Những blog hàng đầu nước Mỹ
(Theo xếp hạng của Tạp chí Time)

.

Talking Points Memo
Nhà báo Josh Marshall bắt đầu cho hoạt động Talking Points Memo vào tháng 11 năm 2000, trong thời gian cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khi đó đang phải tái kiểm phiếu tại bang Florida. Tám năm sau, trong khi người thắng thế trong cuộc tái kiểm phiếu đó nay đang đứng tỉa cây ở Texas, thì Talking Points đã trở thành điển hình mẫu mực cho một mô hình tổ chức online cả trong hiện tại và tương lai. Tháng 2 vừa rồi, blog của Marshall thắng giải George Polk Award cho loạt tin về vụ sa thải tám vị chưởng lý ở Mỹ, trở thành blog đầu tiên thắng một giải thưởng báo chí quan trọng. Talking Points tận dụng rất tốt nguồn tin từ chính đám đông độc giả, thu hút ý kiến của họ, và thậm chí giao nhiệm vụ cho họ trong việc xem xét các văn kiện của Chính phủ. Khác biệt lớn nhất giữa Talking Points và đa số các tổ chức truyền thông truyền thống là Marshall luôn giả định rằng luôn có một số độc giả hiểu biết hơn bản thân mình, và điều đó quả là vô cùng khôn ngoan.
Đây là một mẩu tin thường gặp trên Talking Points Memo: Có một vài số liệu chúng tôi cần sắp xếp lại với nhau và chúng tôi cần bạn giúp. Chúng tôi đang tìm tất cả các ví dụ cụ thể về sự lãng phí, vô ích, hoặc kém hiệu quả trong chi tiêu mà các thành viên Quốc hội đã chỉ ra tại Thượng hay Hạ viện về gói kích thích kinh tế.


Huffington Post
Trong số các blog chính trị, Huffington Post (còn gọi là HuffPo) ở một đẳng cấp riêng. Được đồng sáng lập trong năm 2005 bởi nhà dẫn chương trình Arianna Huffington, một người giao thiệp rộng và giàu lòng nhiệt thành, HuffPo trở thành một salon online, địa điểm không thể bỏ qua khi tìm tin tức và các nhận định chính trị. Tờ The Observer đã đúng khi xếp Huffington Post là blog quyền lực nhất thế giới. HuffPo đã không rơi vào cái bẫy mà các blog thông thường gặp phải, tức là tuôn ra các phân tích trống rỗng. Trang mạng này đều đặn cung cấp những nhận định sâu sắc, các phát ngôn của người trong cuộc, và cả những đường link ngoài hữu ích để người đọc tự mình xem xét, xây dựng chính kiến riêng. Nhìn tổng thể, Arianna Huffington có lẽ đã tạo ra một cách hoạt động lý tưởng cho blog: đa số trong hàng trăm các bài viết đều là miễn phí từ phía các cộng tác viên. 
 
Lifehacker
Khi Lifehacker khai trương đầu năm 2005, sự ra đời của một blog chuyên cung cấp mẹo và các bản download nhằm giúp giải quyết các sự vụ, dường như là một sự bổ sung tầm thường vào thế giới blog. Nhưng tới nay, Lifehacker đã trở thành một phần không thể thiếu được cho các blogger. Nó hướng dẫn bạn cách gặt hái được nhiều hơn từ những gì bạn đã có. Có thể là cách đun cà phê tốt nhất mà không tốn thêm tiền, cách nấu một món ăn vừa rẻ vừa ngon, hay giúp bạn cải thiện lí lịch và đơn xin việc của mình với sự lược bỏ những cụm từ lặp lại quá nhiều. Lifehacker đặc biệt hữu dụng trong việc biến các công cụ điện tử lạc hậu của bạn từ năm ngoái thành thứ thông dụng thời thượng trong hiện tại. Bài nổi tiếng nhất trong năm ngoái trên blog này là “Làm cách nào biến máy iPod Touch của bạn thành một iPhone”.
Một mẫu bài trên Lifehacker: Hãy tăng chỗ chứa đồ bên dưới yên xe đạp của bạn bằng một cái túi đơn giản, chắc chắn, và rất rẻ. Nó có thể được chế bằng vật liệu tái sinh, và bạn sẽ luôn có chỗ để xếp đồ vào trên hành trình của mình.
 
Metafilter
Đây là một blog cộng đồng tận dụng tốt nhất nguồn tin từ đám đông độc giả. Mỗi ngày trên Mefi (cái tên thân thuộc với các fan) đăng hàng tá tin tức sao chép lại (có trích dẫn nguồn) mà độc giả thấy hứng thú và muốn đem ra chia sẻ. Kết quả là có một sự đa dạng, phong phú bất ngờ các tin tức, từ những tin hữu dụng nhất tới những kiến thức vô dụng tới mức đáng kinh ngạc. Bên cạnh những kết quả mới nhất về lý thuyết dây và thuyết tiến hóa là những trao đổi thân mật hồi tưởng lại bộ phim truyền hình Các Thiên thần của Charlie, hay tin đồn về album mới của ban nhạc Spinal Tap. Có vô số kênh tin tức giao thoa như vậy trong thời văn hóa pop, nhưng chỉ có Metafilter coi nhiệm vụ của mình là hoàn toàn nghiêm túc. Gần đây, một cuộc tranh luận trên mạng nổ ra về việc liệu chú đà điểu, diễn viên chính trên loạt phim hoạt hình nổi tiếng trước đây, Road Runner, kêu “bip – bip” hay “mip – mip”, cuối cùng đã được phân định thắng thua bởi một thành viên tham gia trên blog, người từng có dịp ăn tối với tác giả bộ phim. Kết quả: mip – mip. Vậy là giờ bạn biết thêm được một điều mới!!
 
Freakonomics
Kể từ khi xuất bản cuốn sách bán chạy hàng đầu ở Mỹ năm 2005, Freakonomics, nhà báo Stephen Dubner và kinh tế gia Steven Levitt liên tục thuyết phục những ai chịu lắng nghe rằng đa số cuộc sống thường ngày có thể được lý giải bởi lý thuyết kinh tế. Sau khi nền kinh tế lao xuống vực thẳm, đã đến lúc phải nói: vâng, chúng tôi đang muốn nghe tiếp đây. Freakonomics blog, một trong số các blog liên kết với tờ New York Times nay trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi cuộc sống của tất cả mọi người ít nhiều đều bị tác động bởi cơn bão kinh tế. Có lúc nó thông báo cho ta biết rằng từ khoá “khuyến mãi” được tìm kiếm trên google nhiều hơn cả “Britney Spears”, hay phân tích tại sao khủng hoảng tài chính lại tốt cho các ông bà ngoại, hoặc chỉ ra điểm tương đồng giữa các nhà kinh tế với rác thải (chẳng có đảng phái nào chịu nhặt lên cả), Freakonomics là sự nhắc nhở thường ngày với chúng ta rằng cuộc sống về cơ bản là trò chơi của cung và cầu.

Zen Habits
Zen Habits là một blog cung cấp cho bạn những cách đơn giản để trở nên năng suất hơn trong cuộc sống. Tác giả là Leo Babauta, sống theo cách Thiền riêng của mình ở Guam, hành nghề viết văn, là cha của sáu đứa trẻ. Blog cho ra một bài viết mỗi ngày về các lĩnh vực như năng suất của cá nhân và tổ chức, sống thanh đạm, giải trừ nợ nần, nuôi dưỡng những thói quen tốt. Với Zen Habits, thực hành đem lại kết quả như ý, và blog rất hiệu quả trong việc đem đến những giải pháp cụ thể để cải thiện và đơn giản hoá cuộc sống của bạn (16 cách để hưng phấn khi bạn buồn chán, 20 cách để loại bỏ căng thẳng khỏi cuộc sống, 30 niềm vui đơn giản trong gia đình). Đây thực sự là một blog hiếm hoi có khả năng thực sự đem lại điều tốt cho đời sống thường ngày của bạn.
 
The Conscience of a Liberal
Bạn cần có một giải Nobel kinh tế để hiểu tại sao nền kinh tế đi sai đường và làm cách nào chỉnh nó theo hướng đúng. Paul Krugman vừa đủ tiêu chuẩn. Là giáo sư kinh tế Đại học Princeton và là cộng tác viên của tờ New York Times, đoạt giải Nobel năm 2008 cho đóng góp về Lý thuyết thương mại quốc tế, nhưng chính là những dòng blog sắc sảo, rành rọt của ông đã biến thứ khoa học mờ ảo này thành dễ hiểu, thậm chí gây hứng thú cho mọi người. The Conscience of a Liberal là sự hỗ trợ thông tin từ trên mạng cho các bài viết hai lần một tuần trên báo của Krugman, cung cấp trường thông tin rộng hơn, với những tri thức bổ sung giúp phân tích mớ hiện thực hỗn độn của nền kinh tế. Krugman là một trong số ít nhà kinh tế dự đoán đúng về sự vỡ bung của mớ bong bóng tài chính trước khi các con số hiện thực xác minh quan điểm của ông. Điều đó đủ khiến chúng ta cần lưu tâm tới các phân tích của ông về những nỗ lực của Chính phủ trong việc điều chỉnh lại nền kinh tế.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)