Phố cổ đàng hoàng mở mặt với thiên hạ

Tuy mới được mở một thời gian ngắn, lại chỉ được mở vài giờ trong mấy tối cuối tuần, nhưng tuyến phố Mã Mây - Đào Duy Từ - Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến đã thành ra một khu đô hội sầm uất. 

Từ những nỗ lực vô vọng…

Cả hai chục năm nay, mặc dù rất yêu phố cổ Hà Nội và luôn cố gắng thuyết phục mọi người là về bản chất, phố cổ vẫn còn giữ được sức sống và giá trị của nó, nhưng quả thật cứ mỗi một năm trôi đi, lại càng thấy có thêm nhiều bằng chứng là xã hội và chính quyền không nhận ra giá trị thật của khu phố này.

Đầu tiên là những hoài niệm về mái ngói lô xô, tường vôi phố Phái, nhà ống hun hút v.v. và những nỗ lực vô vọng nhằm níu kéo vài mảnh vụn của hình ảnh này. Sau đến những can thiệp thô thiển nhằm tạo ra một khu phố ẩm thực Cấm Chỉ, làm cổng, lát đường, ra quy chế v.v., biến khu phố vốn đang rất sầm uất này thành một dạng căng tin hợp tác xã nhếch nhác. Khu vực phố ẩm thực, chợ đêm Đồng Xuân cũng không phải là một ví dụ tốt cho việc can thiệp của chính quyền. Nói gì thì nói, khu vực đó vẫn giống nhà để xe hơn là hàng quán, và khi đêm đến, nhà xe biến thành quán xá thì ta luôn có cảm giác rờn rợn, không biết quán đó rửa bát, rửa rau, thái thịt thế nào. Phố Hàng Buồm trùng tu được một căn nhà cổ, tổ chức đàn hát dân tộc. Trước cửa thường có mấy thanh niên nam nữ, ăn mặc xanh đỏ như mấy con vẹt, chào mời khách Tây. Có lần mấy người bạn nước ngoài hỏi tôi, có thật là dân Việt Nam ngày xưa ăn mặc thế không. Mình phải cải chính ngay, rằng các cụ nhà ta không liên quan gì tới cái thẩm mỹ này. Nhưng không biết lấy đâu ra ví dụ cho người ta xem.

Thảm họa nhất phải kể chợ đêm dọc trục Hàng Ngang – Hàng Đào. Khách đông nườm nượp đấy, nhưng mà cái thành phố đông cứng người này, làm gì mà chả đông. Phố xá đang yên lành, đẹp đẽ thì bày một lũ kiosk xộc xệch ra giữa đường, bán toàn đồ Trung Quốc rởm. Chen chúc nhau đi từ đầu đường đến cuối phố, rặt những người là người, chẳng có gì mà ngắm, mà mua.

Bên cạnh những khu chợ tổ chức nhố nhăng đó là cái họa phá chợ truyền thống. Từ chợ Hàng Da, tới chợ Hòe Nhai, Hàng Bè, Cửa Nam bị phá, thay bằng những thứ siêu thị rẻ tiền, lai căng, không ai muốn vào. Thế rồi lại được nghe những dự án di dời tới gần 7.000 dân phố cổ, rồi chuyện có thể phá cầu Long Biên v.v. Tóm lại có cảm giác phàm cái gì có giá trị là sẽ bị phá, và những thứ được làm thì nhẹ nhất cũng là vô bổ, nếu không thì gây hại. Đó là vì làm sao? Là vì không nhìn ra cái gì giá trị, và cái gì không giá trị. Cả khu phố cổ đã là một cái chợ lớn, đã là chợ đêm, phố ẩm thực, thì cứ đi lo tổ chức chợ, tổ chức chợ đêm, chợ ẩm thực. Cả phố Hàng Ngang – Hàng Đào toàn cửa hàng thì đóng lại, dựng mấy cái lều chợ giữa đường. Những loại hình này các đô thị ở phương Tây hay tổ chức, nhằm làm sinh động những khu đô thị xuống cấp, hoặc những khu vực buồn tẻ, không ai muốn đến. Trong khi đó Hà Nội sôi lên sùng sục, chỉ cần làm sao giảm bớt giao thông, ách tắc thì lại vẽ thêm đủ thứ bày ra giữa đường.

…đến thành công ban đầu

Thế mà tối hôm qua, lần đầu tiên đi vào mấy phố đi bộ ngoài khu vực chợ đêm, bao gồm khu vực Mã Mây, Đào Duy Từ, Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, mới thấy có sự thay đổi vô cùng đáng mừng. Những phố này đơn giản chỉ chặn xe lại để thành phố đi bộ, không thêm một động tác can thiệp nào khác của chính quyền. Lập tức cả khu vực biến thành thiên đường du lịch.

Phố Mã Mây đẹp lộng lẫy, đèn hoa sáng rực, long lanh kỳ ảo, khác hẳn những loại đèn đóm xanh đỏ thô thiển mà chính quyền vẫn thường đem ra giăng toe toét khu vực Hồ Gươm, Tràng Tiền. Hàng quán bày bàn ghế rộng rãi ra vỉa hè, trông ấm cúng, sạch sẽ chẳng khác gì Venice. Khách đi dạo nườm nượp, ngồi ăn uống cũng đông nghịt. Từ chủ hàng đến khách khứa, ai nấy đều hân hoan, lịch sự, khác hẳn ấn tượng mấy nhà hàng cơm rang mỳ xào lúp xúp bẩn thỉu trước đây, do không có diện tích ngồi, lại bị quây đuổi bắt bớ suốt ngày. Những cửa hàng đa dạng, từ kích thước, phong cách thiết kế, đến mặt hàng bày bán, nay càng thêm hấp dẫn, rực rỡ nhờ mở rộng ra vỉa hè và du khách có thể từ từ ngắm nghía mà không sợ bị xe tông vào người. Về cơ bản, mọi phố trong phố cổ Hà Nội đều có thể đẹp đẽ như vậy sau nửa tiếng cấm xe, vậy mà người ta lại nghĩ đâu ra việc xếp mấy cái lều tồi tàn ra giữa đường để làm chợ đêm. Giữa phố, một nhóm thanh niên biểu diễn hiphop, dân tình xúm xít xem, vui đáo để. Từ Mã Mây, đi sang Đào Duy từ, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, chỗ nào cũng sầm uất, nhộn nhịp như đi trẩy hội. Ngã tư quốc tế Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Tây – ta ngồi vỉa hè đông tới cả mấy trăm người. Chúng tôi cũng chọn một bàn. Gọi bia chai, mang ra bia lạnh toát, chuẩn không cần chỉnh. Đồ ăn uống đều nhanh nhẹn, bình dân, chất lượng không có gì phải phàn nàn. Thi thoảng, lại có những chị bán rong đi qua, nào mã thầy, bánh rán, nào mận chín, xoài xanh. Lại có cả cái xe nho nhỏ anh bán bò bía ngọt miền Nam góp thêm xôm trò. Góc phố Mã Mây, dựng cái sàn nhỏ, dân tình lên biểu diễn văn nghệ í ới.

8 giờ tối, tại Trung tâm Văn hóa phố cổ ở 50 Đào Duy Từ có chương trình Câu chuyện âm nhạc phố cổ. Phòng hội trường tầng ba vừa đẹp, vừa ấm cúng, rất hiện đại mà rõ là vẫn giữ tinh thần không gian Việt Nam. Khách ngồi chiếu phía trước, ngồi ghế đằng sau. Sân khấu trang trí giản dị, thâm trầm mà lịch sự. Buổi diễn hơn một giờ, lướt qua đủ thể loại từ ca trù, chầu văn đến tuồng, chèo, xẩm. Cả buổi diễn không dùng trang âm, micro, chỉ dùng đúng âm thanh của giọng ca, đàn sáo phách sênh. Các nghệ sỹ biểu diễn toàn là Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú, phong tư cốt cách nhìn thoáng đã thấy đàng hoàng, đĩnh đạc, phục trang thì nền nã, thâm trầm, tuyệt không lòe loẹt nhố nhăng như văn nghệ quần chúng và truyền hình thường gặp. Có lẽ đây là lần đầu tiên, tôi được xem một chương trình gồm nhiều thể loại âm nhạc dân tộc mà lại chuẩn mực, chất lượng tới như vậy. Căn phòng có đúng tỷ lệ và không khí cho những thể loại âm nhạc này. Tiếng đàn, tiếng trống, giọng ca cất lên, thảy đều đầy ăm ắp. Ta không cảm thấy như nghe một câu ca, một tiếng đàn, mà thấy một làn sóng dân gian, một tinh thần dân tộc bốc lên ngùn ngụt. Chỉ có điều, khi ra về, tôi nhẩm tính số khách, giá vé, và ước lượng số vé mời, thì đoán mỗi nghệ sỹ chỉ được thù lao vài trăm ngàn. Nếu so với những thứ cát xê nhố nhăng thời thượng hiện nay, thì quả là đau lòng. Không biết các nghệ sỹ có trụ được lâu với tâm huyết không. Chỉ mong rằng các nghệ sỹ sẽ như những chú họa mi, sơn ca, được trời ban giọng quý, thì đã đủ mãn nguyện rồi, chỉ mong cất tiếng hát với đời và chẳng so đo tính đếm đồng tiền. Biết đâu một ngày nào đó, cũng như phố cổ, văn hóa cổ truyền lại có dịp đàng hoàng mở mặt với thiên hạ.

Có thể nói, tuy mới được mở một thời gian ngắn, lại chỉ được mở vài giờ trong mấy tối cuối tuần, nhưng mấy tuyến phố cổ đã được tổ chức lại, thành ra một khu đô hội sầm uất. Hy vọng chính quyền nhìn thấy thành công của thử nghiệm ban đầu này, mà có thể tổ chức mở rộng vùng đi bộ cho tới tận Cầu Gỗ, Đồng Xuân, và không chỉ tối cuối tuần, cũng không chỉ đến 10 giờ 30 tối.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)