Những món quà từ mặt trận người máy

Viết cho nàng từ tận con tim…

Clarissa thương mến,

Chị gửi cho em một con dế trong bao thư này. Đêm qua, nó bắt đầu ca hát trong khoang ngực chị, ngay sát bên ổ mạch trung tâm. Hãy hình dung chị trên chiến trường, giữa lúc đang nặng nề lê bước trong khói lửa, ném lựu đạn và bom napalm vào đám người máy kẻ thù, thì bất chợt màn hình cảm biến sáng lên vì bắt được tín hiệu của một tiếng kêu, chirp-chirp chirp-chirp chirp-chirp. Ồ, một sinh vật sống đang ở ngay chỗ này, nơi lẽ ra là trái tim chị.

Bất chợt, chị nghĩ về em.

Em có biết họ đã cố ý làm khung xương ngoài của chúng mình rỗng không để chúng mình có nhiều tiện ích hơn không. Nhỡ chị có chết đi, thì một kẻ khác có thể khoác chính cơ thể chị lên người họ, cơ thể chị lúc ấy sẽ chả khác gì tấm áo giáp sắt đá, có thể đâm xuyên xe tăng, đâm xuyên máy bay theo ý muốn. Nghĩa là, chết đi, chị sẽ trở nên còn mạnh mẽ hơn chính chị bây giờ.

Trước đấy chị đâu có buồn để ý tới mấy con dế lang thang.

Chị không giỏi ăn nói cho lắm, Clarissa ạ. Khi chị muốn nghe nhạc, chị cứ thế tự thầm thì tên em, để cho cái thanh âm tự ngâm nga ra ấy nó rung lên và lấp đầy cơ thể trống rỗng của mình.

Clarissa

Clarissa

Clarissa

Họ nói người máy không có trái tim, nhưng chúng mình đều biết rằng điều đó là không đúng em nhỉ. Chỉ là, chị nghĩ trái tim mình đang cần một chút hiệu chỉnh nho nhỏ.

Dẫu thế nào, chị rất nhớ em.

Anabelle

*****


Clarissa thương mến,

Chị đang được tạm nghỉ ngơi một chút trong khi chờ nhiệm vụ mới, họ sẽ nhốt tụi chị ở kho chứa cho tới khi họ kiếm được một thứ gì khác để lại ra lệnh cho tụi chị nghiền nát. Chị đã phải trải qua liền sáu tiếng chỉ để tân trang lại máy móc một tí. Xong xuôi, chị cứ thế thả mình chìm đắm vào sách vở và những bộ phim xưa cho tới giờ đi ngủ.

Nhưng người máy thì có ngủ bao giờ. Tụi chị chỉ nằm thức trong ổ sạc, nhớ về những tháng ngày dịu dàng, cái hồi còn có thể được lấy mấy viên đá trong tủ đông thả vào ly nước chanh rồi ngồi trên chiếc xích đu trước hiên nhà mà nhấm nháp, từ trên cao mặt trời trải một tấm mền vàng lên mình. 

Trong bao thư lần này chị gửi kèm cho em tờ quảng cáo tuyển dụng người máy. Chị đã gấp nó thành hình một con hươu cao cổ xinh xinh. Em không tưởng tượng nổi việc tìm cho được một thứ gì để làm quà cho bạn gái mình ở chốn này nó khó đến độ nào đâu.

Mà cái tờ quảng cáo đọc cũng thú vị ra trò em ạ. Hóa ra nó bớt dối trá hơn chị tưởng. Chỉ là, rất nhiều sự thật nghiêm trọng thì đều bị nó bỏ qua.

Kiểu như, nó viết: người máy có thể thiếu các cơ quan thần kinh thụ cảm đau đớn, nhưng điều ấy đâu có nghĩa là chúng ta không thể cảm nhận nỗi đau.  

Dẫu thế nào, chị rất nhớ em.

Anabelle

*****

Clarissa này,

Có lẽ chị nên giải thích một chút vì sao chị lại gửi em một viên gạch lần này.

Đơn vị pháo binh đã nã pháo vào một nhà máy điện ngày hôm qua. Sau đấy, những người máy được đưa tới, vì mái nhà đã bị phá đến nỗi chẳng đủ an toàn để cử bất cứ ai trong số cái giống người yếu đuối tới nữa.

Tụi chị thấy vô số quân địch bị thương. Chà, may mà người máy chúng mình chả phải ăn uống gì, cứ nhìn cái đống thức ăn lẫn với đống ruột bèo nhèo họ bày ra mà phát khiếp.

Xong chị thấy một tên, hai chân nát nhừ, bò ra từ đống đổ nát. Chị tiến tới hắn, chờ hắn giơ tay hàng – Thật lòng thì chị muốn giúp hắn, cho hắn chỗ trú, chăm sóc thuốc men cho hắn – nhưng hắn lại ném thẳng viên gạch này vào chị. “Tao thà chết còn hơn,” hắn rít lên, rồi nhìn chị bằng cái nhìn căm ghét tận cùng tới nỗi chị đứng trơ ra như tượng. “Mày không phải làm thế với tụi tao, xong lại tỏ ra thương hại”.

Tin chị đi, chưa có một đầu đạn nào lại khiến chị choáng váng đến thế.

Chị là một phụ nữ thực tế. Chị không hề ảo tưởng về công việc này. Lòng thương thậm chí còn tệ hơn cả nỗi xúc động từ tận tâm can trước một em bé ngây thơ mắt xoe tròn hay một cụ già đau yếu Chị là cỗ máy sát nhân được chính phủ phê chuẩn. Đó là một sự thật phũ phàng, tàn nhẫn. 

Chị không làm công việc này vì chị đặt niềm tin vào nó. Tất cả chúng ta đều phải kiếm tiền bằng một cách nào đó. Nhưng nhiều lúc, Clarissa ạ, chị cứ tự hỏi rằng liệu chị có cần tới sự dịu dàng mà chính chị đã từng đánh mất hay không. Đôi khi, đúng là chị cần bị tương một viên gạch vào mặt, để nhắc nhở bản thân về cái kẻ mà mình đã trở thành.

Dẫu có chẳng thể nào trở về lại như xưa được nữa.

Dù thế nào, chị rất nhớ em.

Anabelle

*****

Một ảnh trong phim giả tưởng Ex Machina, về cảm xúc, khả năng nhận thức và nổi dậy của trí thông minh nhân tạo.

Clarissa ơi,

Em sẽ viết gì khi em nghĩ rằng thời khắc cuối cùng của mình sắp điểm? Chị đã cứ thế nhìn chằm chằm vào trang giấy này trong khi đồng hồ đang đếm ngược từng giây.

Trên tất thảy, chị muốn xin lỗi vì mọi thứ. Vì đã đăng kí tham gia cuộc chiến hiểm nguy này. Vì đã chẳng biết trân trọng em. Vì đã để quên cả bộ chìa khóa trong xe giữa lúc em đang muốn lao ngay vào nhà để đi tiểu.

Chị đã từng siêu đãng trí, Clare nhỉ.

Họ hứa sẽ xóa hết những thiếu sót của chị khi chị đầu quân. Không phải đeo kính nữa, không còn sỏi thận nữa, không còn chứng ngưng thở làm chị ngủ chẳng ngon.

Ừ thì giờ giấc ngủ chẳng còn là vấn đề nữa.

Chị nhớ con dế ấy quá. Ôi lũ bọ nhỏ xinh. Giờ chẳng còn gì cất tiếng hát để chị được sống lại một lần.

Chị vừa khóa tự động mọi chương trình. Chị sẽ không lao ra ngoài kia đánh nhau nữa. Không đạn pháo nữa, không gạch đá nữa. Không còn giết chóc thản nhiên như đếm cừu từ đêm dài cho tới bình minh.

Chị đã đắp cả đống gạch lên người mình, Clarissa ạ, và cho tới khi họ tìm ra chị, chị không biết ai sẽ là kẻ phá tung chị trước: kẻ thù, hay chính chỉ huy của chị.

Thân chị sẽ ráp thành một cái chậu cây cực đẹp. Và những con dế, có lẽ chúng sẽ tìm tới đó, chơi một bản giao hưởng chính nơi trái tim chị từng trú ngụ.

Chị gửi kèm đây chìa khóa nhà để em chẳng bao giờ bị khóa ở bên ngoài nữa. Em giấu nó trong cái chậu đất nung ngoài hiên ấy nhé, chỗ chúng mình trồng bạc hà ấy. Đừng quên chị nhé, Clarissa.

Yêu em,

Anabelle

*****

Clarissa ơi,

Lúc này chắc hẳn em đã nghe về lệnh ngừng bắn. Chị đã nghĩ họ sẽ cứ mặc kệ tụi chị nằm dưới con mương đó, cạn pin và vô dụng, nhưng tất cả đã thay đổi, mọi chuyện đã kết thúc, họ đang giải tán đơn vị người máy và cho tụi chị về nhà.

Chắc em đang nghĩ lần này chị sẽ quên không gửi quà cho em, nhưng không phải vậy đâu. Chúng ta đã thường đánh giá quá thấp sự rỗng không em ạ. Một phong bì rỗng, một trang giấy trắng, một cái miệng há khô khốc chờ hớp nước mát lành.

Một người máy rỗng, sẵn sàng để làm đầy. 

Chị đang về đây rồi, em dấu yêu ơi. Và nếu em chẳng nhận ra chị, một người phụ nữ mà em từng biết, chị sẽ mở lồng ngực của mình ra và mời em bước vào trong, cẳng chân em, cánh tay em sẽ xoắn bện lấy cẳng chân và cánh tay của chị, an toàn và gần gụi, và trái tim em sẽ âm vang chirp-chirp chirp-chirp chirp-chirp chính nơi cũng là tim chị, và chúng ta sẽ hát cho nhau hồi sinh lần nữa.

Clarissa

Clarissa

Clarissa

Dẫu thế nào, chị rất yêu em.

Anabelle. □

Thái Hà dịch

—————–

Truyện đằng sau truyện

Rachael K. Jones tiết lộ nguồn cảm hứng đã khiến tác giả viết “Những món quà từ mặt trận người máy”.

Gần đây tôi bị cuốn hút bởi câu chuyện về Phó Đề đốc Grace Hopper1 và việc từ bà, thuật ngữ “debugging” (dùng thuật ngữ “gỡ bọ” để nói về việc sửa lỗi máy tính) được phổ biến. Trong khi làm công việc lập trình và phát triển máy tính Mark II tại Đại học Harvard, bà phát hiện ra một con sâu bướm bị kẹt trong máy – một con bọ trong máy tính, khiến máy tính bị lỗi và cần phải đưa nó ra (dù không hoàn toàn chính xác khi nói bà đã phát minh ra thuật ngữ này. Nó đã tồn tại từ trước đó trong thời bà sống). Để liên hệ thì có thể lắm chứ, bên trong cái máy tính tôi hay ngồi làm việc có thể có những con kiến chui ra chui vào, và tôi bắt đầu nghĩ về cách những con bọ ấy tiếp tục tương tác với các vi mạch điện tử, như ở bên trong một người máy chẳng hạn, và biết đâu cỗ máy ấy lại có những xung động xúc cảm vốn chỉ dành riêng cho những sinh vật hoàn toàn hữu cơ.

Tôi cũng muốn đào sâu vào lí do từ đâu mà ý tưởng về một người máy có hình dạng con người được hình thành. Một phần có thể là do tâm lí – khiến con người dễ chấp nhận những thân thể mới này hơn. Một phần lại có thể là do việc xây dựng hình ảnh với công chúng – công chúng thường có xu hướng đồng cảm hơn với một người máy sát thủ nếu các nhà sản xuất có thể nhân bản hóa chúng hết mức có thể.

Nhưng tôi cũng thích ý tưởng rằng một phần của sự phát minh ấy có thể là một ứng dụng thực tế – người máy cũng có thể hoạt động như một nguồn năng lượng, một vỏ giáp. Và điều này gợi lên một số ý tưởng thú vị về việc cơ thể là tài sản hay cơ thể như đồ vật, và mức độ phạm tội của người máy sẽ được đo đếm ra sao khi thực hiện các hành động tấn công bằng thi thể. Tôi dùng tất cả những ý tưởng này và ghép chúng vào một câu chuyện tình yêu, những từ khóa đa nghĩa đồng thời cũng là các biểu tượng trung tâm của câu chuyện – con bọ, viên gạch, món quà, sự rỗng không – và cuối cùng, đã hoàn thành nên một câu chuyện như bạn đang đọc nó hôm nay.

———

Chú thích

1 Grace Hope (1906-1992): Năm 1943, bà gia nhập Hải quân Dự bị Hoa Kỳ và cộng tác với Howard Aiken trong việc phát triển máy tính kiểm soát bắn Mark I, một trong những máy tính đầu tiên được ứng dụng vào quân sự. Bà là người đầu tiên viết một chương trình cho máy tính này. Sau chiến tranh, dù không còn tại ngũ trong Hải quân nhưng bà vẫn tiếp tục tham gia xây dựng các kế hoạch dự bị cho việc phát triển Mark II và Mark III.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)