Quách Đông Phương – “Người chơi âm thanh”

Bạn bè thân thuộc chỉ gọi anh đơn thuần là “Quách”. Những người yêu hoặc đã từng biết đến tranh của anh thì gọi anh là “Người bán nón cực đoan”. Còn những người được nghe một Quách Đông Phương xuất thần khi hát thơ, hoặc loay hoay cặm cụi bên những “đồ chơi” nghe nhạc từ rất cổ đến mới nhất của mình, thì lại đặt cho anh cái tên là “Người chơi âm thanh”...

Điều đầu tiên tôi ấp ủ, và chắc chắn là nhất định sẽ hỏi khi gặp anh: vì sao lại có một cái tên “Dân ca Miền Không Biết”, đặt cho ban nhạc tự lập của Quách Đông Phương? Nhưng những gì anh “trình diễn”, trong không gian thật ấm áp bởi vô số tượng sơn mài cổ, vô số đồ gốm cổ, và hàng chồng chất ngất đĩa than, băng cối, đến đĩa “xịn” mỗi cái vài trăm “đô” đã khiến tôi gần như quên mất điều mình định hỏi.
Chẳng nói chẳng rằng, anh Phương mở ngay cho tôi xem một cái đĩa phim của đạo diễn người Pháp Jean Mac. Mấy năm trời ở Việt Nam đã cho ông thành quả là những bộ phim ngắn, trong đó, phim “Đêm của những con chó” được thực hiện như một sự ngẫu hứng. Ngẫu hứng ý tưởng, ngẫu hứng nhân vật. Ngẫu hứng với những tiếng ghi ta “không giống ai” của một tay ghi ta người Tây Ban Nha, phối hợp với tay trống “chơi nhưng không thấy trống đâu” người Mỹ, cùng tiếng hú ma mị và màn trình diễn (dù không mấy ăn nhập với âm nhạc) của họa sĩ Đào Anh Khánh, sự góp mặt bằng âm thanh của họa sĩ Nguyễn Văn Cường và tay trống chèo cự phách Nguyễn Xuân Sơn. ấn tượng nhất suốt bộ phim với thời lượng hơn 20 phút là ba câu hát, được láy đi láy lại bằng chất khê nồng, hơi ề à theo nhịp

 
“Tìm giai điệu và tiết tấu trong tranh” – Quách Đông Phương

Ca trù nhưng ngất ngưởng và tạo không khí không kém phần hoang vu của một đêm nguyên sơ trong hình ảnh qua giọng hát thơ của họa sĩ Quách Đông Phương. Đó chính là “cách chơi” của anh với vốn Cổ nhạc đam mê từ trong máu, thêm chút “quậy phá” tung hứng theo kiểu muốn làm mới, thành ra một kiểu dân ca, một lối nghệ thuật “cải biên” (ngay chính từ này cũng chưa thật chính xác lắm) thật khó gọi tên, đành gọi là Dân ca Miền Không Biết.
Mất mấy mươi phút để họa sĩ Quách Đông Phương thử đĩa. Sở hữu hơn 400 đĩa than, hơn 1000 cái CD và khoảng hơn 200 cuộn băng cối, được thu thập từ những ngày “người Hà Nội còn mang đĩa quí ra lót đáy lồng chim” của các tác giả khắp bốn phương, còn chính những CD về anh, của anh và ban nhạc Dân ca Miền Không Biết với Vol1 và Vol2 thì bây giờ chỉ còn tồn tại trên ổ cứng của máy vi tính nhà họa sĩ Nguyễn Văn Cường. Anh chỉ còn duy nhất phần phim “Đêm của những con chó” – là những hình ảnh tôi đã được xem. Ngoài ra, không thể nào tìm được một hình, một ảnh của ban nhạc khi đang trình diễn. Cái sự “amater” ấy của họa sĩ cũng chính là một trong những đặc trưng của ban nhạc, gồm Quách Đông Phương (sinh năm 1961) với vai trò hát thơ, tay trống chèo Nguyễn Xuân Sơn, họa sĩ Nguyễn Văn Cường (1972) chơi “lô thạch” âm thanh và các nhạc cụ khác như đàn bầu, nguyệt, và họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (1975) sử dụng phần lớn âm nhạc điện tử. Ban nhạc được “thành lập” từ năm 2003, đó cũng chỉ là một cột mốc vì theo họa sĩ Quách Đông Phương, họ chưa bao giờ tuyên bố thành lập. Cho đến bây giờ, khi đã ít chơi và tụ tập trình diễn hơn trước, họ cũng không phải đã tuyên bố “tan rã”. Cái lối ngẫu hứng toàn phần ấy chính là nguyên nhân đầu tiên, cũng gần như duy nhất gắn bó các nghệ sĩ lại với nhau, ban đầu là bên những quán trà, chén nước, gõ cốc, gõ chén, tự chơi nhạc bằng tất cả những “nhạc cụ” có trên mặt bàn, sau rồi một người bỗng đặt câu hỏi: chúng ta hoàn toàn có thể lập một ban nhạc dân ca, có giọng chính, với âm thanh sẽ do những người trong nhóm đảm nhiệm, bằng các nhạc cụ tự chế, ví dụ đổ nước vào ống bơ rồi gõ, dùng tay kéo violon kéo vào ghi ta, sử dụng trống chèo như một nhạc cụ chủ đạo, có hòa âm phối khí hẳn hoi… Tại sao không? Thế là nhóm ra đời.
Chơi theo kiểu ngẫu hứng, nên “ban nhạc” đặc biệt này không có các chuyến “lưu diễn” hay liveshow như thường thấy của những ban nhạc khác. Họ cũng không xuất hiện ầm ĩ trên vô tuyến truyền hình. Một phần, vì các thành viên quá bận, không thể lúc nào cũng gặp nhau chơi nhạc và luyện tập chuyên nghiệp được. Phần nữa, họ xác định rõ, nhạc của mình dành cho đối tượng công chúng nào. “Phần lớn công chúng Việt Nam không thích ứng được với những nhạc lạ, nhạc mới, với những cách tân, cải biên có phần “quái dị”. Nhạc Lê Minh Sơn, Ngọc Đại không phải ai cũng thích và nghe được, tai nghe của họ đã quen với một môtip có sẵn. Vì vậy, đa phần khán giả của ban nhạc Dân ca Miền Không Biết là những người trong nghề – các nghệ sĩ (họa sĩ, nhạc sĩ…), và một số khán giả nước ngoài tại Việt Nam, thích nghe và thưởng thức những gì khác biệt nhưng vẫn gợi nên âm hưởng và đặc trưng văn hóa Việt”. Cũng vì vậy, mà ban nhạc chỉ trình diễn tại nhà sàn Đức, nhà sàn Đào Anh Khánh – những địa chỉ “chơi mỹ thuật” quen thuộc giới nghệ sĩ Hà thành, hoặc tham gia những chương trình văn hóa của các Trung tâm văn hóa nước ngoài. Festival 2005, Đại sứ quán Pháp còn có lời mời ban nhạc vào tham gia chương trình tại Huế, nhưng vì nhiều lý do, (một trong những lý do là ban nhạc đã lựa chọn hát thơ của Phùng Cung, Trần Dần (!), nên đã không đến được với công chúng nơi đây.

 Nhiều người không biết đã nhầm Quách Đông Phương là “cháu” của nghệ nhân Ca trù Quách Thị Hồ. Bởi anh không chỉ sở hữu một giọng Ca trù “tuy không đúng chuẩn mực nhưng rất đúng chất”, không chỉ cùng họ “Quách”, mà khi nghệ nhân còn sống, mỗi ngày cuối tuần, anh vẫn thường đón cụ ở quê lên, mở chiếu Ca trù ngay tại nhà cho mọi người cùng thưởng thức. Đó cũng là một cách để nghệ thuật Ca trù đến được với nhiều người mê, thích, nhưng không biết phải đi tìm và thưởng thức ở đâu. Ngày nay, nếu không quá chủ quan, số người mê nghệ thuật dân tộc Cổ truyền một cách “hơi điên” nhưng cũng rất tao nhã như thế hình như chỉ còn là số ít.

Xưa, những tác phẩm bất hủ của nhân loại như Mahabharata (sử thi Ấn Độ) hay “Iliat và Ôđixê” (Hy Lạp) đã được những “người hát rong” truyền khẩu trong dân gian mà lưu giữ lại. Nay, có lẽ “tham vọng” của họa sĩ Quách Đông Phương và ban nhạc Dân ca Miền Không Biết không chỉ dừng lại ở chuyện lưu giữ vốn cổ, họ còn muốn làm mới “vốn cổ”, cả Cổ nhạc và thơ. Vì vậy, việc họa sĩ lựa chọn những bài thơ của các tác giả Hàn Mạc Tử, Trần Dần, Rimbaude… để hát, mix lại, không chỉ là một ý thích cá nhân, đó còn là điều mà anh muốn được làm, để lưu giữ và truyền đạt các tác phẩm của các nhà thơ ấy ở một tinh thần mới, thể dạng mới, lạ lẫm mà cũng dễ gần gũi, dễ có nhiều người biết, người cảm hơn.
Nhiều người khá phản ứng với chuyện “cách tân, cải biên” cổ nhạc, họa sĩ Quách Đông Phương khẳng định đây hoàn toàn không hề là sự cách tân hay cải biên, nó là một cách nhìn mới, xử lý mới của những nghệ sĩ đương đại, trong đó, việc đồng sáng tạo đóng vai trò quan trọng. Việc mix lại những âm nhạc và lời hát ấy, cũng không tuân theo một chuẩn nào. Nó càng không chỉ khuôn hẹp trong âm nhạc của dân tộc, mà mở rộng ra nhiều vùng đất, nhiều miền văn hóa. Tới đây, họa sĩ Quách Đông Phương sẽ ra mắt một CD riêng của mình, với thủ pháp “cắt dán” các thể loại âm nhạc, âm thanh của nhiều miền đất trên thế giới mà anh đã đi qua, một thủ pháp theo anh hoàn
toàn không có gì mới nhưng hứa hẹn tạo cho người nghe nhiều liên ảnh và tưởng tượng.
Tốt nghiệp khoa Designr tạo dáng Công nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Quách Đông Phương được biết đến như một trong những họa sĩ thành công của thập niên 90 ở thế kỉ trước. Với anh, vẽ tranh là một công việc, nhưng những “cách chơi” khác, tuy là chơi, vẫn phải nghiêm túc, đầu tư và “sống, chết” với nó. Anh Phương tự hào bảo, ngay trong việc thiết kế các đồ nghe nhạc tại gia, anh đều tự làm lấy. Trong tranh của anh, sự tồn tại của giai điệu (chứ không phải nhàm chán vì những hình nón lặp đi lặp lại) cũng là điều mà không mấy ai nhận ra. Nhưng anh vẫn tự tin vào lối chơi của mình. Như rất tin vào “tôn chỉ” mà họa sĩ Lê Thiết Cương từng nói: chơi cũng phải học. Muốn chơi đến nơi đến chốn một thú chơi, cũng phải học có khi mất mấy mươi năm. Vì vậy, tuy ban nhạc Dân ca Miền Không Biết hiện nay đang tạm thời lắng lại, nhưng bản thân “người chơi âm thanh” Quách Đông Phương thì vẫn đang ấp ủ những chương trình.
Biết đâu đấy, một ngày nào đó, sự tưởng tượng và ngẫu hứng, với việc “học đến nơi đến chốn” của anh sẽ vượt ra ngoài cả khuôn khổ âm thanh, đưa người nghe ngao du đến những miền không biết mới…

Lê Mỹ

Tác giả

(Visited 35 times, 1 visits today)