Những cuộn giấy Biển Chết: Ai đã viết ?

Vén bức màn bí ẩn của dòng thời gian 2.000 năm, khảo cổ học hiện đại đã hé lộ danh tính của những người viết các văn bản Kinh Thánh lâu đời nhất từng được phát hiện.

Một cha cố dòng Đa Minh cố gắng tái cấu trúc văn bản của một mảnh thuộc Thánh thi vĩ đại (Great Psalms) tại trường Kinh thánh Pháp (French École Biblique) ở Jerusalem. Nguồn: National Geographic.

Vào một ngày cuối năm 1946, khi mặt trời từ từ mọc trên sa mạc Judean (phía Nam Israel),  ba anh em du mục đang chia nhau lùng sục quanh những ngọn đồi gần Biển Chết để tìm kiếm chú dê bị lạc đàn. Bất chợt, phát hiện ra một hang động kỳ lạ, cậu bé Muhammed bèn ném hòn đá vào đó để thăm dò. Tiếng vỡ vang lên: hòn đá đã đập vào một bình gốm chứa các cuộn giấy da kỳ lạ. Có lẽ lúc bấy giờ cậu chẳng thể ngờ rằng những cuộn giấy này là một phần của tài liệu tôn giáo quan trọng thời kỳ cổ đại – Những cuộn giấy Biển Chết. Các nhà khoa học sau đó đã đến và thu được khoảng 100.000 mảnh giấy từ khoảng 900 thủ bản, trong 11 hang động. Những mảnh giấy mới vẫn tiếp tục được phát hiện ở quanh địa điểm này cho đến ngày nay.

Hầu hết các thủ bản được viết trên giấy da, một số ít được viết trên giấy cói, có niên đại từ thế kỷ III trước Công nguyên đến thế kỷ I sau Công nguyên. Các cuộn giấy Biển Chết là tập hợp các văn bản của người Do Thái được viết bằng tiếng Hebrew, tiếng Aram, tiếng Hy Lạp. Phần lớn các cuộn giấy đã bị rã ra thành nhiều mảnh – chỉ một số ít là còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, các chuyên gia đã cố gắng ghép chúng lại thành những bản thảo với độ dài khác nhau.

Những cuộn giấy được chia thành ba loại chính: Kinh Thánh, ngụy thư và giáo phái. Các tài liệu Kinh Thánh sao chép toàn bộ những bản thảo hay những phân đoạn của mỗi sách trong Kinh Cựu Ước, ngoại trừ sách Esther (nằm trong phần thứ ba của giáo luật Do Thái giáo). Đây là các thủ bản Kinh Thánh lâu đời nhất từng được phát hiện.

Trong số các bản thảo ngụy thư (những tác phẩm không có trong Kinh Thánh), có những tác phẩm trước đây chỉ được đọc qua bản dịch, hoặc hoàn toàn không được biết đến. Cuối cùng là các bản thảo giáo phái, bao gồm nhiều thể loại: bình luận Kinh Thánh, văn bản phụng vụ và sáng tác khải huyền.

Các cuộn giấy ở Biển Chết đã 2.000 năm tuổi, chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa về tính xác thực lẫn vai trò của chúng, giờ đây bí ẩn lớn nhất mà các nhà khoa học quan tâm đó là: Chủ nhân của những cuộn giấy này là ai?

Những giả thuyết đầu tiên

Phần lớn các chuyên gia đều cho rằng đó là những người Essense, một giáo phái Do Thái cổ đại sống trong vùng sa mạc Khirbet Qumran (tàn tích Qumran) – sát với nơi phát hiện ra những cuộn giấy. Người đầu tiên đề xuất giả thuyết này là Roland de Vaux, một nhà khảo cổ học người Pháp, người đã trực tiếp tham gia khai quật Qumran từ năm 1952 đến năm 1957. Ông đã đưa ra kết luận này dựa trên những ghi chép của Flavius ​​Josephus – một học giả, nhà sử học và nhà văn người Do Thái gốc Romano, sống vào thế kỷ I sau Công nguyên. ​​Josephus đã viết về những người Essene trong cuốn sách Lịch sử người Do Thái của mình. Gần hai thiên niên kỷ sau đó, de Vaux đã so sánh những mô tả của Josephus với những mô tả trong các cuộn giấy mới phát hiện về cư dân trong vùng. Ông nhận thấy có một số điểm tương đồng đáng chú ý như cư dân sinh hoạt chung, mặc đồ bằng vải lanh và nghi lễ tắm rửa.

Một cuộc khai quật ở khu định cư Qumran vào năm 1954. Nguồn: National Geographic

Chẳng hạn, Josephus đã viết rằng, vào giờ thứ năm (tính theo giờ của người Do Thái cổ đại), sau khi “họ đã quấn mình trong chiếc khăn trùm trắng, họ tắm rửa cơ thể bằng nước lạnh”. Và quả thật, de Vaux và các đồng nghiệp đã khai quật được một số mikva’ot (số nhiều của từ mikveh trong tiếng Do Thái) tại địa điểm này. Đó là những bồn tắm nghi lễ với sức chứa 85 gallon – chủ yếu là “nước sinh hoạt” – để cư dân trong vùng ngâm mình vào những thời điểm nhất định trong ngày. Sự tương đồng này khiến de Vaux tự tin kết luận rằng những cư dân trong vùng, những chủ nhân của các cuộn giấy Biển Chết, chính là người Essene.

Chẳng những thế, Josephus từng viết rằngnhững người Essene “rất chăm chỉ nghiên cứu các tác phẩm của người xưa, và chọn ra trong số đó những tác phẩm tốt nhất, có lợi cho tâm hồn và thể xác của họ”. Chẳng phải điều này đang ám chỉ đến những cuộn giấy hay sao?

Sau rốt, de Vaux khẳng định rằng chủ nhân của các cuộn giấy đã sống ở Qumran, vì những cuộn giấy được phát hiện trong 11 hang động xung quanh địa điểm này. Và vì người Essene đã sống ở Qumran, suy ra họ chính là những chủ nhân của các cuộn giấy.

Bắt nguồn từ Jerusalem?

Đối với một số nhà khảo cổ học, lập luận của de Vaux chưa đủ sức thuyết phục. Theo họ, việc khẳng định cộng đồng Qumran là người Essene có vẻ quá khiên cưỡng. Chẳng hạn, không chỉ người Essene mà rất nhiều người Do Thái sùng đạo khác cũng từng thực hiện nghi lễ ngâm mình trong mikva’ot. Ngoài ra, Josephus mô tả người Essene hệt như một hiện tượng đô thị hơn là một cộng đồng những ẩn sĩ trong sa mạc. Có thể đối chiếu điều này với những gì nhà triết học Do Thái cổ đại Philo từng viết, rằng người Essene sống “ở nhiều thành thị xứ Judea, ở nhiều làng mạc và được nhóm lại thành những xã hội lớn gồm nhiều thành viên”.

Hơn nữa, ngày càng nhiều học giả cho rằng những người cất các cuộn giấy xung quanh Khirbet Qumran không nhất thiết là người đã viết nên chúng. Theo họ, cần nhìn nhận một thực tế rằng các cuộn giấy Biển Chết sao chép gần như đầy đủ toàn bộ Kinh Thánh tiếng Do Thái, khó mà tin nổi vào thời ấy lại có một nhóm nhỏ nào – gồm những người biết chữ – có thể viết ra một kho tài liệu lớn như vậy.

Một số học giả cho rằng nhiều khả năng phần lớn các cuộn giấy được viết bởi những người ghi chép chuyên nghiệp làm việc trong Đền thờ Jerusalem. “Giả thuyết Nguồn gốc Jerusalem” này do nhà thần học người Đức Karl Heinrich Rengstorf đề xuất lần đầu vào năm 1960, ông cho rằng các cuộn giấy phải là một phần của một thư viện rộng lớn tại Đền thờ.

Học giả người Mỹ Norman Golb đã tiến thêm một bước nữa khi cho rằng các cuộn giấy đã được sơ tán khỏi một số thư viện ở Jerusalem và Judea khi quân đội La Mã – dưới sự chỉ huy của danh tướng La Mã Titus – vây hãm Jerusalem vào khoảng năm 70 sau Công nguyên.

Giả thuyết này được củng cố khi vào năm 2021, các nhà khoa học tại Đại học Groningen (Hà Lan) đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích chữ viết tay của những cuộn giấy Biển Chết. Nhóm nhận thấy có các nét chữ và hành vi cơ sinh học khác nhau khi sử dụng bút, chứng tỏ đã có nhiều người cùng viết trên Cuộn giấy Tiên tri Isaiah – một trong bảy cuộn giấy Biển Chết đầu tiên được phát hiện ở Qumran vào năm 1947. Đây là cuộn giấy lớn nhất (734 cm) và được bảo quản tốt nhất trong số tất cả các cuộn giấy trong Kinh Thánh, và là cuộn duy nhất gần như hoàn chỉnh. Qua phân tích cẩn thận văn bản, các nhà khoa học cũng đã xác định được những thay đổi tinh tế trong văn phong khi sử dụng tiếng Do Thái, tiếng Aram, tiếng Hy Lạp, hoặc thậm chí tiếng Nabatea.

Một câu hỏi khác mà các nhà khoa học đặt ra, đó là vì sao lại có nhiều bản sao của một số sách Kinh Thánh nhất định trong cùng một kho tàng? Có nhất thiết phải sao chép thành nhiều bản nếu chỉ có một nhóm nhỏ những người giảng đạo trong vùng sử dụng chúng? Cùng với đó, việc các cuộn sách là một phiên bản gần như hoàn chỉnh của Kinh Thánh tiếng Do Thái cũng cho thấy rằng chúng bắt nguồn từ một vùng đất Thánh hơn là từ một giáo phái ly khai xa xôi.

Vẫn chưa ngã ngũ

Giữa những tranh cãi tưởng chừng như không có hồi kết, một số nhà khảo cổ học có phần trung dung hơn khi cho rằng những người Essene là tác giả của một số – chứ không phải tất cả –  cuộn Biển Chết

Những bằng chứng gần đây cho thấy rằng khi người La Mã vây hãm Jerusalem, vào khoảnh khắc Đền thờ và phần lớn thành phố bị phá hủy, người Do Thái có thể đã trốn thoát đến nơi an toàn thông qua hệ thống thoát nước. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các đồ tạo tác, bao gồm cả đồ gốm và tiền xu, trong hệ thống thoát nước có từ thời kỳ bị bao vây này — cống dẫn đến Thung lũng Kidron, cách Biển Chết một đoạn ngắn, và… Qumran. Có lẽ trong cuộc trốn chạy, những người dân trong thành đã mang theo một số cuộn giấy Biển Chết.

Bồn tắm nghi lễ, khám phá tại khu định cư Qumran, được tin là một trong số những bằng chứng chứng tỏ các tác giả viết Những cuộn giấy Biển Chết là người Essene. Nguồn: National Geographic

Các nhà khoa học đồng thời cũng chú ý đến một manh mối khác – những lọ gốm chứa các cuộn giấy. Theo nhà nghiên cứu Jan Gunneweg (Đại học Hebrew Jerusalem), đất sét làm nên lọ gốm cũng giống như DNA của người, ta có thể xác định được khu vực cụ thể nơi đồ gốm được làm ra dựa trên thành phần hoá học của đất sét. Từ đó, cô đưa ra kết luận: Chỉ một nửa số đồ gốm chứa những Cuộn giấy Biển Chết có xuất xứ từ Qumran.

Trong những năm gần đây, các chuyên gia ngôn ngữ học cũng lần lượt đưa ra những ý tưởng mới. Dựa trên phong cách viết cũng như kích thước và sự biến đổi của ký tự, họ cho rằng các cuộn giấy có phạm vi niên đại từ năm 225 trước Công nguyên đến năm 50 sau Công nguyên. Mốc thời gian này tương đồng với niên đại carbon của các loại mực, được làm từ muội than từ đèn dầu trộn với dầu ô-liu và mật ong hoặc nước.

Như vậy, các nhà khoa học đã mở ra một phạm vi niên đại rộng hơn cho các cuộn giấy – từ năm 385 trước Công nguyên đến năm 80 sau Công nguyên, đồng nghĩa với việc nguồn gốc của chúng cũng được mở rộng, vượt khỏi mốc thời gian tồn tại ước tính của khu định cư Qumran.

Cuộc tranh luận vẫn chưa ngã ngũ. Các nghiên cứu vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên, có một điều mà chúng ta không cần phải bàn cãi, đó là những cuộn giấy Biển Chết đã hé lộ cho chúng ta một phần thế giới Do Thái ở thế kỷ I với đầy những biến động, bất kể người viết nên chúng là ai. □

Anh Thư dịch

Nguồn: National Geographic, The New Yorker
——–

Vào thời điểm các Cuộn giấy Biển Chết vừa được phát hiện, chỉ một số chuyên gia về Kinh Thánh được phép tiếp cận với nội dung của những cổ vật này. Điều này đã hoàn toàn thay đổi, giờ đây chỉ với một vài cú nhấp chuột trên máy tính hoặc cú chạm trên điện thoại, mọi người đều có thể đọc được chúng.

Vào năm 2012, Bảo tàng Israel ở Jerusalem đã hợp tác với Google để cung cấp hình ảnh các Cuộn giấy Biển Chết với độ phân giải cao cho tất cả mọi người. Các cuộn giấy hiện đang được đăng tải trên trang web của Bảo tàng Israel, gồm Cuộn giấy Tiên tri Isaiah, Cuộn giấy Chiến tranh – kể về cuộc xung đột giữa “Những đứa con của ánh sáng” và “Những đứa con của Bóng tối”, Cuộn giấy lời bình về Habakkuk, Cuộn giấy Đền thờ và Cuộn Quy tắc Cộng đồng.

Năm 2021, Cơ quan quản lý cổ vật Israel đã đăng tải lên trang web Leon Levy Dead Sea Scrolls hình ảnh của hàng nghìn mảnh giấy để bất kỳ ai cũng có thể thưởng lãm.

—–

Các nhà khoa học sử dụng những kỹ thuật tiên tiến không chỉ để xác định tính xác thực của cuộn giấy và danh tính của tác giả, mà còn để… bóc trần những vụ lừa đảo tinh vi.

Một trong những vụ lừa đảo tai tiếng nhất xảy ra tại Bảo tàng Kinh thánh ở Washington, DC. Từ lâu Bảo tàng vẫn luôn tự hào về 16 mảnh giấy mà mình sở hữu, mặc dù tại thời điểm mua lại, một số chuyên gia cho rằng hồ sơ về nguồn gốc và quá trình lưu trữ của các cuộn giấy không thuyết phục. Trước những nghi ngại về tính xác thực của cổ vật, Bảo tàng đã hợp tác với Viện Nghiên cứu Vật liệu Liên bang Đức nhằm kiểm tra lớp mực và trầm tích của năm mảnh giấy thông qua sử dụng kính hiển vi kỹ thuật số và huỳnh quang tia X. Kết quả kiểm tra cho thấy các cuộn giấy là hàng giả.

Vào tháng 3/2020, một nhóm chuyên gia tại Art Fraud Insights đã kết luận rằng các mảnh giấy dường như được làm bằng da thuộc chứ không phải là giấy da từ da động vật đã qua xử lý hoặc giấy cói như các Cuộn giấy Biển Chết; và những chữ viết được viết vào thời hiện đại, nhái theo nội dung của bản gốc. Những phát hiện của nhóm, dưới sự uỷ quyền của Bảo tàng, đã khiến công chúng vô cùng thất vọng.

Tác giả

(Visited 83 times, 1 visits today)