Những chiếc “áo mới” của vườn chùa

Trước kia, chùa Việt xưa thường giản dị, sum suê, tươi tốt như tự nhiên vốn có. Ngày nay, sự thể đã khác. Kiến trúc chùa đã trở nên hoành tráng, còn vườn chùa bỗng chốc khoác “tấm áo tân thời” khoa trương mang nặng vẻ lai căng. 

Vườn chùa xưa

Ở Bắc Bộ, cây cối trong chốn tu hành xưa thường để mọc cho tươi tốt ý nói rằng vùng đất ngôi chùa tọa lạc là nơi đất lành, đầy sinh lực. Những thứ cây trong chùa đều mang thông điệp riêng. Họ trúc, tre khiến ta liên tưởng đến những nấc thang lên trời nơi cửa thiền Yên Tử. Cây đa, cây đề, nhắc người thăm viếng hãy dẹp lòng trần mà tĩnh tâm. Trước kia quanh chùa còn có ruộng chùa để nhà sư canh tác lấy cái ăn rồi chuyên tâm tu hành.

Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng từng viết, “Vườn chùa nhìn thoáng rất đơn sơ, như thiếu bàn tay chăm sóc nhưng xem kỹ thấy rất công phu cho các loài thảo mộc. Trong các thiền viên này người ta không đặt ghế ngồi, tượng phật, hòn non bộ, giả sơn…nếu có gì xây dựng chỉ có mộ tháp của các vị tăng trụ trì ngôi chùa”.

Quả vậy, trong kiến trúc tôn giáo cổ của người Việt, phần lớn chùa chiền đều hòa vào thiên nhiên. Quan điểm không áp đặt, bày vẽ tự nhiên từ xưa đã phản ánh rõ nét ý thức hòa nhập để tồn tại của cha ông. Đó là cách sống đã trở thành bản sắc của người Việt tự ngàn xưa. Thế nhưng, giờ đây chẳng nhận đâu ra nét mộc mạc của vườn chùa.

Những khuôn viên “liên hợp quốc”

Nhiều nơi nghĩ rằng di tích chỉ là kiến trúc chùa và nội thất bên trong nó rồi vô tâm với cảnh quan xung quanh. Họ đưa đủ thứ phong cách vào vườn chùa, kim có, cổ có, Á và Âu, ôi thôi không thiếu thứ nào!

Cũng theo nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, “rải sỏi, đặt đá, phối hợp chim hoa lá như một tiểu vũ trụ…Những cái đó vườn Việt không có”. Ấy thế mà vườn thiền của Nhật giờ có cả ở những ngôi chùa nổi tiếng Hà Nội như Trấn Quốc, Tảo Sách. Nào đèn đá, cỏ Nhật, đá cuội, sỏi, cây… được sắp đặt có chủ ý trông nhang nhác giống vườn thiền xứ Phù Tang. Những chiếc đèn đá bốn góc lồng cong nhọn đặc trưng của Nhật xuất hiện ở hầu hết chùa Hà Nội.

Giờ ở chùa còn xuất hiện nạn sư tử đá. Chùa Việt xưa kia không đặt tượng ở sân chùa, lại càng không có tượng sư tử oai phong lẫm liệt đầy sức mạnh uy hiếp như bây giờ. Đã vậy, những chú sư tử đá này đến từ nhiều nơi trên thế giới như sư tử Trung Quốc dữ dằn đứng ở cửa tam quan chùa Trung Kính Thượng (Hà Nội), sư tử “Tây” ngồi giữa sân chùa Hương…

Sư tử canh cổng chùa Trung Kính Thượng

Không chỉ vậy, người ta còn đặt quần thể tượng ngay trong khuôn khổ vườn chùa. Việc đặt tượng ở sân vườn vốn chỉ có ở Phật giáo tiểu thừa phía Nam nên chùa Bắc Bộ trước đây hầu như không có. Quần thể tượng ở chùa Phổ Linh (Tây Hồ, Hà Nội) là một ví dụ. Giữa bức tường vây xung quanh đắp nổi hình tượng nhiều màu sắc là nhóm tượng phật bê tông trắng đứng vây quanh tượng phật hài nhi đang chỉ tay giữa bồn nước. Ở chùa Bằng A (Hà Nội), tượng Phật còn được đặt ven lối đi trong khuôn viên nom không khác gì những bức tượng trong vườn cảnh châu Âu.

Một số nơi, viện cớ để hoành tráng và xứng với danh tiếng của chùa, họ đã cho xây những tòa đại tháp giữa sân chùa. Vượt qua tòa tháp phật 11 tầng ở chùa Trấn Quốc, tòa “Bảo tháp báo ân” ở chùa Bằng A đặt giữa khuôn viên đã lên tới 13 tầng với 104 tượng phật đồng lớn nhỏ bên trong và bốn pho tượng Thiên vương bằng đá bên ngoài. Nhìn từ xa, đại tháp 13 tầng trông nhang nhác ngôi chùa tháp Ngũ Phúc Lâm Môn ở Quế Lâm, Trung Quốc.

Tòa đại tháp ở Chùa Bằng A

Từ “trưởng giả học làm sang” đến “nhầm lẫn chủ quyền”

Theo TS. Đặng Văn Bài, nguyên cục trưởng Cục di sản văn hóa, “việc giữ gìn các yếu tố nguyên gốc là nội dung cơ bản tạo nên sự khác biệt giữa thiết kế và thi công tu bổ di tích với việc xây dựng một công trình mới”(1) . Nên nhớ rằng, khuôn khổ di tích bao gồm cả khuôn viên, vì vậy việc biến đổi diện mạo hoặc xây dựng công trình tôn giáo mới tại đây cần cẩn trọng.

Ở Chùa Phổ Linh có đặt một bức thư ngỏ của vị ni sư trụ trì kêu gọi phật tử đóng góp để sang sửa lại khuôn viên và một số hạng mục chùa. Trong đó có đoạn, “…xây dựng mà không tô điểm thì chưa thật nguy nga, tráng lệ, bài trí mà không tự nhiên thì chưa đủ hài hòa”. Không biết đến nay bức thư ngỏ đã bị gỡ xuống chưa, song cái “nguy nga, tráng lệ” mà vị ni sư đó đề cập đã “hiện thực hóa” thành những hàng rào bê tông giả hình gốc tre và cây cối trong sân được quây bằng những mảng bê tông sơn nâu giả hình gốc cây – vốn là “đặc sản” của một số khu du lịch giải trí. Phải chăng, thói “trưởng giả học làm sang” đã nhiễm vào một bộ phận giới tu hành?

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền từng cảnh báo rằng, đôi khi những người trông coi di tích “nhầm tưởng về vai trò chủ nhân rồi tùy tiện tu sửa, bổ sung các thành phân kiến trúc ngoài chức năng tu bổ và tôn tạo”, bởi lẽ theo ông, “di tích, di sản là của toàn dân”. Có lẽ, sự khoa trương, thiếu hiểu biết cộng với hiểu lầm về quyền sở hữu thực sự đối với di tích đã khiến những người trông coi nó trở nên tùy tiện.

Khuôn viên chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng thể kiến trúc chùa Việt. Song, qua đó thấy được thói xính ngoại đã lan đến tận ngõ ngách của ngôi chùa. Hi vọng, trong tương lai, sư tử đá kiểu “ngoại quốc” sẽ biến mất, nhường chỗ cho những chú nghê giản dị và những tòa đại tháp nơi cửa Phật sẽ không bao giờ vươn cao bằng… tháp truyền hình Mỹ.

(1) Tạp chí Di sản văn hóa số 2 (15) – 2006

Tác giả