Orhan Pamuk như một người đọc

“Mang theo một cuốn sách trong túi hay giỏ xách của bạn, nhất là những khi buồn, là sở hữu một thế giới khác, một thế giới có thể mang lại cho bạn niềm vui. Suốt thời tuổi trẻ buồn chán của tôi, ý nghĩ về một cuốn sách như thế - một cuốn sách tôi chờ mong đọc - là niềm an ủi giúp tôi vượt qua những buổi học, vì khi ngáp quá nhiều tôi sẽ giàn giụa nước mắt; sau này trong đời, sách giúp tôi chịu đựng những cuộc họp chán ngấy mà tôi phải dự vì nghĩa vụ hoặc vì không muốn bất lịch sự.”

Orhan Pamuk mào đầu như vậy khi nói về việc đọc, trước khi đưa ra ba lý do khiến ông muốn đọc sách: 1/ hấp lực của một thế giới khác từ và trong trang sách; 2/ khởi đi bằng niềm lạc quan trẻ thơ về việc sách sẽ biến người đọc thành một cái gì đó mà cùng với nó nhận thức được bồi đắp và tâm hồn được nuôi dưỡng; 3/ sự tự ý thức nhờ việc đọc, nơi mà ở đó, sự đọc đã không làm người ta chìm đắm hoàn toàn trong trang sách lại còn vẫy gọi cuộc dấn thân vào một công việc trí tuệ và sâu sắc. “Văn chương đích thực giống như một lời khuyên khôn ngoan chưa được đưa ra”, sự hiền minh ở phía cuối của tiến trình đọc ấy, theo Pamuk, khiến sự đọc trở nên hấp dẫn và cần thiết. Có lẽ đó là lý do để Pamuk dễ dàng tỏ bày về việc đọc, qua việc vui vẻ trả lời những phỏng vấn về kinh nghiệm đọc của ông, và nhất là, viết về chính kinh nghiệm đọc ấy. Những màu khác* ngập tràn những xúc cảm của/từ việc đọc, và lắng đọng trong những trang văn đẹp, giàu có, bồng bột và thâm trầm nhất của tập sách này: Sách và đọc sách.

Phải nói ngay rằng, Pamuk là một nhà văn may mắn khi có cho mình được một không gian đọc lý tưởng. Ông được thừa hưởng gia tài sách vở từ gia đình, nhất là từ người cha thương gia yêu thầm mến trộm văn chương, người đã được Pamuk dựng chân dung trong diễn từ nhận Nobel: Cái Vali của cha tôi. Ít nhiều có thể nói, chính thư viện của người cha đã dẫn lần bước chân cậu bé Orhan đến với văn chương, bất chấp niềm yêu thích ban đầu cậu dành cho hội họa.

Ý thức về một thư viện cá nhân hiển hách luôn kéo gần người ta đến với văn học, sự đọc và sự viết. Lòng cảm thương cho những cuốn sách lem luốc nơi vỉa hè, phủ bụi nơi quán hàng, hay lòng yêu thích những cuốn sách như ẩn giấu trong nó những người bạn, người yêu, người tình mà ta hằng mong tri ngộ, luôn đem đến sự nâng niu từng cuốn sách. Cho dù một đến một ngày, Pamuk khảng khái bộc bạch: Tôi đã vứt bớt sách đi như thế nào. Một tuyên bố không phủ quyết tình yêu sách đã trở thành một tuyên chiến khẳng định thái độ đọc.

Những màu khác dành một dung lượng đáng kể cho những trang viết về sự đọc. Ở đó, Pamuk hiện diện như một người đọc quảng bác. Như phần lớn những trí thức ngoài châu Âu hiện đại, văn học Pháp – cái nôi của vẻ đẹp diễm lệ, thành tựu của quá trình hiện đại hóa, biểu tượng của tương lai nhân loại, luôn hấp dẫn họ, thường khi là với rất ít phản tỉnh. Vì thế, một cách thành thực, qua đại diện của Pháp là Victor Hugo, phải mất không ít lần trở đi trở lại, Pamuk mới thấm thía, “đơn giản vì Pháp và văn học Pháp đã ở mặt tiền của văn minh quá lâu”, “các nhà văn Pháp phát ngôn không chỉ với nước Pháp mà với toàn nhân loại”, và tình yêu mến không ngừng của người Pháp (và người đọc nói chung) dành cho Hugo, “chính là sự biểu đạt nỗi hoài nhớ về những tháng ngày vinh quang đã mất của nước ấy”. Chủ nghĩa nhân văn luôn là nguyên cớ của niềm mến mộ của người đọc dành cho văn học phương Tây, như là diễn ngôn chính yếu định hình nên vị trí trung tâm của nó, di sản của nó.

Nhưng rồi sự phản tỉnh về một chủ nghĩa phương Đông của người phương Tây, trực tiếp hay gián tiếp, hội ngộ với sự giao lưu văn hóa rộng mở từ sau Thế chiến II, nhất là từ sau Chiến tranh Lạnh, đã khiến sự đọc của Pamuk thay đổi. Đất nước Thổ Nhĩ Kỳ của Pamuk tuy chưa một lần trở thành thuộc địa của phương Tây, nhưng vị trí bên lề phương Tây của nó, và dài dặc những năm tháng ngoái nhìn phương Tây định mức về sự tiến bộ theo chiều “Tây phương hóa” của mình, khiến Pamuk dễ dàng chia sẻ thân phận người trí thức hậu thuộc địa. Và chính ở chỗ này, tính chính trị của một nền văn học (thiểu số) được nhà văn ý thức. Những không gian đọc mới, những kinh nghiệm thẩm mỹ mới, theo đó, kiến tạo các lớp nghĩa mới cho văn bản.

Bên cạnh những tên tuổi quen thuộc của nền văn học hiện đại Pháp, với những Flaubert, Zola, Proust, Sartre, Camus,… những nhà văn Anh, Mỹ sẽ được đọc nhiều lên. Cùng và sau đó, là các nhà văn đến từ ngoài truyền thống Âu – Mỹ. Mỗi một sự đọc của Pamuk thường lôi kéo thêm vào đó những sự đọc khác, bên nhà văn này là những nhà văn khác, bên tác phẩm này là những tác phẩm khác. Sự quan tâm đặc biệt đến một nhà văn hay tác phẩm nào đó, vì vậy, vừa mang tính cá nhân vừa mang tính đại diện. Theo ý nghĩa đó, ở Những màu khác, sự xuất hiện của Thomas Bernhard, Mario Vargas Llosa, Salman Rushdie là có dụng ý. Ở đây, Pamuk dành sự chia sẻ với các nhà văn đến từ “những nền văn chương bên lề” “phi phương Tây và chủ nghĩa quốc gia”, “những nền văn chương từ thế giới ngoại vi hóa” như cách ông viện dẫn Said và Jameson, như một suy tư, trăn trở cùng nhịp với sự trỗi dậy của các nền văn chương đa dạng hôm nay.

Song niềm ưu ái khôn nguôi của Pamuk là dành cho Dostoyevsky. Ba tiểu luận: “Bút ký dưới hầm” của Dostoyevsky: những niềm vui của việc bị hạ nhục; Lũ quỷ đáng sợ của Dostoyevsky; Anh em nhà Karamazov là những diễn giải ưu tú của một nhà văn ở rìa này của châu Âu viết về một nhà văn ở rìa khác của châu Âu, sáng tác cách nhau hàng thế kỷ, nhưng không đứt mạch cật vấn nước đôi về một cái trung tâm luôn cần được lật đổ, cần được giải trừ. Nói đúng hơn, trong “nỗi lo sợ ảnh hưởng” của Bloom mà Pamuk có viện dẫn đây đó, đã hiện diện ở những tiểu luận này, trong và qua cách ông tái diễn Dos, cách ông đội mồ dựng Dos dậy sống giữa thời đương đại của ông. “Chính từ sự lẫn lộn yêu ghét u ám và đọa đày của Dostoyevsky – sự gần gũi của ông với tư tưởng châu Âu và sự giận dữ của ông đối với tư tưởng ấy, những khao khát ngang bằng và đối lập nhau vừa muốn thuộc về châu Âu vừa chối từ nó – mà tiểu thuyết hiện đại tìm ra nguồn sáng tạo; và thật khuây khỏa biết bao khi nhớ chuyện là như thế.”

Pamuk đã phát hiện ra sự khởi đầu văn chương kiểu Dos từ Bút ký dưới hầm (mà trước hết trong sự tương thông với Tội ác và trừng phạt). Để như một hệ quả, Lũ người quỷ ám, với Pamuk, trở thành “một cuốn sách công bố những bí mật đáng xấu hổ mà các trí thức cấp tiến (những người sống cách xa trung tâm, bên rìa châu Âu, bất đồng với những giấc mơ phương Tây của họ và bị những ngờ vực về Thượng đế hành hạ) muốn che giấu chúng ta”. Còn ở tiểu thuyết vĩ đại cuối cùng của Dos, Anh em nhà Karamazov, Pamuk nhận thấy “quả là một sự mỉa mai cao quý khi Dostoyevsky, người viết một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất mọi thời đại, lại ghét phương Tây và châu Âu chẳng kém những người đạo Hồi tỉnh lẻ ngày nay.” Cách diễn giải Dos trong tư cách người đọc, và tái diễn Dos trong tư cách người viết xuất sắc về tình thế nước đôi của người Thổ với phương Tây và hơn thế nữa, cố định Pamuk vào trong truyền thống của Dos, bằng sức mạnh và vẻ đẹp của trí tưởng.

Bởi, với Pamuk, “bằng việc trao cho ta ấn tượng của không chỉ là kẻ quan sát một thế giới tưởng tượng mà phần nào còn là người sáng tạo ra nó, sách trao cho ta khoái cảm kín đáo của người sáng tạo. Và chính điều ấy khiến cho đọc sách, đọc những tác phẩm văn chương lớn, thật hấp dẫn với tất cả mọi người và thật thiết yếu đối với nhà văn”.

—-

* Lâm Vũ Thao dịch, Nhã Nam & NXB Văn học ấn hành năm 2013

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)