Ông lão đánh cá hay vị thiền sư trên biển

Nhà phê bình Joseph Waldmeir phát hiện bên dưới câu chuyện về một lão chài già, Ông già và biển cả thực chất là một phúng dụ về tôn giáo.

Ấn bản tiếng Việt “Ông già và biển cả” do giáo sư Lê Huy Bắc dịch. Nguồn: NXB Kim Đồng.

Trong một tiểu luận về việc đọc sách kinh điển, nhà văn Italo Calvino từng viết rằng: “Cần có một thời điểm trong cuộc đời trưởng thành dành cho việc viếng thăm lại những cuốn sách quan trọng nhất của thời trẻ. […] Mọi sự đọc lại một tác phẩm kinh điển cũng là một cuộc du hành khám phá như lần đọc đầu tiên.” Tôi đọc Ông già và biển cả của Ernest Hemingway theo bản dịch tuyệt vời của GS.TS Lê Huy Bắc lần đầu tiên khi mới chỉ là một đứa trẻ 13,14 tuổi; sau đó lại được học một trích đoạn của Ông già và biển cả trong chương trình phổ thông lớp 12; còn khi dịch lại cuốn sách này thì tôi đã chạm mốc 30. 

Khi ta khác đi thì cuốn sách cũng khác đi.

Ông già và biển cả được xuất bản năm 1952, tuy nhiên Hemingway đã nói về nó từ năm 1936 trong một cuộc phỏng vấn cùng tạp chí Esquire. Cảm hứng của cuốn sách đến từ vị thuyền trưởng trên chính con thuyền của ông, Gregorio Fuentes, một người đánh cá Cuba với đôi mắt màu xanh nước biển. Câu chuyện về một ông lão đánh cá sau 84 ngày không câu được con nào, nhưng ngày thứ 85 vẫn tiếp tục lên đường, đã khiến ngay cả văn hào William Faulkner – người từng không tiếc lời chê bai phong cách viết tối giản của Hemingway rằng “Cậu ta không có can đảm, chẳng bao giờ dám bò ra khỏi thói thường. Cậu ta chưa bao giờ được biết đến nhờ việc sử dụng một từ ngữ có thể khiến độc giả phải tra từ điển xem nó đã được dùng đúng hay chưa” – lần này cũng phải ngả mũ thán phục. Faulkner bảo rồi thời gian sẽ cho thấy đó là tác phẩm hay nhất của bất cứ ai trong số chúng tôi – những tác giả đương thời. Bản thân Hemingway cũng tự hào gọi đây là thứ hay nhất mà ông từng viết trong suốt cuộc đời mình.

Nội dung của Ông già và biển cả thì hẳn nhiều người đã thuộc nằm lòng: ông già Santiago một thân một mình ra khơi đánh cá trên chiếc thuyền con, những tưởng vận may cuối cùng đã mỉm cười với lão khi lão bắt được một con cá maclin đẹp và kỳ vĩ chưa từng thấy bao giờ (mà trong bản dịch mới này, tôi xin phép giữ nguyên cách dịch là cá kiếm như bản dịch cũ của thầy Lê Huy Bắc để độc giả dễ hình dung, vì cá maclin và cá kiếm có hình dạng tương tự, dù chúng thuộc hai loại cá khác nhau), nhưng rồi từng đàn cá mập kéo đến rỉa dần con cá, đến khi ông lão có thể dong buồm về được tới nhà thì con cá chỉ còn lại cái đầu cùng bộ xương mà thôi.

Trước Ông già và biển cả, các nhân vật của Hemingway dù nam hay nữ cũng đều là những cá nhân tự tạo ra chính mình, những người đang cố phô trương sức mạnh bản thân, nhưng với cuốn tiểu thuyết ngắn mang tính ngụ ngôn này, ông lại nói về lòng thương cảm, tất cả con người và con vật trong đó đều đáng yêu và đều đáng thương như nhau. 

Cũng giống như cuốn tiểu thuyết đồ sộ Moby Dick của Herman Melville, Ông già và biển cả cũng là hành trình kiếm tìm một con cá, nhưng nhân vật lão Santiago không giống như vị thuyền trưởng Ahab xảo quyệt và bí ẩn. Santiago chỉ là một ông lão cô đơn nhưng đáng mến và rộng lòng thương yêu. Nếu Ahab tìm cách trả thù một con cá voi khổng lồ để khẳng định bản ngã siêu quần của mình thì ông già Santiago là một ông lão giản dị, khiêm cung, luôn tự biết mình có chăng chỉ khôn khéo hơn thiên nhiên một chút, nhưng tuyệt không thể sánh được với thiên nhiên vĩ đại, ông chẳng là gì so với con cá hảo hán tài ba kia, và ông đi giết con cá không phải để khuếch trương cái tôi mà chỉ để kiếm ăn, như trong một đoạn chiến đấu cùng nó, ông độc thoại: “… bọn cá không được tinh ranh như chúng ta những kẻ sát hại chúng, dù cho chúng cao quý hơn và cũng giỏi giang hơn.”

Lão không coi con cá kiếm là đối thủ để hạ đo ván, không coi chiến thắng của lão là sự khẳng định uy quyền của con người. Lão coi con cá là bằng hữu, là một người anh em và lão nuối tiếc, day dứt trước quy luật tàn sát lẫn nhau của thế gian (vì vậy mà tôi lựa chọn để lão già gọi con cá kiếm không phải là “nó”, mà là “hắn”, lấy cảm hứng từ một lần tôi từng làm phim tài liệu về một thần săn nay đã giải nghệ và tham gia công tác kiểm lâm, khi ôn lại kỷ niệm về một lần nghe tiếng khóc của chú voọc con khiến ông như đánh động lương tâm, ông đã gọi nó là “hắn”). Thậm chí có lúc, lão thấy nhẹ cả người chỉ vì may sao mình sinh ra trong một vũ trụ nơi người ta chỉ săn cá chứ không đi săn mặt trăng, mặt trời – những hiện thể còn diệu kỳ hơn nữa.

Ernest Hemingway. Nguồn: wsj.com

Một trong những đoạn thật cảm động trong Ông già và biển cả là khi bầy cá mập đã xơi hết một nửa con cá kiếm, nhìn con cá không còn nguyên vẹn, lão buồn vô hạn vì giờ đây lão không thể nói chuyện với con cá nữa. Có còn con cá ấy nữa đâu? Cái xác nó đã tan hoang cả rồi. Thế nhưng lão bỗng nảy ra một ý. Lão gọi cái xác không toàn thây là: “Nửa con cá ơi…”, như thể ngay cả phần điêu tàn của tự nhiên cũng đáng để ta cúi mình. 

Và như Kinh Thánh nói: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Luca 14:11), thuyền trưởng Ahab trong Moby Dick vì muốn hạ bệ con cá voi mà cuối cùng bị nó nhấn chìm xuống biển khơi cùng con thuyền Pequod, nhưng ông lão Santiago khiêm nhường dẫu đã bị biển khơi hủy diệt, đến phút cuối vẫn không bị đả bại, ông vẫn sống, dù tả tơi, ông vẫn sống, vẫn về cái lán của mình, nằm mơ về thời trai trẻ ngắm nhìn bờ biển với những con sư tử bước trên bãi cát.

Faulkner cho rằng trước Ông già và biển cả, các nhân vật của Hemingway dù nam hay nữ cũng đều là những cá nhân tự tạo ra chính mình, những người đang cố phô trương sức mạnh bản thân, nhưng với cuốn tiểu thuyết ngắn mang tính ngụ ngôn này, ông lại nói về lòng thương cảm, tất cả con người và con vật trong đó đều đáng yêu và đều đáng thương như nhau. 

Ông lão đáng thương thì bạn đọc hẳn đã rõ rồi. Nhưng ngay cả bầy cá mập được tạo tác để phải liên tục lùng mồi, phải giành giật miếng ăn với lão, phải xông vào hủy hoại cái đẹp một cách tàn bạo nhất cũng đáng được thương cảm bởi chúng không thể vượt qua số phận của mình, cũng như ông lão không thể trở thành một ai khác trừ một lão già đánh cá, cũng như con cá kiếm buộc phải chịu làm con mồi bị săn. Bởi vậy mà có lúc khi đối mặt với một con cá mập, lão đã không chỉ cố gắng giết nó để cứu lấy mình, con cá đẹp đẽ và tài ba quá, lão muốn giết nó một cách tử tế nhất, sao cho nó được trải qua cái chết xứng đáng với cuộc đời nó đã sống. Lão cảm thán cho tất thảy chúng sinh thế này: “Vả lại, lão nghĩ, muôn vật đều giết chóc lẫn nhau theo cách nào đó. Việc đánh cá tàn sát ta cũng y như khi nó giúp ta sống sót vậy”.

Ấn bản “Ông già và biển cả” (Hiền Trang dịch), Công ty Nhã Nam và NXB Văn học hợp tác phát hành.

Lần đầu tiên khi đọc Ông già và biển cả, tôi đã đọc nó như một chuyến phiêu lưu của ông lão can trường, và đã ứa nước mắt trước hình ảnh ông lão vác cái cột buồm lên vai sau những ngày lăn lộn ngoài biển khơi, khi đi ông chỉ có cái cột buồm và khi về cũng chỉ có thế, trắng tay hoàn tay trắng. Cuốn sách ấy, với một người đọc nhỏ tuổi, như một khoảnh khắc vỡ lẽ về sự nghiệt ngã của cuộc đời, dẫu ta có gắng gượng bao nhiêu, hy vọng thế nào, nỗ lực đến mấy, thì cuộc đời đôi khi cũng chỉ trả lại cho một xác cá nham nhở.

Đến khi đọc lại vào những năm cuối cấp phổ thông, tôi bắt đầu đọc những công trình nghiên cứu về Hemingway, trong đó có một diễn giải của nhà phê bình Joseph Waldmeir đã phủ bóng lên nhiều phân tích khác về tác phẩm sau này. Waldmeir đã phát hiện bên dưới câu chuyện về một lão chài già, Ông già và biển cả thực chất là một phúng dụ về tôn giáo.  

Lão đã dong buồm được hai tiếng đồng hồ, đang ngồi nghỉ ở đuôi thuyền và thi thoảng nhá một ít thịt của con cá kiếm, cố gắng xả hơi và giữ sức thì lão thấy con đầu tiên trong hai con cá mập.

“Ay,” lão thốt lên thành tiếng. Không dịch nghĩa được từ này nhưng có lẽ nó chỉ là một tiếng động mà một con người có thể tạo ra, một cách vô lý khi cảm thấy một chiếc đinh xuyên qua đôi tay và cắm vào gỗ.

Chi tiết chiếc đinh xuyên qua tay Santiago được liên hệ tới Chúa Jesus bị đóng đinh trên cây thập tự. Và rồi hình ảnh lão vác cái cột buồm trên lưng trèo lên ghềnh đá ở cuối truyện cũng được coi là hồi quang hình ảnh hành trình của Jesus lên Đồi Sọ. Hay khi lão lết được vào chốn ở tồi tàn của mình, lão nằm úp mặt trong tư thế giang tay ra, lòng bàn tay ngửa lên, cũng là hình ảnh Jesus khi chịu khổ nạn.

Vậy nhưng giờ đây khi viếng thăm lại cuốn sách ở độ tuổi 30, tôi bỗng nhận ra thêm một khía cạnh khác của câu chuyện này. Bạn hãy đọc đoạn này xem:

“Đừng nghĩ nữa, lão già”, lão nói to. “Cứ giương buồm về hướng này và khi nào chuyện gì đến thì cứ đón lấy nó.”

Nhưng mình phải nghĩ chứ, lão nghĩ. Bởi vì đó là tất cả những gì mình còn lại. Chỉ có nó và bóng chày. Mình tự hỏi DiMaggio vĩ đại liệu có thích cái cách mình đâm vào óc nó hay không? Đó chẳng phải chuyện lớn lao gì, lão nói. Người nào mà chẳng làm được chuyện đó. Nhưng nhà mi có nghĩ đôi tay mình bị khuyết tật khủng khiếp như cái gai xương không? Mình chẳng thể biết nổi. Mình chẳng bị làm sao ở gót chân trừ cái lần bị con cá đuối chích khi mình dẫm phải nó trong lúc đang bơi, làm nửa dưới cái chân trái tê liệt và đau nhức không sao chịu nổi.

Phải chăng, lão là một vị thiền sư chưa đắc đạo đang cố gắng tìm đến trạng thái nhập định, một con người đang lăn lộn giữa bể khổ và đối phó với con khỉ tâm trí liên tục chuyền cành?

Lão già Santiago không chỉ chiến đấu với con cá kiếm hay những con cá mập phi thường đến từ biển khơi, không, lão còn chiến đấu với bao suy nghĩ nổi lên trong mình. Nhiều lần trong novella này, lão cố gắng ngăn những dòng suy nghĩ tiếp tục tuôn trào, cố gắng chỉ tập trung vào những gì đang diễn ra trước mắt, cố gắng chiến đấu khi phải chiến đấu, ăn khi phải ăn, nằm nghỉ khi phải nằm nghỉ, nhưng rồi những ao ước và giấc mơ và kỳ vọng vẫn cứ hiện ra. Phải chăng, lão là một vị thiền sư chưa đắc đạo đang cố gắng tìm đến trạng thái nhập định, một con người đang lăn lộn giữa bể khổ và đối phó với con khỉ tâm trí liên tục chuyền cành?

Có những khoảnh khắc, lão có lẽ đạt đến sự chánh niệm, chánh niệm trong sự cảm nghiệm đến tận cùng về nỗi đau, và càng về cuối hành trình, lại càng có nhiều khoảnh khắc như thế. Đây là khoảnh khắc đẹp nhất trong sự tồn tại của Santiago, khi lão độc thoại rằng: Ta ước gì ta có thể thấy quầng sáng từ những ngọn đèn, lão nghĩ. Ta ước nhiều thứ quá. Nhưng đó là thứ mà lúc này ta ao ước. Lão cố gắng ngồi cho thoải mái để cầm bánh lái và nhờ nỗi đau đớn của mình mà lão biết lão chưa chết. Chỉ một đoạn ngắn ngủi vậy, nhưng có hết tất cả mọi pha của thiền: đầu tiên ảo vọng xuất hiện, đến khi chống đối ảo vọng, rồi chấp nhận ảo vọng, rồi ảo vọng tự tan, chỉ còn chân lý là nỗi đau hiện diện – nhưng đó không phải nỗi đau khiến lão khổ sở, mà là một nỗi đau trong tỉnh thức, nỗi đau ấy không hề gây hấn với chủ thể mà ngược lại nó là sự nhắc nhở về cuộc sống vẫn đang diễn ra.

Trong tiểu luận của mình, Italo Calvino cũng viết, người ta đọc sách kinh điển không vì nghĩa vụ hay vì lòng kính cẩn mà vì tình yêu, và thực ra một tác phẩm kinh điển chẳng cần thiết phải dạy cho ta những gì mà ta chưa biết trước. Đôi khi ta sẽ bắt gặp trong trước tác ấy một điều gì đó mà ta đã luôn biết từ lâu, hoặc nghĩ là ta đã biết, nhưng ngay cả thế thì sự khám phá này vẫn đem đến cho ta thật nhiều khoan khoái. Có lẽ những gì Hemingway muốn nói, chúng ta đâu đó đã từng biết cả rồi, nhưng khi đến những đoạn cuối cùng khi ông già không còn cố gắng chống cự nỗi đau mà nhận diện nó như minh chứng cho sự sống, chúng ta vẫn vừa thắt lòng, vừa nhẹ lòng khi nhớ ra, ừ, nỗi đau cũng quý giá như thế.□

Tác giả

(Visited 33 times, 4 visits today)