Ông vua của những nốt Đô

Giọng tenor vĩ đại Luciano Pavarotti đã vĩnh viễn rời bỏ chúng ta vào sáng sớm ngày 06/9/2007 trong sự tiếc thương của không chỉ những người say mê opera. Vậy là hình ảnh người đàn ông to béo với khuôn mặt điển trai cùng bộ râu quai nón, nụ cười thường trực khoe hàm răng trắng bóng và tay trái luôn nắm chặt chiếc khăn trắng sẽ chỉ còn lại với chúng ta qua những thước phim tư liệu.

Không có gì phải bàn cãi, ngày nay cái tên Luciano Pavarotti nổi tiếng hơn bất kì một ca sĩ opera nào. Không chỉ những người yêu thích opera mà cả những người ít quan tâm đến loại hình nghệ thuật này cũng đã từng nghe ông hát hoặc biết đến tên tuổi của ông. Nhưng nếu ngược dòng thời gian trở về quá khứ thì ta sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng chỉ chút nữa thôi thì cái tên Pavarotti sẽ chẳng bao giờ tồn tại trong giới ca sĩ opera. Sau khi hoàn thành chương trình cao đẳng sư phạm, ông đã phải đứng trước sự lựa chọn hoặc là học hát để trở thành ca sĩ (một công việc rất vất vả và mạo hiểm) hay là trở thành giáo viên dạy thể dục. Và trên thực tế số phận của Pavarotti chỉ được quyết định thông qua việc… bỏ phiếu của cha mẹ mình. Số phận của Pavarotti đã được Đức Chúa nhân từ sắp đặt.
Chính thức xuất hiện trên sân khấu opera chuyên nghiệp vào ngày 29/4/1961 tại Teatro Municipale, Reggio Emilia với vai Rodolfo trong vở opera La Bohème của Giacomo Puccini nh¬ưng tên tuổi ông chỉ được thế giới biết đến vào năm 1963 khi ông thay thế Giuseppe di Stefano – thần tượng của ông tại Covent Garden, London và cũng là trong La Bohème. La Bohème không chỉ là vở opera đầu tiên của Pavarotti mà còn là ngôi sao dẫn đường để ông đến với những thành công trong nghệ thuật. Nếu như La Bohème là “cuốn hộ chiếu” đưa ông đến các nhà hát opera nổi tiếng trên thế giới và là “mảnh đất màu mỡ” để xây dựng mối quan hệ với các ca sĩ nổi tiếng cũng như các nhạc trưởng uy tín thì La Fille du Regiment của Gaetano Donizetti đã đem đến sự khác biệt giữa Pavarotti và các giọng tenor khác. Trong tác phẩm này có aria: “Ah! mes amis… Pour mon âme” với 9 nốt c2 cực kỳ hóc búa là một chướng ngại vật vô cùng nan giải. Nhưng vào năm 1966, khi lần đầu xuất hiện trong vở opera này tại Covent Garden, Pavarotti đã một đêm diễn xuất thần khiến khán giả (bao gồm cả gia đình Hoàng gia Anh) như bị mê sảng, cả khán phòng rung chuyển như sắp nổ tung. Pavarotti đã thực sự trở thành một tượng đài. Sự phi thường và kỳ tích 9 nốt Đô đã đưa danh tiếng của ông với tư cách là một tenor bay xa trên khắp thế giới. Hãng ghi âm Decca trên một bản thu âm của ông đã giật title: Ông vua của những nốt Đô (King of the high Cs).
Thập niên 70 và 80 của thế kỉ 20 liên tiếp chứng kiến những thành công huy hoàng của Pavarotti. Ông đã tạo lập được một danh mục biểu diễn khá đồ sộ. Những nhà hát opera hàng đầu trên thế giới đều đã in dấu chân ông, từ Metropolitan Opera đến La Scala, Milan hay Vienna State Opera, tại bất cứ nơi đâu ông đều để lai dấu ấn khó phai mờ. Ngay cả Đại lễ đường Nhân dân oai nghiêm tại Bắc Kinh cũng được mở ra để đón tiếp ông, điều mà trước đó luôn chỉ được dành cho các nguyên thủ quốc gia.
Lần cuối cùng Pavarotti xuất hiện trên sân khấu opera vào ngày 13 tháng 4 năm 2004 với vai Cavaradossi trong Tosca (Puccini) tại Metropolitan Opera. Và ngày 10 tháng 2 năm 2006 với trích đoạn “Nessun dorma” trong Turandot (Puccini) tại Lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Turin, Ý năm 2006, đó là lần cuối cùng khán giả được chứng kiến sự xuất hiện của Pavarotti trên sân khấu. Trong hơn 40 năm ca hát của mình, ông có hơn 1000 buổi biểu diễn opera ngoài ra còn tham gia trong rất nhiều concert và recital. Một năng lực hoạt động thật phi thường!
Pavarotti sở hữu một giọng hát thật đặc biệt. Chất giọng cao vút, sang trọng, khoẻ khoắn với một làn hơi dài tưởng chừng bất tận đã làm say mê biết bao thế hệ người yêu nhạc. Điểm mạnh nhất của Pavarotti là ông có khả năng thể hiện các nốt c2 thật tuyệt diệu. Chính điều này đã tạo nên sự kì diệu nơi ông. Các nốt c2 của ông hùng vĩ và mạnh mẽ. Ông thực sự xứng đáng với danh hiệu “Ông vua của những nốt Đô” mà hãng Decca đã phong tặng. Mỗi khi Pavarotti cất lên nốt c2 cả không gian như sáng bừng lên, tràn đầy sức sống. Dù vậy, giọng hát của ông không phải là hoàn hảo. Những nhà phê bình chuyên nghiệp thường phàn nàn rằng ông hát quá theo bản năng mà thiếu đi sự phân tích tác phẩm một cách kĩ lưỡng và tinh tế; đôi khi lạm dụng các nốt cao mà quên đi rằng ca sĩ chỉ là một bộ phận cấu thành một tổng thể opera; vóc dáng cũng góp phần khiến Pavarotti gặp khó khăn trong diễn xuất và dù đã từng vào vai Otello (Verdi) – một trong những vai kịch tính nhất dành cho giọng tenor, sánh ngang với những vai heldeltenor như Siegfried hay Tristan của Wagner – thì về bản chất, ông vẫn là một tenor trữ tình vì vậy ông gặp nhiều hạn chế khi hát những vai tenor kịch tính. Hơn nữa, loạt chương trình “Pavarotti and Friends” không đem lại hứng thú cho những fan trung thành với nghệ thuật opera nên trong cuộc bình chọn “Giọng tenor xuất sắc nhất thế kỉ 20” do “Opera fanatic” tổ chức, Pavarotti chỉ đứng ở vị trí thứ 12. Ba vị trí đầu tiên thuộc về Franco Corelli, Jussi Bjorling và Enrico Caruso. Những đồng nghiệp thân thiết của Pavarotti trong “The Three Tenors” lần lượt xếp thứ 7 (Jose Carreras) và 19 (Placido Domingo).
Trong cuộc đời ca hát của mình ông đã biểu diễn cùng nhiều prima donna hàng đầu thế giới như Leontyne Price, Renata Tebaldi, Montserrat Caballe, Kathleen Battle hay Renata Scotto nhưng với ông ba soprano Mirella Freni, Joan Sutherland và Maria Callas mới là những người có ảnh hưởng sâu đậm và để lại trong ông nhiều cảm xúc nhất.
Mirella Freni đối với ông không chỉ đơn thuần là bạn diễn mà còn là người bạn thân thiết từ thuở ấu thơ. Hai người cùng tuổi, cùng quê hương Modena, cùng lớn lên bên nhau với cùng sự chăm sóc của cùng một bà vú và cùng học hát với một thầy giáo. Giữa họ có một mối quan hệ thật đặc biệt. Trong âm nhạc, họ cùng đóng chung trong nhiều vở opera như La Bohème, Tosca, Madama Butterfly. Ngoài đời thường, họ là tri kỉ.
Cùng với Joan Sutherland, Pavarotti đã tạo nên một cặp bài trùng tenor – soprano tuyệt vời nhất trong thế kỷ 20, điều mà chỉ một vài cặp khác như Carreras – Caballe hay Melchior – Flagstad mới có thể so sánh được. Các vở opera bel canto, đặc biệt là bộ ba nổi tiếng Norma, I Puritani, La Sonnambula của Bellini chính là dấu ấn tuyệt vời nhất mà bộ đôi này đem đến cho những người hâm mộ. Một sự kết hợp vô cùng hoàn hảo. Hơn nữa, Sutherland chính là người đã giúp Pavarotti rất nhiều trong việc hoàn thiện kĩ thuật hát của mình.
Còn đối với Maria Callas thì đây lại là niềm tiếc nuối lớn nhất trong cuộc đời nghệ thuật của Pavarotti. Ông từng tâm sự: “Sự nghiệp ca hát của tôi không trọn vẹn vì tôi chưa một lần đứng trên sân khấu cùng Callas”.
Tháng 7 năm 2006, các bác sĩ xác nhận Pavarotti mắc căn bệnh ung thư tuyến tuỵ, trong ông có một khối u. Ngay sau cuộc giải phẫu, các bác sĩ cho biết tình trạng hồi phục của ông là rất tốt. Dù vậy thì Pavarotti phải huỷ bỏ toàn bộ lịch diễn của mình trong năm 2006 và không hề thấy ông xuất hiện trước công chúng nữa. Tháng 8 năm 2007, ông được đưa vào bệnh viện tại thành phố quê nhà Modena trong tình trạng nguy kịch, căn bệnh ung thư tuyến tuỵ quái ác không chịu buông tha ông. Và ông đã qua đời tại nhà riêng vào rạng sáng ngày mùng 6 tháng 9 năm 2007 trong sự tiếc thương của không chỉ những người say mê opera trên toàn thế giới. Và hẳn là ông ra đi thanh thản và lạc quan lắm vì ông đã thực hiện trọn vẹn tâm nguyện của mình: “Tôi nghĩ một cuộc sống cống hiến cho âm nhạc là một cuộc sống đẹp và đó là những gì mà tôi đã hiến dâng cả đời mình”. Nhận được tin người bạn thân của mình qua đời, Carreras đã nghẹn ngào nói trong nước mắt: “Chúng tôi đã mơ về một điều kì diệu… nhưng thật đáng buồn, điều đó là không thể. Giờ đây chúng ta phải đau xót mà nhận thức rằng chúng ta đã mất đi một ca sĩ tuyệt vời và một CON NGƯỜI vĩ đại”.
——————-
(*)classicalvietnam.info

Pavarotti và Freni trong vở La Bohème

“Luciano giống như một người anh trai của tôi. Chúng tôi cùng lớn lên ở Modena – mẹ anh ấy và mẹ tôi cùng làm việc trong một nhà máy thuốc lá, giống như trong vở Carmen. Anh ấy rất hóm hỉnh và lúc nào cũng cười đùa được. Chúng tôi đã cùng nhau đến Mantova trong ba năm để học hát với Ettore Campogalliani. Cái xe nhỏ của chúng tôi thường xuyên hỏng dọc đường. Vì tôi không biết lái nên toàn phải làm nhiệm vụ nhảy xuống đường để đẩy. Tôi vẫn thường nhớ về anh qua những chuyện đời thường như thế, trong đó có cả những chuyện ngớ ngẩn làm tôi cười phá lên. Anh ấy sẽ được nhớ đến như một trong những giọng tenor tuyệt vời nhất thế giới, nhưng cả hai chúng tôi đã đến với opera đơn giản là vì chúng tôi thích ca hát, chứ không phải vì sự nghiệp lớn hay danh tiếng.”
Mirella Freni (Soprano kiệt xuất người Ý, một người bạn thanh mai trúc mã của
Pavarotti)

Tối ngày 6/9, ngày mất của Luciano Pavarotti, tôi đứng một mình trên sân thượng và bật to hết cỡ Nessun Dorma trong vở Turandot của Giacomo Puccini – một aria gắn liền với sự nổi tiếng của ông, sự nổi tiếng vượt qua giới hạn của một nghệ sỹ opera thuần túy. Tối hôm đó, dường như tất cả hàng xóm của tôi đều tắt hết loa đài, hoặc cũng có thể, đối với giác quan của riêng tôi, dưới cái bầu trời đêm thăm thẳm này, chỉ tồn tại duy nhất giọng hát tuyệt vời của ông, lồng lộng và thẩm thấu vào từng ngọn gió mùa thu, tràn qua những mái nhà, ngõ phố, cột đèn đường, và bay vút lên như muốn chạm tới những vì sao lấp lánh.
Nessun Dorma cũng là bài hát cuối cùng mà ông biểu diễn trên sân khấu, trước hàng triệu khán giả khắp thế giới. Cái tên của nó có nghĩa là “Đêm nay không ai được ngủ!” – một mệnh lệnh của Turandot, nàng công chúa Trung Hoa quái ác. Nàng ta đã không cho ai trong thành Bắc Kinh được ngủ cho đến khi nào trả lời được câu đố về tên của hoàng tử Calaf. Tôi không bao giờ muốn làm việc gì quái ác như cô công chúa kia, nhưng thực sự là đêm hôm ấy, tôi đã có một ý nghĩ “quái gở” rằng, tôi cũng sẽ bật Nessun Dorma suốt cả đêm và “không cho ai được ngủ”, cho đến khi có một ai đó nhận ra rằng, tên của người có giọng hát đang xâm chiếm không gian kia chính là Luciano Pavarotti…     
Trần Dũng (classicalvietnam.info)

Duy Quang(*)

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)