Phục dựng một mảng lịch sử

Với cuốn Silk for Silver: Dutch-Vietnamese Relations, 1637-1700, TS Sử học trẻ Hoàng Anh Tuấn là một trong số không nhiều những người Việt Nam nghiên cứu khoa học xã hội có công trình xuất bản tại nước ngoài. Công trình của TS Tuấn cũng cho thấy một xu thế nghiên cứu lịch sử giai đoạn hiện nay: hợp tác quốc tế để khai thác các nguồn sử liệu nước ngoài viết về nước ta để "lấp đầy những khoảng trống lịch sử" chưa được nghiên cứu.

Phát thiện một liên minh quân sự xưa
Nhận thấy mối lợi của tơ lụa Đàng Ngoài, năm 1637 thương đoàn của Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) do thương nhân Carel Hartsink dẫn đầu đã đến Kẻ Chợ để tìm cách đặt thương điếm buôn bán. Ngay khi đến cửa sông Đàng Ngoài, Hartsink đã được viên quan cho biết chúa Trịnh Tráng đang chờ họ đến và sẽ rất hài lòng về sự có mặt của người Hà Lan. Ông được Chúa tiếp kiến, được đồng ý cho buôn bán tự do, thậm chí được Chúa nhận làm con nuôi với tên gọi Heyn-tuong và tước phẩm Hoàng tử cùng với áo mũ, cờ hiệu để có thể ngược sông lên Kẻ Chợ mỗi khi đến Đàng Ngoài. Ngay cả người Hà Lan cũng phải ngạc nhiên với thái độ cởi mở của chúa Đàng Ngoài. Đoàn thương nhân Hà Lan đến Kẻ Chợ ngày 12/4/1637 thì chỉ 3 ngày sau họ đã được triệu vào cung. Trong việc thiết lập quan hệ thương mại, người Hà Lan hầu như không cần phải nỗ lực gì để được Chúa cho buôn bán tự do, mặc dù gặp không ít trở ngại từ đội ngũ quan lại…

 
Thư của Chúa Trịnh Căn gửi Toàn quyền Hà Lan  Willem van Outhoorn  tại Batavia (Jakarta). Nguồn: Nationaal Archief, VOC 1623, fos. 15-16.

Không giống những hình dung “thông thường” về sự bảo thủ, thận trọng của triều đình phong kiến Việt Nam xưa với người châu Âu, trong thế kỷ XVII, triều đình Lê/Trịnh ở Đàng Ngoài cũng như họ Nguyễn tại Đàng Trong có thái độ tương đối cởi mở với ngoại thương và thương nhân ngoại quốc. Họ chủ động quan hệ với người Âu để thu mua vũ khí, bạc và các sản vật lạ trong khi thương nhân nước ngoài cần tơ lụa, gốm sứ, quế, xạ hương… của Đàng Ngoài để tiến hành buôn bán với các quốc gia phương Đông (nhất là với Nhật Bản). Cuốn sách Silk for Silver: Dutch-Vietnamese Relations, 1637 – 1700 (Lụa đổi bạc: Mối quan hệ Hà Lan-Việt Nam, 1637-1700) do nhà xuất bản danh tiếng Brill sắp ấn hành tại Hà Lan của TS Sử học trẻ Hoàng Anh Tuấn phục dựng nội dung quan hệ thương mại và bang giao VOC-Đàng Ngoài trong gần  thập niên buôn bán (1637-1700) và tác động của nó đến kinh tế và xã hội miền bắc nước ta thế kỷ XVII.
Để hoàn thành cuốn sách 326 trang, trong 5 năm (2002-2006) Hoàng Anh Tuấn đã “lướt qua” khoảng 1 vạn trang tư liệu VOC về Đàng Ngoài trong tổng số khoảng 5 triệu trang tư liệu VOC nói chung hiện đang lưu trữ tại Lưu trữ Quốc gia Hà Lan ở thành phố La Haye. Anh cũng đến khảo sát các kho lưu trữ tư liệu VOC tại Jakarta (Indonesia), Cape Town (Nam Phi), đặc biệt là khoảng 1 nghìn trang tư liệu của Công ty Đông Ấn Anh (EIC) về Đàng Ngoài tại Thư viện Quốc gia Anh ở Luân Đôn. Những văn bản trong các kho tư liệu kể trên rất đa dạng về thể loại: từ sổ sách kinh doanh, nhật ký buôn bán của các thương điếm đến các loại thư từ ngoại giao qua lại giữa các Công ty với chính quyền Lê/Trịnh, nhật ký riêng của các cá nhân… Chúng phản ánh muôn mặt của xã hội phong kiến Đàng Ngoài thời kỳ này, từ kinh tế, chính trị, bang giao đến các khía cạnh văn hóa, khoa cử, phong tục, tôn giáo…” Loại giấy viết mà VOC và EIC sử dụng là những loại giấy đặc biệt, được đặt sản xuất riêng cho Công ty nên thường dày và chất lượng cao hơn nhiều so với các loại giấy thong thường, nhằm đảm bảo độ an toàn khi đi biển dài ngày. Sau khoảng 400 năm mà giấy vẫn bền, chỉ hơi giòn hơn mà thôi” – TS Hoàng Anh Tuấn kể.
Cũng từ khối tài liệu VOC đồ sộ đó TS Tuấn đã làm rõ lịch sử của một liên minh quân sự giữa Chúa Trịnh với người Hà Lan tuy thời gian tồn tại của liên minh này chỉ tồn tại không đến nửa thập kỷ do sự thận trọng của cả hai bên dẫn đến những bất đồng trong kế hoạch hợp binh. Tuy vậy, quan hệ thương mại và bang giao giữa triều đình Đàng Ngoài với VOC tồn tại đến tận cuối thế kỷ XVII, dù trải qua không ít thăng trầm.

“Mở lối” cho các nhà sử học trẻ
Nói về những nghiên cứu và cuốn sách của mình, Hoàng Anh Tuấn khẳng định rằng đó không phải là một công trình “khai sơn phá thạch” mà là “lấp đầy” những khoảng trống mà những nhà nghiên cứu lịch sử thế hệ trước để lại. Đây có lẽ là xu thế mới của các nhà nghiên cứu lịch sử trẻ: Họ không còn “đào sâu” vào những chủ đề quen thuộc như chiến tranh vệ quốc, khởi nghĩa nông dân hay biên niên sử – những chủ đề đã được nghiên cứu hết sức chuyên sâu của nhiều lớp “đại thụ”. Thay vào đó, họ chủ trương đi vào tìm hiểu những khía cạnh lịch sử cụ thể như kinh tế, thương mại, văn hóa, bang giao, công nghệ… thông qua việc khai thác các nguồn sử liệu nước ngoài viết về Việt Nam, tham khảo các nghiên cứu nước ngoài, và đặc biệt là xu thế nghiên cứu lịch sử Việt Nam trong bối cảnh lịch sử khu vực và thế giới cùng thời kỳ, coi lịch sử Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của diễn trình lịch sử thế giới.
GS Sử học Phạm Xanh cũng cho rằng nhiệm vụ của các nhà sử học trẻ hiện nay là “khám phá” và “khoả lấp” những “khoảng trống trong nhận thức lịch sử”. Theo ông, giai đoạn vừa qua, những nhà sử học đi trước đã để lại những khoảng trống “do vô tình hoặc cố ý” với những quy mô to nhỏ khác nhau trong các công trình nghiên cứu của mình. Nguyên nhân trước hết của khoảng trống này, trước hết là do ý thức hệ. Các nhà nghiên cứu sử học thế hệ trước đã chỉ quá nhấn mạnh tới tội ác, tiêu cực của triều đình phong kiến, người Pháp, Mỹ mà lại viết quá sơ sài về các giá trị kinh tế, văn hóa để lại. Đặc biệt, các nhà sử học thế hệ trước đã “lãng quên” hoặc đánh giá phiến diện một loạt nhân vật lịch sử, trên chừng mực nào đó đã có những đóng góp tích cực vào lịch sử dân tộc như Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Hữu Thu, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn… Nếu chỉ dừng lại như trước đây, họ sẽ phải gánh chịu “bi kịch muôn đời”. Nhưng GS Phạm Xanh cho rằng, đây chính là thời kỳ mà “sử học đang mở lối” cho các nhà sử học trẻ “khỏa lấp” khoảng trống đó…
Một nguyên nhân khiến nền sử học Việt Nam thời gian qua còn có những khoảng trống, theo GS Phạm Xanh, là do thiếu tài liệu. Do khí hậu Việt Nam nóng ẩm, lại kinh qua nhiều cuộc chiến tranh giữ nước, nên nhiều nguồn tài liệu chữ viết, sử liệu vật thật bị huỷ hoại, bị đánh cắp, được sưu tập, hoặc được lưu trữ tại các trung tâm lưu trữ quốc gia ở Trung Quốc, Pháp, Mỹ… Rõ ràng là lịch sử Việt Nam còn đầy bất ngờ tiềm ẩn đằng sau những cánh cửa lưu trữ ngoại quốc đó. Việc khai thác kho tư liệu khổng lồ của Công ty Đông Ấn Hà Lan (và Anh) để nghiên cứu lịch sử Việt Nam thế kỷ XVII của TS Hoàng Anh Tuấn chính là một ví dụ cho những mảnh đất màu mỡ mà các nhà sử học trẻ Việt Nam có thể “thâm canh” trong những năm tới.

Việt Anh

Tác giả