Nữ nghệ sĩ trong thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI: CÁC NỮ NGHỆ SỸ VỚI NGHỆ THUẬT

Xin giới thiệu đến bạn đọc một số bài về “Nữ nghệ sĩ trong thế kỷ XX và đầu XXI”, tuy không thể mang đến một cái nhìn toàn diện do các nữ nghệ sĩ được giới thiệu chủ yếu đến từ thế giới phương Tây; cũng như không thể giới thiệu hết cả trăm nữ nghệ sĩ đã được đánh giá là nổi bật, nhưng hy vọng những bài này sẽ đem đến cho bạn đọc nhiều thông tin thiết thực qua các bài bình luận, phỏng vấn, những tuyên ngôn, tự bạch của chính các nghệ sĩ- những người trong cuộc.

Đầu thế kỷ XX, nữ nghệ sĩ đã được hưởng nhiều quyền lợi từ những cuộc đấu tranh của chính phụ nữ trong thế kỷ XIX. Họ được học chung trường mỹ thuật với nam giới, xin học bổng, tham gia vào lớp học vẽ hình họa (có người mẫu), tham dự các cuộc thi và đã đoạt giải thưởng. Hơn nữa, họ còn có thể trưng bày tác phẩm của mình trong các triển lãm quốc tế và bán chúng tại các phòng tranh, họ được đặt mua tác phẩm, và họ đã giữ một vai trò chủ động trong thế giới nghệ thuật.
Triển lãm đầu tiên dành riêng cho trưng bày tranh vẽ của phụ nữ được tổ chức tại Amsterdam năm 1884. Năm 1908 và 1913 Paris trở thành địa điểm của 2 cuộc triển lãm nữa dành riêng cho nữ nghệ sĩ.

 
Vô đề ( Xe lăn), 1988, Mona Hatoum

Nếu nhìn lướt qua nhiều người có thể cho rằng, vào thế kỷ XX, không còn tồn tại một sự cách biệt to lớn nào giữa vị trí của nam và nữ nghệ sĩ. Một quan điểm thuyết phục là tài năng thực sự sẽ tự tìm được con đường để nổi bật và người nghệ sĩ có nếu thực sự có tài năng thì tất sẽ thành công. Nhưng trong thực tế thì thói khoe khoang về sự bình đẳng trong cơ hội này là thiếu thực chất. Chỉ số ít phụ nữ được dạy học trong các trường đại học mỹ thuật hoặc là thành viên của các hiệp hội nghệ thuật; trong các triển lãm họ vẫn không được giới thiệu một cách đầy đủ; và khi so sánh với tác phẩm của các nam nghệ sĩ, tác phẩm của họ thường ít được chú ý, chấp nhận, bình luận và cũng ít có mặt trong các bộ sưu tập của công chúng hay cá nhân.
Vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, trong một thời gian ngắn đã có vô số phong trào nghệ thuật bùng nổ tại Châu Âu như: Art Nouveau (hay Jugendstil), Biểu Hiện, Dã Thú, Lập Thể, Vị Lai,Tạo Dựng, Đa Đa, Trừu Tượng, the New Objectivity (Neue Sachlichkeit), và Siêu Thực, hình thành nhiều phong cách mà trước đó người ta không thể tưởng tượng đến. Ngoài ra, còn có nhiếp ảnh và điện ảnh, dù chậm hơn nhưng chắc chắn sẽ xác lập vai trò của nó như  một loại hình nghệ thuật đem đến những thay đổi quan trọng trong cách cảm nhận nghệ thuật bằng thị giác.
Mặc dù những người phụ nữ cuối cùng cũng được quyền vào các trường học, và tục lệ xã hội cũng đã bớt nghiêm khắc, nhưng họ nhận thấy cần thiết phải sử dụng các mối quan hệ cá nhân với những người đàn ông có địa vị trong giới nghệ thuật để phát triển sự nghiệp của mình.
Trong trào lưu tiên phong những năm đầu thế kỷ, nhiều nữ nghệ sĩ (như Sonia Delaunay và Natalia Goncharova) đã phát triển phong cách của mình tại các học viện ở Nga và sau đó hoàn thiện tại Paris. Vào thập niên thứ hai của thế kỷ, các nữ nghệ sĩ đã sáng tác tranh và điêu khắc tượng bao trùm các thể loại của nghệ thuật thị giác, từ khỏa thân nam đến trừu tượng hoàn toàn.
Đại chiến thế giới lần nhất chứng kiến sự nổi bật của các nghệ sĩ Đađa, với tác phẩm phản ánh những người theo chủ nghĩa Vô chính phủ và xu hướng Hòa bình (giữa những người khác). Một sinh viên trẻ tên là Hannah Hoch đã tìm thấy tiếng nói của mình trong nhóm nghệ sĩ này.
Từ thập niên 1920, Georgia O’Keeffe đã sáng tác những bức tranh vẽ Hoa danh tiếng thế giới, nhưng khi miêu tả lại kinh nghiệm  của mình trong thế giới bị chi phối bởi các nam nghệ sĩ, bà đã nhấn mạnh rằng đầu tiên họ không muốn cho bà nhập cuộc: họ thấy không thể chấp nhận nữ nghệ sĩ một cách nghiêm túc. O’Keeffe để cho họ nói, bà biết mình có thể vẽ tốt, không thua gì họ. 
Vào những năm của thập niên 1930 và1940, một số nữ nghệ sĩ (như Meret Oppenheim) đã có những khám phá siêu thực với những tưởng tượng đầy chất thơ, và đã giành được sự công nhận một cách rộng rãi. Điêu khắc cũng không còn hoàn toàn bị nam giới chi phối. Tại Pháp, Germaine Richier đã bắt đầu đúc những bức tượng đồng lớn và có hình thù kỳ dị. Trong khi tại Anh, Britain Hepworth lại nổi tiếng với những tác phẩm hiện đại. Tuy nhiên, phụ nữ thường gặp nhiều khó khăn hơn để giành được vị thế trong Biểu Hiện Trừu Tượng, một trường phái nổi bật tại miền Đông nước Mỹ vào cuối thập niên 1940,  cho đến khi Lee Krasner (1) vượt qua được những rào cản đó nhờ sử dụng những mối quan hệ riêng của mình với các nghệ sĩ và các nhà phê bình. Một phụ nữ khác cũng gia nhập vào Biểu Hiện Trừu Tượng là nghệ sĩ người  Canada Agnes Martin. Bà bắt đầu với tranh vẽ Người, nhưng trước khi thập niên 1950 kết thúc, bà đã tạo ra cách diễn đạt Thị Giác Giảm Thiểu, không hình thái mà về sau bà đã được công nhận là người mở đầu cho Nghệ Thuật Tối Thiểu- mặc dù chỉ đến đầu thập niên 1970, rất lâu sau khi bà tự cô lập mình bằng việc chuyển từ New York tới New Mexico, người ta mới thừa nhận sự quan trọng của bà.

 
Cắt rời, 1965, Yono Oko

Vào thập niên 1960, khái niệm truyền thống của nghệ thuật được mở rộng một cách triệt để; kết quả là, một loạt phong cách cùng tồn tại và có nhiều phương pháp trong cùng một thời điểm hơn bao giờ hết: Pop Art (Niki de Saint phalle), Op Art (Bridget Riley), Nghệ Thuật Khái Niệm (Hanne Darboven, Adrian Piper), Land Art (Nancy Holt), Nghệ Thuật Tối Thiểu (Agnes Martin), Happenings and Fluxus (Valie Export, Yoko Ono, Carolee Schneeman), Trình Diễn (Gina Pane) và Body Art (Hannah Wilke) nổi bật gần như liên tiếp- và trong mỗi xu hướng mới đều có sự tham gia của phụ nữ.
Nếu cuối thập niên 1960, thời đại mới của phong trào đòi bình quyền cho phụ nữ, trong các bảo tàng và học viện mỹ thuật, nữ nghệ sĩ phản kháng đòi quyền bình đẳng. Họ tự tổ chức triển lãm, tự điều hành phòng tranh của mình, và tự mình quản lý các lớp học mỹ thuật. Họ còn tìm kiếm ý nghĩa của chính trị để phá vỡ hệ thống thống trị của nam giới.
Đầu thập niên 1970, Judy Gerowitz đã từ bỏ tên họ của chồng để lấy tên nơi cô sinh ra, Chicago, làm họ của mình. Tác phẩm bất hủ Dinner Party (Buổi Tiệc) của cô, 1974-1979, được thực hiện với sự giúp đỡ của nhiều phụ nữ khác, là sự tôn kính 39 nữ nhân vật trong lịch sử tụ họp lại trong một buổi tiệc tưởng tượng, giống như cuộc gặp cuối cùng của Chúa Jesus với các môn đồ.
Và cũng trong thập niên 1960, cuối cùng người ta cũng đã khám phá ra Louise Bourgeois, người đã “thám hiểm”những ký ức thời thơ ấu và nỗi sợ hãi của mình qua tranh vẽ và điêu khắc tượng từ những năm 1930. Cùng lúc ấy, nhiều nhà phê bình nghệ thuật cũng bắt đầu hiểu tranh vẽ Hoa của Georgia O’Keeffe như là biểu tượng của giới tính nữ- mặc dù bà không công nhận.
Từ thập niên 1960, một số nữ nghệ sĩ trình diễn cá biệt đã rất quyết đoán trong việc làm chủ những vấn đề sẽ xảy ra với cơ thể của mình. Họ đã trải qua hàng loạt hành động như tự tổn thương cơ thể, tự hành hạ, và tự đặt mình vào sự “cầm tù” tâm lý. Trong Cut Piece (Cắt Rời), 1965, Yoko Ono để khán giả cắt vụn hết quần áo mà cô đang mặc trên người. Trong Rhythm 2 (Nhịp điệu 2), 1974, Marina Abramovíc gần như đã đi đến cùng khi nuốt những viên thuốc dùng để chữa bệnh tâm thần phân liệt mà không cần biết tác hại sẽ như thế nào, cô đã uống cho đến khi rơi vào tình trạng hôn mê. Cùng năm đó, trong tác phẩm Psyché (Tâm Thần),  Gina Pane đã cắt mí mắt của mình sâu đến nỗi máu tuôn tràn ra. Còn nghệ sĩ người Pháp, Orlan, đã trải qua nhiều lần phẫu thuật thẩm mỹ để tạo hình khuôn mặt của chính mình cho phù hợp với quan niệm về vẻ đẹp của người phụ nữ. Phẫu thuật đã thực hiện dựa theo mẫu khuôn mặt được tạo ra trên máy vi tính qua tổng hợp nhiều chân dung phụ nữ do các nam nghệ sĩ vẽ trong nhiều thời kỳ. Các cuộc phẫu thuật được tiến hành công khai ngay tại phòng tranh và bảo tàng, sau đó được bán dưới hình thức băng video. Orlan tuyên bố rằng cô đã hiến thân mình cho nghệ thuật
 


Kỷ nguyên thứ nhất của nền văn hóa Weimar Beer Belly, 1919, Hannah Hoch

Nếu đa số nữ nghệ sĩ của thập niên 1980 đều thất vọng sâu sắc về sự phân biệt giới tính tồn tại một cách ngoan cố và thấy thiếu một sự giải phóng thực sự trong nghệ thuật cũng như trong nhiều lĩnh vự khác của đời sống, thì thế hệ phụ nữ trẻ hơn tự tin hơn đã tận dụng những gì mà phong trào đòi bình quyền cho phụ nữ đạt được trước đó và kế tục với một phương pháp mang nhiều tính khôi hài hơn trên con đường thám hiểm về giới tính và bản sắc của chính mình. Laurie Anderson đã bóp méo giọng nói mình để bày tỏ sự mâu thuẫn về giới tính trong tư tưởng của bản thân. Trong những bức ảnh khổ lớn của mình, Cindy Sherman giới thiệu bản thân như một hiện thân của nhiều đối tượng khác nhau-nhưng lại là một đối tượng không thể xác định, tạo cho cô cơ hội luôn luôn thay đổi được vai trò mà cô muốn thể hiện. Và Barbara Kruger đương đầu với người xem và được giả định là nam giới bằng những lời tuyên bố đầy khiêu khích.         
Trong hai thập niên cuối của thế kỷ XX, cuối cùng các nữ nghệ sĩ đương đại cũng chinh phục được những học viện nghệ thuật danh tiếng.  Bảo tàng Guggenheim ở New York đã trưng bày triển lãm cá nhân của Jenny Holzer (1989) và Rebecca Horn (1993), cùng năm 1993 tại Anh Rachel Whiteread trở thành người phụ nữ đầu tiên nhận giải thưởng Turner, giải thưởng được trao hàng năm bởi Tate Gallery tại London, mà các nghệ sĩ trẻ ước ao nhất. Các tác phẩm của nữ nghệ sĩ như Susan Rothenberg và Rosemarie Trockel cũng được bán với giá rất cao trên thị trường.
Trong thập niên 1990, nhiều nữ nghệ sĩ  đã tạo dựng chủ đề tác phẩm là những hình ảnh đa văn hóa hay hoàn cảnh của những người phụ nữ ngay tại quê hương họ với nhiều cách khác nhau từ tinh tế đến thu hút sự chú ý một cách trắng trợn. Một thí dụ là hình ảnh người phụ nữ đeo mạng che mặt của đạo Hồi là mô típ tuần hoàn trong sắp đặt ảnh và phim của Shirin Neshat (người đã bỏ Iran đến My). Tượng của Mona Hatoum (sinh tại Palestin và di cư từ Lebanon sang London), tinh tế trong việc thể hiện mối đe dọa và hiểm nguy, như trong Untitled (Không Đề), Wheelchair (Xe Lăn), 1988, với chiếc ghế có tay cầm đuợc làm bằng lưỡi dao sắc.

 
Những lăng kính điện tử, 1924, Sonia Deunay

Bên cạnh đó, một số nữ nghệ sĩ đã trải nghiệm với nhiều kỹ thuật thủ công, hiển nhiên được xem là tượng trưng cho bản chất yếu đuối của phụ nữ, để biểu thị rằng quan niệm này là ad absurdum (2), nổi bật như Rosemarie Trokel khi cô trưng bày con thỏ Playboy, logo của một tạp chí nổi tiếng dành riêng cho nam giới, được thêu trên vải và dán vào toan sơn dầu. Tương tự, Ghada Amer  (di cư từ Ai Cập đến Pháp để học tập) đã thay đổi quan điểm của phương Tây khi thêu hình ảnh những người phụ nữ thủ dâm, vạch trần cái nhìn của phương Tây rằng chính họ cũng đánh giá thấp người phụ nữ như những vật thể để phục vụ nhu cầu sinh lý.
Hình thức Nghệ Thuật Thủ Công cũng xuất hiện trên nhiều loại sản phẩm nghệ thuật khác. Xu hướng nghệ sĩ đảm nhận những công việc mang tính xã hội, một trào lưu nổi bật cuối thập niên 1980, được thực hiện bởi hai nghệ sĩ sinh đôi người Úc Chrisitine và Irene Hohenbuchler, khi sử dụng kỹ thuật thêu và dệt trong một dự án liên quan đến học sinh, tù nhân và bệnh nhân của bệnh viện tâm thần.
Từ cuối thập niên 1990,  các nữ nghệ sĩ rất thành công trong việc sử dụng kỹ thuật số và internet phục vụ cho nghệ thuật. Trong tác phẩm sắp đặt gần đây của Mariko Mori, Dream Temple (Ngôi đền trong mơ), 1999, là một hệ thống audio và 3-D phức tạp dẫn dắt người xem vào một thế giới khác.
Lynn Hershman, người đi đầu trong nghệ thuật truyền thông và sắp đặt mang tính tương tác, đã đưa những bức ảnh chụp bằng “mắt” điện tử của tác phẩm “CybeRoberta”  lên mạng Internet, trong khi đó trang chủ website của Natacha Merritt là những hình ảnh khỏa thân do cô tự chụp bản thân hay bạn bè. Cả Natacha Merritt và nghệ sĩ Elike Krystufek, với tác phẩm trình diễn thường có nhiều phụ kiện đi kèm, đã phỏng theo những hành động thủ dâm đầy khoái cảm và biến người xem trở thành như những kẻ xem trộm, cho chúng ta thấy rằng phong trào đòi giải phóng phụ nữ trong tình dục vẫn là một mối quan tâm cấp thiết.
Sarah Lucas thì theo đuổi một cách tiếp cận tinh tế hơn đến sự thèm muốn và sự bị thèm muốn. Trong triển lãm “Beyond the Pleasure Principle” (Đằng sau Nguồn Gốc của Khóai Cảm), 2000, tại bảo tàng Freud ở london, cô đã treo- đằng sau chiếc ghế trường kỷ huyền thoại của nhà tâm thần học nổi tiếng luôn luôn tuyên bố rằng sự ham muốn là nguồn gốc cơ bản của động lực thúc đẩy của con người- một bức ảnh phóng cỡ lớn bằng cả bức tường chụp phần trên cơ thể của người phụ nữ mặc áo thun với một lỗ rách ngay đầu ngực trái.
Trong một vài bức ảnh của Zoe Leonard, nghệ sĩ  đã vượt ra khỏi sự định nghĩa rõ ràng của giới tính. Bằng việc đề cao một phụ nữ có râu như một cô gái đẹp, trong Pin-ups (Starring Jennifer Miller) (Cô gái đẹp (Jennifer Miller đóng vai chính), 1995-1997, cô thách thức cách nhìn một chiều, bao gồm cả chuẩn mực văn hóa về sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà. Tác phẩm của Leonard tượng trưng cho một khía cạnh của cuộc tranh luận về nghiên cứu giới tính và bây giờ nó trở thành một phần quan trọng của nghệ thuật thị giác, và nhấn mạnh về sự khác biệt giữa “sex”(giới tính) (đặt sự khác biệt của sinh học lên trước) và “gender” (giống) (tập trung vào societal construct (3) và những gợi ý của nó).
Giới tính vượt qua nhau hay thám hiểm về giới tính kéo theo sự khám phá một “khoảng” giữa hai giới và nhận lấy vai trò của giới tính khác (4). Trong những năm gần đây, họa sĩ Elizabeth Peyton thường vẽ chân dung những người bạn và nhân vật nổi tiếng từ tạp chí minh họa như những người lưỡng tính, bằng cách lấy đi những  đường nét thể hiện rõ ràng giới tính của họ. Tác phẩm của Elizabeth Peyton đại diện cho thế hệ nghệ sĩ mới, một lần nữa sử dụng tranh vẽ (painting hay drawing), nhưng dường như đã bỏ lại phía sau tất cả những gì có thể liên quan đến đề tài giới tính (nam và nữ).
Câu hỏi liệu rằng nghệ thuật của phái nữ sẽ tiếp tục là vấn đề tranh cãi chính trong thế kỷ 21, liệu rằng nữ nghệ sĩ sẽ tiếp tục khẳng định vị trí của mình trong thế giới mà nam giới vẫn tiếp tục chiếm ưu thế và khẳng định rằng nghệ thuật phải được xem như là một tự bạch riêng biệt của một cá nhân duy nhất, bất chấp giới/phái- còn để ngỏ. Chúng ta hãy hy vọng họ sẽ đạt được thành công với nỗ lực của chính mình.
 

Lê Hiền Minh biên dịch

 
Chú thích:
(1) Lee Krasner là vợ của Jackson Pollock- một trong những “người cha” của Biểu Hiện Trừu Tượng
(2) ad absurdum: có thể hiểu như là một “công cụ” của trí tuệ dùng khi muốn biểu thị một quan niệm/suy nghĩ/lòng tin nào đó là vô lý bằng cách thực hiện lại chính những điều đấy lên đến một cấp độ ngớ ngẩn. Như việc Rosemarie Trokel dùng lại chính kỹ thuật thêu mà được xem là đầy tính phự nữ để thêu con thỏ Playboy-một biểu tượng của các bậc nam nhi
(3) societal construct: tạm dịch là thực thể được xây dựng bởi xã hội mà tồn tại vì con người tin vào nó
(4) như nam nhận lấy vai trò của nữ và ngược lại
(5) Uta Grosenick (1960) sống và làm việc như một nhà biên tập, curator độc lập tại Cologne và Frankfurt. Ngòai ra còn là nhà tổ chức triển lãm của Deichtorhallen ở Hamburg và giám đốc dự án nghệ thuật của Kunsthalle der Bundesrepublik Deutschland ở Bonn. Grosenick đã biên sọan nhiều sách như : Art Now, New Media, Art of the Turn of the Millennium, Woman Artists,vv…  


Chú thích ảnh trên cùng: Những hình thức biến đổi, 1951, Britain Hepworth

Uta Grosenick (5)

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)