Những ghi chú về nghệ thuật của Kundera

Một cuộc gặp gỡ không được kiến trúc rắn chắc như hai tập tiểu luận trước đó, Nghệ thuật tiểu thuyết và Những di chúc bị phản bội, nó hiện diện như những ghi chú tự thân hoặc ghi chú bổ khuyết vào sự khảo sát của các tập tiểu luận trước, nếu ai đó muốn đọc một cách hệ thống các suy tư này, để hiện lên với một vẻ đẹp mới, lấp lánh, khoáng hoạt, nhẹ nhàng.  

Với một chút quan tâm tới văn học, chúng ta khó có thể quên được sự xuất hiện sáng chói của Milan Kundera trong đời sống văn học Việt Nam vào những năm cuối của thế kỷ trước, khi ông du hành tới đây, làm nên một cuộc cách mạng về lý thuyết văn chương, nhất là lý thuyết về tiểu thuyết.1 Trước ông, chỉ một nhà khoa học xuất chúng khác làm được điều đó, đúng hơn là ngẫu nhiên đặt cho Kundera một tiền đề ngẫu nhiên hợp lý để có thể tỏa rạng, là Mikhail Bakhtin.  Sáng tạo và diễn giải văn học Việt Nam trong những năm ấy và những năm tiếp sau của thế kỷ mới, rất nhiều được khơi nguồn cảm hứng từ sự tiếp nhận những quan điểm nghệ thuật này. Từ Nghệ thuật tiểu thuyết qua Những di chúc bị phản bội đến Một cuộc gặp gỡ, sự quan tâm của Kundera đến tiểu thuyết vẫn không đổi, cùng với đó là các suy tư về hiện sinh và mỹ học, và các nguồn cội nuôi dưỡng suy tư ấy, từ các truyền thống nghệ thuật châu Âu hiện đại. Song có một thực tế, Một cuộc gặp gỡ không được kiến trúc rắn chắc như hai tập tiểu luận trước, nó hiện diện như những ghi chú tự thân hoặc ghi chú bổ khuyết vào sự khảo sát của các tập tiểu luận trước, nếu ai đó muốn đọc một cách hệ thống các suy tư này, để hiện lên với một vẻ đẹp mới, lấp lánh, khoáng hoạt, nhẹ nhàng.

Cấu trúc của Nghệ thuật tiểu thuyết và Những di chúc bị phản bội là những cấu trúc kép kín. Với Nghệ thuật tiểu thuyết, Kundera bộc trực: “Tuy phần lớn những bài viết sau đây đã được viết trong những hoàn cảnh nhất định khác nhau, nhưng tôi đều đã viết với ý định một ngày nào đó sẽ nối kết chúng lại với nhau trong một cuốn sách tiểu luận, tổng kết các suy nghĩ của tôi về nghệ thuật tiểu thuyết.” Với Những di chúc bị phản bội, cái cách mà các tiểu luận được hợp thành, cũng thao thiết một ý tưởng giải minh về châu Âu, thời hiện đại và tiểu thuyết – ba cái đỉnh hợp thành không gian hiện sinh của khám phá nghệ thuật tiểu thuyết trong quan niệm của Kundera.

Cấu trúc của Một cuộc gặp gỡ không chặt chẽ như vậy, không khép kín và hoàn tất, mà mở ra những khoảng trống vẫy gọi đồng suy tư, thám hiểm, dù chất liệu làm nên các suy tưởng phần nhiều vẫn là những chất liệu quen thuộc, tiểu thuyết và âm nhạc, nghệ thuật của thời gian mà Kundera theo đuổi, và chừng ấy cái tên quen biết – Rabelais, Cervantès, Dostoievski, Kafka, Céline, Stravinsky, Janacek, Xenakis,… làm nên những lịch sử và những dấu ấn của nó trong thời hiện đại. Tập tiểu luận này còn trổ ra những cửa sổ để ngắm nhìn nghệ thuật khác, nghệ thuật của không gian (như hội họa), và mở ra những không gian khác, bên ngoài không gian nghệ thuật, “ở nơi khác” “đẹp như một cuộc gặp gỡ vô vàn”.

Một cuộc gặp gỡ là một câu chuyện mạch lạc thường xuyên bị ngừng lại bởi sự đan xen của những ngoại đề, mà nhiều khi, Kundera thực sự đắm chìm vào, để theo đó người đọc được hân hưởng đón nhận những luồng gió mới, xoa dịu cái ngột ngạt truy bức của cuộc “thăm dò hiện sinh” khôn cùng mà Kundera theo đuổi. Thậm chí, làn gió mới ấy khởi đầu cho cuộc thăm dò, khi Kundera khai đề bằng tranh của Francis Bacon: con người cá nhân cá tính trong cái bẫy thế giới như là đối tượng của sáng tạo nghệ thuật nói chung, nghĩa là cũng chung cho tiểu thuyết. Tiếp đến, Kundera trình ra lịch sử tiểu thuyết như là lịch sử những cuộc thăm dò con người hiện sinh ấy (Tiểu thuyết, những cuộc thăm dò hiện sinh). Và đến lượt nó, lịch sử tiểu thuyết bị quy định bởi lịch sử của việc tiếp nhận nó (Những danh sách đen hay tản mạn dâng Anatole France; Giấc mơ về di sản toàn vẹn), của các không gian mà nó du hành (Đẹp như một cuộc gặp gỡ vô vàn; Ở nơi khác). Lịch sử ấy, giấc mơ ấy, những cuộc gặp gỡ ấy nuôi dưỡng năng lượng sáng tạo. Một ý hướng vượt thoát “những danh sách đen” của đám đông và định kiến, một mơ mộng tổng hợp và giải bỏ các truyền thống nghệ thuật, một sinh thành của nghệ thuật ở không gian khác, và không gian khác góp vào sự tái sinh nghệ thuật nguồn cội,… tất cả khảm nên bức tranh nghệ thuật đa dạng, phong phú, giàu có, luôn vận động, biến cải, sinh sôi. Tiểu thuyết tìm cho mình được một đối tượng, còn sự đọc và việc dịch chuyển của tiểu thuyết tổng hợp năng lượng tái sinh cho nó. Cố nhiên, trong cuộc đối thoại triền miên với cội nguồn khởi sinh nó: nhà tiểu thuyết, và trong cuộc đối đầu không khoan nhượng với các nguồn năng lượng cạnh tranh nó: các loại hình nghệ thuật mới, nhất là điện ảnh (Mối tình đầu của tôi; Lãng quên Schönberg). Chương cuối của tiểu luận, Kundera viện dẫn Marlaparte, ở Kaputt và Lapelle, những-cuốn-sách-không-định-danh-thể-loại, phân tích chúng, giải phẫu chúng, để đề xuất một tương lai của tiểu thuyết ở “thì hiện tại đang tiếp diễn” của nó, như một cách thức đối diện với thách thức và cơ hội của tiểu thuyết trước sự bùng nổ của truyền thông đa phương tiện (“Tấm da”: một siêu-tiểu thuyết), mặc dầu nếu để riêng rẽ, tiểu luận không khác mấy một phê bình tác giả và tác phẩm, hoàn chỉnh, tròn trịa, và sắc sảo hiếm thấy.

Vậy là, tham vọng lập thuyết về nghệ thuật tiểu thuyết của Kundera vẫn được duy trì ở đây, bất chấp việc ngay trong tập tiểu luận thực thụ về nghệ thuật tiểu thuyết ông đã phân bua: “Tôi có cần phải nhấn mạnh rằng tôi không hề có chút tham vọng nào về lý thuyết và toàn bộ cuốn sách này chỉ là tâm sự của một người thực hành. Tác phẩm của mỗi nhà tiểu thuyết đều chứa đựng một cách nhìn ẩn ngầm về lịch sử tiểu thuyết, một ý tưởng về thế nào là tiểu thuyết: ở đây tôi muốn trình bày chính cái ý tưởng đó, gắn liền với các tiểu thuyết của tôi.” (Nghệ thuật tiểu thuyết). Ta thấy một tình yêu lâu bền của Kundera với tiểu thuyết, một nỗi khắc khoải thường trực về số phận của nó, trăn trở về nghệ thuật làm thành sức mạnh của nó và sự hồi ứng của người đọc (trong chiều dài thời gian, chiều rộng không gian, chiều cao sâu của tinh thần và dục vọng), làm thành tương lai của nó.

Với Nghệ thuật tiểu thuyết và Những di chúc bị phản bội, Kundera đã có những đóng góp đáng kể vào việc thấu thị tiểu thuyết trong lịch sử của nó. Như chính kinh nghiệm sáng tác của ông, nghệ thuật tiểu thuyết hiện đại được Kundera nhìn nhận như là sự trục vớt những truyền thống bị lãng quên, “những di chúc bị phản bội”, là sự khai tử hình thức nệ thực của tiểu thuyết thế kỷ XIX, để làm thành sức mạnh hiện sinh của nó, sự hiền minh lưỡng lự của nó, trong việc đào sâu đời sống cá nhân con người. Nhưng ở thời hiện đại, tiểu thuyết vẫn chưa bị soán ngôi, nó vẫn là “máy cái” của đời sống văn học. Điều mà ở Một cuộc gặp gỡ, khi thảng hoặc Kundera có nhắc đến hậu hiện đại, cái vị trí của tiểu thuyết vốn có dần bấp bênh. Tiểu thuyết phải đấu tranh để sinh tồn và phát triển, thì những cảm luận về tiểu thuyết của Kundera cũng dần được rộng mở. Nói Một cuộc gặp gỡ như những ghi chú về nghệ thuật là vì lẽ ấy. Bởi thứ nhất, những vấn đề của tiểu thuyết đã được toát lên không chỉ từ những phân tích từ/về tiểu thuyết (cùng với nó là âm nhạc như trước nữa), mà mở sang cả hội họa, điện ảnh, trong một nhìn nhận chung về nghệ thuật không biện biệt không-thời gian nữa. Thứ hai, ở những vấn đề nội thuộc phạm vi văn học, câu chuyện cũng khác đi ít nhiều khi ở đây Kundera có những đánh giá sâu sắc về vai trò của thơ và kịch, vị thế của chúng trong việc tiền phong hóa nghệ thuật. Cũng như thế với âm nhạc, khi nó có thể hội đủ sức mạnh để cắt đứt truyền thống, để làm khác chứ không chỉ làm mới nghệ thuật. Tinh thần dân chủ hậu hiện đại cũng làm cho những không gian nghệ thuật được mở rộng, ngoài châu Âu cựu lục địa để đến với châu Mỹ, châu Phi, châu Á, nơi cách mạng xã hội và đa dạng văn hóa đã ưu thắng cho khuynh hướng tiền phong trong thơ và kịch nhiều hơn là trong tiểu thuyết, thứ nghệ thuật của các trạng huống đời thường… Kundera ở những “ngoại đề” này hấp dẫn người đọc bởi sự thông tuệ, nhạy bén, lối viết nhẹ nhàng dù bắt vào những vấn đề cốt tủy của nghệ thuật. Nó hiện diện như ghi chép điền dã, phác thảo ý tưởng, sổ tay làm việc,… giản dị mà sâu xa, làm thành nét duyên riêng của tập tiểu luận này.

Mỗi văn bản luôn là liên văn bản bởi những dẫn chiếu trực tiếp và gián tiếp của nó tới những văn bản khác. Mỗi sự đọc cũng vậy, luôn là sự hồi ứng của những sự đọc khác. Một văn bản được đọc, theo đó, mở ra trong nó những cuộc gặp, mà mỗi cuộc gặp trong nó đã là cuộc đối thoại bởi nhiều quan điểm, nhiều vị trí, nhiều tiếng nói,… được chia sẻ bởi ngôn ngữ chung giữa nhà văn và bạn đọc. Văn bản của sự đọc, như Một cuộc gặp gỡ, vì thế, luôn là những cuộc gặp gỡ, và vẫy gọi nhiều hơn nữa những cuộc gặp mới, những sự đọc mới. Không chỉ bởi những suy tư nghệ thuật sâu sắc của Kundera, của truyền thống đối thoại đang tiếp diễn trong nó, mà quan trọng hơn, bởi những khoảng trống, rất nhiều khoảng trống nảy sinh bởi những ngoại đề, có đầy đủ sức mạnh lôi kéo ham muốn lấp đầy của bạn đọc.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)