Những nhà văn đi tìm căn cước

Hầu hết những nhà văn lưu vong và phải viết bằng ngôn ngữ khác không phải ngôn ngữ của nguồn cội mình đều chẳng hề chấp nhận sự vong thân. Họ luôn cố nhận diện chính mình, truy tìm căn cước của chính mình!

Năm 1976, Alex Haley nhà văn Mỹ gốc Phi xuất bản Roots, The Saga of an American Family. Cuốn sách viết về lịch sử gia đình ông khởi đi từ cụ tổ Kunta Kinte của ông bị bắt cóc ở Gambia năm 1767 và mang qua địa phận Maryland (tiểu bang Maryland của Mỹ bây giờ) bán làm nô lệ. Alex Haley cho biết ông là thế hệ thứ 7 của Kunta Kinte. Cuốn sách được vinh danh là đã làm thay đổi nước Mỹ, và đoạt Giải Pulitzer. Alex Haley đã dành 7 năm để vừa du hành tới châu Phi, quê hương cụ tổ Kunta Kinte của gia đình ông, và sau đó quay về Mỹ ngày ngày cặm cụi ở những quán cà phê của khu Manhattan, New York City để viết Roots!

Alex Haley không phải là nhà văn đầu tiên và cuối cùng muốn truy tìm nguồn cội của mình.
Dường như, hầu hết những nhà văn lưu vong và phải viết bằng ngôn ngữ khác không phải ngôn ngữ của nguồn cội mình đều chẳng hề chấp nhận sự vong thân. Họ luôn cố nhận diện chính mình, truy tìm căn cước của chính mình!

Mỹ là một quốc gia đặc biệt. Tôi có thể kể ra đây hàng trăm tác giả đang sinh sống và viết tiếng Anh tại Mỹ có nguồn gốc từ những đất nước khác. Họ có những quan điểm về nguồn cội và nước Mỹ khác nhau. Mỹ, từ thời kỳ chủ trương melting-pot, tức là hòa trộn văn hóa cho đến khoảng nửa thế kỷ gần đây đổi sang multi-culturals, tức đa văn hóa, đã khuyến khích những người nhập cư giữ gìn văn hóa gốc của những vùng đất quê hương mà từ đó họ đến.

Gish Jen là một điển hình cho chủ trương multi-culturals. Gish Jen sinh năm 1956, là thế hệ thứ hai của Trung Quốc – Mỹ. Cha mẹ bà di cư từ Trung Quốc vào những năm 1940, mẹ bà từ Thượng Hải và cha bà từ Nghi Hưng. Bà lớn lên ở Queens, New York, sau đó Yonkers, rồi Scarsdale. Bà tốt nghiệp trường Radcliffe năm 1977 với bằng cử nhân Anh ngữ, và tiếp theo ghi danh học ngành thương mại ở ĐH Stanford. Nhưng bà đã bỏ dở ĐH Stanford để theo học bổng của chương trình Writers’ Workshop ở ĐH Iowa (nơi mà về sau nhà văn Úc gốc Việt Nam Lê cũng được mời tham dự).

Một số truyện ngắn của Gish Jen được in lại trong The Best American Short Stories (Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Mỹ). Truyện “Birthmates” của bà, được chọn là một trong The Best American Short Stories of The Century (Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Mỹ Trong Thế Kỷ), do John Updike tuyển chọn. Tác phẩm của Gish Jen bao gồm bốn tiểu thuyết: Typical American, Mona in the Promised Land, The Love Wife, và World and Town. Bà cũng viết một tuyển tập truyện ngắn hư cấu Who’s Irish?.

Ở cuốn tiểu thuyết đầu tay, Typical American, như một xác định lại cái gọi là Bản – Sắc – Mỹ, bà viết: “Ngay khi bạn hỏi chính mình câu hỏi, là người Mỹ gốc Ireland, người Mỹ gốc Iran, người Mỹ gốc Hy Lạp, nó chỉ có nghĩa bạn là người Mỹ.

Cũng không thiếu những nhà văn gốc Việt viết bằng những ngôn ngữ lớn: tiếng Anh, Pháp.
Linda Lê đang sống ở Pháp, Nam Lê vừa sống ở Úc và Mỹ là hai nhà văn gốc Việt Nam luôn bị ám ảnh về một “quê hương” mà họ biết chắc đang hiện diện đâu đó trên mặt địa cầu, và hiện diện từng giây trong tâm cảm của họ.

Linda Lê bộc bạch về ý niệm “lưu vong”:

Lưu vong ở đây có hai nghĩa, hai dạng: những người lưu vong xa xứ, bị dứt khỏi mảnh đất chôn nhau cắt rốn và những kẻ lưu vong trên chính đất nước họ, xa lạ với xã hội xung quanh họ.

Trong tiểu thuyết thứ nhất của tôi đã được dịch ra tiếng Việt – Vu khống, có hai nhân vật chính đều là những kẻ “lưu vong kép”: cả hai đều đến từ những nước “Chà Chệt” Á Đông, một người lưu vong sống trong bệnh viện của những người điên, một người viết văn trẻ sống trong tâm trạng lưu vong vì viết bằng tiếng Pháp mà lại không phải là người Pháp – một nhà văn nữ trẻ giống như tôi – đã quên tiếng mẹ đẻ.” (Tuổi Trẻ, 15-10-2010)

“Lưu vong” trong văn chương Linda Lê không còn là một tâm thế, mà là một nỗi ám ảnh. Thứ ám ảnh ngày càng méo mó, thay đổi dạng hình từng giây phút và có vẻ như đã trà trộn vào trong từng tế bào, từng giọt máu luân lưu trong cơ thể tâm hồn các nhân vật của tác giả. Nó biến thành dòi bọ, thành ma mị giữa hai cái ngoái đầu:

Không biết có bao giờ tôi có thể ngoảnh mặt khỏi cái tôi bùn nhơ của tôi.”

(Vu Khống, trang 32)

“Lưu vong” khởi đi là một nỗi ám ảnh và có lúc đã biến hình thành một mặc cảm tự ti, ở một mặt phẳng chấn động vô thức! Là một người Việt Nam, lại không viết được và (có thể) không nói được ngôn ngữ Việt Nam, nó thành một trò rượt đuổi của suy tưởng và định hình cái hơi thở, cái “sự sống” của chính mình! Đôi lúc, nhân vật của Linda Lê sợ hãi sự sống:
“Có yên đi không! Có yên đi không! Chớ ai nói tiếng nào! Im cả đi! Nếu ai nhất định nói, hãy thì thầm mà thôi. Có những ngày những tiếng động của đồng loại, những tiếng động nói lên sự sống, làm tôi kinh khiếp.”

(Vu khống, trang 33)

Sợ hãi sự sống, vì dường như, đó là sự sống của kẻ khác, những kẻ khác, chứ không phải của mình… Cái tôi mất dấu ngay lúc tôi đang suy tưởng, chứ chẳng phải như R. Descartes đã nói: “I think, therefore I am” (Tôi suy tưởng, do đó tôi hiện hữu!). Quả tình là một điều kinh khiếp khi “tôi” đã không hiện hữu ngay lúc “tôi” đang suy tưởng. Văn chương Linda Lê khả dĩ có thể làm nhiều người đọc nghẹt thở.

Cô viết, đây đó trong Vu khống:

Còn với tôi, sách vở là thuốc dịu đau. Nhờ sách, tôi giả chết.” (trang 12)

Tôi đã phải học tiếng tiếng Pháp giữa đám người điên. Còn nó, con bé, tiếng Pháp đã trở nên ngôn ngữ duy nhất của nó, khí cụ của nó, vũ khí của nó. Vũ khí nó sử dụng chống gia đình, chống Đất Nước.” (trang 14)

Tôi giả điên để khỏi hóa điên. Tôi thủ thế, tôi tự vệ, như con chim ấp trứng (dẫu cho trứng thối).” (trang 32)

Vấn nạn “ngoại ngữ”, tức là thứ tiếng nói và viết của người bản địa mà đám lưu vong phải học, phải hòa nhập để sống, để sinh tồn có lúc đã biến thành thảm họa! “Sống như một kẻ lạ đang sống trong con người mình!”

Nhưng sau tất cả, trong bài nói chuyện có tựa “Những Người Xa Lạ Kỳ Lạ” chiều 13-10 tại L’Espace, Linda Lê khẳng định:

Những người lưu đày không thể hòa giải với những tư tưởng hạn chế, lạ lẫm trong chính đất nước của họ, những người đã quen với chạy trốn ra khỏi vỏ kén bao bọc, những người hành động riêng lẻ không xếp mình vào hàng ngũ nào hết, những trường hợp ngoại lệ gần với sự bất bình thường, những người phá hủy những tư tưởng ngự trị, những người xóa bỏ lòng cố chấp dịch họa, những kẻ thù của những hóa thạch cổ mà với họ thì biên giới giữa các quốc gia không có khe hở,…

Nam Lê sinh năm 1978 tại Rạch Giá, Kiên Giang, mới 3 tháng tuổi đã rời Việt Nam sang Úc. Năm 2008 anh được Giải Dylan Thomas dành cho những tác phẩm Anh ngữ xuất sắc với tập truyện ngắn đầu tay The Boat (Con Thuyền). Ngoài một câu chuyện có tính tự truyện, tác giả cũng viết về nhiều nhân vật khác, như một bé gái ở Hiroshima, một kẻ ám sát ở Colombia, và một phụ nữ ở Tehran.

Trước đó, tổ chức National Book Foundation tại Mỹ cũng tuyên dương Nam Lê là “5 Under 35”, tức là 5 nhà văn trẻ dưới 35 tuổi có nhiều triển vọng đáng khen ngợi.

Cuốn The Boat ngoài ấn bản Anh ngữ còn có phiên bản tiếng Việt cùng được dịch sang tiếng Đức, Ý, Hà Lan, Pháp, Phần Lan, và Tây Ban Nha.

Nỗi ám ảnh về một “quê hương” trong văn chương Nam Lê không u uất như của Linda Lê. Nam Lê đi học và trưởng thành tại Úc. Tốt nghiệp luật sư và hành nghề luật cho đến năm 2005 mới rẽ sang con đường văn chương. Có thể nói con đường đi vào nghề văn của Nam Lê đã rất xán lạn ngay bước đầu tiên với tập truyện ngắn The Boat. Tính đến nay, anh đã được 11 giải thưởng từ tập truyện này, trong đó có giải Dylan Thomas rất thế giá. Giải thưởng mang tên nhà thơ và nhà văn, nhà thơ nổi tiếng nhất của xứ Wales, trị giá 30 nghìn bảng Anh, được trao hằng năm cho những nhà văn dưới 30 tuổi viết bằng tiếng Anh.

Trên tờ The New York Times trong chuyên mục Books of The Times, ấn hành ngày 13/5/2008, Michiko Kakutani, một nhà phê bình văn học nổi tiếng rất khó tính “có thể làm cho tác giả bà phê bình bán được sách hay không”, đã không tiếc lời ca ngợi Nam Lê:

Anh trình bày về một phụ nữ trẻ người Mỹ đến thăm Tehran và so sánh cuộc sống của riêng mình: lãng mạn, mất phương hướng, tự hài lòng về nghề nghiệp, với một người bạn Iran, người đã chọn gắn kết cuộc đời mình  với vận mệnh chính trị và bất đồng chính kiến (Tehran Calling). Anh viết về một thiếu niên người Úc, chuẩn bị đối mặt với thách thức của một đối thủ sát nhân để tranh giành một cô gái, ngay cả khi cậu ta cố gắng ứng phó với cái chết sắp xảy ra cho người mẹ ốm đau của cậu (Halflead Bay). Và trong hai câu chuyện đầu và cuối của tập truyện này, anh viết về  chiến tranh Việt Nam như là một thực tế không thể tránh khỏi của cuộc sống hàng ngày, lây nhiễm cho mọi mối quan hệ và bẻ cong hướng đi của một đời người. Trong “The Boat“, anh hết sức trực tiếp nói đến hậu quả tàn phá, trong “Love and Honor…“, anh lại vô cùng giản lược, tạo ra một ám ảnh kỳ diệu của một câu chuyện nói nhiều về những giấc mơ gia đình và gánh nặng cũng như những con sóng của lịch sử.

(Nguyên văn: “He conveys what it might be like to be a young American woman visiting Tehran and comparing her own life of romantic disappointments and career satisfactions to that of an Iranian friend, who has chosen to commit herself to a life of politics and dissent (“Tehran Calling”). He conveys what it might be like to be an Australian teenager, preparing to face off against a thuggish rival’s claims to a girl, even as he tries to cope with his ailing mother’s impending death (“Halflead Bay”). And in the two stories that bookend this collection, he conveys what it might be like to have the Vietnam War as an inescapable fact of daily life, infecting every relationship and warping the trajectory of one’s life. In “The Boat” he does so directly with devastating results; in “Love and Honor” he does so elliptically, creating a haunting marvel of a story that says as much about familial dreams and burdens as it does about the wages of history.”

Nam Lê cũng đào xới những va chạm của hai thế hệ, người cha từng ở quân đội và tù tội, với đứa con chẳng biết chi nhiều về cha mình, về đất nước mình. Và cậu con trong một giây nào đó, đã có những suy nghĩ lại:

If I had known then what I knew later, I wouldn’t said the things I did. I wouldn’t have told him he didn’t understand – for clearly, he did. I wouldn’t told him that what he had done was unforgivable. That I wished had never come, or that he was no father to me.

(Nam Lê, “The Boat”, Love and Honor and Pity…, Alfred A. Knopf, New York 2008, trang 28)

Nếu tôi biết những gì mà sau này tôi mới biết, tôi sẽ không nói những điều tôi đã nói (với ông). Tôi sẽ không nói (rằng) ông đã không hiểu – một cách rõ ràng, (thực ra) ông hiểu. Tôi sẽ không nói với ông rằng những gì ông đã làm là không thể tha thứ. Rằng tôi đã mong ước là ông không bao giờ đến, hoặc ông không phải là ông bố của tôi.

Ám ảnh về “quê hương” trong văn chương Nam Lê là thứ ám ảnh có thể sờ mó, nói tới bằng những hình ảnh hay hậu quả tàn tích trên con người và trên cảnh thổ hay nhiều thứ khác. Nó hiện diện như là một thực thể để đó, nằm đó. Nhưng nó không dằn vặt Nam Lê từng giây phút. Nam Lê sống cuộc sống mở rộng ra, nhìn ngắm và chiêm nghiệm thế giới chung quanh. Tự truyện, hay truyện có bóng hình tác giả rất hiếm hoi trong The Boat của Nam Lê. Anh cho rằng:

Đối với tôi một cuốn tiểu thuyết là cả một vũ trụ. Một truyện ngắn không chỉ là một thế giới thu nhỏ mà trái lại nó mở ra một câu chuyện lớn hơn.” (Nguồn: arts.gov.au)

Đề tài của Nam Lê không chỉ về những người Việt Nam lưu vong hay những gì liên quan đến Việt Nam. Nó đi từ giấc mơ này đến giấc mơ khác của tác giả… Như thể Nam Lê thực hiện những giấc mơ của anh thành văn chương, thành những truyện ngắn.

Tuy nhiên, điều cần thiết để nói ở đây, là hai nhà văn Linda Lê và Nam Lê, là hai nhà văn có một điều giống nhau và một điều khác nhau: Họ giống nhau vì cùng có chung một nguồn gốc Việt Nam, và cùng thành tựu ở nước người. Nhưng hai phiên bản này hoàn toàn khác biệt trong lãnh vực văn chương. Linda Lê trừu tượng, ẩn ức và u tối, phức hợp. Nam Lê trong sáng, mở rộng và xông xáo.

Hội An 25-10-2010

 

Tác giả

(Visited 2 times, 2 visits today)