Phục hưng Giải Tchaikovsky

Sau hơn một thập kỷ chìm trong ảm đạm, cuộc thi Tchaikovsky lần thứ 13 đã được tổ chức với đầy hy vọng tìm lại những danh tiếng vốn có của nó. Đặc biệt hơn, cuộc thi lần này cũng là một dịp trọng đại để tưởng nhớ nghệ sỹ cello vĩ đại Mstislav Rostropovich.

“Thế vận hội” âm nhạc cổ điển này có sự tham gia của khoảng 200 nghệ sỹ piano, violin, cello và thanh nhạc đến từ 34 nước. Các màn trình diễn tranh tài đã diễn ra từ 13 đến 30/6/2007 tại Nhạc viện Moscow. Nhiều ứng cử viên hơn, nhiều nguồn tài trợ hơn và các giám khảo uy tín hơn là những cơ sở để các nhà tổ chức tin rằng cuộc thi lần này có thể lấy lại phần nào danh tiếng truyền thống đã được tạo dựng từ thời Xô Viết.  
Cuộc thi Tchaikovsky lần thứ nhất được tổ chức năm 1958 trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh đang ở mức đỉnh điểm. Nhưng huyền thoại piano Sviatoslav Richter đã cho cả thế giới thấy phẩm chất của một nhân cách lớn khi ông cho nghệ sỹ Mỹ Van Cliburn điểm tuyệt đối để giành giải nhất nội dung piano ngay tại thành trì của phe xã hội chủ nghĩa.
Trong những năm sau đó, các cuộc thi Tchaikovsky (tổ chức 4 năm 1 lần) đã chứng kiến sự thành danh của rất nhiều nghệ sỹ tên tuổi, trong đó có cả những danh cầm kiệt xuất như Vladimir Ashkenazy và Gidon Kremer. Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991, cuộc thi bắt đầu rơi vào giai đoạn khó khăn vì hội đồng tổ chức bị tan rã. Tại cuộc thi lần thứ 12 (2002), các nội dung violin và piano đều không có giải nhất nào được trao, sự kiện này cũng đã bị làm xấu đi khá nhiều bởi những vụ kiện tụng tùm lum liên quan đến sự thiên vị của giám khảo. Cuộc thi lần thứ 13 lẽ ra là được tổ chức vào 2006 nhưng đã bị hoãn đến năm nay.    
Các chuyên gia ngoài Nga cũng rất tin tưởng vào cuộc thi lần này. “Ngày trước, nó đã từng là một cuộc thi thực sự danh tiếng,” Ariane Todes, biên tập viên tờ The Strad nói. (The Strad là một tạp chí nhạc cổ điển của Anh dành cho những người yêu đàn dây). “Chỉ cần nhìn vào những người chiến thắng trong những cuộc thi violin và cello đầu tiên cũng có thể thấy rằng, cuộc thi là một bước ngoặt rất quan trọng trong sự nghiệp của các nghệ sỹ. Hiện nay, các nhạc công thường chú trọng hơn tới những cuộc tranh tài khác, chẳng hạn như Cuộc thi Âm nhạc Quốc tế Nữ hoàng Elisabeth ở Bỉ, lẽ ra giải Tchaikovsky “phải được đặt lên hàng đầu,” Todes nói.
Thực ra, cuộc thi Tchaikovsky vẫn còn giữ lại được những dư âm của một sự kiện âm nhạc lừng danh thế giới. Ở Nga, nó vẫn được chào đón hân hoan như một dịp quan trọng để giới thiệu và phát hiện những tài năng trẻ. “Giải Tchaikovsky tuy không còn được như quá khứ hoàng kim của nó nhưng tôi tin rằng, người ta sẽ có thể phục hưng được nó,” James Inverne, biên tập viên tạp chí nhạc cổ điển Gramophone nói.
Sự qua đời của Mstislav Rostropovich là một tổn thất lớn đối với giải Tchaikovsky lần thứ 13 này, bởi vì trước đó ông đã nhận lời chỉ đạo cuộc thi. Các nhà tổ chức đã quyết định dành sự kiện này để tưởng niệm nghệ sỹ cello vĩ đại. Trước đây, Rostropovich đã từng là chủ tịch hội đồng giám khảo nội dung cello, nhưng đến năm 1974, ông đã quyết định rời Liên Xô và từ bỏ luôn mọi công việc và chức vụ ở đây sau khi nhà văn Alexander Solzhenitsyn bạn ông bị trục xuất.

T.T. (Theo Olesya Dmitracova/Reuters)

 

…Tôi yêu cuộc thi này không chỉ bởi vì nó đem lại cho tôi niềm vui mà còn bởi vì nó cũng đã từng gây cho tôi những rắc rối. Nó từng là một nguyên nhân khiến tôi phải sống lưu vong. Nhưng tôi đã nhận lời tham gia tổ chức cuộc thi này, bởi vì chúng ta nên tha thứ cho nhau. Và cũng bởi vì âm nhạc là trên hết, đặc biệt là âm nhạc của những nhà soạn nhạc Nga vĩ đại như Tchaikovsky và Shostakovich. Tôi đã nghĩ đến họ khi tôi quyết định nhận lời… Tôi chỉ mong Cuộc thi Tchaikovsky sẽ mãi mãi là một cuộc thi đẹp, để cho âm nhạc Tchaikovsky đến được với những trái tim mới, những trái tim của lớp trẻ. Đó là điều quan trọng nhất…                                                                         Mstislav Rostropovich

 
Van Cliburn trong cuộc thi Tchaikovsky lần thứ nhất.

Tháng 3 năm 1958, 50 nghệ sĩ piano trẻ đến từ 19 quốc gia tập trung tại Moscow để tham gia cuộc thi Piano quốc tế mang tên Tchaikovsky lần thứ nhất. Lần đầu tiên đến Moscow, sự hùng vĩ của Quảng trường Đỏ và kiến trúc mái vòm tuyệt đẹp của thánh đường St. Basil cộng với những bông tuyết rơi nhẹ đã khiến Van Cliburn ngây ngất. Cliburn thú nhận: “Đối với tôi, đó đã trở thành một trong những kỉ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời”. Trở lại với cuộc thi, ban giám khảo đều là những tên tuổi đáng kính nhất tại thời điểm đó: Sviatoslav Richter, Emil Gilels, Lev Oborin, Dmitri Kabalevsky, Sir Arthur Bliss và một vài người nữa. Trưởng ban tổ chức không phải ai khác mà chính là nhà soạn nhạc lỗi lạc Dmitri Shostakovich.
Trên thực tế, trước khi cuộc thi diễn ra, những người tổ chức cuộc thi đều muốn 1 người Liên Xô giành được giải nhất. Và người được mọi người hy vọng là Lev Vlasenko. Tuy nhiên sự xuất hiện của Cliburn đã khiến nhiều người lâm vào cảnh khó xử. Trình độ chơi đàn của anh đã làm kinh ngạc tất cả. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện một âm mưu để hạ bệ Cliburn. Trên thang điểm từ 0 đến 25, họ sẽ chỉ cho Cliburn khoảng 15 đến 19 điểm và cộng thêm cho những thí sinh khác 1, 2 điểm. Họ nghĩ vậy là đủ để không ai nghi ngờ hành vi của mình. Nhưng Richter và những thành viên khác trong ban giám khảo đã nhận ra âm mưu này và họ tìm cách trả lại sự công bằng cho Cliburn bằng cách cho Cliburn điểm cao nhất có thể, thậm chí là điểm tuyệt đối 25. Richter đã cho 12 thí sinh khác điểm 0 (và ông luôn cho Cliburn điểm tuyệt đối) dù rằng trong số đó có những người chơi khá tốt. Sau này, khi mọi người hỏi tại sao ông lại có cách cho điểm không giống ai như vậy, Richter trả lời: “Chỉ có 2 loại người: hoặc chơi nhạc, hoặc không!”.
Cliburn đã tiến thẳng vào vòng 3 và cũng là vòng chung kết. Buổi biểu diễn của Cliburn tại vòng này đã bán hết sạch vé và khán phòng không còn chỗ dù chỉ để đứng. Cliburn chọn 2 tác phẩm: Concerto số 1 cho piano và dàn nhạc giọng Si giáng thứ của Tchaikovsky và Concerto số 3 cho piano và dàn nhạc giọng Rê thứ của Rachmaninov. Chỉ huy cho Cliburn là Kiril Kondrashin, người mà Cliburn đánh giá rất cao: “Ông là một trong những nhạc trưởng lỗi lạc nhất mà nước Nga đã sản sinh ra”. Sau khi Cliburn kết thúc phần thi của mình, phòng hòa nhạc như nổ tung bởi những tràng vỗ tay. Sự tung hô kéo dài đến hơn 8 phút. Cliburn hồi tưởng lại: “Bỗng nhiên Gilels tiến lại gần tôi, ông cầm lấy tay tôi giơ lên cao và rồi ôm chặt lấy tôi một cách công khai. Một năm trước đó, tôi đã được nghe nghệ sĩ vĩ đại này chơi tại Carnegie Hall và vô cùng khâm phục ông… Đó là một khoảnh khắc kì diệu!”. Ban giám khảo quyết định Cliburn giành giải nhất, tuy nhiên quyền quyết định cuối cùng thuộc về Khrushchev. Ban giám khảo cử Gilels đi cùng với Bộ trưởng bộ Văn hóa Ekaterina Furtsava đến hỏi ý kiến Khrushchev. Khrushchev hỏi: “Sao, các nhà chuyên nghiệp nghĩ gì? Cliburn có đúng là người giỏi nhất không?”. Hai người đều khẳng định: “Trên thực tế đúng là như vậy”. “Vậy thì hãy trao giải nhất cho anh ta!” người đứng đầu Đảng Cộng sản Liên Xô gật đầu…
Duy Quang (nhaccodien.info)

Ngày 6 tháng 7 năm nay là ngày nghệ sỹ dương cầm kiệt xuất Vladimir Ashkenazy tròn 70 tuổi. Năm 1962, trong cuộc thi Tchaikovsky lần thứ 2, Ashkenazy đã chia sẻ giải nhất với John Ogdon ở nội dung piano. Từ đó đến nay, Ashkenazy đã trở thành một trong những nghệ sỹ piano sáng giá nhất trên thế giới. Ông rất nổi tiếng với các tác phẩm của những nhà soạn nhạc lãng mạn của Xô Viết. Ông đã có những bản thu âm xuất sắc 24 Preludes và Fugues của Shostakovich, các sonata của Beethoven, Chopin, Rachmaninov, Scriabin và toàn bộ các tác phẩm cho piano của Schumann cũng như các concerto của Mozart, Beethoven, Bartok, Prokofiev.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)