Nietzsche qua diễn giải của Deleuze (Kỳ I)
Deleuze nhận thấy rằng, đối với Nietzsche, triết học phải tiến hành công việc phê phán, triết học trở thành triết học phê phán. Nietzsche muốn biến nó thành nhát búa, cái nhát búa cao thượng. Nếu triết học không thực hiện được nhiệm vụ đó nó sẽ chết. Và triết gia chính là kiểu người phê phán. Ông ta phải luôn chống lại thời đại mình, phải luôn phê phán thế giới hiện tại. Ông ta có trách nhiệm làm cho những người cùng thời cảm thấy buồn phiền, vì ông ta không hợp với thời đại của mình, nói cách khác là phải đi trước thời đại(1).
Phê phán: biểu hiện tích cực của một lối sống tích cực
Ngay từ những trang đầu tiên của cuốn Nietzsche và triết học, Deleuze xác định rõ quan niệm của Nietzsche về sự phê phán: “Phê phán không phải là phản ứng của sự phẫn hận mà là biểu hiện tích cực của một lối sống tích cực: tấn công nhưng không trả thù” (tr. 3) (2).
Theo tiêu chí đánh giá của Nietzsche, phê phán là một thái độ sống tích cực, một yếu tố tích cực thúc đẩy cuộc sống phát triển. Triết học có tính phê phán, nhưng phê phán không phải là độc quyền của các triết gia, nó là một phương thức tồn tại của những ai muốn sống một cách tích cực. Do đặc trưng của nó, phê phán có thể có tính xâm hấn, có thể “độc ác”, nhưng đó là sự độc ác thần thánh.
Phê phán đương nhiên không bao hàm sự chửi bới và mạt sát. Bởi vì, theo Nietzsche, sự khiêu khích hay xâm hấn của người phê phán là có tính thần thánh. “Cái búa” mà người phê phán sử dụng là một cái búa cao thượng. Người phê phán không “tư duy một cách thấp kém”, không bị phẫn hận chi phối. Trong hệ từ vựng của Nietzsche, những từ mà ông căm ghét, ghê tởm nhất là: ti tiện, hèn hạ. Theo hình dung của ông, những gì ti tiện, hèn mọn, vẫn sẽ tiếp tục tồn tại, dù chúng có bị lên án, đả kích tới mức độ nào đi nữa, nếu như chúng không được thay thế bằng một hiện trạng khác, bằng một thực tế khác, thực tế của những gì cao thượng, cao quý. Tình hình còn bi quan hơn nếu những cái ti tiện hèn hạ này lại bị đả kích bởi những cái ti tiện hèn hạ khác. Trong trường hợp đó, không hề có phê phán, theo nghĩa mà Nietzsche muốn. Và sẽ chỉ là một ảo tưởng thảm hại nếu tin rằng có thể xoá bỏ sự ti tiện khi dùng sự ti tiện này để lên án sự ti tiện kia. Đó không phải là phương thức của kẻ phê phán thực sự.
Kẻ phê phán tấn công và có thể gây đau đớn nhưng không hèn hạ. Phê phán là “một sự độc ác thần thánh mà không có nó ta không thể hình dung được sự hoàn thiện” (tr. 3). Như vậy phê phán là yếu tố không thể thiếu nếu ta muốn đạt tới sự hoàn thiện. Không thể thiếu được hiểu theo hai nghĩa: phải biết tiến hành sự phê phán, đồng thời phải biết chấp nhận sự phê phán. Kẻ có khả năng phê phán là kẻ mạnh. Kẻ có khả năng chấp nhận sự phê phán cũng là kẻ mạnh. Thực ra nếu kẻ mạnh có thể chấp nhận sự phê phán của người khác, thì là vì trước tiên anh ta biết tự phê phán chính mình. (Chúng tôi sẽ trở lại với vấn đề này khi đề cập đến hiện tượng siêu nhân ở Nietzsche). Kẻ yếu hoặc không thể tiến hành sự phê phán, hoặc không thể chấp nhận sự phê phán, hoặc rơi vào cả hai trường hợp.
Phê phán: sáng tạo và niềm vui
Deleuze chỉ ra rằng, theo Nietzsche, Kant thiếu tư tưởng phê phán, vì Kant “không khám phá được cái thẩm quyền thực sự có tính hoạt năng, có khả năng thực hiện sự phê phán” (tr. 123). Ở Kant, sự phê phán mang tính thỏa hiệp và nó không giúp con người vượt thoát khỏi cái sức mạnh phản ứng tồn tại trong con người.
Với các công trình về sự phê phán, Kant đã trở thành triết gia đầu tiên đề cập đến tính toàn diện và tích cực của phê phán, đồng thời là người đề xuất quan niệm về sự phê phán nội tại. Tuy nhiên, mâu thuẫn của Kant là ở chỗ, khi đòi hỏi lý tính phải phê phán chính nó(3), ông đã biến phê phán thành ra vừa là tòa án, vừa là bị cáo, vừa là thẩm phán, và Kant đã không thực hiện được chương trình phê phán nội tại của ông, do thiếu một phương pháp cần thiết. Nietzsche mới là người xác lập được nguyên tắc này, đó chính là ý chí quyền lực. “Chỉ duy nhất ý chí quyền lực mới có tư cách là nguyên tắc phát sinh và nguyên tắc phả hệ học, có tư cách là nguyên tắc lập pháp, chỉ có nó mới có năng lực thực hiện sự phê phán nội tại” (tr. 127).
Với Nietzsche, triết gia trở thành nhà lập pháp, thành người ra lệnh và ban bố luật. Và lập pháp được Nietzsche hiểu là sáng tạo các giá trị. Triết gia là nhà lập pháp, vì ông ta phá bỏ các giá trị cũ và tạo ra các giá trị mới. Thực ra ý tưởng về triết học lập pháp là ý tưởng của Kant, nhưng khi lấy lại và phát triển ý tưởng này, Nietzsche lại xem Kant là một “công nhân triết học”. Bởi vì, đối với Kant, những gì mang tính lập pháp thuộc về các quan năng giác tính và lý tính. Và việc sử dụng các quan năng này lại “trùng hợp một cách lạ lùng với các giá trị đã được thiết lập” (tr.129). Trong khi đó Nietzsche cổ xúy cho việc đập bỏ các giá trị đã được thiết lập để tạo ra các giá trị mới.
Deleuze nhấn mạnh điều này nhiều lần trong cuốn sách: “Yếu tố sáng tạo ra ý nghĩa và giá trị […] được xác định như là yếu tố phê phán” (tr. 119). Và yếu tố sáng tạo ra ý nghĩa và giá trị chính là ý chí quyền lực. Deleuze đã giải thích tại sao triết học về sức mạnh và ý chí quyền lực của Nietzsche không thể tách khỏi sự phê phán. Lý thuyết về các kiểu sức mạnh không những xác định các chất của sức mạnh như là hoạt năng hay phản ứng, mà còn xác định cả các phương thức quan hệ giữa các sức mạnh: kiểu hoạt năng hình thành khi các sức mạnh hoạt năng chiến thắng các sức mạnh phản ứng, và với kiểu phản ứng thì ngược lại, đó là sự chiến thắng của các sức mạnh phản ứng. Mỗi kiểu có một phẩm chất riêng: đối với Nietzsche, các phẩm chất cao cả và cao quý gắn với sự vượt trội của các sức mạnh hoạt năng, biểu thị ái lực của sức mạnh hoạt năng với khẳng định. Trái lại, thấp kém và đê hèn biểu thị sự chiến thắng của các sức mạnh phản ứng, và ái lực của sức mạnh phản ứng với cái phủ định. Và sự phê phán có khả năng xác định sự phân bậc các giá trị, có khả năng xác định rằng chúng cao quý hay hèn hạ.
Tuy nhiên Deleuze đặt câu hỏi là tại sao có thể nói cái cao quý “tốt hơn” hay “có giá trị hơn” cái thấp hèn. Và ông tìm thấy câu trả lời ở sự quy hồi vĩnh cửu. Theo ông, chỉ có những gì mang tính khẳng định mới có thể quy hồi. “Sự quy hồi vĩnh cửu chuyển hóa cái phủ định […] nó chuyển cái phủ định sang phía khẳng định, nó biến phủ định thành một quyền lực khẳng định” (tr. 120). Và sự phủ định chuyển thành khẳng định, đó chính là sự phê phán. Phê phán chính là “sự phá hủy trở thành hoạt năng”. Vì lẽ đó mà Deleuze có thể kết luận rằng: “phê phán là sự phá hủy trong tư cách là niềm vui, là sự xâm hấn của kẻ sáng tạo. Kẻ sáng tạo các giá trị không tách biệt với kẻ hủy diệt, không tách biệt với một tội đồ hay một người phê phán: phê phán các giá trị đã được thiết lập, phê phán các giá trị phản ứng, phê phán sự hèn hạ.” (tr. 120-121). Như vậy ta hiểu rõ hơn tại sao, trong quan niệm của Nietzsche, một kẻ phê phán lại đồng thời là kẻ sáng tạo, và anh ta cũng sẽ bị xem là một tội đồ, một kẻ hủy diệt, vì đã dám phá vỡ các giá trị hiện hành, dám chống lại sự hèn hạ.
Theo cách hiểu của Deleuze, sáng tạo và niềm vui là hai nguyên tắc của triết học Nietzsche, triết học về ý chí. Đương nhiên, ta hiểu ngay rằng ông muốn nói tới Ý chí quyền lực. Deleuze chiết tự khái niệm để tạo nên phương trình này: muốn = sáng tạo, ý chí = niềm vui. Trái với cách hiểu sai mà người ta có thể có về khái niệm “ý chí quyền lực” của Nietzsche, Deleuze chỉ ra rằng ý chí quyền lực không phải là ý chí muốn có quyền lực, không phải là sự ép buộc, không phải là sự chống đối. Ngược lại, ý chí quyền lực, đó là ý chí giải phóng, “đó là học thuyết đích thực về ý chí và về tự do” (tr. 117), đó là sứ giả của niềm vui, là bản thân sự vui vẻ. Niềm vui sáng tạo ra các giá trị mới. Khái niệm “ý chí quyền lực” sẽ được phân tích sâu hơn ở một dịp khác, ở đây chúng tôi chỉ xét ý chí quyền lực trong quan hệ với sự phê phán.
—-
(1) Xem phần “Hình ảnh mới của tư duy” trong cuốn Nietzsche và triết học, Nguyễn Thị Từ Huy dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, NXB Tri Thức ấn hành, năm 2010, tr.142-152.
(3) Trong bài này, các trích đoạn được lấy từ bản tiếng Việt của cuốn Nietzsche và triết học sẽ có chú thích về số trang đặt trong ngoặc kép.
(4) “Kant kết luận rằng phê phán cần phải là phê phán của lý tính bởi chính nó” (126).