Pablo Casals – mãi mãi một huyền thoại

Pablo Casals, người mà Rostropovich coi là “nghệ sỹ cello vĩ đại nhất”, sinh ngày 29 tháng 12 năm 1876 tại Vendrell, một thị trấn nhỏ của xứ Catalan. Cha ông, Charles Casals, là nhạc công chơi organ trong nhà thờ và dạy hát và piano cho dân cư trong vùng.

Casals được học piano, violin, flute, organ từ lúc 4 tuổi. 6 tuổi, ông đã có thể đệm organ thay cha và có thể chuyến soạn một số tác phẩm cho đàn organ. 8 tuổi ông đã chơi violin rất tốt nhưng do thói quen nhắm mắt và nghiêng đàn khi chơi violin nên Casals bị chúng bạn trêu là “nhạc sỹ mù”, điều này khiến cậu quyết định bỏ violin để học một nhạc cụ khác. Chính quyết định này đã mang đến cho thế giới một nghệ sỹ vĩ đại – người đặt nền móng cho nghệ thuật trình diễn cello hiện đại.

Tình cờ, một nhóm nhạc có tên “The Three Flats” đến biểu diễn tại thị trấn và Casals có cơ hội lần đầu tiên thấy cây cello và cậu nhờ bố làm cho mình một cây tuơng tự. Chẳng mấy lâu sau Casals đã có thể chơi tất cả trên cây đàn “đồ chơi” mà cha mình làm cho và thường biểu diễn cho bạn bè và gia đình trong những dịp đặc biệt. Casals sau này luôn coi cây cello “đồ chơi” là báu vật và giữ bên mình cho đến cuối đời.

Năm 1888, mẹ Casals đưa ông đến Barcelona để theo học với Jose Garcia tại Municipal School. Sau 3 năm học, Casals đã trở thành một nghệ sỹ cello hoàn hảo và ông quyết định rời nhạc viện khi mới 15 tuổi.

Rời nhạc viện, Casals thường xuyên chơi cello trong các quán cafe ở Bacerlona. Lúc này số lượng các tác phẩm viết cho cây cello chưa nhiều nên Casals phải tìm thêm các bản nhạc mới để bổ sung cho vốn tác phẩm ít ỏi của mình. Một lần cha câu lên Bacerlona thăm con trai đã đưa Casals đến một cửa hàng bán sách nhạc cũ nằm trên đường Calle Ancha. Chính tại đây, Casals lần đầu tiên thấy bộ Cello sonata của Beethoven và 6 tổ khúc viết cho cello của Bach. Như bị mê hoặc bởi sự kỳ diệu của Bach, Casals đã lao vào tập luyện 6 tổ khúc này trong vòng 10 năm trước khi biểu diễn lần đầu. Chính nhờ sự lao động, khám phá không biết mệt mỏi mà 6 tổ khúc của Bach trở thành kinh điển của nghệ thuật trình diển cello hiện đại.
Không những là người có công khai phá tổ khúc cho cello của Bach mà Casals còn có những cách tân về kỹ thuật chơi cello. Lúc bấy giờ kỹ thuật chơi cello vẫn còn nhiều hạn chế điển hình là kỹ thuât sử dụng vĩ, hoạt động của cánh tay phải còn hạn chế thậm chí người ta còn kẹp sách vào nách khi luyện tập. Casals cũng khắc phục các nhược điểm về cách xếp ngón giúp tay trái linh hoạt hơn cũng như tránh được các tạp âm khi di chuyển ngón trên cần đàn.

Nhà soạn nhạc I.Albeniz sau khi nghe Casals chơi đàn rất mến mộ tài năng của ông và đã giới thiệu ông với bá tước Morphy, thư ký riêng của vua Alfonso XII, nhờ Morphy giúp ông được biểu diễn trong lâu đài hoàng gia và nhập học tại nhạc viện Madrid. Morphy coi Casals như con trai, ông thường dành thời gian để dạy Casals toán học, triết học và các ngành nghệ thuật khác. Với mong muốn Casals sau này sẽ trở thành nhà soạn nhạc tài năng chứ không phải thành một nghệ sỹ cello nên ông giúp Casals có được suất học bổng của hoàng hậu Tây Ban Nha để sang Brussels, Bỉ học khoa sáng tác.
Giám đốc Nhạc viện Brussels ấn tượng đặc biệt với tài năng chơi cello của Casals đã giới thiệu ông với Eduard Jacobs – giáo viên đảm nhiệm khoa cello của trường. Một chuyện thú vị đã xảy ra tại buổi gặp gỡ này cho ta thấy được cá tính khác thường của Casals: Khi Jacobs hỏi Casals có thể chơi được những gì, Casals trả lời một cách tự tin là ông có thể chơi tất cả các tác phẩm viết cho cello. Jacobs cười mỉa mai gợi ý Casals chơi bản “Souvenir de Spa” của Servais, một bản nhạc đòi hỏi kỹ thuật hết sức phức tạp. Casals tức giận nhưng vẫn bình tĩnh cầm đàn biểu diễn. Những nốt nhạc đầu tiên làm cả Jacobs và các học viên như bị thôi miên trước tiếng đàn cũng như kỹ thuật phi thường của Casals. Trước tài năng xuất chúng của ông, Jacobs gợi ý nếu ông theo học nhạc viện thì sẽ giành cho Casals giải nhất trong cuộc thi của trường. Thấy sự tầm thường trong tính cách của Jacobs, Casals thẳng thừng từ chối. Ông rời nhạc viện và cùng mẹ sang Paris ngay sáng hôm sau. Hoàng hậu Tây Ban Nha sau khi nhận tin đã tức giận và thôi không giúp đỡ tài chính cho Casals nữa.
Sang Paris, Casals chơi cello trong dàn nhạc của một rạp hát nhỏ và kiếm được rất ít tiền; mẹ ông đã phải bán cả mái tóc dài tuyệt đẹp của mình để lo cho con trai. Những khó khăn ở Paris làm Casals bị ốm và hai mẹ con quyết định về Bacerlona.

Trở về Bacerlona, mọi việc lại trở nên tốt đẹp với Casals, ông thay vị trí của thầy dạy cũ của mình Jose Garcia vừa mới nghỉ hưu tại nhạc viện. Trong 3 năm ở Bacerlona ông cùng hai nghệ sỹ violin Mathieu Crickboom, Galvez và nhạc sỹ, nghệ sỹ piano Enrique Granados lập nên nhóm tứ tấu. Casals thường xuyên biểu diễn tại sòng bạc nổi tiếng tại Bồ Đào Nha nơi tập trung của giới thượng lưu lúc bấy giờ và ở một số gia đình hoàng gia. Danh tiếng của Casals lan khắp bán đảo Iberia, điều kiện tài chính cũng tạm ổn nên Casals quyết định quay lại chinh phục Paris, trung tâm văn hóa của châu Âu lúc bấy giờ.

Mùa thu năm 1899, ông một mình quay trở lại Paris với thư giới thiệu của Morphy với nhạc trưởng nổi tiếng ở Paris lúc bấy giờ Charles Lamoureux. Sau khi nghe Casals chơi trong một buổi tập của dàn nhạc, Charles Lamoureux đề nghị Casals chơi trong buổi hòa nhạc đầu tiên của mùa diễn năm đó. Casals đã chơi bản concerto cho cello của Lalo vào ngày 12 tháng 11 làm cả Paris phải thán phục. Sau buổi ra mắt này, ông lưu diễn cùng dàn nhạc của Lamoureux đến nhiều thành phố lớn. Tại Paris ông kết bạn với nhiều nghệ sỹ lớn lúc đó như Ravel, Sain-Saens, Ysaye, Thibaud, Cortot…

Năm 1901, Casals lần đầu đến Mỹ, ông biểu diễn tới 80 thành phố trên khắp nước Mỹ và buộc phải ngừng tour lưu diễn tại California khi một tai nạn làm cánh tay trái của ông bị đau. Sau 4 tháng điều trị tay của ông dần hồi phục và Casals lại tiếp tục biểu diễn. Sau này khi trả lời phỏng vấn ông cho rằng thời gian điều trị chấn thương càng khiến ông thêm hiểu bản thân mình và ơn trời ông thấy tiếng đàn của mình mạnh mẽ và sâu lắng hơn trước!
Năm 1904, Casals lại quay lại nước Mỹ. Ông được mời tới Nhà Trắng biểu diễn cho tổng thống Theodore Roosevelt nghe, và chơi bản “Don Quixote” với Metropolitan Opera Orchestra do chính R.Strauss chỉ huy.

Năm 1905, Casals sang biểu diễn tại Nga lần đầu tiên. Mặc dù lúc này tình hình chính trị ở Nga rất bất ổn bởi những cuộc đình công liên miên của công nhân phản đối Nga hoàng Nicholas, nhưng buổi biểu diễn của ông được chào đón nồng nhiệt của khán giả. Sau này Casaals thường xuyên quay trở lại Nga biểu diễn và kết bạn với nhiều nghệ sỹ tên tuổi của Nga lúc bấy giờ như Nikolai Rymsky- Korsakov, Seigei Rachmaninov, Alexander Scriabin… Cũng tại Nga ông chơi bản concerto cho violin và cello của Brams với nghệ sỹ violin vĩ đại người Bỉ Eugene Ysaye.

Người vợ đầu tiên của Casals là ca sỹ giọng soprano người Mỹ Susan Metcalfe và ông là người đệm đàn trong các buổi hòa nhạc của bà trên khắp thế giới. Đây có lẽ là thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời ông, thậm chí ông còn định từ bỏ sự nghiệp solo của mình. Nhưng do những xung khắc trong sự nghiệp nên hai người chia tay sau 14 năm gắn bó.
Là một nghệ sỹ biểu diễn tài năng, Casals không muốn bị cây đàn cello giới hạn, với ông Âm nhạc mới là tất cả và ông luôn muốn trở thành một nhạc trưởng để phát huy tối đa sức sáng tạo của mình. Năm 1920 ông trở về Bacerlona và thành lập dàn nhạc Pablo Casals Orchestra. Dàn nhạc có buổi biểu diễn ra mắt vào ngày 13 tháng 10 năm 1920. Sau này Casals còn chỉ huy nhiều dàn nhạc lớn như London Symphony Orchestra, Vienna Philharmonic nhưng đối với Casals cảm giác tuyệt vời nhất vẫn là được cùng dàn nhạc của mình biểu diễn tại quê hương yêu dấu cho những người dân lao động của Bacerlona.

Ngày 17 tháng 7 năm 1936, cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha nổ ra, chế độ độc tài của Franco được sự hậu thuẫn của Mussolini và Hitler đã khiến đất nước Tây Ban Nha chìm trong biển máu. Casals từ chối biểu diễn ở Đức để phản đối chính quyền Hitler đồng thời thường xuyên giúp đỡ những người tị nạn trong suốt cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Lúc nội chiến sắp diễn ra, Casals đang cùng dàn nhạc chuẩn bị biểu diễn bản giao hưởng số 9 của Beethoven thì có một lá thư từ Bộ Văn hóa gửi tới yêu cầu Casals hủy buổi biểu diễn và cho các nhạc công về nhà bởi sắp có chiến tranh. Casals đã hỏi các nhạc công xem nên biểu diễn hay thôi và tất cả cùng đồng ý sẽ tiếp tục biểu diễn bất chấp sự đe dọa của chính quyền và khi dàn hợp xướng hát “tất cả thế giới là anh em” ông đã không kìm được nước mắt. Trong những năm nội chiến ông nhiều lần bị đe dọa tính mạng nhưng nhờ uy tín của mình cũng như sự yêu quý của người dân nên ông đều thoát nạn.

Năm 1956, ông chuyến tới sống ở San Juan, Puerto Rico (nơi mẹ ông sinh ra) và ở đó cho đến cuối đời.

Mùng 3 tháng 8 năm 1957, khi đã 80 tuổi, ông kết hôn với Marta Montañez Martinez, một học sinh của mình. Những năm cuối đời ông sáng tác và mở các lớp ngắn hạn tại nhiều nơi. Casals mất tại San Juan, Puerto Rico vào ngày 22 tháng 10 năm 1973 khi 97 tuổi mà không có cơ hội chứng kiến sự sụp đổ của chính quyền Franco và phải 3 năm sau ông được đưa về chôn cất tại quê hương. Năm 1976 nhân 100 năm ngày sinh của Casals, vua Juan Carlos I cho phát hành con tem có hình Casals để tưởng nhớ đến một nghệ sỹ vĩ đại của Tây Ban Nha cũng như của toàn nhân loại.

 

Tác giả