Những con chữ hiện lên từ đáy chén trà

Nhà thơ chỉ cần đến một chữ, và cái chữ ấy, nếu thiếu giấy và mực, nhà thơ chỉ cần một ngón tay chấm vào đáy chén trà uống cạn từ giữa đêm là đủ viết ra.

Thời xưa, nhờ bản dịch Bông hồng vàng, bạn đọc được biết chi tiết ông trùm truyện ngắn Nga Anton Chekhov có lần viết về “thiên truyện ngắn nằm chờ dưới đáy lọ mực” – một sự “nằm chờ” dẫu sao cũng như là của bắt được, như là của Trời cho.

Thời nay, Phùng Quán mô tả Phùng Cung làm thơ theo cách khác, thi vị không kém, và lên hết chất nhà thơ: 

Sau mười hai năm cách ly đời thường, Phùng Cung như xa lạ với môi trường văn nghệ. Được trả lại tự do, việc đầu tiên là anh cùng với vợ sửa lễ “Tạ ơn cao rộng cho được sống để trở về quê quán”. Rồi yên phận hẩm hiu, anh tránh thật xa mùi bút mực. Anh xoay trần làm nghề đập đinh, phụ với vợ thêm nghề bánh rán, nuôi ba đứa con trai đang sức ăn, sức lớn. Song hình như mùi dầu nhờn, gỉ sắt, mỡ rán vẫn không át được mùi bút mực. Những lúc rảnh tay, anh ngồi buồn thiu, thỉnh thoảng chấm ngón tay vào đáy chén trà cặn, viết một từ gì đó lên mặt bàn… “ (Phùng Quán, “Hằng Nga ngủ trong rừng”).

Cái lợi thế của nhà thơ là ở chỗ ấy: trong khi người nhạc sĩ cần một dàn nhạc – chí ít cũng một cây đàn – để thể hiện cái ngôn ngữ âm nhạc mới nảy sinh trong đầu mình; trong khi hoạ sĩ cần hàng đống toan và màu – chí ít cũng phải một quyển vở ghi ký họa – để biểu đạt những chợt đến chợt đi bằng màu sắc và hình khối…; ta có thể mở rộng thí dụ đến vô tận cho hết sáu bảy bộ môn nghệ thuật… ; trong khi đó, nhà thơ chỉ cần đến một chữ, và cái chữ ấy, nếu thiếu giấy và mực, nhà thơ chỉ cần một ngón tay chấm vào đáy chén trà uống cạn từ giữa đêm là đủ viết ra.

Như trong tập thơ hai trăm bài Xem đêm này, chắc chắn đó là kết quả của nhiều lần nhúng tay vào đáy chén trà, mỗi lần chỉ nhớ lấy một chữ coi như là đã quá đủ: này Bèo, Lạt, Mẹ, Vạc, Rắn, Ao, Đò, Bạn, Làng, Chiều, Ốm, Em, Gió, và rất nhiều lần Nắng, Nắng, Nắng, … rất nhiều xanh, tím, đỏ, hồng, vàng…và rồi nhà thơ có đi đâu lang thang rất xa, rồi quẩn quanh lại về với con chữ đầu tiên gần như duy nhất mở màn cho cả đoàn quân trong “Xem đêm”, đó là chữ bèo, bèo, bèo, … nổi nênh bèo, dào dạt bèo, quăng quật bèo, muôn dặm bèo, hiu hắt bèo, quê xanh bèo, và cuối cùng là ao cạn bèo ngay từ đầu cuốn sách mà đau đáu đi theo bạn đọc suốt bao nhiêu dặm xem đêm… 

Lênh đênh muôn dặm nước non
Dạt vào ao cạn
Vẫn còn lênh đênh

Hai trăm bài Xem đêm

Không giống nhiều nhà thơ ưa sống về đêm, Phùng Cung cũng thức đêm để Xem đêm, nhưng lại là “xem” những cảnh-ngộ-đêm ngay giữa thanh thiên bạch nhật, đôi khi là những ban-ngày-giữa-đêm, rất lắm khi xem đêm giữa các màu nắng khác nhau và những sắc độ màu khác nhau, nắng Âu Cơ, nắng bổ cau, nắng ngả tương, mặt trời cốm Đông Đô, hoàng hôn đỏ gạch, hoàng hôn dạt tím, hoa gạo cắm cờ, hoa chuối tiêu lầm lũi, ngay cả khi trời tạnh mưa, cũng vẫn còn ban ngày đây gà rình mổ hạt nắng non… Ôi thương quá, chẳng mổ được cái gì mà ăn, chỉ mổ được hạt nắng non, hạt nắng chỉ riêng nhà thơ Phùng Cung nhìn thấy!

Ngờ rằng đêm ở đây với Phùng Cung là cả một thân phận. Như nhà thơ Hoàng Hưng người về từ cõi ấy / vợ khóc một đêm / con lạ một ngày… Có thể vợ khóc ròng nhiều đêm nhiều ngày, nhưng chỉ kể thế thôi, khóc một đêm… Phùng Cung cũng từ “cõi ấy” trở về, thời gian ở “cõi ấy” của nhà thơ Phùng Cung dài gần gấp ba lần nhà thơ Hoàng Hưng… Phùng Cung phải ít nhất hai trăm lần xem đêm cũng là điều dễ hiểu thôi. Hai trăm ư? Hơn thế, hơn thế nhiều lần, hơn thế rất nhiều lần, cả đời xem đêm, bởi vì anh ta là nhà thơ, và thân phận nhà thơ là xem đêm, xem thân phận mình, suốt một đời, xem thân phận đời, suốt một đêm dài bằng một đêm mất ngủ.

Có xem nhiều và ngẫm nghĩ nhiều đến vậy mới thấm thía được cái thân phận bèo dù đã dạt vào ao cạn vẫn còn lênh đênh… Sợ quá! Cánh bèo dạt tới đường cùng rồi mà vẫn còn say sóng, vẫn còn trôi dạt nổi nênh ngay khi được nằm im, vẫn chịu dập vùi ngay khi đã được sống lại cuộc đời cứ tạm gọi là ổn định.

Xin đừng nghĩ đó là nỗi đau khổ của nhà thơ. Đã là nhà thơ chân chính thì ai ai cũng cồng kềnh, ở không yên ổn ngồi không vững vàngma đưa lối quỷ đưa đường, chỉ tìm những chốn đoạn trường mà đi…Nguyễn Du đã tự bốc quẻ cho mình và cho tất cả các nhà thơ như vậy rồi mà. Nhưng cũng lại nên nghĩ rằng nhà thơ – Phùng Cung và các nhà thơ khác – đã tự đi tìm đau khổ mà sống. Họ không tìm đến đau khổ theo lối sadique song dù có đau khổ thì cũng chẳng có gì bợn đến làn da nhạy cảm của họ. Điều đó lý giải tại sao họ làm thơ ở ngay “cõi ấy”. Và do cái thuận lợi bản thể của thơ, là chỉ cần một vụt hiện gửi trong một chữ (ý của Hoàng Hưng) là đủ sinh ra cả một bản trường ca, huống hồ hai trăm bài xem đêm ngắn như thơ haiku Nhật Bản.

Sẽ là thiếu sót với nhà thơ Phùng Cung nếu quên đi cái khí phách của anh. Khí phách nhà thơ lúc nào cũng vấn vương cái đẹp trên mảnh đất quê hương. Ngay cái màu của bông hoa chuối tiêu lầm lũi mang màu tím Tam Giang (“Nôn nao”). Khí phách khi nước sôi quất bã trà năm lần bảy lượt, song dù trà đau nát bã rồi đấy, mà vẫn không đổi giọng Tân Cương… 

Và đây nữa, xin đừng nghĩ đó là chuyện kể khổ, mà đây cũng là khí phách chứ đâu phải chuyện nói ngược cho vui:

Nắng – đạp cánh đồng xơ xác
Bước liêu xiêu
Cái vạc ăn ngày.

(“Vạc”)

Thế đó, cần gì vạc cứ phải ăn đêm? Thách thức của họ nhà vạc đấy! Đâu có phải chuyện vì hoàn cảnh mà vạc phải kiếm ăn ban ngày.

* * *

Anh Phùng Cung cùng thế hệ với tôi. Nhưng khi các anh tham gia đòi dân chủ, đòi chấn hưng nghệ thuật (Lê Hoài Nguyên), thì tôi lẳng lặng vào thư viện để học. Tôi học để rút ngắn cuộc bắt kịp cái thời chín năm phải tạm ngừng sự học theo đúng nghĩa. Chưa kể là, khi đọc Con ngựa già của chúa Trịnh khi đó, tôi cũng đã dự cảm được một trận bão. Chưa kể là tôi cũng nhát gan. Nhưng sau cơn sóng Nhân Văn ấy, tôi lại tha thẩn đến với hầu hết bọn người bị tù tội hoặc bị kỷ luật đó. Người ta hạch tôi. Tôi nói rõ “vì tôi thấy chị Khuê vợ anh Dần khó có thể là một nữ gián điệp như một tờ báo lớn đã lên án”.

Tôi gặp lại hầu hết các anh chị, và tôi chơi thân với hầu hết các anh chị. Trong đám người ấy, vì nhiều lẽ, tôi chỉ chưa được gặp Phùng Cung.

Thế rồi số phận dẫn dắt tôi đến với tập Xem đêm này. Nhà thơ hiện hữu qua những con chữ như thế này, chứ không hiện hữu qua lý lịch trích ngang trích dọc. Xem đêm là phần lai lịch quan trọng của nhà thơ Phùng Cung. Tôi đã biết tới cái phẩm chất thực sự không đóng dấu Nhân Văn hoặc gì gì khác. Mà là một cái dấu son với hai chữ Xem đêm.

Nhà thơ nằm trong đó. Sự Tự do của nhà thơ cũng nằm trong đó. Đặc trưng của nghề Thơ bảo lãnh cho Tự do nhà thơ nằm trong đó. Chẳng có gì để mà hơn các ngành khác để mà tự hào, nhưng cũng lại có đủ những cản trở để mà vượt qua và thành cái cớ cho sự cần thiết phải tự hào. Cám ơn anh, Phùng Cung, anh đã giúp tôi nhận ra những điều trên.

Hà Nội, 17 tháng 6 năm 2012   

Trong số những văn nghệ sĩ tham gia phong trào Nhân văn Giai phẩm, Phùng Cung (1928 – 1997) có vẻ là cái tên được ít người biết đến, song ông lại chính là người phải chịu “cái án văn chương” nghiệt ngã nhất.

Ông sinh ra tại Vĩnh Yên. Năm 1945, ông làm chủ tịch liên xã Hồng Liên Châu, lãnh đạo nhân dân nổi dậy cướp chính quyền. Năm 1949, ông lên chiến khu Việt Bắc và tham gia công tác văn nghệ tại đây.

Mới là cây viết trẻ chân ướt chân ráo trình làng với truyện ngắn “Con ngựa già của Chúa Trịnh” đăng trên báo Nhân văn năm 1956, ông đã bị đình chỉ công tác và phải tập trung cải tạo suốt 12 năm.

Ra tù, ông sinh sống bằng nghề làm đinh và vẫn âm thầm làm thơ. Tập thơ Xem đêm của ông được nhà nước cho phép xuất bản vào năm 1995.

Với mong muốn đem những sáng tác âm thầm của tài năng hiếm có này đến với độc giả, một buổi tọa đàm giới thiệu tuyển tập thơ Xem đêm (Nhã Nam và NXB Hội nhà văn, 11/2011) của ông được tổ chức vào 18 giờ ngày 28/06 tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội với sự tham gia của các diễn giả: Phạm Toàn, Phạm Xuân Nguyên, Thái Kế Toại và Nguyễn Thụy Kha

NN

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)