“Những cậu bé kẽm”: Bản giao hưởng mất mát

Người ta xếp "Những cậu bé kẽm" vào thể loại truyện vừa tư liệu chiến tranh, nhưng ở một mặt nào đó, tôi cho là bạn cũng có thể nhìn nhận đây như một coming-of-age - một câu chuyện về sự vỡ lẽ của tuổi trưởng thành, theo nghĩa hắc ám nhất...

1. Hồi làm Lã Sanh Môn – mà sau này sẽ trở thành một viên minh châu của điện ảnh Nhật Bản – Akira Kurosawa luôn bị các diễn viên chất vấn rằng, thế tóm lại sự thật là gì. Nguyên cớ bởi Lã Sanh Môn chuyển thể từ hai truyện ngắn của Akutagawa Ryunosuke, trong đó chiếm phần lớn là Trong rừng trúc. Truyện kể về cái chết của một samurai, nhưng qua lời khai của nhân chứng, của nghi phạm và của nạn nhân lại thành những câu chuyện hoàn toàn khác biệt. Đến cuối cùng cũng khó biết sự thật là gì. Mà sự thật là sự thật nào? Mà có chắc là có sự thật không?

Phiên tòa Lã Sanh Môn kết thúc trong dang dở, không một bản luận tội nào được đưa ra và sự thật mãi là một bóng ma lưu lạc. Phiên tòa Những cậu bé kẽm thì có. Rằng nữ văn sĩ Svetlana Alexievich phải bồi thường một phần cho một cựu chiến binh Liên Xô trên chiến trường Afghanistan vì đã xúc phạm phẩm giá của anh, hay có lẽ, vì bà đã nói ra một sự thật trong một xã hội sự thật phải vô hình.

Năm 1989, cuốn Những cậu bé kẽm về cuộc chiến của Liên Xô tại Afghanistan ra đời, hai năm trước khi Liên Xô chính thức tan rã. Một cuốn sách có tính lật tẩy, với những con người trồi lên từ những vũng lầy số phận vô danh, những người mới bước vào đời nhưng chưa kịp học cách yêu nó thì đã phải học cách bắn tan nó thành từng mảnh, hoặc không, sẽ bị nó bắn tan.

Người ta xếp Những cậu bé kẽm vào thể loại truyện vừa tư liệu chiến tranh, nhưng ở một mặt nào đó, tôi cho là bạn cũng có thể nhìn nhận đây như một coming-of-age – một câu chuyện về sự vỡ lẽ của tuổi trưởng thành, theo nghĩa hắc ám nhất: khi ra đi, họ là những cậu trai mê khiêu vũ, còn khi trở về, họ trở thành kẻ sát nhân, cầm cây rìu trong tủ bếp của mẹ để giết người; khi ra đi, họ chẳng sợ gì chỉ sợ lũ nhện thôi, còn khi trở về, nhưng họ đâu trở về nữa.

2. Bất cứ ở đâu có chủ nghĩa anh hùng thì ở đó cũng có chủ nghĩa phản anh hùng. Người Hy Lạp ngợi ca Hercules với 12 chiến công vĩ đại. Nhưng cũng chính người Hy Lạp đã mô tả cái chết của Hercules theo cách không thể vô vị và tầm phào hơn. Hercules chết bởi những tin đồn tình ái và bởi sự nhẹ dạ của một người đàn bà, thế mà đến khi chết, chàng vẫn không thật biết chàng đã chết vì cái gì và ai là hung thủ.

Những binh nhì, những thiếu úy và đại úy Liên Xô được đẩy vào Afghanistan để làm anh hùng cứu thế giới. Cuối cùng chẳng có thế giới nào được cứu, ngay cả đến thế giới của chính họ cũng không. Afghanistan ngập ngụa tội ác và ở đó, sống là một phần thưởng cho những kẻ phạm tội. Vậy thì họ đã chiến đấu vì cái gì? Ai đã giết họ? Ngày hôm qua, đó được tuyên xưng là một cuộc chiến vì chính nghĩa, vì con người, vì tình huynh đệ và tình bằng hữu. Ngày hôm nay nó đã trở thành vết nhơ, thành nỗi nhục, thành địa ngục nơi nhân tính bị xô xuống vực, và tất cả chỉ là “lũ người quỷ ám”.

Người lính là những Hercules sa cơ của thế kỷ 20, Hercules chết trong chiếc áo của người tình còn họ chết trong chiếc quan tài kẽm của tổ quốc mà họ hằng yêu dấu. Luôn luôn là tình yêu, luôn luôn là tình yêu mang tội. “Không có gì đáng sợ hơn tình yêu”, lời một lính tăng sống sót.

3. “Các cậu đều là như thế. Các cậu đều là như thế… Tất cả các cậu những kẻ trẻ trung từng phục vụ chiến tranh. Các cậu là một thế hệ mất mát”. – Gertrude Stein đã nói thế với Ernest Hemingway.

Chiến tranh thò tay vào sục sạo họ, đảo lộn họ, cướp khỏi họ một điều gì đó không bao giờ khôi phục được nữa, họ đã mất không chỉ là những đôi chân, những đôi mắt, sự tỉnh trí hay bất cứ thứ gì hiện hữu và nhìn thấy, mà là một cái gì đó còn thiết yếu hơn nữa, mà một khi đã mất, thì họ cũng sẽ thành những kẻ bỏ đi.

Người lính Liên Xô trở về quê hương sau cuộc chiến, thấy mình đã lỗi thời, đã dập nát, đã lạc loài. Bất cứ một nền văn hóa nào cũng có một câu chuyện về Rip Van Winkle hay Từ Thức, những người như lọt vào một hố thời gian và khi bước ra đầu bên kia, họ thấy cả thế giới cũ đã bị lật đổ, nhưng Từ Thức đã mơ thấy tiên còn những binh đoàn chỉ mơ toàn những cơn ác mộng.

4. Svetlana Alexievich đã kể lại tất cả những câu chuyện bằng một thứ ngôn ngữ như bước thẳng ra từ cơn ác mộng, cuốn đi bờ bãi về những giấc mơ bồng bột của một chủ nghĩa anh hùng vấy bẩn. Những tiếng nói của các nhân vật được bà sắp xếp và đẽo gọt vừa lộn xộn, vừa nhịp nhàng, vừa vô thức như một lời nói mớ, như một lời kêu cứu từ cõi ký ức hỗn mang họ đã cố gắng dìm xuống đáy nhưng bằng cách nào đó chúng vẫn lộ ra.

Năm 2015, khi Alexievich được xướng tên cho giải Nobel văn học, một số người phản đối. Bà là phụ nữ, được rồi, họ đang cần nhiều hơn những phụ nữ đoạt giải Nobel, họ có thể nhắm mắt cho qua, nhưng ai bảo bà lại viết sách phi hư cấu, và phi hư cấu sao có thể là văn chương đích thực? “Các cây viết phi hư cấu chỉ là công dân hạng hai. (…) Chúng tôi không thể hiểu được. Nó làm tôi phát cáu” – phản ứng của những người bảo thủ.

Alexievich không phải một Beethoven hay Mozart trong văn học, đúng, vai trò của bà không phải một nhà soạn nhạc. Bà có lẽ giống như Claudio Abbado hay Herbert von Karajan – một nhạc trưởng dẫn dắt và điều phối trên sân khấu. Có ba lớp giọng chính trong Những cậu bé kẽm: những người đàn ông ra trận – những người đàn bà bị đẩy ra tiền tuyến – những bà mẹ mất con; ba bè nhạc khi thì thào, khi dữ dội, khi nức nở, khi bất cần, khi nguyền rủa, ngân nga và hiệp đồng và vang vọng lẫn nhau. Mỗi tiếng nói là một nhạc cụ kể một câu chuyện riêng, nhưng nhập lại, chúng cùng hát một bản giao hưởng mang tên Mất mát.

Và một người nhạc trưởng có tạo ra âm thanh nào đâu, một người nhạc trưởng tưởng như chỉ vung vẩy cây đũa cho đẹp mắt, nhưng không có nhạc trưởng, bản nhạc sẽ câm.

5. Trong cuộc chiến pháp lý, Alexievich đã đúng hay đã sai? Bà có xúc phạm nhân phẩm một người lính hay không? Rất dễ để nói rằng bà đã đúng và dù bà phải bồi thường một khoản tiền, phải đính chính và xin lỗi, nhưng chỉ là một cách miễn cưỡng như Galileo Galilei, và “dù sao thì Trái đất vẫn quay”.

Nói cho cùng, bà đâu có phát minh ra điều gì mới về chiến tranh. Những câu chuyện trong Những cậu bé kẽm rất kinh khủng, nhưng không mới, bất cứ cuộc chiến nào cũng thế, bất chấp người ta gắn lên nó bao nhiêu huy hiệu anh hùng. Và chưa kể, đây là thời nơi những đại tự sự như một bờ đê đã sập bởi cơn lũ những tiểu tự sự tràn vào. Nhưng như thế đã đủ để khẳng định những gì Alexievich đã kể hoàn toàn là sự thật? Và nếu là sự thật, tại sao có những người đã từng đứng về phía bà, giờ đây lại không muốn đứng về phía bà nữa?

Có hơn một lần các nhân vật của Alexievich nhắc đến Dostoevsky. Và tôi bỗng nghĩ cái cách mà một người mẹ từng trút lòng mình với một người xa lạ để rồi sau khi cuốn sách ra đời, lại nói người xa lạ ấy bóp méo những điều mình nói – chính cái phần không thuộc về cuốn sách này, lại là phần hay nhất của nó. Bởi những gì được kể ra có khi chỉ là một khoảnh khắc của sự thật, còn con người thì sâu không đáy và cũng khó lường y như Raskolnikov trong cơn sốt (Tội ác và hình phạt) hay Stavrogin bỗng nhiên nhảy xổ tới cắn tai một vị tướng (Lũ người quỷ ám). Chúng chỉ là những khoảnh khắc khi một cái gì đó trùm úp lên ta, và khi chúng rút đi thì chúng biến mất như chưa từng có. Sự thật hiếm khi tinh khiết và chẳng bao giờ đơn giản.

Nhưng có cần sự thật không? Sự thật chỉ cần thiết trong những phiên tòa, mà những phiên tòa thì không bao giờ là toàn bộ cuộc đời hết cả. Trong Lã Sanh Môn, phiên tòa kết thúc mà không một lời luận tội. Chỉ biết rằng vào cảnh cuối bộ phim, vị nhân chứng bắt được một đứa trẻ bị bỏ rơi, và ông quyết định đưa nó về nuôi cùng sáu đứa con ruột của mình. Không một sự thật nào lớn hơn niềm tin vào nhân tính. Cũng không cần một sự thật nào nếu vẫn còn hy vọng.

Tác giả