NIKITA MOISEEV – Nhà toán học với những vấn đề toàn cầu

Nikita Nicolaevich Moiseev (1917-2000) là nhà toán học và bác học Xô Viết lỗi lạc. Tên tuổi của ông gắn liền với những công trình xuất sắc trong các lĩnh vực toán học, kĩ thuật tên lửa vũ trụ, mô hình toán học, các quá trình sinh thái, khí hậu và kinh tế-xã hội. Những nghiên cứu của ông và các học trò về biến đổi khí hậu và hậu quả của chiến tranh hạt nhân đã có tiếng vang trên trường quốc tế, góp phần mở đầu thời kì bảo vệ môi trường trên thế giới và cải thiện quan hệ quốc tế, giải trừ quân bị. Ông còn là nhà triết học, nhà tư tưởng sâu sắc.

Về cuộc đời
Nikita Nicolaevich Moiseev sinh ngày 23 tháng 8 năm 1917 tại Matxcơva trong một gia đình trí thức. Ông nội-Sergây Moiseev-xuất thân từ gia đình quí tộc, trước cách mạng đã từng giữ chức vụ cao trong ngành giao thông. Bố – Nicolaevich Moiseev – tốt nghiệp  ngành luật học Đại học tổng hợp Matxcơva, đã kinh qua nhiều công việc khác nhau: giảng viên đại học, cán bộ ngoại giao ( trước cách mạng), chuyên viên tài chính cao cấp (sau cách mạng). Mẹ ông làm nghề y tá mặt trận trong chiến tranh Nga- Nhật và trở thành người nội trợ sau khi lập gia đình.
N.Moiseev không say mê toán học sớm như những thần đồng khác ( từ bé rất rất ngại môn số học!). Ông vốn mơ ước trở thành nhà thiên văn nhưng việc tham gia vào nhóm toán dành cho học sinh phổ thông của Viện toán học Steklov và thành tích nổi bật ở đó đã làm ông thay đổi quyết định. Năm 1935 Moiseev vào học khoa toán-cơ Đại học Tổng hợp Matxcơva và tốt nghiệp năm 1941. Cũng năm đó ông gia nhập quân đội, lúc đầu giảng dạy môn trượt tuyết cho chiến sĩ Hồng quân phục vụ các chiến dịch quân sự trong chiến tranh Liên Xô – Phần Lan (ông là vô địch môn trượt tuyết toàn Liên Xô lứa tuổi thanh niên). Năm 1942 sau khi trải qua một số khoá học đặc biệt tại Học viện kỹ thuật quân sự Hàng không  Zhukovski, ông được điều vào quân chủ lực. Tham gia chiến tranh Vệ quốc, ông được tăng huân chương Cờ đỏ, huân chương Chiến tranh vệ quốc hạng nhì, huân chuơng “Vì sự nghiệp bảo vệ Leningrad”.

Những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học về môi trường  mà hàng đầu là của trường phái Moiseev là cơ sở để nhóm chuyên gia của Liên Hợp Quốc xây dựng báo cáo tại các hội nghị về môi trường và phát triển. Cũng chính hệ thống mô hình toán học này về sau đã được sử dụng để phân tích hậu quả của chiến tranh hạt nhân giả định.

Năm 1948 sau khi xuất ngũ Moiseev được điều về làm việc tại ngành công nghiệp hàng không. Tại đây ông tham gia giảng dạy và nghiên cứu với cương vị phó giáo sư bộ môn tên lửa tại Trường Tổng hợp kĩ thuật Matxcơva-một trong những trường kĩ thuật hàng đầu của đất nước. Ông được phân công nghiên cứu các vấn đề lí thuyết trong  nhóm chuyên gia dưới sự lãnh đạo của Korolyov – Tổng công trình sư lỗi lạc của ngành hàng không Liên Xô và  được giao nghiên cứu hướng “Động học tên lửa”. N.Moiseev đã thu được những kết quả mang tính nền tảng và mau chóng trở thành một trong những nhà lí thuyết hàng đầu trong lĩnh vực kĩ thuật tên lửa của Liên Xô.
Năm 1950-1955 Moiseev được điều về giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Rostov với cương vị Tổ trưởng Bộ môn Cơ lí thuyết. Trong khoảng thời gian này ông đã hoàn thành luận án PTS ( tiến sĩ ), rồi TS  ( TSKH) tại Viện Toán học Steklov.
Năm 1955 Moiseev được điều về Matxcơva làm giáo sư vật lí tại Đại học Vật lí kĩ thuật Matxcơva và trưởng khoa cơ học vũ trụ. Từ năm 1967 đến 1985 là Phó giám đốc của Trung tâm tính toán thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên xô. Dưới sự lãnh đạo của ông, một khối lượng khổng lồ các công trình nghiên cứu về các quá trình kinh tế –xã hội phức tạp, các vấn đề toàn cầu đã được tiến hành. Hai công trình của thời kì này đã đưa lại tăm tiếng quốc tế cho Miossev và trường phái khoa học của ông là nghiên cứu về biến đối khí hậu thế giới với việc phát hiện ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính và hậu quả chiến tranh hạt nhân với hiện tượng mùa đông hạt nhân.

N.Moiseev về nghỉ hưu năm 1987, dành phần lớn thời gian cho những suy ngẫm về ý tưởng xây dựng một học thuyết tổng quát cho con đường phát triển của nhân loại mà sau này được biết đến như  thuyết tiến hoá hiện đại. Đồng thời ông tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội và bảo vệ môi trường. Ông thành lập và là Tổng biên tập đầu tiên tạp chí phổ biến khoa học “Môi trường và cuộc sống”, là Chủ tịch Hội chữ thập xanh của Nga, thành viên Ban giám đốc Viện cuộc sống (Paris). 

Từ toán học đến những vấn đề về hiệu ứng nhà kính và Mùa đông hạt nhân
Vào đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước những vấn đề toàn cầu, tức là những vấn đề chung của hành tinh chúng ta, đã bắt đầu được giới khoa học và chính trị đề cập đến. Nhiều công trình nghiên cứu về chủ đề này đã được  công bố, nổi bật nhất trong đó là công trình “Động học thế giới” của Giáo sư Forester-Viện công nghệ Massachusetts – Hoa Kỳ. Trong cuốn sách này tác giả đã cố gắng mô tả những quá  trình cơ bản của kinh tế, dân số, ô nhiễm môi trường và mối quan hệ của chúng ở qui mô toàn hành tinh. Năm 1971 tại Rome theo sáng kiến của UNESCO đã tổ chức hội thảo quốc tế đầu tiên về vấn đề toàn cầu, tại đó một trong những học trò của Forester là Medoiz đã đọc báo cáo “Giới hạn của tăng trưởng”. Báo cáo đã có tiếng vang rất lớn và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới với số lượng khổng lồ.
Tuy nhiên việc phân tích những vấn đề toàn cầu dựa trên kĩ thuật của Forester là hoàn toàn không thể. Trên thực tế Forester không nắm được phương pháp tiếp cận tính toán các hệ động lực phức tạp. Để phân tích các quá trình do Forester đề xuất cần phân tích các quá trình tương tác với tự nhiên và xảy ra trong tự nhiên. N.Moiseev liền tập hợp một nhóm các nhà toán học trẻ, tài năng làm việc trong lĩnh vực khí động học và đặt ra vấn đề giải quyết: xây dựng và thực hiện trên máy tính điện tử chương trình mô hình toán học hệ thống “khí quyển – đại dương”. Đây là vấn đề hết sức phức tạp, nó đòi hỏi hiểu biết sâu sắc hàng loạt vấn đề của vật lí, cơ học, động học, đại dương… và các phương pháp của toán học tính toán. Ông cũng hiểu rằng chỉ một mình mô hình tương tác “khí quyển – đại dương” là chưa đủ để phân tích tương lai phát triển của nhân loại, cần phải xây dựng một hệ thống các mô hình phức tạp hơn rất nhiều. Trở về từ hội thảo N.Moiseev hiểu rằng đã ra đời một hướng khoa học mới có tính nền tảng trong đó các mô hình toán học chiếm vị trí trung tâm. Được sự ủng hộ của nhiều viện nghiên cứu thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên Xô ông đã cho thành lập hai phòng thí nghiệm mới: Phòng thí nghiệm thứ nhất nghiên cứu các vấn đề mô hình quá trình của thế giới sinh vật tự nhiên, phòng thứ hai – động học hệ thống “khí quyển – đại dương”. Tiếp đó là giai đoạn khó khăn nhất của việc xây dựng đảm bảo toán học: lựa  chọn thuật toán, các  lược đồ sai phân và lập trình thực tế. Học trò của ông – Aleksandrov đã sang Mỹ để thực hiện chương trình trên hệ thống máy tính mạnh hơn của Liên Xô lúc đó và sau tám tháng đã trở về mang theo các kết quả thực hiện trên máy tính và các thước phim tư liệu. N. Moiseev đã trực tiếp bay về chi nhánh Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô tại

Là nhà khoa học chân chính Moiseev luôn xa lạ với tính đẳng cấp trong khoa học. Ông không bao giờ đặt lí thuyết cao hơn ứng dụng, coi cả hai khía cạnh của vấn đề trong một thể thống nhất. Ông luôn gắn hoạt động khoa học của mình với những vấn đề cấp bách của đất nước, trước hết trong khu vực công nghiệp quốc phòng và sau này trong nền kinh tế quốc dân.

Novosibirsk. Tại đây Viện sĩ Martruc (sau này là vị Chủ tịch cuối cùng của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô) đã tập hợp một nhóm chuyên viên dự báo thời tiết để đánh giá mô hình do N.Moiseev và các học trò ông xây dựng. Khi trên màn ảnh xuất hiện dòng gió xoáy nổi tiếng đặc trưng của xứ Siberi thì mọi người đều hiểu rằng mô hình toán học đã phán ánh đúng  những đặc điểm cơ bản của động học khí quyển – thuỷ quyển (khí quyển – đại dương). Vậy là đã chứng minh khả năng sử dụng mô hình toán học trong các quá trình phức tạp xảy ra trong khí quyển như chuyển động của các khối khí, sự hình thành các đám mây, chuyển động của các dòng nước trên đại dương v.v.
N.Moiseev hiểu rắng một bước cực kì quan trọng đã được thực hiện. Việc tiếp theo là phải  học cách  mô tả động học của sinh vật tự nhiên và tìm cách  đưa vào mô hình đó yếu tố hoạt động của con người. Việc hợp nhất hai mô hình dẫn đến mô hình toán học với hệ thống phương trình hết sức phức tạp mà việc phân tích chỉ ra rằng nếu nhịp độ chất thải của con người vào khí quyển như hiện tại thì tất yếu dẫn đến sự mất ổn định của khí quyển nói chung và hiện tượng nóng lên toàn cầu nói riêng. Tuy nhiên để định lượng chính xác thì cần thiết phải xây dựng được hệ thống các mô hình toán học phức tạp hơn nhiều. Tiếp theo đó là những năm tháng lao động miệt mài của ông và các học trò. Hệ thống mô hình được xây dựng đã đạt được độ chính xác cao, có khả năng chỉ ra một bức tranh khá chi tiết về biến đổi khí hậu do tác động của con người. Công trình của nhóm Moiseev giành được sự thừa nhận của quốc tế. Những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học về môi trường mà hàng đầu là của trường phái Moiseev là cơ sở để nhóm chuyên gia của Liên Hợp Quốc xây dựng báo cáo tại các hội nghị về môi trường và phát triển. Cũng chính hệ thống mô hình toán học này về sau đã được sử dụng để phân tích hậu quả của chiến tranh hạt nhân giả định.

Máy bay SU-25

Vào thập niên bảy mươi và đầu những năm tám mươi của thế kỷ 20, chiến  tranh lạnh đã đi vào đỉnh điểm, quan hệ Xô – Mỹ luôn ở tình trạng căng thẳng và người ta nói nhiều đến khả năng đụng độ chiến tranh hạt nhân. Năm 1983 nhà  thiên văn học Mỹ  Carl Sagan cho công bố một số kịch bản của cuộc chiến tranh hạt nhân giả định. Hậu quả là những đám cháy khổng lồ, sự hình thành các đám khói dày đặc bao phủ lấy toàn bộ Trái đất khiến hàng tháng trời Trái đất hoàn toàn bị che khuất khỏi Mặt trời. Xuất hiện hiện tượng  mùa đông hạt nhân. Sagan đã đưa ra những kết luận trên dựa vào  trực giác mà chưa có cơ sở khoa học nào. Để kiểm nghiệm các dự đoán đó con đường duy nhất là thiết lập mô hình toán học và thử nghiệm trên máy tính. Mùa hè năm1983 tại Trung tâm tính toán của Viện Hàn lâm khoa học Liên xô, dưới sự chỉ đạo của Nikita Moiseev đã tiến hành các tính toán nhằm kiểm nghiệm hậu quả của chiến tranh hạt nhân được Sagan dự đoán. Kết quả tính toán chỉ ra rằng trong trường hợp có chiến tranh, thậm chí hai bên Xô Mỹ chỉ cần sử dụng 30-40% tiềm năng hạt nhân của mình thì tại các tầng trên của khí quyển sẽ hình thành những đám khói khổng lồ, những đám khói này sẽ bao phủ lấy Trái đất trong nhiều tháng. Nhiệt độ bề mặt Trái đất, trừ một số đảo nhỏ, sẽ hạ xuống dưới không độ, thậm chí tại một số khu vực nhiệt độ hạ xuống dưới 30 độ âm. Kết quả tính toán trên mô hình của trường phái N.Moiseev cho thấy sẽ xảy ra một sự biến đổi hoàn toàn hệ thống sinh quyển sang một trạng thái mà loài người không thể tồn tại trong đó. Các nhà khoa học Mỹ cũng đã lặp lại thí nghiệm và cho kết quả tương tự. Các công trình nói trên đã ảnh hưởng to lớn đến định hướng quan hệ quốc tế, đặc biệt là quan hệ Xô – Mỹ trong những năm tiếp theo.

Ông không bao giờ ảo tưởng về việc các nhà khoa học có thể thay thế các nhà chính trị để đứng mũi chịu sào cho đất nước. Nhưng ông hiểu, những nhà chính trị cần phải biết sử dụng những nhà trí thức chân chính.

Trên thực tế việc nghiên cứu hậu quả của chiến tranh hạt nhân chỉ là một phần trong kế hoạch nghiên cứu rộng lớn của N. Moiseev về  tự nhiên-xã hội được khởi đầu vào đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước. Vào thời gian này, như ông hồi ức lại, ông không còn hứng thú với công việc vượt qua các khó khăn mang tính thuần tuý kĩ thuật vốn đặc trưng cho các nhà toán học trẻ. Moiseev chuyển dần sang nghiên cứu các vấn đề toàn cầu, các quá trình xảy ra trong tự nhiên – xã hội, tập trung vào các vấn đề mô hình hoá toán học các quá trình xảy ra trong sinh quyển, trong tương tác giữa con người với tự nhiên và tìm kiếm các câu trả lời cho những vấn đề đặt ra của nhân loại.

Nhà khoa học, nhà tư tưởng
Nikita Moiseev thuộc số những nhà khoa học xuất sắc của thế kỷ hai mươi. Sức làm việc của ông thật phi thường. Điều đó không chỉ thể hiện ở 300 công trình khoa học và gần 50 đầu sách mà còn ở các lĩnh vực khác, vượt xa ngoài phạm vi toán học. Ông là chuyên gia lớn trong các lĩnh vực cơ học, toán học ứng dụng, lí thuyết điều khiển. Ông còn là nhà triết học và nhà tư tưởng. Các công trình của ông đề cập đến phạm vị rộng lớn các vấn đề về đạn đạo và lí thuyết ổn định chuyển động của chất rắn, lí thuyết sóng hấp dẫn, các phương pháp tiệm cận trong cơ học phi tuyến, các phương pháp tính trong lí thuyết điều khiển tối ưu, tin học, lí thuyết hệ thống phân cấp, mô hình toán học, phân tích hệ thống, các phương pháp chương trình trong kinh tế, mô hình toán học các quá trình khí hậu và môi trường, triết học tự nhiên. Trong mỗi hướng đó ông đều đóng góp những công trình có tính nền tảng.

Nikita Moiseev là nhà tư tưởng lớn. Mệnh lệnh của sinh thái và đạo đức đáng báo động của nhân loại trong hành xử đối với thiên nhiên đã thôi thúc ông tìm kiếm con đường phát triển hợp lí của nhân loại, dựa  trên một hệ thống các quan điểm mà ông gọi đó là thuyết tiến hoá hiện đại, trong đó ông tin tưởng rằng đến một thời điểm nào đó sẽ xuất hiện Trí tuệ tập thể của loài  người như một sự phát triển tất yếu và cứư cánh trên con đường phát triển tiếp theo của nhân loại.

Là nhà khoa học chân chính Moiseev luôn xa lạ với tính đẳng cấp trong khoa học. Ông không bao giờ đặt lí thuyết cao hơn ứng dụng, coi cả hai khía cạnh của vấn đề trong một thể thống nhất. Ông luôn gắn hoạt động khoa học của mình với những vấn đề cấp bách của đất nước, trước hết trong khu vực công nghiệp quốc phòng và sau này trong nền kinh tế quốc dân. Tinh thần đó đã đưa ông đến những thành tựu có ứng dụng đặc biệt trong kĩ thuật tên lửa, vũ trụ, vệ tinh, trong công nghệ thiết kế máy bay tự động, ứng dụng toán học và tin học vào vấn đề quản lí kinh tế của đất nước. Những đóng góp của ông và các học trò ông trong nghiên cứu về sinh quyển, biến đổi khí hậu và hậu quả chiến tranh hạt nhân đã góp phần đáng kể vào việc giải trừ quân bị trong những năm tám mươi và mở ra hướng hoạt động bảo vệ môi trường của nhân loại. Theo yêu cầu của Tổng công trình sư máy bay Xô Viết  lỗi lạc Liên Xô – Sukhoi- ông và các học trò của ông đã mở ra trang mới trong lịch sử công nghệ thiết kế máy bay của Liên Xô nhờ áp dụng các phương pháp của tin học. Nhờ đó các loại máy bay SU-25, SU-27 đã được chế tạo trong thời gian ngắn kỷ lục.
N. Moiseev là nhà tổ chức khoa học xuất sắc. Ông đã sáng lập ra trường phái toán học lớn ở Liên Xô về tối ưu hoá và các quá trình điều khiển với các chi nhánh đặt tại nhiều khu vực của đất nước, thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa đến từ trong nước và nước ngoài (Mỹ, Italia, Đức…). Từ trường phái khoa học của ông đã ra đời đội ngũ đông đảo các học trò tài năng trong đó có nhiều viện sĩ hàn lâm và tiến sĩ khoa học. Theo hồi ức của các học trò, N. Moiseev là nhà điều khiển tuyệt vời các buổi seminar, nhờ tính hài hước và tài kể chuyện, ông biết cách biến các buổi seminar luôn trở nên hấp dẫn, tránh được không khí hàn lâm buồn tẻ. Trí thông minh đặc biệt và sự thông thái cho phép ông bắt nắm rất nhanh nội dung và ý tưởng của người trình bày và trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Con người và công dân
Trong kí ức của học trò, bạn bè và đồng nghiệp N.Moiseev là con người viết hoa theo đúng nghĩa của từ này. Tiếp xúc với ông luôn mang đến niềm hứng khởi trong cuộc sống, niềm say mê và nghị lực trong các vấn đề khoa học. N.Moiseev là công dân mẫu mực, khi ông mất, đồng nghiệp, học trò không ngần ngại gọi ông là công dân vĩ đại. Suốt đời ông đã cống hiến hết mình cho khoa học và trăn trở với số phận nhân loại và của đất nước mình. Nguồn gốc  gia đình và chủ nghĩa lí lịch máy móc thời Liên Xô cũ đã gây cho gia đình và chính N.Moiseev không ít mất mát và hệ lụy, nhưng điều đó không cản trở ông cống hiến hết mình cho đất nước. Ông đã luôn luôn dũng cảm phán ảnh những ý kiến đóng góp của mình để góp phần khắc phục những khiếm khuyết trong hệ thống vận hành của đất nước.
Vào thập kỷ năm mươi của thế kỷ trước, trình độ khoa học kĩ thuật (KHKT) của Liên Xô và Mỹ ở mức ngang nhau, ít nhất cũng trong lĩnh vực kĩ thuật điện tử và kĩ thuật tính toán. Thành tựu KHKT đó đã giúp Liên Xô đạt thế cân bằng quân sự với Mỹ. Nhưng chính điều này đã dẫn đến tâm lí thoả mãn trong các nhà lãnh đạo Liên Xô khiến sự quan tâm đối với KHKT nhất là những hướng tìm kiếm đột phá dần dần giảm xuống. Trong khi đó KHKT phát triển không ngừng, kĩ thuật điện tử đã chuyển dần sang kĩ thuật bán dẫn với ưu thế tuyệt đối về độ tin cậy đã làm cho kĩ thuật này có khả năng phổ cập rộng rãi vào lĩnh vực kinh tế. Phương Tây, đứng đầu là Mỹ đã nhận thức được điều này và  nhanh chóng cải tạo lại toàn bộ nền công nghiệp trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới. Chỉ sau hai thập kỷ bộ mặt nền công nghiệp phương Tây đã thay đổi. Nhưng ở Liên Xô thì tình hình không tiến triển được là bao. Nguy cơ tụt hậu của công nghiệp và kinh tế đã thấy rõ. N.Moiseev cùng một số nhà khoa học uy tín đã tìm mọi cách báo động với các nhà lãnh đạo Liên Xô và đề xuất kế hoạch mới phát triển đất nước. Nhưng bộ máy quan liêu đã làm mất cơ hội thăng hoa của nền KHKT Xô Viết và điều này dẫn đất nước đến tình trạng ngày càng trì trệ. Những năm tháng cải tổ không đúng đường cũng làm ông hết sức lo lắng. Các kiến nghị của ông đến Tổng bí thư ĐCS Liên Xô đều không được chuyển đến địa chỉ phải đến. Ông không bao giờ ảo tưởng về việc các nhà khoa học có thể thay thế các nhà chính trị để đứng mũi chịu sào cho đất nước nhưng ông hiểu những nhà chính trị cần phải biết sử dụng những nhà trí thức chân chính. Ông ước mơ thành lập ở Liên Xô một tổ chức tư vấn cho lãnh đạo đất nước kiểu Rand Corporation ở Mỹ. Năm 1989 ông được bổ nhiệm vào Hội đồng cố vấn cho Tổng thống Elsin, hi vọng về một tổ chức tư vấn nói trên lại trỗi dậy nhưng thời gian làm việc của ông tại Hội đồng cố vấn cũng không kéo dài được bao lâu. Ông đã viết một bản kiến nghị dài gửi Tổng thống song không có hồi âm. Đó là cố gắng cuối cùng của ông với trách nhiệm một công dân trong việc đưa ra kiến nghị với các nhà lãnh đạo đất nước. Những năm còn lại của cuộc đời ông dành sức lực cho hoạt động xã hội, môi trường và suy ngẫm.
Ông mất ngày 29 tháng 2 năm 2000, để lại dấu ấn to lớn trong khoa học và trong kí ức của mọi người.

Tác giả