Nói lý và hát lý để so tài đọ trí

Tập quán nói lý, hát lý của người Cơ-tu ở tỉnh Quảng Nam đã có từ lâu đời và trở thành một hình thức sinh hoạt cộng đồng vừa để so tài văn nghệ, vừa để đấu khẩu lý lẽ, giải quyết công việc.

Theo già làng Y Kông, 85 tuổi, dân tộc Cơ-tu thôn Tống Coóih, xã Ba, huyện Đông Giang (Quảng Nam) và một số người Cơ-tu lớn tuổi vùng núi tỉnh Quảng Nam am hiểu phong tục-tập quán thì nói và hát lý của người Cơ-tu không phải là nói lý lẽ, là biện luận dài dòng, bắt bẻ kẻ đối thoại với mình. Nói lý chỉ là nêu lên những hình ảnh thể hiện được toàn diện và bao quát nhận thức của mình đối với sự việc, không kèm theo lý lẽ, phân tích, nhưng lại làm cho người nghe cảm thấy ý kiến của mình là đúng và chấp nhận. Hình ảnh nêu ra nghe gần gần, xa xa, quen thuộc với mọi người nhưng lại có nhiều ẩn ý, buộc người nghe phải suy nghĩ.

Muốn nói lý, hát lý hay, sâu sắc, ngoài việc ăn nói lưu loát, nhanh trí tìm ra vần, biết lên bổng xuống trầm đúng lúc, đúng điệu, thì điều cơ bản là phải hiểu cho rành rọt xã hội và con người ở vùng đất đó. Nói tên một con suối phải biết đó là con suối cát hay đá, nước trong hay đục, sâu hay cạn, có nước bốn mùa hay chỉ có trong mùa mưa. Biết tường tận như vậy thì khi nghe người hát nêu tên con suối là biết ngay họ nói đến cái tốt, cái trong sạch, cái bền bỉ thủy chung; hay cái xấu, cái dơ bẩn, cái không ổn định.

Già làng Y Kông cho biết thêm: Nói chung đồng bào Cơ-tu đều biết nói lý, hát lý từ lúc gùi được nước uống, biết cầm cán rựa, con dao làm rẫy. Nhưng nói lý, hát lý sâu xa, nhiều tầng, nhiều lớp, để đả thông tư tưởng, giải quyết được công việc thì mỗi bản, mỗi thôn chỉ có một vài người. Nói lý, hát lý xem ra đã khó, nhưng hiểu được nói lý, hát lý còn khó hơn. Người hát lúc cất cao giọng ngân nga, lúc hạ giọng, hát thầm trong cổ họng; lúc chậm rãi lúc lại dồn dập. Vì hát phải xuôi vần, thuận tai nên người hát có lúc dặm thêm nhiều tiếng đệm không có nội dung.

Các cuộc họp giữa các thôn, xã; các cuộc gặp để giải quyết cưới xin, nợ nần, tranh chấp đất rừng, khe suối, nhất định đều kết thúc bằng hát lý. Cả ngày, cả buổi gặp nhau, hai bên trình bày ý kiến, lý lẽ của mình, bàn qua cãi lại và đã nhất trí một số điểm nhưng vẫn còn một số điểm chưa ngã ngũ. Cả hai bên đang chờ ý kiến của người có uy tín nhất của bên mình, nhưng người đó thường không kết luận ngay, mà đợi đến tối uống rượu, hát lý để qua câu hát sẽ trình bày rõ ràng, cụ thể ý kiến, kết thúc luôn cuộc họp.


Già làng Cơlâu Năm, 74 tuổi, đang dạy cách nói lý và hát lý cho lớp trẻ
trong thôn Pơ Ning
, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam

Những năm gần đây, việc thông thương với miền xuôi thuận lợi hơn thì chủ thôn bản cho mua thêm rượu chai, rượu trắng đựng trong can nhựa. Người chủ tiệc rót rượu, tự uống ly đầu tiên để ra hiệu rằng rượu này tốt, rồi sau đó rót rượu mời từng vị khách, trước hết là người cao tuổi, người có uy tín; nếu là rượu cần, thì những vị khách đặc biệt cũng được mời cầm cần trước. Không khí trong nhà Gươl (nhà cộng đồng của người Cơ-tu) bắt đầu ồn ào, náo nhiệt. Mời qua, mời lại, một vòng, hai vòng, ba vòng. Câu chuyện bắt đầu, rượu càng vào, lời càng ra, lại nói chuyện làm ăn trao đổi, buôn bán xen kẽ với một vài ý kiến về cách giải quyết vấn đề đang tranh luận.

Câu hát của người chủ tiệc không quan trọng, nó mang tính công thức nhiều hơn – người chủ tiệc nào cũng phải hát như vậy. Trước hết, là lời chào mừng các vị khách, sau khiêm tốn xin lỗi vì thôn bản mình còn nghèo, nhà không đủ rộng, việc tiếp khách còn vụng về, đàn bà nấu cơm không dẻo, thịt không béo, rượu không ngọt, thuốc xắt không nhỏ, tội nghiệp cho thôn bản, chỉ có tấm lòng mến khách, có bụng dạ đoàn kết, muốn làm anh em như con cháu trong một nhà,… Hát xong, người chủ tiệc xin lỗi vì hát không thạo, lời lẽ thô thiển, giọng hát ồm ồm. Câu hát như một hồi chuông nhắc mọi người bớt nói chuyện.

Lúc này, các gia đình trong thôn bản cũng vội vã dọn dẹp rồi kéo nhau ra nhà Gươl để nghe hát, nghe cách giải quyết công việc và kết luận của người lớn. Cả ngày họ không dự họp, bây giờ họ được phép vào nhà Gươl để nghe. Số thính giả này phần lớn là đàn bà và trẻ em, trình độ hiểu biết về hát lý còn non kém. Họ xúm quanh các đại biểu, có chỗ nào khó hiểu thì hỏi nhau, nhất là hỏi các cụ già, rồi trao đổi nội dung, tìm hiểu “cái ý” của câu hát.

Điều thú vị ở chỗ, cuộc hát lý vừa là cuộc so tài về văn nghệ giữa hai bên, vừa là cuộc đấu khẩu lý lẽ, để giải quyết công việc, vì vậy hai bên đều âm thầm sắp xếp lực lượng, ai hát trước, ai hát sau, ai kết thúc. Bên này hát một câu, bên kia hát đáp lại một câu, bà con cùng nhau bàn luận, trao đổi ý nghĩa câu hát. Khi trời đã về khuya, già làng của hai bên lên tiếng để kết thúc cuộc hát lý, kết luận cuộc họp cả ngày. Đó là điều mà mọi người đang chờ đợi. Những người hát cự phách này, mỗi người chỉ hát một câu, nhưng lời hát điêu luyện, hình ảnh vừa đẹp, vừa mới, ý tứ sâu xa, tóm tắt được ý kiến của mọi người. Cả nhà Gươl đều im lặng, mở rộng tai để thu nhận lời hát. Người sáng ý nắm được cái lý, thấy được cách giải quyết vấn đề, thấm thía cái hay, cái tinh túy của hình ảnh nêu ra. Ai chưa hiểu hết thì về nhà suy nghĩ thêm. Khi câu hát cuối cùng chấm dứt, bà con trong thôn bản ra về. Trong nhà Gươl lúc này, bếp lửa được thổi cao hơn, chiếu mới, chiếu đẹp được trải thêm ra để mời khách ngả lưng sau một ngày thảo luận.

* Bảo tàng tỉnh Quảng Nam

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)