoenliche Identifizierung), trong trường hợp này trên bình diện văn hóa, có nghĩa, trong khi thu nhận một yếu tố văn hóa, – văn hóa trong nghĩa rộng của văn hào Goethe: “phải kể đến cả y phục lẫn ẩm thực, cả lịch sử lẫn triết học, cả nghệ thuật lẫn khoa học, cả trò chơi trẻ con lẫn tục ngữ, cả khí hậu lẫn phong cảnh, cả kinh tế lẫn văn học, cả chính trị lẫn tư riêng… và ngay cả hướng dẫn về những tai hại đốn rừng phá núi cũng phải được nêu ra khi đề cập đến khái niệm văn hóa” – chúng ta ít nhiều – vô thức hay có ý thức, tự học hay được uốn nắn – đã đồng hóa yếu tố ấy như là một thứ “bản sắc” hay “cá tính” riêng. Cá tính này nổi bật nhất khi ta có dịp va chạm hay so sánh với những cái “khác ta”, từ đó tự phản tỉnh và nhận diện được trong quá trình đào tạo hay xây dựng nhân cách, chúng ta đã “lấy” làm “của riêng” cho mình, hay đồng hóa yếu tố được thu nhận từ bên ngoài như một thứ bản ngã của chính ta, như một kiểu nhận ra “bản lai diện mục” theo danh từ Phật học, một thứ “nguồn cội nhân cách văn hóa” của một người hay của nhóm người hay nói rộng hơn, trong quá trình lịch sử của đời người hay của một dân tộc, chúng ta nhận diện “sắc thái riêng”, bản sắc của ta, của dân tộc.

 
Chuông nón- Văn Thanh

Quá trình nhận diện ấy là một tiến trình biến đổi, nhưng đồng thời cũng là một tiến trình “nhất thể hóa” của “bản ngã” trong nghĩa tương đối. Một ví dụ cụ thể: khi đến nước Đức lần đầu tiên, mỗi ngày được cho ăn bánh mì, sau một tuần, thèm cơm. Khi tìm được bao gạo, tôi có cảm tưởng tôi tìm được “tôi” hay “cái ta Việt Nam” trong tôi, so với xì dầu “magi” của Đức, thì “nước mắm” là “bản sắc” của tôi! So với hoa tuylíp thì hoa sen là “bản sắc” của đất nước tôi.
Trong tâm trạng của những người sống xa quê hương như chúng tôi, ý thức “bản sắc văn hóa Việt Nam” nổi cộm rõ rệt trong từng giai đoạn, nhất là trong thời gian ban đầu ở trên đất lạ, bởi vì chúng tôi thường xuyên va chạm với “cái khác mình” đang diễn ra chung quanh, đó là một cuộc đối thoại hay xung đột hầu như âm thầm nhưng dai dẳng giữa cái “ta” Việt Nam đã có sẵn và một cái “ta” khác đang thành hình trong một tình trạng “tranh chấp” giữa “đáp ứng” hay “đồng hóa” với cái khác ấy. Chính trong quá trình “tìm kiếm nhân cách mới” ấy, cuộc trở về bản sắc văn hóa xảy ra trước hết để xác nhận “cái khác” của ta đối với người, lắm khi nó được hiểu như một sự giữ thể diện, mà có lẽ khi ở Việt Nam ta sẽ tự chế diễu là “sĩ diện hão”, nhưng ở nơi khác, bản sắc văn hóa ấy trở nên cụ thể với những biểu tượng chiếc nón lá trên cánh đồng lúa, chiếc áo dài trên xe đạp… Khi chúng tôi trình diễn văn nghệ cho bạn bè ngoại quốc xem, thì chiếc áo dài, chả giò (nem rán) chiếc nón bài thơ, chứ không phải quần jean, bánh mì, nón vải được trưng bày. Và Nguyễn Du, ca dao được hát lên cứ không phải nhạc disco và biểu diễn thời trang áo đầm, quần tây.
Trong nhiều trường hợp, đối với người Việt ở hải ngoại, sự trở về “bản sắc” – đôi khi chỉ là con cá bống kho khô – không phải là một lý tưởng vĩ đại mà là một thôi thúc tự nhiên, nếu không muốn đồng hóa thành “tây con” hay “đầm con”.

Lại nói về sự khác biệt, người Việt ở hải ngoại hay bị lầm là một người Châu Á nào đó, thường thì hay bị xem là người Trung Quốc chẳng hạn?

Đối với người Âu châu, tất cả những người Á châu đều bị coi là người Trung Quốc, hay người Nhật, tùy theo sự hiểu biết và thông tin của Âu châu về Á châu. Cho đến nay vẫn có một số người Việt Nam khi ra nước ngoài đôi lúc cũng không muốn nhận mình là người Việt Nam nữa, cứ nhận đại là người Trung Quốc hay người Thái Lan cho khỏe, khỏi bị chất vấn thắc mắc lôi thôi. Tuy nhiên với thời gian, “chạy trời không khỏi nắng”, không sớm thì muộn, nhân dạng “mít” vẫn là “mít” lộ nguyên hình. Những thập niên gần đây, cộng đồng người Việt tại hải ngoại đang cố gắng bảo vệ hay “bảo thủ” (trong tương quan với thế hệ trẻ) bản sắc văn hóa dân tộc mà họ đã một thời thấm nhuần. Tính thuyết phục đối với lớp trẻ còn tùy theo truyền thống giáo dục gia đình, và xa hơn nữa, tấm gương Việt Nam, mảnh đất đã phát sinh ra truyền thống và bản sắc ấy. Liệu Việt Nam có thuyết phục được giới trẻ trọng bản sắc của mình hay khi đến đây họ chỉ thấy sự bắt chước – chưa tinh xảo –  rập khuôn Tây phương? mà hình như chính lớp trẻ tại bản địa cũng đang tìm cách vượt lên, trong nghĩa thế động của văn hóa. Tôi muốn nói, cả Tây phương cũng đang chuyển động thay đổi hướng về Đông phương, trong lúc chính giới trẻ tại bản địa lại đang chạy theo Tây phương, muốn được Tây phương hóa. Một cuộc chạy đua văn hóa đang diễn biến trên địa cầu trong cơn sóng toàn cầu hóa. Liệu bản sắc Việt Nam trôi giạt về đâu, đó là câu hỏi mà chúng ta đang tìm một trả lời thỏa đáng trong lúc hướng dẫn thế hệ đang được đào tạo.

Đôi khi nói với một người nước ngoài: Tôi đến từ Việt Nam, thì người ta nghĩ đến ngay chiến tranh. Trong khi đó, cùng một câu trả lời nếu là Trung Quốc người ta nghĩ đến Vạn lý trường thành; Nhật Bản là những chàng Samurai với tinh thần võ sĩ đạo… Vậy phải chăng văn hóa chúng ta không đủ mạnh để tạo ấn tượng, hay bản sắc chúng ta không có?

Tôi không nghĩ như thế, quả thật các nước như Nhật Bản hay Trung Quốc đối với người Âu châu đã đưa ra được những thương hiệu văn hóa trên thế giới, hoặc đơn giản là họ có những thương hiệu thương mại như: Toyota, Nikon, made in China. Điều đó không có nghĩa là quốc gia đó có bản sắc văn hóa hơn chúng ta.
Khi nói đến Việt Nam, người ta nghĩ đến những cuộc chiến tại Việt Nam trong suốt hơn trăm năm. I.Kant cho rằng chiến tranh là biểu hiện tính chiến đấu của con người để trở thành văn minh. Nhưng nếu chỉ giữ tình trạng luôn luôn báo động của chiến tranh, con người sẽ không hạnh phúc. Nếu cho hạnh phúc an lạc là mục đích đời sống của người dân, thì chính phát huy hòa bình là sự bảo đảm cho mục đích ấy. Trong một bài viết bảo vệ dự án đưa tuồng Đông Lộ Địch sang Đức, tôi đã nhấn mạnh với người Đức rằng: Họ chỉ biết một Việt Nam trong chiến tranh chứ không biết một Việt Nam trong hòa bình với những giá trị về văn hóa, văn học nghệ thuật đặc sắc. Có phải khi nói như thế tôi đã có hậu ý về “bản sắc văn hóa” mà tôi đã mang theo khi du học?

Bà vừa nhắc tới vở tuồng Lộ Địch, nhưng đó là một vở tuồng đã được phóng tác từ một vở bi kịch của Corneille?

Nội dung là của Pháp nhưng đã được Ưng Bình phóng tác thành tuồng hát bội hay, và tác giả đã đổi đoạn kết theo tinh thần của Phương Đông. Tôi nghĩ đây là một thí dụ tiêu biểu trong cuộc tiếp xúc với một nền văn hóa khác, trong đó tính sáng tạo nghệ thuật theo tâm hồn Việt Nam đã được gìn giữ và triển khai.

Nhân câu chuyện về vở tuồng Lộ Địch, nhiều người cho rằng: Bản sắc của người Việt Nam thiên về sự bắt chước, nhưng phiên bản nó không giống mẫu được bắt chước và nó là một cái gì đó… rất Việt Nam…?

Tôi sẽ đồng ý với quan điểm này nếu nhấn mạnh vào điểm uyển chuyển ở trong tinh thần của người Việt Nam. Nhưng có lẽ chúng ta phải phân biệt hai giai đoạn. Theo tôi có một khoảng thời gian chúng ta ít nhiều bị gián đoạn lịch sử, gián đoạn văn hóa. Tôi phải thành thật mà nói như vậy vì đúng là có thời gian chúng ta đã muốn từ chối bản sắc của mình, từ đó dẫn đến sự gián đoạn về bản sắc.
Một ví dụ về chiếc áo dài. Tôi trở về Huế năm 1977, hí hửng và trang trọng mặc áo dài đi ra đuờng. Ở Hà Nội, một em bé reo lên, cô Liên Xô! Còn ở Huế không một người phụ nữ nào mặc áo dài, họ chôn xuống dưới đất, giấu tận đáy rương của họ, họ mặc một thứ gì đó, chứ không dám mặc áo dài. Mãi đến đầu năm 80, chính tôi là người tặng cho trường Hai Bà Trưng (Đồng Khánh cũ) 20 bộ áo dài để các em mặc lúc tiếp tân. Đó đã là một sự gãy vỡ  trang phục, mà khi được hồi phục, thể cách của nó mang dấu vết của “xác chết”, của sự “chắp vá”, nghĩa là tính sinh động của nó hầu như mất đi. Tôi hi vọng sẽ trở lại với đề tài này kỹ hơn, có lẽ cũng vì, chiếc áo dài là niềm “tự hào” bản sắc của tôi lúc ở nước ngoài, dù có ăn vận âu phục sành điệu đến đâu, tôi thấy mình là mình nhất trong chiếc áo ấy.
Theo tôi, sự từ chối bản sắc ít nhiều đang mang dấu vết khủng hoảng trong đời sống văn hóa của thanh thiếu niên hiện đại, mà nếu không khéo đặt ra, cuộc trở về bản sắc sẽ thành trở ngại hơn là làm sống lại.
Như làm lại lễ vua Hùng chẳng hạn, đó là một sự nhắc lại, nhưng đó là kịch bản chứ không phải là đời sống văn hóa trong tính sinh động của nó. Nếu là kịch bản thì bản sắc sẽ không còn nữa, vì nó có những khán giả đứng ngoài để nhìn kịch bản đó.
Theo tôi, trở về bản sắc văn hóa dân tộc cần có yếu tố tự thấy mình ở trong đó. Một hoạt động khởi động bản sắc là hoạt động mà con người tự nhận diện được mình. Có nhiều kịch bản nhưng chưa có một kịch bản nào hoàn thiện đến nỗi người trẻ tự thấy mình có thể dấn thân vào trong đó.

Riêng bà đã có một khởi động nào để đóng góp cho một kịch bản chung chưa?
Theo tôi mỗi người phải là một nhân vật trong đó và không có một người nào đứng ngoài để xem cả, hoặc vừa là khán giả vừa là người tham dự trong vở kịch đó. Làm thế nào để khởi động lại phong trào đặt lại vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc mà không sợ sự thú nhận chính chúng ta đã bỏ rơi hay không vun xới đúng mức bản sắc ấy. Có lẽ phương thức trị liệu hay nhất là nhận ra được sự gián đoạn, từ chối bản sắc văn hóa dân tộc của chính mình. Và muốn đặt lại vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc thì phải đặt lại tất cả các khái niệm về văn hóa.
Phải thú nhận rằng, hình như với vị trí của một người Việt Nam sống tại hải ngoại, tôi nói (tản mạn) dễ hơn người ở trong nước, bởi lẽ tôi có thể cảm nhận cụ thể cái “bản sắc” ấy là điều làm cho tôi khác với những người khác, nó là một khái niệm giới hạn cho tôi trong lúc nhận ra mình khác với người, ý nghĩa triết học của nó chỉ nằm trong khái niệm “giới hạn”, còn ngoài ra thì tuyền đơn giản, đó là nước mắm, tôm chua, áo dài, nón lá, sông núi và đôi khi chỉ là một thoáng hương cau bên cửa sổ trông ra vườn sau, mà tôi không có trong hiện tại nên phải tìm về, còn các bạn, đang ở trong đó thì… như một ngạn ngữ Đức nói, “nhiều cây nên không thấy RỪNG”. 

Trần Ngọc Linh thực hiện

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)