Những giai điệu tự do của Sofia Gubaidulina

“Một trong những nhà soạn nhạc đương đại được hâm mộ nhất… Bà làm nhạc như người đi trên dây. Tác phẩm của bà không có nguyên tắc, không gieo rắc kỳ vọng, và không khoảng cách.” - The New York Times

Lệ thường, khi nhắc đến nhạc tâm linh, người ta hay mường tượng ra những giai điệu trầm lắng, dìu dặt, khoan thai. Nhưng với Sofia Gubaidulina, để bộc lộ đức tin mãnh liệt trong lòng, bà không ngần ngại huy động những dàn nhạc hùng hậu, viện đến cả sự náo nhiệt của những bộ kèn, bộ gõ. Âm nhạc của Gubaidulina độc đáo dù bà chưa bao giờ dụng tâm tìm kiếm sự khác biệt cho riêng mình; những giai điệu thanh tân cất mình nhún nhảy trên mạch nguồn cảm hứng từ quá khứ xa xăm. Vận dụng những kỹ thuật đương đại, Gubaidulina truyền tải thông điệp về những giá trị vĩnh hằng, vì lẽ đó mà bà luôn có mặt trong hàng ngũ những nhà soạn nhạc hàng đầu trong nền âm nhạc hiện nay.

Tuổi trẻ và “con đường sai trái”

Gubaidulina sinh ngày 24/10/1931 trong một gia đình nghèo khó ở thị trấn Christopol, Nga. Cuộc sống túng quẫn trước mắt đã khiến cô bé Sofia chỉ còn biết ngước lên bầu bạn cùng mây gió trăng sao, lấy bầu trời làm chốn đi về của trí tưởng tượng. Những đức tin tôn giáo đã sớm đâm chồi bén rễ trong tâm hồn thơ trẻ của Sofia, song vì sự cấm đoán của cha mẹ cũng như bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, nên giống nhiều đứa trẻ khác, Sofia đành “giấu nhẹm” chuyện đó đi. (Mãi tới năm 1970 bà mới chính thức gia nhập Giáo hội chính thống).

Năm 1949, Gubaidulina theo học tại một trường nhạc gần Kazan, và từ năm 1954 bà tiếp tục học nhạc tại Moscow. Trong những tác phẩm đầu tay, Gubaidulina khám phá một số ý tưởng âm nhạc mới mẻ du nhập từ Tây Âu, đặc biệt là thể loại nhạc phi điệu tính (12 âm) và các kỹ thuật biểu diễn phi truyền thống. Những cuộc thử nghiệm của Gubaidulina khi đó không được hoan nghênh, tuy nhiên, theo bà, chính điều đó lại giúp bà có thêm không gian tự do để sáng tác. Người duy nhất ủng hộ Gubaidulina là Dmitri Shostakovich, người thầy lớn tuổi đã nhận ra tài năng xuất chúng của Gubaidulina và khích lệ cô học trò nhỏ tiếp tục theo đuổi “con đường sai trái” của mình.

Tên tuổi Gubaidulina bắt đầu được thế giới biết đến năm 1981, khi nghệ sĩ violin Gidon Kremer biểu diễn bản violin concerto Offertorium (Dâng) của bà tại Vienna. Thính giả quốc tế đã tỏ ra ngỡ ngàng khi biết rằng sự nghiệp sáng tác của bà trên thực tế bắt đầu từ những năm 1950. Và mặc dù không thể tóm tắt ngắn gọn gia tài sự nghiệp đồ sộ của bà – gồm trên 100 tác phẩm – nhưng có thể khẳng định chắc chắn một điều rằng âm nhạc của Gubaidulina đã chinh phục được cả thế giới kể từ những lần đầu ra mắt.

Âm nhạc và tâm linh

Con đường phát triển âm nhạc của Gubaidulina chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác nhau, trong đó phải kể đến những cuộc phiêu lưu của bà với âm nhạc điện tử (cuối thập niên 1970, bà đứng ra lập nhóm ứng tấu Astreia); niềm hứng thú với nhạc dân gian của Nga, Kavkaz, và châu Á; đức tin sâu sắc vào sự thần bí của âm nhạc; và niềm say mê với các hệ thống điều chỉnh âm thanh mới mẻ cũng như sự kết hợp kỳ lạ giữa các nhạc cụ.

Âm nhạc của Gubaidulina cũng có sự đồng điệu với Bach, Webern, và Shostakovich. Năm 2002, Tổ chức Nghiên cứu Âm nhạc Bach Quốc tế, trong dịp kỷ niệm 250 năm ngày mất của Bach, đã giới thiệu tác phẩm đồ sộ gồm hai phần của Gubaidulina, Passion and Resurrection of Jesus Christ According to St. John (Khổ nạn và sự phục sinh của Chúa theo Thánh John). Năm 2007, bà được trao Giải thưởng Bach danh giá với vai trò “người đi tiên phong trong nền âm nhạc cổ điển đương đại”.

Trong các tác phẩm viết cho dàn nhạc, Gubaidulina sử dụng nhiều bộ gõ, vận dụng khả năng khơi dậy cảm xúc hữu hình và những suy tư bản năng của các nhạc cụ này để truyền tải không khí khẩn trương. Với các tác phẩm nhạc thính phòng, những giai điệu du dương ngân nga như mời như gọi người nghe cùng mở lòng đồng điệu. Còn trong các bản concerto, người nghệ sĩ độc tấu đóng vai trò người dẫn đường. Gubaidulina không bao giờ để nghệ sĩ độc tấu đóng vai trò ngôi sao trên sân khấu, ngược lại, bà coi họ là người bạn đường của thính giả, cùng thính giả khám phá thế giới bí ẩn của âm nhạc.

Những đặc điểm trên giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ý nghĩa tượng trưng trong âm nhạc của Gubaidulina. Với bà, mỗi tác phẩm đều là hiện thân của đấng thiêng liêng, là cầu nối giữa thế giới vật chất và thế giới tâm linh. “Âm nhạc của tôi hiện đại hay không không quan trọng. Cái quan trọng ở đây là sự thật ẩn chứa trên trong nó,” bà nói.

Sự thật ở đây là sự gắn bó khăng khít giữa âm nhạc và tâm linh. Bà chia sẻ: “Tôi có một cảm giác mạnh mẽ rằng những yếu tố tâm linh thực ra vốn đã hòa quyện một cách tự nhiên và chắc chắn trong lòng âm nhạc rồi. Và âm nhạc là hình thức nghệ thuật gần gũi nhất với tâm linh.” Để minh họa cho quan điểm của mình, bà nhắc tới tác phẩm nổi tiếng Glorious Percussion (Bộ gõ huy hoàng). Theo bà, có mối tương quan giữa những nhịp rung trong nhạc phẩm và thế giới tâm linh. “Những rung động tồn tại ở cả trên trời và dưới đất, dù rằng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nghe thấy chúng. Tôi đặt cho tác phẩm này cái tên “Bộ gõ huy hoàng” nhằm nói đến mối liên hệ với thế giới tâm linh. Khi các nghệ sĩ độc tấu gõ nên những nhịp điệu này, ấy là khi họ tạo ra mối liên hệ mà chúng ta không nghe được đó. Tức là chúng ta “nghe” được cái mà tai chúng ta không thể nghe thấy.”

Những khúc ca rỉ máu


Anne-Sophie Mutter và nhà soạn nhạc Sofia Gubaidulina tại Gubaidulina Festival 2011 ở Hannover, Đức

Theo nghệ sĩ violin nổi tiếng Anne-Sophie Mutter, tài năng âm nhạc của Gubaidulina được thể hiện rõ nét và đầy đủ trong bản In tempus praesens (Trong thời đại ngày nay) sáng tác năm 2006 – 2007, một nhạc phẩm mãnh liệt đến bàng hoàng. “Cái thú vị ở đây là bà không sử dụng violin, ngoại trừ chiếc violin độc tấu. Dàn nhạc chỉ có đàn viola và các loại đàn dây âm vực thấp, nhưng bà đã rất tài tình khi vẫn giữ được sự cân bằng giữa những quãng âm trầm và cao trong bản nhạc. Trong lúc sáng tác, bà thường vẽ nháp bản nhạc, trong đó bà sử dụng hai màu sắc khác nhau để minh họa cho các quãng âm cao thấp, nhờ vậy bà có thể kiểm soát được sự cân bằng của nhạc phẩm. Riêng trong In tempus praesens, sự cân bằng giữa những khoảnh khắc tuyệt vọng đau đớn và đoạn kết chứa chan hy vọng đã được thể hiện một cách hoàn hảo,” Mutter chia sẻ.

Mutter kể về lần gặp bà trong buổi diễn tập đầu tiên bản In tempus: “Thật khó mà hình dung nổi bầu không khí say mê đến mãnh liệt trong căn phòng tập ấy. Nếu lúc đó có ai vô tình đánh que diêm, thì hẳn ngọn lửa sẽ cháy bùng lên mất. Khi chơi xong bản nhạc, người tôi ướt đầm đìa mồ hôi; Gubaidulina gỡ kính ra rồi nói rằng đó chính là cách chơi nhạc mà bà hằng mong muốn.”

“Tôi hỏi Gubaidulina làm sao bà có thể sống sót qua những năm tháng ấy, khi mà nhạc phẩm của bà bị ruồng bỏ, tên tuổi của bà không được ai nhắc đến, và Gubaidulina trả lời rằng bà luôn ngước nhìn lên. Đúng vậy, bà luôn nhìn lên. Tôi ngưỡng mộ cuộc sống ấy: Gubaidulina đã và đang sống với niềm tin tưởng vào những đức tính tốt đẹp của con người, vào sức mạnh của âm nhạc, và vào sự trung thực, mạnh mẽ cũng như sự sẵn sàng chịu đựng tất cả vì niềm tin của mình. Bạn có thể nghe và cảm nhận được những điều đó trong âm nhạc của bà,”  Mutter kể tiếp về nữ nhạc sĩ mà cô cho rằng đã “viết nhạc bằng chính máu của mình”.

Sau lần diễn tập đó, Mutter đã đem In tempus praesens trình diễn ở nhiều quốc gia, và ở bất cứ đâu, bản nhạc cũng mang lại ngạc nhiên cho cô: “Thật xúc động khi thấy một bản nhạc đương đại, được viết bằng một thứ ngôn ngữ xa lạ, lại có khả năng gắn kết mọi người như vậy. Lần đầu tiên tôi thấy khán giả, dù là ở quốc gia nào, đều có những phản ứng mãnh liệt đến thế với một nhạc phẩm đương đại. […] Cuộc đời của bà được thể hiện ở đó, trong âm nhạc. Những hồi ức về cuộc sống của bà tồn tại ở trong tác phẩm nhiều đến nỗi đôi khi tôi cảm thấy như mình không thể chơi nổi nữa.”

 “Mặc kệ thôi…”

Một trong những điều thú vị ở Gubaidulina là mặc dù phải chịu đựng cuộc sống tù túng, thiếu thốn nơi quê nhà, những tác phẩm bà viết bị cấm biểu diễn, nhưng Gubaidulina vẫn quyết định ở lại trong khi một số đồng nghiệp tìm mọi cách để thoát ra, và bà chỉ ra đi khi những sợi dây trói buộc bà đã bị gỡ bỏ, khi bà bước qua tuổi lục tuần. Trong cuộc trò chuyện với nhà báo Stuart Jeffries, Gubaidulina kể: “Cuộc sống ở Đức thoải mái dễ dàng hơn rất nhiều, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình là kẻ sống tha hương. Tôi vẫn thường xuyên quay trở lại Nga mà.”

“Vậy sao bà không ở lại đó luôn đi?”

“À, trước kia thì tôi toàn sống ở thành phố thôi, mà giờ thì tôi chịu thành phố rồi. Tôi cần yên tĩnh để viết nhạc. Ở đây xung quanh là rừng, tôi có thể thoải mái đi dạo trong đó. Ngôi làng này chỉ có hai con đường, nhưng thế rồi hóa ra nó vẫn chưa đủ xa xôi hẻo lánh đâu đấy. Günter Grass bảo tôi rằng ông ấy còn sống ở ngôi làng độc đạo nữa kia,” bà cười nói.

Ở Appen, sức làm việc dẻo dai của Gubaidulina vẫn được tiếp tục phát huy – bà đã viết bản Sonnengesang (1997) cho nghệ sĩ cello Nga Mstislav Rostropovich và bản St John Passion (2000), tác phẩm bày tỏ lòng kính trọng với Bach bà hằng ngưỡng mộ. Nhưng sức viết của bà đột ngột ngừng lại vào năm 2012, một năm khủng hoảng, đau buồn: đầu năm, người chồng thứ ba và con gái bà qua đời; tới mùa hè, nhà soạn nhạc Viktor Suslin, người bạn thân thiết cùng chuyển đến Appen làm láng giềng của bà cách đó mấy năm, cũng ra đi. Hiện giờ bà sống một mình, bạn bè hầu như chỉ còn người vợ góa của Suslin, nhưng người hâm mộ bà thì đến từ khắp nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, tới đầu năm 2013, Gubaidulina vẫn trở lại trong tác phẩm thính phòng So Sei Es (Mặc kệ thôi) dành tặng Suslin. Khi được hỏi liệu bà có tiếp tục viết nữa không, Gubaidulina trả lời: “Tôi già rồi, nên càng lúc càng khó viết. Nhưng mặc kệ thôi. Những gì tôi viết đều chỉ là thử nghiệm thôi mà. Với con người chúng ta thì có gì xảy ra đúng như những gì chúng ta tưởng tượng đâu. Những việc chúng ta làm cũng chỉ là những thử nghiệm thôi. Số phận của chúng ta là thế rồi. Mặc kệ thôi.”

Khánh Trang – Thanh Nhàn tổng hợp

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)