Những cành mệt mỏi

Đó là tên gọi những tác phẩm khắc gỗ trong hình thức sắp đặt của nữ nghệ sĩ Lý Trần Quỳnh Giang, trưng bày tại Festival nghệ thuật trẻ đương đại 2007 tổ chức tháng 3 vừa qua tại Hà Nội. Các phiến gỗ dài tựa như hình người được băng bó ở phần giữa, chỉ còn hở hai đầu, nơi được khắc họa một cách tượng trưng những khuôn mặt và những đôi bàn chân xương xẩu, ủ rũ. Thiên nhiên mệt mỏi, hay con người mệt mỏi, hay cả hai đều mệt mỏi trong thế giới này?

Lý Trần Quỳnh Giang làm rất nhiều tranh khắc gỗ, chị đặc biệt say mê lĩnh vực này. Nhìn tranh khắc gỗ của Giang, ta thấy ở chị có một trí tưởng tượng đặc biệt khác thường, kỳ lạ. Giang thường khắc họa những hình người hóa thân vào cây cối, hay ngược lại, những cây cối hóa thân thành hình người. Cây cũng có mắt, có chi có cành, có áo khoác bằng những tán lá buông rủ mềm mại. Mắt gỗ đẹp và tròn như mắt người, chi cành khúc khuỷu như chân tay, vân gỗ như mạch máu, hồn cây như hồn người. Tất cả đan quện vào nhau, không có gì phân biệt. Như Giang đã từng nói, chị rất yêu thiên nhiên, khát khao thiên nhiên, mơ ước được sống giữa cỏ cây hoa lá, và đặc biệt thích những nơi vắng vẻ, tĩnh lặng.
 

Có khi Giang khắc một loạt “người- cây” như ở tác phẩm Những cái cây, 2004 (100×100 cm). Cũng có khi chị tự khắc họa mình giống như một thân cây trơ trọi đứng giữa cánh rừng (tác phẩm Tôi, 2004, 100×100 cm), hoặc hóa thân vào một gốc cây xù xì, cằn cỗi, cô quả như  Buồn, 2004 (100×100 cm).
Hình tượng “người- cây” trong các tác phẩm của Lý Trần Quỳnh Giang thường khắc khoải, ủ rũ, chịu nhiều thương tổn, bị đứt rời và chia lìa thành từng bộ phận cơ thể trên các phiến gỗ. Sau đó các phiến gỗ được chị sắp xếp lại, liên kết thành hàng, thành serie với nhau, tạo nên một loạt những khuôn mặt, những bộ ngực, những tay chân đứt rời, trần trụi, lộ lên từng đường gân, thớ thịt và được khắc họa bằng một ngôn ngữ rất mạnh biểu cảm, trực tiếp, với các vệt khắc khi dầy khi mỏng, khi sâu khi nông. Những hình tượng lặp đi lặp lại, có sức ám ảnh day dứt. Cảm giác thương vong, đau đớn lan tỏa khắp nơi. Và ta tự hỏi cái gì khiến cho người và cây đau đến mức như vậy?
Tốt nghiệp khoa đồ họa trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, còn rất trẻ, sáng tác của Lý Trần Quỳnh Giang cho thấy một sự thay đổi táo bạo, mạnh mẽ về ngôn ngữ đồ họa khắc gỗ cũng như quan niệm về nghệ thuật so với khắc gỗ truyền thống trước đây. Không trang trí rườm rà, không tả kể chi tiết, không nệ thực, không hướng về chủ đề phong cảnh, tĩnh vật hay lễ hội truyền thống quen thuộc…, ngôn ngữ nghệ thuật của Lý Trần Quỳnh Giang là ngôn ngữ biểu hiện pha các yếu tố siêu thực, tượng trưng, đầy tính sáng tạo mới lạ. Đồng thời Giang bước hẳn sang một chủ đề nội dung khác: chị thể hiện chính mình, thể hiện cái tôi, cái cá nhân cô đơn trong đời sống đương đại, dưới hình thức sắp đặt của nghệ thuật đương đại.
Mạnh biểu hiện, giàu tưởng tượng, giàu ẩn dụ, các tác phẩm sắp đặt- khắc gỗ của Lý Trần Quỳnh Giang tác động lên tâm thức người xem, đặt ra cho mỗi chúng ta muôn vàn những câu hỏi về đời sống nhân sinh, môi sinh, cũng như nhiều vấn đề khác nữa của thế giới ngày hôm nay./.
 

Tiểu sử tác giả
Sinh năm 1978, tại Hà Nội
Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2002
– Triển lãm cá nhân 2002, 2004, 2007
– Tham dự Triển lãm Ánh mắt trẻ 2002, 2004
– Tham dự Festival nghệ thuật trẻ đương đại 2007
Giải thưởng:
– Giải nhất Triển lãm Ánh mắt trẻ 2004
Có tranh trong nhiều sưu tập tư nhân trong và ngoài nước


Bùi Như Hương

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)