Phê bình hay ném đá?

Cùng với yêu cầu ngày một cao đối với chất lượng bản dịch, việc nhận xét, hồi âm của độc giả cũng ngày càng nhiều hơn và trực tiếp hơn, tuy nhiên, trong số đó có những người đang làm việc “ném đá” thay vì “phê bình” một cách thiện chí – đó là ý kiến của BTV Phùng Hồng Minh về những tranh luận quanh bản dịch tiểu thuyết “Bên phía nhà Swann” của Marcel Proust.

Mới đây, có tờ báo đã đăng bài hai kỳ đặt vấn đề dịch thuật xung quanh cuốn “Bên phía nhà Swann” do Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành, gián tiếp dùng một dịch giả “tay ngang” phê phán nhóm dịch giả Lê Hồng Sâm, Dương Tường, Đặng Thị Hạnh, Đặng Anh Đào là “kém tiếng Việt”, “mỏng kiến văn”. Bài viết đã  gây không ít thắc mắc ở nhiều độc giả. Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với biên tập viên Phùng Hồng Minh – một trong những người tham gia biên tập bản dịch cuốn sách và làm việc trực tiếp với nhóm dịch giả trong dự án này.

Là một trong những người tham gia biên tập bản dịch tiếng Việt “Bên phía nhà Swann” của các dịch giả Lê Hồng Sâm, Dương Tường, Đặng Thị Hạnh, Đặng Anh Đào, chị có ý kiến gì về chất lượng bản dịch trước nhận xét của người tự nhận là “dịch giả tay ngang” Thiên Lương trên mạng xã hội, rằng đây là một bản dịch sai, tối nghĩa, dịch như google dịch…?

Dĩ nhiên tôi không đồng ý với những nhận xét này, mà theo ý kiến cá nhân tôi, là những ý kiến cực đoan, phủ nhận sạch trơn chứ không hề là những nhận xét khách quan, công bằng, có ích cho người dịch được nhận xét và cho độc giả. Còn về bản dịch “Bên phía nhà Swann” mà tôi tham gia biên tập, có thể nói, được các dịch giả giỏi cố gắng hết sức để truyền tải văn phong và tinh thần của văn bản. Dễ hiểu là đây đó sẽ có những điểm chưa hoàn toàn chính xác, một số câu có thể được biên tập lại khi có những diễn đạt cầu kì mà dịch giả nào cũng sẽ phải thấy mình bất lực không thể theo nổi nguyên tác, chỉ có thể lựa chọn các phương án tối ưu nhất theo quan điểm của mình, rồi có những từ ngữ chưa đắt… có thể được hiệu chỉnh lại, mài giũa thêm… Nhưng đó là những khiếm khuyết nhìn chung mà ta vẫn thấy ở mọi bản dịch, vì như người ta vẫn nói, trên đời này không có cái gọi là bản dịch hoàn hảo. Dịch thuật vẫn là một công việc cá nhân, dịch giả có thể mắc những sơ sót, những sai lỗi trong ngữ nghĩa và diễn đạt, do đó luôn cần những góp ý, phản hồi để bản dịch được tốt hơn. Nếu các tác giả vẫn luôn muốn biên tập, sửa chữa lại tác phẩm của mình, thì người dịch cũng vậy. Nên mới nói bản chất của công việc biên tập trên văn bản là luôn luôn có thể kéo dài ra mãi được. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có sự phân biệt giữa bản dịch dở tệ, bản dịch ổn, bản dịch khá, bản dịch tốt, cũng như bản dịch xuất sắc. Còn về nhận xét “dịch như google dịch”, thì phải nói đó là một cách nói liều lĩnh. Nếu không, xin mời bạn thử để google dịch Proust!

Vậy còn một vài nhận xét cụ thể được đóng góp trên mạng xã hội về dịch phẩm này, chị thấy thế nào?

Chúng tôi vẫn hoan nghênh những lỗi sai, nếu có, mà độc giả tìm ra và gửi về phản hồi cho Nhã Nam. Tuy nhiên, trong lĩnh vực dịch thuật nói chung, và đặc biệt là trường hợp của bản dịch tác phẩm Proust, sự cân nhắc kỹ càng không bao giờ thừa. Tôi xin lấy một ví dụ mà cá nhân tôi thấy thú vị để minh chứng cho việc phân loại lỗi sai hay tối nghĩa không phải đơn giản, ví dụ này cũng đã được một số người nêu ra: trong phần Mối tình của Swann, thuộc quyển 1 Bên phía nhà Swann, có câu: “il choisissait une fleur pour sa boutonnière et partait pour retrouver sa maîtresse à dîner chez l’une ou l’autre des femmes de sa coterie.” Dịch giả Dương Tường chuyển ngữ sang tiếng Việt: “ông chọn một bông hoa gài vào khuyết áo và đi gặp người tình để đưa đến ăn tối tại nhà một trong những quý bà cùng phe cánh với mình.” Dịch giả Scott Moncrieff chuyển ngữ sang tiếng Anh: “he would select a flower for his buttonhole and set out to meet his mistress at the house of one or other of the women of his circle.” Đề xuất chuyển ngữ sang tiếng Việt của một số người trên các trang mạng xã hội: “ông chọn một bông hoa cài lên khuy áo rồi đến gặp lại người tình ở nhà một bà bạn và cùng ăn tối tại đó.” Trong quá trình biên tập, tôi đã rất lưỡng lự trước câu văn này của Proust. Tôi có trao đổi với một giảng viên ngôn ngữ người Pháp và bà đã đưa ra ba cách hiểu: một là ông Swann đi gặp người tình rồi đưa tới nhà bạn ăn tối; hai là ông Swann đi gặp người tình đã đang ăn tối ở nhà người bạn đó; ba là ông Swann đi gặp người tình đã ở nhà người bạn đó và tất cả bọn họ cùng ăn tối với nhau. Sau khi đọc kỹ lại cả đoạn, nhắc tới chuyện ông Swann tìm cách để người tình của ông cũng được những người bạn cùng phe cánh kia mời tới ăn tối, tôi đã quyết định tôn trọng cách hiểu của dịch giả Dương Tường. Nếu để ý, có thể thấy bản dịch của Moncrieff bị mất chi tiết “ăn tối” còn phần đề xuất dịch ở trên mạng xã hội bị mất chi tiết “bà bạn cùng phe cánh”.

Có ý kiến cho rằng không phải cứ “cây đa cây đề” dịch mới tốt, mà có khi các “cây đa cây đề” do vị thế quá cao nên nhiều khi áp đặt cái tôi quá lớn của họ vào bản dịch?

Tôi cho rằng không phải cứ “cây đa cây đề” mới dịch tốt. Hiện nay có nhiều dịch giả trẻ rất giỏi và đã chuyển ngữ được nhiều tác phẩm khó và quan trọng. Đó là điều rất đáng mừng cho giới dịch thuật văn học. Tuy nhiên, thực tế ta vẫn thường thấy những lối xử lí câu chữ tinh tế, vốn từ vựng phong phú chỉ có nơi các dịch giả lão thành, mà một người mới bắt đầu dịch hiếm khi có được. Các dịch giả cuốn “Bên phía nhà Swann”, khi bắt tay vào dịch Proust, họ đều ý thức mình đang đối diện với tác giả nào, dạng văn bản gì, trên thực tế chúng tôi đã không phải e ngại về “cái tôi quá lớn” của họ. Dịch giả Lê Hồng Sâm còn là người luôn quan niệm dịch là phục tùng một cách có sáng tạo, ngay trong lời nói đầu quyển 1 “Bên phía nhà Swann”  cũng đã nói rõ: “chúng tôi cố gắng trung thành với cấu trúc của câu, chỉ khi cần thiết lắm mới chuyển đổi vị trí một, hai mệnh đề trong câu, hoặc thêm một giới từ, một liên từ, với tất cả sự thận trọng.” Và “Bên phía nhà Swann” bản tiếng Việt là một bản dịch đọc sáng rõ, trung thực, vừa phải. Nó không phải là bản dịch khô cứng tối nghĩa, và cũng không phải là bản dịch nuột nà, ve vuốt. 

Có phải tiếng Việt trong bản “Đi tìm thời gian đã mất” của Nguyễn Trọng Định phát hành năm 1992 sáng rõ và dễ tiếp nhận hơn tiếng Việt trong bản “Bên phía nhà Swann” của bốn dịch giả Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm, Dương Tường và Đặng Anh Đào?

Đi tìm thời gian đã mất của Nguyễn Trọng Định chính là quyển 2 trong bộ Đi tìm thời gian đã mất của Proust, nhan đề Dưới bóng những cô gái tuổi hoa, còn Bên phía nhà Swann là quyển 1. Việc lấy hai tập sách khác nhau ra so sánh, cho dù chỉ về tiếng Việt, có lẽ cũng là khiên cưỡng. Tôi chỉ có thể nói rằng bản dịch quyển 2 của dịch giả Nguyễn Trọng Định chắc chắn không thể nào tốt hơn bản dịch quyển 1 Bên phía nhà Swann xét về mức độ hoàn thiện trong dịch thuật và biên tập, mặc dù cả hai đều do Nhã Nam xuất bản.

Từ nhiều sự kiện liên quan đến việc phê bình, xem lại bản dịch vừa qua, chị đánh giá thế nào về tình hình phê bình dịch thuật hiện nay ở Việt Nam?
 
Tôi không dám lạm bàn sang vấn đề lý thuyết vì công việc tôi đang làm mang tính thực hành nhiều hơn. Cá nhân tôi chỉ có thể thấy rằng, yêu cầu đối với chất lượng bản dịch ở Việt Nam đang ngày một cao hơn, và việc nhận xét, hồi âm của độc giả ngày càng nhiều hơn, trực tiếp hơn, là điều rất hữu ích đối với dịch giả, với nhà xuất bản trong việc nâng cao chất lượng các bản dịch. Tuy nhiên, hiện nay có một số người lầm lẫn giữa việc “ném đá” với “phê bình”, họ không quan tâm đến phê bình mà chỉ “ném đá” bằng mọi giá. Nếu kéo dài lâu tình trạng này tôi nghĩ sẽ khiến độc giả hoang mang tưởng rằng dịch thuật đi xuống, trong khi thực tế là ngược lại. Mặt bằng chung của dịch thuật đang ngày một cải thiện. Và trong nghề thì ai cũng mong muốn có một nền phê bình dịch thuật rõ ràng, có tiêu chuẩn, có đạo đức trong hành nghề, để trợ giúp cho cả giới dịch giả và độc giả, trong việc nhìn nhận và đánh giá bản dịch cho khách quan, chính xác.

Là người làm việc cho một đơn vị xuất bản, chị nhìn nhận ra sao về ý kiến cho rằng các nhà xuất bản nên chia sẻ bản quyền tác phẩm, nhất là những tác phẩm lớn của văn học thế giới, để các “dịch giả tay ngang”, không ký hợp đồng dịch chính thức với nhà xuất bản, cũng có thể tham gia dịch và lưu hành bản dịch của mình, không phải ở vị thế “underground” như Thiên Lương đang làm trên thị trường, nhằm mang đến cho thị trường đọc, cho độc giả nhiều sự lựa chọn hơn?

Quả thực tôi chưa nghe nhắc đến chuyện chia sẻ bản quyền tác phẩm bao giờ. Ai đó muốn đơn vị nào trong lĩnh vực báo chí xuất bản truyền thông chia sẻ bản quyền thì có thể cứ đặt vấn đề với đơn vị đó xem sao… rồi ngoài đơn vị phát hành thì cần tìm hiểu xem chủ sở hữu tác phẩm có muốn chia sẻ như thế hay không nữa… Đó hẳn là một việc phức tạp. Còn nói về việc dịch và lưu hành bản dịch “underground” của người tên gọi là Thiên Lương thì tôi thấy nên thận trọng. Người này sử dụng nick ảo để xúc phạm nhiều dịch giả có tên tuổi rõ ràng, đồng thời dịch lậu sau đó in ấn và phát hành lậu bản dịch của mình. Nếu là một dịch giả có danh tính thật trong xã hội mà làm vậy thì tôi không nghĩ người đó lại không bị xử lí về mặt pháp luật.

Tác giả

(Visited 3 times, 2 visits today)