Phức tạp là thế mạnh của nhạc cổ điển

Tương lai của âm nhạc cổ điển từng bị nhìn nhận hết sức ảm đạm, nhưng bằng trải nghiệm thực tế và những con số thống kê rõ ràng, Alan Davey, người đứng đầu một kênh phát thanh chuyên về âm nhạc cổ điển và opera ở Anh, đã chứng minh điều ngược lại.


Dự án “Mười tiểu phẩm” giới thiệu nhạc cổ điển cho học sinh tiểu học,  và mới đây mở rộng ra học sinh trung học, qua các buổi phát sóng hoặc biểu diễn hòa nhạc trực tiếp trên toàn nước Anh từ năm 2015, cho thấy khán giả nhỏ tuổi thích thú được thách thức bởi cái khó khi tình cờ bị nó lôi cuốn theo cách nào đó. Ảnh: Các em học sinh hào hứng với buổi luyện thanh nhạc trong khuôn khổ dự án “Mười tiểu phẩm”. Ảnh: bbc.co.uk.

Đầu năm nay, John Adams1 đã đoán định về hồi kết của âm nhạc cổ điển. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn trên kênh Radio 3 rằng không có gì chắc chắn là thể loại này có thể sống sót khi mối quan tâm của công chúng thế hệ Twitter ngày càng bị thu hẹp. Cả opera cũng có thể sẽ không sống sót, ngoại trừ trong tay các đoàn nghệ thuật chuyên nhai đi nhai lại những tên tuổi kỳ cựu và tránh né những tác phẩm mới mẻ hay khó nhằn. Adams cho biết khán giả nhạc cổ điển “e dè và ngại mạo hiểm” nhất trong mọi loại khán giả nghệ thuật.

Chúng ta phải xem xét những cảnh báo của Adams một cách nghiêm túc. Không nghi ngờ gì nữa, trong thế giới nhạc cổ điển, người ta nhìn về tương lai với một vài nỗi e sợ: các thế hệ khán giả kế tiếp sẽ hiểu thế nào về nhạc cổ điển? Và khán giả – cũng như tài năng – của ngày mai sẽ đến từ đâu? Cũng có cả những nỗi lo lắng như công nghệ khiến người ta đạt được mọi thứ dễ dàng hơn do đó khó mà hiểu hết giá trị của những thứ mình có, còn giá của các bản thu âm thì lại rớt xuống.

Nhưng kinh nghiệm của bản thân tôi về âm nhạc cổ điển và văn hoá đương đại, tất nhiên không đầy đủ và chỉ là những chuyện vặt vãnh, lại mách bảo tôi một thực tế khác sinh động hơn và lạc quan hơn những gì Adams đã nêu ra. Trong khi số người mua vé hòa nhạc theo kiểu đặt trước truyền thống nhìn chung giảm thì số người mua vé trực tiếp ở Anh thực tế lại tăng 3% so với năm trước, theo số liệu của Hiệp hội Các dàn nhạc Anh.

Hãy thử nhìn vào niềm phấn khích mà sự kiện Simon Rattle2 trở về Anh đã mang lại và việc mỗi năm liên hoan BBC Proms lại lập một kỷ lục mới về mặt nào đó khi nó đến với khán giả dù là qua không gian ảo, sóng truyền hình hay trực tiếp trong khán phòng hòa nhạc. Tôi lạc quan bởi tôi không nghĩ rằng não bộ của những người trẻ tiến hóa ngược.

Từ sáng kiến “Mười tiểu phẩm”3 của BBC Music, chúng ta biết rằng khán giả nhỏ tuổi thích thú được thách thức bởi cái khó khi tình cờ bị nó lôi cuốn theo cách nào đó. Hơn bốn triệu học sinh đã nghe thứ âm nhạc chẳng đơn giản cũng như chẳng dễ giải thích – từ bản Short Ride in a Fast Machine của chính Adams tới bản Trumpet Concerto của Haydn.

Cũng hãy nhìn vào sự trở lại của đĩa nhựa. Năm ngoái, tổng doanh thu từ đĩa nhựa đạt 2,4 triệu bảng, trong khi tổng doanh thu từ số lần tải nhạc kỹ thuật số là 2,1 triệu bảng. Đĩa nhựa vốn luôn là một thứ đồ đẹp đẽ bắt mắt. Âm thanh của nó cũng tuyệt vời – không như âm thanh nén bởi kỹ thuật số. Xu hướng mua đĩa nhựa ngày nay không phải là một trào lưu của đám trẻ đua đòi. Nó là một phần của cuộc cách mạng âm thầm đang diễn ra trong lĩnh vực tiêu thụ nghệ thuật và văn hóa, khẳng định xu hướng tìm về cái nguyên bản, sự đam mê cái phức tạp và khao khát những trải nghiệm đặc biệt. Thế giới nhạc cổ điển, với quá khứ đĩa nhựa vĩ đại của nó, vẫn chưa nắm bắt được tương lai theo cách mà thế giới nhạc pop đã làm được, nhưng việc nghe bản thu âm đĩa nhựa tác phẩm Cello Concerto No.2 của Shostakovitch do Rostropovich chơi năm 1966 trên hệ thống âm thanh độc nhất vô nhị tại Spiritland4 ở khu King’s Cross, London, thật sự là một khám phá.

Sự kiên cường phi thường của cả sách in và các hiệu sách độc lập cũng là bằng chứng cho cuộc cách mạng âm thầm này. Lượng sách điện tử bán ra đang giảm xuống, trong khi nhu cầu về sách in tăng lên và độc giả đang quay trở lại với trải nghiệm độc đáo với giấy và các ấn phẩm. Số lượng đặt dài hạn những tờ báo thường đăng bài dung lượng lớn như Times Literary Supplement và London Review of Books cũng đang tăng lên.

Ứng dụng Podcast, những cuộc đấu thơ (poetry slam5), đọc thơ trực tiếp và thành công to lớn của các cuộc trình chiếu trực tiếp các chương trình sân khấu và opera ở các rạp chiếu phim đều cho thấy sự tăng trưởng khán giả ở mọi lứa tuổi, trong khi tại một sự kiện Out-Spoken trực tiếp gần đây – chương trình kết hợp giữa thi ca và nhạc sống – tôi đã bị ấn tượng không chỉ bởi khán giả trẻ mà còn bởi cách mà họ lắng nghe một cách rất sâu sắc thứ chất liệu phức tạp được trình diễn trên sân khấu.

Bộ não của người trẻ sẽ không bị tiến hóa ngược. Khả năng của họ trong việc kết nối nhịp điệu, giai điệu và dòng chảy ngôn từ ở các thể loại âm nhạc mà họ tạo ra cho thấy trong sâu thẳm con người chúng ta có sự thôi thúc biểu đạt âm nhạc. Người trẻ không sợ những thứ đòi hỏi nỗ lực tư duy. Sự phức tạp, trí tò mò và tính phiêu lưu là kiểu văn hóa đối ngược (counter-culture) mới mẻ.

Trong nhiều thập kỷ, cuộc tranh luận về các ngành nghệ thuật ở nước Anh trở nên đơn điệu khi chỉ quẩn quanh với hai câu hỏi “nó có phải thứ chỉ thuộc về giới tinh hoa không?” hay “nó có phải thứ dành cho giới bình dân không?” Nhưng lớp khán giả tân thời gồm những người yêu thích khám phá cái mới và cái phức tạp khước từ việc nhìn những đam mê của họ trong giới hạn nhị nguyên như thế. Tôi tin rằng chúng ta đang tiến đến một thời kỳ âm nhạc ít ngăn cách hơn, nơi thế hệ trẻ vui sướng lướt trượt giữa nhạc cổ điển và điện tử, giữa rock và pop, giữa jazz và world
music. Họ đã vượt thoát khỏi những rào cản mà thế hệ trước tự đặt lên mình. Tất cả những gì họ đòi hỏi trở lại chỉ là tính chân thực của ý tưởng và sự thể hiện nó.

Một lần, tôi ở trong một quán rượu ở Dalston, nơi hãng thu âm Non Classical của [nhà soạn nhạc, nhà sản xuất] Gabriel Prokofief ra mắt một EP6. Bia thủ công và bánh burger, một đám đông những người trẻ, một bầu không khí sách vở, mát mẻ, chào đón mọi người tới quán rượu và buổi trình diễn nhạc sống gồm bốn phần, mỗi phần dài 20 phút. Có những câu chuyện phiếm sôi nổi trước và sau mỗi phần nhưng trong suốt thời gian chơi nhạc là sự im lặng. Âm nhạc có thể mới mẻ với phần lớn khán giả song họ đón nhận nó theo cách chăm chú, tận hưởng và tôn trọng.

Khi chúng tôi biểu diễn và phát sóng tác phẩm Sleep7 của Max Richter, kênh phát thanh của chúng tôi ghi nhận có rất nhiều khán giả trẻ nghe bản nhạc dài tới tám tiếng này để có được những trải nghiệm mới mẻ khác biệt với những gì họ thường nghe.

Tính chất độc đáo của trải nghiệm là tất cả. Những ban nhạc lưu diễn vẫn chưa hết thời, bất chấp việc tiếp cận trực tuyến với âm nhạc của họ dễ dàng như thế nào, những rạp chiếu phim cũng sẽ không chết dù DVD và những thứ như Netflix đã thay đổi các hình mẫu kinh doanh công nghiệp giải trí. Con người vẫn khao khát những trải nghiệm chung đặc biệt – họ đã và sẽ luôn như thế.

Và vì vậy tôi muốn chỉ ra rằng sự sống còn của âm nhạc cổ điển tùy thuộc vào việc chúng ta dám đi ngược lại trào lưu văn hóa của số đông. Thay vì tỏ ra lấy làm tiếc vì những đặc tính cố hữu [của âm nhạc cổ điển] (“tôi xin lỗi vì bản nhạc này sẽ khá dài”, “tôi xin lỗi vì nó có thể không hiển hiện rõ rệt tức thì” hoặc “riêng bản nhạc này sẽ cho bạn một trải nghiệm rõ rệt tức thì”) thì quan trọng là lôi cuốn khán giả trúng vào nhu cầu của họ, sự khao khát cái đặc biệt, một sự kiện hay điều gì đó đáng được tưởng thưởng, mang đến cho họ giá trị cá nhân sâu sắc.

Mọi hình thức nghệ thuật đều phải vật lộn chiến đấu để tạo ra lớp khán giả mới trong khi vẫn giữ nguyên lượng khán giả hiện có. Một số hình thức – như modern dance hay nghệ thuật thị giác – thành công hơn những hình thức khác. Nhưng tôi chắc chắn rằng, bằng cách bám vào công thức đề cao chất lượng và sự đích thực, Đừng Bao Giờ Xin Lỗi mà Hãy Giải Thích, sử dụng kĩ thuật số để phục vụ và nâng cao kĩ thuật analogue chứ không thay thế nó, chúng ta có thể tìm thấy thế hệ tiếp theo của âm nhạc cổ điển và giúp họ tìm ra thứ gì đó sẽ làm phong phú cuộc sống của họ.

John Adams đã đúng khi cảnh báo về con đường gập ghềnh phía trước. Ông đã đúng khi nhấn mạnh rằng chúng ta không thích mạo hiểm và thường nấp sau bụi cây của cái thông thường vì sợ cái mà người ta có thể nghĩ về cái khác thường. Nhưng tôi lạc quan rằng cái đẹp, sự phức tạp và huyền bí vốn có của âm nhạc cổ điển sẽ giúp nó trường tồn và tiếp tục lôi cuốn và mang lại khoái cảm cho khán giả cũng như các nghệ sĩ. Chúng ta chưa ra khỏi khu rừng. Nhưng tôi hi vọng rằng chúng ta cũng không lạc đường, hiện nay thì chưa.

Ngọc Anh dịch

Nguồn: https://www.theguardian.com/ music/2017/may/08/dont-apologise-for-classical-music-complexity-alan-davey-radio-3
———–
1 Nhà soạn nhạc người Mỹ, tác giả vở opera Nixon in China (công diễn lần đầu năm1987).
2 Ông là nhạc trưởng của Berlin Philharmonic từ năm 2002 và dự kiến sẽ rời vị trí này vào năm 2018. Hồi tháng 3/2015, ông thông báo sẽ trở về Anh làm giám đốc âm nhạc của London Symphony Orchestra từ tháng 9/2017.
3 Dự án giới thiệu nhạc cổ điển cho học sinh tiểu học toàn nước Anh do BBC thực hiện năm 2015.
4 Spiritland là một tiệm cà phê kiêm quán bar, nơi khách hàng có thể nghe các bản thu âm gốc các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng thuộc mọi thể loại trên hệ thống âm thanh đẳng cấp thế giới. Hồi tháng 5/2017, BBC đã phát sóng trực tiếp buổi nghe và bình luận bản thu âm Cello Concerto No.2 của Shostakovitch do Rostropovich chơi năm 1966 tại đây.
5 Hình thức “đấu thơ”, bằng cách “nói” chứ không đọc văn bản cầm giấy và chú trọng tính kể chuyện [kể một cái gì đó hấp dẫn trong ngôn ngữ có nhịp điệu] và tương tác câu chuyện với khán giả.
6 Viết tắt của Extended Play, cách gọi loại đĩa nhựa hay CD có nhiều bản nhạc hơn một đĩa đơn nhưng lại chưa đủ nhiều để được xem là một album.
7 Toàn bộ tác phẩm Sleep của Max Richter được biểu diễn và phát sóng trực tiếp trên Radio 3 vào ngày 27/9/2015, từ nửa đêm đến 8h sáng.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)