Olga Tokarczuk: Tôi từng nghĩ Ba Lan có thể bình tĩnh chuyện trò về những mảng tối trong lịch sử

Ngôi sao văn chương Ba Lan Olga Tokarczuk, người vừa được trao giải Nobel Văn học 2018, từng chia sẻ rất nhiều về việc phải liên tục đối mặt với những cuộc tranh luận nảy lửa ngay trong gia đình, và phải thuê vệ sĩ vũ trang để bảo vệ chính mình…

 



Olga Tokarczuk ở Bielefeld, Đức vào ngày 10/10/2019, ngày bà được xướng tên nhận giải Nobel Văn chương 2019. Nguồn: polskieradio.pl



Khi Trốn chạy (Flights) – cuốn tiểu thuyết thứ sáu của Olga Tokarczuk, được xuất bản tại Anh vào năm 2017, nơi phát hành sách đã không kiềm chế được mà hào hứng thốt lên rằng “bà có lẽ là một trong những nhà văn tại thế vĩ đại nhất mà bạn chưa từng biết tới”. Với riêng độc giả Anh ngữ, nhận định ấy nghe có phần hàm hồ nhưng không hẳn không có lý, bởi mặc dù hai cuốn tiểu thuyết trước đó của bà đều đã được dịch sang tiếng Anh, phải chờ đến khi Chuyến bay ra đời, Tokarczuk mới lần đầu tiên được liệt vào danh sách xét giải Man Booker, bắt đầu thu được sự chú ý từ cộng đồng Anh ngữ. Người hâm mộ trong nước coi động thái này là một dấu hiệu quyền lực mới, cho thấy sức ảnh hưởng không giới hạn của bà. Olga Tokarczuk từ lâu đã là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất Ba Lan – giữa bối cảnh một đất nước càng ngày càng giáo điều bảo thủ, bà nổi lên như một nhà hoạt động nữ quyền cổ vũ xu hướng thuần chay, một gương mặt trí thức của công chúng mà mọi phát ngôn đều có thể được dùng làm tiêu đề tin tức. 

Trốn chạy đan cài những quan sát của một du khách hiện đại khó chiều với không chỉ câu chuyện về một nhóm lang thang người Xlavơ, mà cả tiểu sử của một nhà giải phẫu xứ Flander, cùng mô tả về chuyến du hành sau cái chết của trái tim Chopin từ đất Paris, nơi nhà soạn nhạc Ba Lan từ trần, tới chốn ông thực lòng mong muốn được trở về làm nơi an nghỉ cuối cùng tại Warsaw.

Tôi gặp Tokarczuk trước cuộc phỏng vấn của bà tại Thư viện Vương quốc Anh với nhà phê bình Adam Mars-Jones, người đã viết một bài phê bình đánh giá rất cao cuốn Trốn chạy đăng trên Tạp chí Phê bình sách London. “Tác phẩm có thể được nhìn như một kho lưu trữ các loại hình và phương thức tự sự hữu ích cho bất cứ một nhà văn nào còn đang băn khoăn về cách kể một câu chuyện, và còn hơn thế nữa. Cách hành văn của tác phẩm là một chất liệu trong suốt mà nơi đó, các tinh thể trần thuật được ươm dưỡng đến một độ lí tưởng, với những cấu trúc độc lập không gây xáo trộn độ cân bằng của tổng thể,” trích từ lời nhận định của Adam.

Tokarczuk thích thú hơn cả việc sử dụng những phép ẩn dụ thiên văn. Bà giải thích rằng, giống như cổ nhân xưa kia ngước lên trời ngắm những vì tinh tú, tìm cách nhóm họp chúng lại thành những chòm sao, rồi liên tưởng chúng tới hình dáng một sinh vật hay nhân vật nào đó; bà cũng muốn viết nên những “tiểu thuyết chòm sao” của riêng mình bằng cách ném những truyện kể, tiểu luận, và cả những bản phác thảo vào quỹ đạo, cho phép trí tưởng tượng người đọc tự do tóm bắt chúng thành những định dạng có ý nghĩa. 





Sách của Olga Tokarczuk được trưng bày tại hiệu sách của nhà xuất bản Wydawnictwo Lliterackie ở Krakow, Ba Lan. Nguồn: brownsvilleherald.com.



Tôi cũng từng có dịp gặp Tokarczuk một năm trước đó tại một quán café ở Warsaw, khi Trốn chạy còn chưa được xuất bản tại Anh. Chúng tôi ngồi đó, trò chuyện về nguyên bản cuốn tiểu thuyết được xuất bản lần đầu năm 2007, về cả những thay đổi khi chuyển ngữ để đưa vào bản dịch tiếng Anh. Bà khi ấy đã cực kì nổi danh ở Ba Lan với ấn phẩm sử thi lịch sử Những cuốn sách của Jacob phát hành năm 2014 (và được dịch sang tiếng Anh ngay trong năm sau).

Lấy bối cảnh vùng biên giới giữa Ukraine hiện đại ngày nay với Ba Lan, Những cuốn sách của Jacob kể câu chuyện về Jakub Frank, nhà lãnh đạo tôn giáo sinh ra trong một gia đình Do Thái, từng lãnh đạo cuộc chuyển đổi tôn giáo từ Do Thái sang Công giáo diễn ra vào thế kỉ 18. Cuốn tiểu thuyết được đón nhận hết sức khả quan, với số lượng bán ra hơn 1.700.000 bản bìa cứng, mang về cho bà giải Nike thứ hai, thường được vinh danh như là giải thưởng Sách Ba Lan. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình sau khi nhận giải, Tokarczuk đã khiến những người theo tư tưởng yêu nước cánh hữu cảm thấy bị xúc phạm khi phát biểu rằng, trái với bức chân dung một kẻ sống sót can trường sau cơn áp bức, chính Ba Lan đã thực hiện “những hành vi thực dân khủng khiếp” ở nhiều thời điểm khác nhau trong lịch sử. Lập tức, bà bị gán mác “targowiczanin” – một từ cổ dùng để chỉ kẻ bội phản – và đơn vị xuất bản đã phải thuê riêng vệ sĩ để đảm bảo an toàn cho Tokarczuk. “Tôi đã ngây thơ biết bao nhiêu. Tôi từng nghĩ Ba Lan có thể bình tĩnh chuyện trò về những khoảng tối trong lịch sử,” bà nói.

Vài ngày sau đó, bà lại rơi vào một cuộc tranh luận nảy lửa khác, khi Pokot (Lần theo dấu vết), bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết ra đời năm 2009 của bà – Hãy dấn máy cày xới tung xương cốt người đã khuất, được công chiếu tại Liên hoan phim Berlin. Với kịch bản được viết dưới sự phối hợp của Tokarczuk và đạo diễn Agneiszka Holland, bộ phim bị một cơ quan thông tấn Ba Lan lên án là “một tác phẩm phản-Ki tô giáo sâu sắc, cố ý kích động sự khủng bố sinh thái”. Nhưng điều ấy không ngăn được việc bộ phim giành giải Gấu bạc tại liên hoan Berlin. Tại một cuộc họp báo chung, Tokarczuk và Holland đã không giấu nổi vui mừng. “Chúng tôi đang nghĩ tới chuyện sẽ thiết kế những tấm áp-phích cho bộ phim,” Holland nói vui, “bởi điều ấy sẽ thúc đẩy những ai vẫn chưa hề có chút bận tâm sẽ nghĩ tới chuyện tới và xem nó.” 

Những độc giả từng biết tới Tokarczuk qua Trốn chạy dễ có khả năng cảm thấy bị mất phương hướng khi đọc Hãy dấn máy cày, mà bản tiếng Anh sẽ được dịch và xuất bản vào mùa thu 2019. Đây là câu chuyện mang màu sắc li kì giật gân về đề tài sinh tồn, kể về một cụ bà lớn tuổi lập dị sống trong một ngôi làng xa xôi hẻo lánh. Cuộc sống tĩnh lặng của bà đột nhiên bị đảo lộn khi bắt đầu từ người hàng xóm, tới viên cảnh sát trưởng địa phương, rồi đến một nhân vật quyền lực trong vùng bị đánh dã man cho đến chết. 

Cuốn tiểu thuyết này được viết trong giai đoạn giữa hai lần xuất bản Trốn chạy và Những cuốn sách của Jacob. Lời giải thích bà đưa ra về mối liên hệ của cuốn sách với hai cuốn trước và sau nó cũng như về phong cách viết tiểu thuyết trinh thám trong Hãy dấn máy cày hết sức chân thành và dễ hiểu: “Nhưng viết một cuốn sách chỉ để tìm ra ai là kẻ giết người thì phải nói là quá lãng phí thời gian và giấy mực, vậy nên tôi đưa vào câu chuyện những vấn đề về quyền động vật và một câu chuyện về các công dân bất đồng chính kiến, những người nhận ra thứ luật pháp đang tồn tại là thứ luật pháp vô đạo đức, và cố gắng quan sát xem họ có thể đi xa tới đâu trong việc chối bỏ nó.”

Săn bắn đã trở thành một vấn đề chính trị nóng hổi ở Ba Lan ngay sau khi cuốn tiểu thuyết được xuất bản, nhưng tại thời điểm ấy, rất ít người lưu tâm tới nó. “Nhiều người vẫn khăng khăng rằng Tokarczuk là một mụ già điên dại không ngừng làm những trò kì quặc, nhưng rồi cuộc tranh luận dữ dội này đã được đưa lên mạng xã hội và dần trở thành một diễn đàn thảo luận lớn về việc chúng ta có thể làm gì để đối phó với truyền thống Thiên Chúa giáo độc đoán gia trưởng.”

Một đặc trưng ở cây bút này là tác phẩm của bà mang nặng âm hưởng của William Blake. “Hãy dấn máy cày xới tung xương cốt người đã khuất” thực chất là một câu được trích lại từ bản tuyên ngôn cách mạng của Blake – Cuộc hôn nhân của Thiên đường và Địa ngục. Không những thế, lời đề từ mở đầu mỗi chương truyện đều là những câu thơ lấy lại từ các tác phẩm của Blake. Cả đến nhân vật chính trong truyện cũng kết bạn với một dịch giả trẻ tìm cách dịch thơ Blake sang tiếng Ba Lan, tới mức có đến năm bản dịch khác nhau cho cùng một khổ thơ, khiến Antonia Llyod-Jones, người dịch tác phẩm của Tokarczuk, cũng phải thấy đau đầu. Người ta dễ hoài nghi rằng liệu có phải Tokarczuk đang bỡn cợt hay không khi dành cho nhân vật của mình những câu như: “Ngay từ đầu, một cuộc tranh cãi đã nổ ra về việc liệu chúng ta nên dịch từ ‘mental’ trong tiếng Anh sang tiếng Ba Lan như thế nào” – là ‘mentalny’ theo nghĩa là thần trí, tâm thần hay ‘duchowy’ với hàm ý thiên về tâm hồn, tinh thần hơn”.





Nhà văn Hungary László Krasznahorkai và Olga Tokarczuk, những người giành giải Man Booker năm 2017 và 2018. Nguồn: bookhaven.stanford.edu

Cũng hệt như nhân vật chính trong tác phẩm, Tokarczuk và người bạn đời sau này của bà, Grzegorz Zegadlo – một dịch giả chuyên về Đức ngữ – lui về sống ở vùng nông thôn Hạ Silesia, thuộc khu vực phía nam Ba Lan mới chỉ trở thành một phần của đất nước này sau cuộc chiến tranh Thế giới thứ II. “Tôi hạnh phúc vô cùng vì có một khoảnh đất nhỏ trống vắng để mặc sức mô tả vẽ vời. Trong văn học Ba Lan chưa từng có một huyền thoại hay cổ tích nào về xứ đó!” 

Đó là “một nơi cực kì đặc biệt” với kiểu khí hậu vùng Tuscany, được biến thành không gian thiêng cho những thành viên của “Thế hệ 68” – cụ thể là dân hippie và nghệ sĩ, ấy là còn chưa kể đến sự hiện diện của những dịch giả nổi danh không ngừng trăn trở với từng vần thơ của Blake, những kẻ đã phát hiện ra bậc thi hào này trong ánh bình minh giả trá của hậu kì thập niên 60, song song với thứ âm nhạc ám ảnh của the Doors và the Animals. Tokarczuk mới lên sáu và đang sống trong một thị trấn nhỏ thuộc vùng Sulechow khi phong trào sinh viên năm 1968 nổ ra. Gia đình cha bà là dân tị nạn tới từ một phần khác của Ba Lan, hiện thuộc Ukraine. Cha mẹ bà đều là giáo viên “sống trên một hòn đảo của những trí thức cánh tả, nhưng không theo chủ nghĩa cộng sản,” trong một ngôi nhà chất đầy sách vở vốn đã có khả năng ươm mầm cho cô con gái trở thành một nhà văn ngay từ khi còn nhỏ.

Nhưng rồi “mong muốn lãng mạn về việc giúp đỡ mọi người” đã đưa chân bà tới Đại học Warsaw, nơi bà theo học ngành tâm lí học và nảy sinh một niềm đam mê lớn với học thuyết của Carl Jung, một nhân vật rồi sẽ để lại dấu ấn sâu sắc trên mỗi trang viết của bà. Sau khi tốt nghiệp, bà đảm nhận công việc tại một bệnh viện dưới tư cách chuyên gia cai nghiện, kết hôn với một đồng nghiệp làm nghề tâm lí học, và hạ sinh một cậu con trai. Cho tới năm năm sau, bà nhận ra rằng mình quá dễ tổn thương đến nỗi không thể tiếp tục công việc ở bệnh viện. “Tôi đã làm việc với một trong các bệnh nhân của mình và nhận thấy rằng tôi còn dễ bị căng thẳng hơn cả anh ấy nữa.” Bà bỏ công việc đang làm và cho xuất bản một tuyển tập thơ cá nhân, rất nhanh sau đó là sự chào đời của cuốn tiểu thuyết Hành trình của những kẻ trên trang sách – một truyện ngụ ngôn lấy bối cảnh nước Pháp thế kỉ 17 – rồi được trao giải cao nhất dành cho tiểu thuyết đầu tay. Mặc dù sách vở vẫn liên tục được xuất bản đều, các giải thưởng cũng không ngừng tìm tới, nhưng ở độ tuổi 30, Tokarczuk phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và quyết định nghỉ một thời gian để đi du ngoạn, một mình lang thang từ Đài Loan qua New Zealand, có lần còn đưa cậu con trai nhỏ qua Malaysia tránh cái lạnh khủng khiếp của mùa đông Ba Lan. Với mái tóc cuốn lọn dài kì lạ đã thành đặc trưng riêng biệt, trông bà như thể đã bỏ lại một phần trái tim mình trên những quãng đường mòn của dân hippie, dù như bà từng chia sẻ trong một buổi trò chuyện học thuật có phần thoải mái, rằng phong cách mái tóc của bà thật ra còn được gọi là “plica polonica”, hay phong cách “tóc rối Ba Lan”, đã xuất hiện ít nhất từ thế kỉ 17. “Theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể tự hào rằng người Ba Lan đã là những kẻ đưa phong cách vấn tóc này ra toàn châu Âu,” bà nói. “Plica polonica nên được thêm vào danh sách các phát minh của người Ba Lan, bên cạnh dầu thô, hoành thánh pierogi và rượu vodka.”

Giờ đây, Tokarczuk kết hợp viết văn với việc đồng tổ chức các hội sách văn học gần nhà. Dù được xuất bản rộng khắp châu Âu, những tác phẩm của bà mới chỉ đang bắt đầu dần trở nên nổi bật hơn trong các cộng đồng Anh ngữ. Ngôi nhà của buổi ngày, Ngôi nhà của ban đêm (1998, 2003) cho thấy phong cách “chòm sao” của bà, thể hiện ở sự chắp vá những câu chuyện, những đoạn danh sách, tiểu luận,… với bối cảnh trải từ ngôi làng nhỏ nơi bà sinh sống tới những chiều kích thời gian lịch sử rộng lớn hơn; trong khi Nguyên thủy và những Thời đại khác ghi lại theo hướng biên niên đời sống của những cư dân trong một khu định cư giả tưởng hơn 80 năm sau 1914 từ điểm nhìn của một tổng lãnh thiên thần giữ sứ mệnh bảo trợ vùng đất ấy. Xuất bản năm 1996, phải đến năm 2009 tác phẩm này mới bắt đầu được dịch.

Văn học vùng Trung Âu rất khác với văn học Tây Âu, bà giải thích. “Điểm khác biệt đầu tiên nằm ở chỗ chúng tôi không có một niềm tin tưởng vào thực tại như các bạn. Tiểu thuyết Anh luôn làm tôi ngưỡng mộ bởi khả năng viết đầy tinh tế và không chút sợ hãi về những chuyển động tâm lí sâu kín bên trong con người. Với cách viết ấy, các bạn có thể triển khai câu chuyện một cách rõ ràng, tuyến tính; nhưng chúng tôi không có đủ kiên nhẫn để làm việc ấy. Mỗi khoảnh khắc trôi qua, chúng tôi luôn linh cảm thấy có gì đó bị sai lệch, bởi vì câu chuyện của chúng ta chẳng bao giờ theo một dòng mạch tuyến tính nào. Một điểm khác biệt nữa là các bạn bám rễ vào lối tư duy phân tâm học, trong khi chúng tôi vẫn giữ lối tư duy thần thoại, tôn giáo.” 

Bà yên lặng một chút, rồi mở ra một không gian lịch sử rộng lớn hơn: “Nếu đất nước của bạn bị xóa tên trên bản đồ và ngôn ngữ của bạn trở thành ngôn ngữ cấm, nếu văn học bạn viết ra phải phục dịch cho một động cơ nào đó, thì văn chương của bạn, dù xuất sắc đến đâu cũng không thể phiêu bồng.” Nhìn từ một phương diện khác, tình thế ấy không khác gì lắm với cảnh sống đầy mai mỉa của những kẻ lang thang trong Trốn chạy: “Những người man dã kia không du ngoạn. Họ chỉ đơn giản là đi từ đích đến này sang đích đến khác, hoặc đang nhăm nhăm tiến hành một cuộc cướp bóc nào đó mà thôi.” □

Đặng Hà dịch

Nguồn: Olga Tokarczuk: ‘I was very naive. I thought Poland would be able to discuss the dark areas of our country’, Claire Armitstead, Books Interview, The Guardian.  

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)