Những câu hỏi cho cổng chào Hà Nội

Với cổng chào vừa là công trình kiến trúc, lại mang một số thuộc tính của tượng đài, nằm trên con đường thì vấn đề nào của nó sẽ nhận được sự quan tâm của chính quyền và dư luận?

Càng đến gần Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, sự quan tâm của người dân như càng tăng lên gấp bội. Âu cũng là lẽ thường tình vì một sự kiện lớn như vậy ở nơi hội tụ, lắng hồn núi sông ngàn năm, mỗi động thái liên quan đến sự kiện này không chỉ riêng của người Hà Nội.

Năm cổng chào với kinh phí 50 tỷ đồng và dự kiến mất 100 ngày thi công đã thu hút được sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua – 50 tỷ đồng bị cho là quá lớn và 100 ngày bị cho là quá ngắn. Bài viết này sẽ không đề cập hai vấn đề đó nữa mà chỉ đề cập dưới góc độ chuyên môn.

Với các công trình kiến trúc, trực quan đầu tiên khi luận bàn thường là hình thức đẹp, chưa đẹp, xấu… Với các tượng đài thì hình tượng nghệ thuật, ý nghĩa lịch sử, văn hóa… nói lên, diễn đạt điều gì thường được quan tâm trước hết. Với những con đường thì sự thông thoáng, thuận tiện… như thước đo của chất lượng. Còn với cổng chào vừa là công trình kiến trúc, lại mang một số thuộc tính của tượng đài, nằm trên con đường thì vấn đề nào của nó sẽ nhận được sự quan tâm của chính quyền và dư luận?

Diễn giải ý tưởng, hình thức, ý nghĩa, thời gian sử dụng cổng chào đã được người đại diện chính quyền và cơ quan đề xuất công bố và nhiều người quan tâm đã có góp ý. Tuy nhiên vấn đề không chỉ ở hình thức và nội dung mà địa điểm đặt nó quyết định không nhỏ môi trường dung dưỡng sự sống của cổng chào. Tại sao cửa ô phía Nam qua nhiều cuộc thi vẫn thất bại? Người ta lý giải vì sự thay đổi địa giới hành chính và sự thiếu ủng hộ của dư luận, nhưng nguyên nhân cơ bản và sâu xa chính là từ đề bài và vị trí đất hình tam giác không thể cất lên đó một công trình kiến trúc đánh dấu cửa ngõ Thủ đô. Bài học này cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm và càng cho thấy đề bài và địa điểm quan trọng đến mức nào với công trình mang ý nghĩa biểu trưng.

Ở năm cổng chào Hà Nội đang được đề xuất, yếu tố địa điểm như đã được mặc định mà thiếu sự phân tích thấu đáo về địa điểm với sự cảm thụ không gian trong mối quan hệ với đường giao thông, phương tiện và khung cảnh…14.000m2 đất Thủ đô ở những vị trí quan trọng trên những trục giao thông huyết mạnh vào thành phố, liệu các vị trí này đã được xác định trong quy hoạch được duyệt hay do tự chọn?

Cổng chào ngoài chức năng đánh dấu cột mốc quan trọng của quốc gia và Thủ đô Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi, để người đi trên đường biết được, cảm được, ngắm được thì liệu chúng, với diện tích 14.000m2, có góp phần bổ sung thêm không gian sinh hoạt công cộng đang rất thiếu ở Hà Nội cho các tầng lớp dân cư, đặc biệt là cư dân quanh khu vực cổng chào không? Rồi nữa, vào khung cảnh buổi tối, cổng chào sẽ toả sáng ra sao…? Còn nhiều vấn đề mong có sự xem xét thấu đáo và chủ định.

Về phương án kiến trúc, mong rằng các phương án cổng chào đã được chọn lựa trên cơ sở các phương án đề xuất, so sánh. Bởi vậy, dù có thời gian tạm thời hay lâu dài nhưng với vị trí trên những trục đường quan trọng, mang tính biểu tượng, điểm nhấn, ảnh hưởng trực tiếp đến diện mạo cảnh quan kiến trúc, nhất định cổng chào của Thủ đô thuộc đối tượng, phạm vi điều chỉnh của các công trình yêu cầu phải tổ chức thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án kiến trúc theo Điều 3 của Thông tư số 23/2009/TT-BXD ngày 16/7/2009 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng.

Với những nội dung còn chưa sáng rõ về cổng chào của Thủ đô Hà Nội, mong rằng lãnh đạo Thành phố tiếp tục lắng nghe ý kiến của dư luận để có những quyết sách ban hành xuất phát từ ý chí của nhà quản lý, phù hợp lòng dân, tuân thủ pháp luật, phù hợp với bối cảnh thực tế. Thời điểm kỷ niệm 1.000 năm đang tới rất gần, rất gần.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)