Quy hoạch thành phố sông Hồng: TRÁCH NHIỆM TRƯỚC LỊCH SỬ?

Bài trả lời phỏng vấn: “Qui hoạch cơ bản sông Hồng không khéo sẽ trở thành một qui hoạch treo khổng lồ” của KTS Nguyễn Trực Luyện trên Tia Sáng số 20.10 được sự đồng tình của nhiều bạn đọc. Bài viết của PGS. TẠ HÒA PHƯƠNG, nhà khoa học địa chất là một trong số những ý kiến đó.

DỰ ÁN QUY HOẠCH SÔNG HỒNG, THÀNH PHỐ SÔNG HỒNG
Dự án đồ sộ quy hoạch sông Hồng, đoạn qua Hà Nội, thực chất là xây dựng một “Thành phố Sông Hồng” theo motyp của Seoul (Hàn Quốc). Phải công nhận các nhà thiết kế Hàn và Việt đã dựng nên một viễn cảnh thật đẹp, thật hấp dẫn bên sông Hồng, kèm theo những lời thuyết minh dễ siêu lòng.
Vấn đề chính yếu của Dự án kể trên là chỉnh trị sông Hồng để có thêm 2.500 ha đất xây dựng mới. Dự kiến khu đô thị mới này sẽ cung cấp thêm khoảng 97.000 căn hộ và cơ sở hạ tầng cho quy mô dân số 342.000 người. Để làm được việc đó, vấn đề cốt lõi là cải tạo, gia cố hệ thống đê cũ với nội dung chủ yếu là đẩy đê tiến xa thêm ra phía bờ sông.
“Xây dựng thêm đê mới để ổn định dòng lũ” là một lập luận mới nghe tưởng có ý xây, nhưng thực chất là phá. Bởi ai cũng biết sông Hồng, đoạn qua Hà Nội, hiện nay đã ở mức độ trì trệ, lòng sông tiếp tục bị nâng cao cùng những bãi bồi. Lưu lượng dòng trong mùa mưa lũ đã vượt quá xa sức chịu tải của nó. Dự án trên có nói đến việc nạo vét lòng sông đoạn qua Hà Nội, nhưng nếu chỉ nạo vét khúc sông này mà không làm được điều đó ra đến tận cửa Ba Lạt ở Nam Định, và phải nạo vét định kỳ (một công việc gần như không tưởng) thì khác nào chỉ tạo ra một cái bẫy phù sa, chẳng bao lâu sau cái bẫy đó sẽ lại bị san bằng và tiếp tục bị nâng cao!
Đúng ra hướng chỉnh trị sông Hồng đoạn qua Hà Nội là phải rời đê ra xa hơn khỏi lòng sông, hoặc ít nhất cũng giữ nguyên trạng, chứ không được phép đẩy đê về gần nó. Ngoài ra cần phải phá bỏ hết những công trình nằm giữa hai thân đê có thể ngăn cản dòng chảy lũ của sông, chứ không phải làm điều ngược lại. Chính người Pháp sau này lại núi về Hà Nội: “Thành phố đó quay lưng lại với dòng sông của nó”. Thật vậy, với thời gian hai bên bờ sông đoạn qua Hà Nội đã trở thành một chốn “nhôm nhoam”, nhà cửa xây lộn xộn, vừa làm xấu cảnh quan, vừa ngăn cản sự thoát lũ của sông. Đó là sự bung ra quá trớn, gần như vượt qua mọi sự kiểm soát, phép tắc.
Chúng tôi không cho rằng các nhà thiết kế Hàn Quốc đã am hiểu địa chất Việt Nam, đặc biệt là địa chất lưu vực Sông Hồng. Trong bức thư ngỏ của Thị trưởng thành phố Seoul viết có đoạn: “Thành phố cổ kính ngàn năm Hà Nội có rất nhiều điểm tương đồng với thành phố Seoul của chúng tôi. Từ lịch sử, từ con sông chảy qua thành phố cho tới lối sống của người dân. Mong rằng Hà Nội, nơi lịch sử và truyền thống vẫn chung sống với thời đại hãy cùng bắt tay với Seoul nơi đã tạo dựng thành công kỳ tích sông Hàn để cùng tạo dựng một kỳ tích thứ hai, kỳ tích sông Hồng. Chúc cho dự án quy hoạch sông Hồng thành công tốt đẹp”.

 
Vị trí Đập ngầm Jamsil tại phía đông thành phố Seoul

Viết như thế là chưa hiểu sông Hồng. Trước hết cần khẳng định, sông Hồng dài hơn sông Hàn rất nhiều, nó lại hung dữ, không êm ả như sông Hàn. Chế độ thủy văn cũng như sức tải phù sa của hai con sông này cũng khác nhau một trời một vực. Khác đến độ đối với sông Hàn, đoạn chảy qua thành phố Seoul, thậm chí người Hàn Quốc đã cho đắp 1 con đập ngầm chắn ngang sông (đập ngầm Jamsil) ở phía đông thành phố với mục đích bảo vệ nguồn nước ăn ở phía thượng nguồn khỏi bị ô nhiễm photpho, cũng như một số mục đích khác. Chỉ riêng điều đó đã cho thấy so với sông Hồng lượng phù sa của sông Hàn là không đáng kể. Nếu làm một việc tương tự, nghĩa là đắp một đập ngầm chắn ngang sông Hồng ở địa phận Hà Nội thì chắc chắn thảm họa sẽ xảy ra. Vì sông Hồng chở nặng phù sa, trung bình khoảng 100 triệu tấn một năm (gần 1,5 kg phù sa trên một mét khối nước). Lượng phù sa lớn như vậy sẽ nhanh chóng đọng đầy lòng sông phía thượng nguồn của đập, và nước dâng mùa lũ sẽ gây lũ lụt thảm khốc.
Mực nước sông Hàn trong năm nhìn chung thay đổi nhỏ hơn sông Hồng rất nhiều, vì thế các cao ốc ở Seoul mới soi bóng lung linh đáy nước sông Hàn. Chế độ thủy văn của sông Hồng rất biến động, mực nước giữa mùa cạn và mùa lũ có thể chênh nhau tới cả chục mét. Vì thế vào thời kỳ nước kiệt, cảnh quan “thành phố Sông Hồng” hẳn không tránh khỏi tiêu điều, ảm đạm…
Với lượng phù sa rất lớn, từ hàng triệu năm qua sông Hồng đã đắp bồi nên đồng bằng châu thổ của mình, trong khi sông Hàn không làm nổi điều đó, thậm chí nơi sông Hàn đổ ra Hoàng Hải còn có dạng cửa sông dạng phễu (estuary) khác hẳn kiểu tam giác châu (delta) của sông Hồng. Xét về vị thế cũng dễ thấy giữa Hà Nội và Seoul còn có một khác biệt cơ bản nữa: Hà Nội nằm hoàn toàn trên đồng bằng châu thổ sông Hồng, trong khi Seoul nằm kẹp giữa hai dải núi cấu tạo chủ yếu từ các loại đá magma và biến chất. Khả năng thoát lũ của sông Hồng đoạn qua Hà Nội rõ ràng kém hơn rất nhiều so với sông Hàn đoạn qua Seoul.


 Nước ngập phố sau mưa

Lâu nay, người ta thường nhắc tới cụm từ “phát triển bền vững”, theo hướng thân thiện với môi trường. Một dự án thân thiện với sông Hồng không thể là dự án đề xuất giải pháp “thít cổ” nó bằng việc áp đê gần lại lòng sông, dùng bê tông kè cứng, với độ cao cỡ 11,5m (bằng mực nước báo động cấp 3). Hơn ai hết, các nhà địa chất biết rằng kể từ Phú Thọ cho tới cửa Ba Lạt, nghĩa là trong phạm vi đồng bằng Bắc Bộ, sông Hồng đã ở vào thời kỳ già của một con sông. Tại đó, uốn khúc quanh co là quy luật phát triển tự nhiên của nó. Con sông đã trở nên bí bức khi bị hệ thống đê chế ngự, không được tự do uốn khúc. Còn khi khoảng cách giữa hai thân đê ở đoạn qua Hà Nội lại bị thu hẹp thêm theo dự án “Thành phố Sông Hồng”, như con rắn bị thít cổ, chắc chắn con sông sẽ “nổi khùng”, lồng lộn dữ dằn hơn ở cả phía thượng lưu lẫn hạ lưu của nó. Sẽ thêm nhiều vùng đất ven sông bị sạt lở, kiểu như Phúc Thọ (Hà Tây), Tứ Liên, Ngọc Thụy (Hà Nội)… hiện nay.
Cần lưu ý là trong vòng 60 năm qua, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đã dâng cao xấp xỉ 1,0m khiến sức tải lũ của sông bị giảm đáng kể. Việc xây dựng đô thị trên sông Hồng để góp phần giải quyết sự gia tăng dân số Hà Nội, ước tính đến 5-7 triệu người vào năm 2020 là một chủ trương sai lầm. Dự án đó chắc chắn sẽ làm tổn thương nghiêm trọng sông Hồng, can thiệp sâu hơn nữa vào hoạt động tự nhiên của nó. Đó là chưa kể, nếu không được xử lý cẩn thận, nước thải của thành phố sẽ làm ô nhiễm dòng sông, nhất là vào mùa cạn, làm ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư dọc hai bên sông. Điều đó cũng đã xảy ra đối với Seoul, và người Hàn Quốc đã phải xây đập ngầm Jamsil để hạn chế ô nhiễm ngược về thượng nguồn sông Hàn. Nhưng với sông Hồng, việc xây một đập ngầm như thế, như đã phân tích ở trên, là điều không thể.

 
Ngôi nhà ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên vừa bị sụt xuống lòng sông

Những ý kiến nêu trên mới xét đến khía cạnh tự nhiên của vấn đề. Còn nếu nhìn từ góc độ tâm lý xã hội và tâm linh, chắc chắn còn nhiều điều cần bàn đến. Chúng tôi rất trân trọng ý nguyện tốt đẹp và tâm huyết của KTS Trần Thanh Vân. Bà muốn “trên trục không gian đẹp nhất, ý nghĩa nhất” của Hà Nội sẽ xây dựng một công viên mang tên Đại Việt và dựng tượng Đức Thánh Trần ở đấy. Những người làm dự án “Thành phố Sông Hồng” lại chọn chính vị trí đó để xây “Công viên Seoul”. Liệu người Hà Nội và nhân dân cả nước có thể đồng tình với một dự án như thế được không? Chúng ta từng biết có những quyết định không chuẩn từng được thực thi ở Thủ Đô trong các giai đoạn trước. Có cái đã được sửa sai, có cái tới nay còn nguyên trạng. Ví dụ việc đổi tên phố Kỳ Đồng (một người Việt Nam yêu nước nổi tiếng vào đầu thế kỷ trước) thành phố Tống Duy Tân, hay việc đổi tên công viên Chí Linh với vị thế trọng yếu bậc nhất của Thủ Đô, ngay bên cạnh Hồ Gươm, thành công viên mang tên một nguyên thủ nước ngoài, nay đã được sửa lại, làm nơi dựng tượng đài Lý Thái Tổ…
Còn rất nhiều di tích lịch sử trên dải đất dự định xây “Thành phố Sông Hồng”, nhất là những di tích gắn liền với triều đại nhà Trần –  triều đại từng ba lần đại thắng Nguyên Mông, lẫy lừng thế giới. Chúng ta là hậu thế rất xa của những con người từng làm nên chiến công hiển hách, chúng ta không có quyền xóa bỏ những di tích, mà phải tôn tạo di tích cho xứng tầm lịch sử.

ĐỂ CÓ MỘT THỦ ĐÔ ĐÀNG HOÀNG, TO ĐẸP, XỨNG TẦM THỜI ĐẠI

 
Ảnh vệ tinh sông Hàn, đoạn qua thành phố Seoul (phía Bắc và phía Nam thành phố là đồi núi).

Sắp tới chúng ta sẽ kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long. Chắc chắn trong vòng mươi năm nữa thì Thủ Đô ta vẫn đẹp. Vài chục năm nữa, có thể vẫn còn đẹp. Nhưng với vị trí và mặt bằng của Hà Nội đã phân tích trên đây, nhất là khi vẫn duy trì hệ thống đê sông Hồng, thì khi kỷ niệm 1.200 năm và 1.500 năm Thăng Long, liệu Thủ Đô của chúng ta có còn giữ được vẻ đẹp vốn có không?
Xét về phương diện mỹ học, tại vị trí của Hà Nội hiện nay về lâu dài không thể xây dựng một Thủ Đô đàng hoàng, to đẹp. Quan niệm xưa nay về cái đẹp, đặc biệt ở xứ nóng như nước ta, là “nhà cao cửa rộng”. Điều ấy hiện thời đã không thể thực hiện được với phần lớn số nhà hiện có ở Thủ Đô. Cùng với sự nâng cao đáy sông Hồng, kéo theo là sự nâng cao đỉnh lũ hằng năm, mảnh đất của Thủ Đô ngày nay đã trở thành quá trũng, điều kiện thoát nước ngày càng khó khăn. Dù đã được quan tâm đặc biệt, nhưng sau mỗi đợt mưa dù không lớn lắm đã có nhiều khu vực bị ngập úng trầm trọng, gây ách tắc giao thông. Mỗi lần tôn tạo nền đường phố lại là một lần làm cho độ cao tương đối của nền nhà bị hạ thấp. Trên thực tế nền nhà ở nhiều phố đã nằm thấp hơn mặt phố, tương tự như mặt phố nằm thấp hơn mực nước sông Hồng vậy. Nhiều nhà đã có phần chân như bị chôn dưới mặt đất. Nền móng lâu đài, cung điện trong khu vực Hoàng Thành Thăng Long gần đây được phát lộ dưới độ sâu chừng 2m. Nền đất Hà Nội vẫn đang trong quá trình sụt lún. Theo số liệu quan trắc của Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội thì “nền đất Hà Nội mỗi năm lún vài chục milimet là chuyện bình thường”. Những ví dụ cụ thể cũng được đưa ra: khu vực Thành Công mỗi năm sụt lún 41,42mmm, Ngô Sĩ Liên – sụt 31,52 mm/năm v.v…
Mặt khác, nếu so với bản đồ vùng kinh thành Thăng Long thời Hồng Đức (1490) thì diện tích các hồ tự nhiên ở Hà Nội còn lại không đáng là bao. Điều đó cũng có nghĩa là những nơi chứa nước mưa tạm thời ấy gần như không còn nữa, làm cho nguy cơ úng lụt càng thêm trầm trọng. Đấy là chưa kể theo tài liệu của tổ chức Ngân hàng thế giới, với đà nóng lên toàn cầu như hiện nay do hiệu ứng nhà kính và nhiều tác nhân khác, trong 100 năm tới mũ băng ở hai địa cực sẽ tan đáng kể, mực nước đại dương thế giới sẽ dâng cao hơn hiện nay khoảng 5m, gần như mấp mé mặt bằng Hà Nội ngày nay. Còn sau 200 năm nữa, điều gì sẽ xảy ra, chưa thể lường trước được.
“Thành phố Sông Hồng” nếu được xây dựng theo dự án liệu có đẹp lung linh như Seoul soi bóng xuống dòng sông Hàn? Thật khó nói, khi sông Hồng vốn có màu nước thay đổi theo mùa, nhưng đa phần mang sắc phù sa có nguồn đất đỏ terra-rossa, chứ không được trong xanh. Nhất là vào mùa cạn, có khi mực nước sông tại Hà Nội chỉ còn 1,36m (ngày 20-2-2006), nhiều đoạn sông phơi đáy. Lúc ấy những tòa nhà cao ngất ngưởng sẽ soi bóng xuống đâu, khi mà ngay nền nhà đã lừng lững cao hơn mặt nước đến cả chục mét và nằm rất xa mép nước? Hơn nữa, việc xây dựng “Thành phố Sông Hồng” với các khu cao ốc tập trung vào một diện tích rất gần với khu vực phố cổ của Hà Nội sẽ tạo vẻ khập khiễng trong tổng thể cấu trúc. Điều đó còn gây sức ép lớn lên cơ sở hạ tầng của các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, khi mật độ người và phương tiện lưu thông tăng lên đến mức quá tải. Có thể thấy ngay bây giờ tình trạng quá tải về giao thông, điện, nước… ở các khu vực kể trên cũng đã rõ.
Xét về phương diện phát triển bền vững thì vị trí của Hà Nội hiện nay không phải là nơi lý tưởng để mở mang xây dựng. Hà Nội nằm bên sông Hồng, con sông chảy theo một đới đứt gẫy địa chất lớn – đứt gẫy sâu Sông Hồng, gần như chia Miền Bắc thành hai nửa. Mà đứt gẫy sâu thường là nơi bất ổn của vỏ Trái Đất, nơi chịu các lực nén ép khổng lồ, tiềm ẩn khả năng động đất và chuyển động chờm, trượt… Nếu nhìn từ Lao Cai về phía đông nam ta sẽ thấy dòng sông khá thẳng, đấy là đoạn sông còn chảy theo đứt gẫy, chưa tiến vào đồng bằng châu thổ của nó. Theo hệ thống đứt gãy Sông Hồng, đất đá ở hai bên bị xê dịch. Cự li dịch chuyển hai cánh đứt gẫy Sông Hồng hiện nay khoảng 300 km (cánh tả ngạn bị trượt một cách tương đối về phía Tây Bắc). Một điều đáng lưu tâm hiện nay là đới đứt gẫy Sông Hồng vẫn chưa ngừng hoạt động.

 
Sông Hồng khi mới “chảy vào đất Việt”

Qua những điều trình bày trên đây, có thể thấy Hà Nội đang ở vào một vị thế không thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển một Thủ Đô hiện đại và to đẹp. Đấy là chưa kể đến một điều bất lợi mà không muốn cũng vẫn phải nghĩ tới: Hà Nội nằm không xa hồ thuỷ điện Hòa Bình, có nghĩa là treo trên đầu Thủ Đô ta hiện nay là một vực nước khổng lồ có chiều cao tới trên 100 mét ! Sắp tới sẽ có thêm hồ nước Tạ Bú (Sơn La) với dung lượng tương tự, nằm ở mức cao chừng gấp đôi thế nữa. Nếu một tai biến thiên nhiên bất ngờ, ví dụ một trận động đất có khả năng xâm hại đập nước, thì không thể lường nổi mức độ thiệt hại do sự cố đó gây ra. Cũng cần biết thêm, hai đập nước của các hồ chứa Sơn La và Hòa Bình nằm trong một vùng có nguy cơ động đất mạnh nhất nước ta. Nếu có chấn động mạnh sẽ gây vỡ đập dây chuyền, dẫn tới thảm họa khủng khiếp cho Hà Nội và các trung tâm dân cư vùng đồng bằng Sông Hồng (Trần Tiễn Thanh, Nguyễn Khoa Diệu Lê, 2001). Năm 1995, cả nước Nhật đã kinh hoàng trước một trận động đất xảy ra ở Kobe, chỉ trong vòng vài chục giây đã san bằng cả một thành phố lớn vốn sống thanh bình trong suốt 400 năm trước đó. Mà nước Nhật là nơi từng triển khai những chương trình dự báo động đất trị giá tới nhiều tỉ USD. Chúng ta còn chưa quên trận lụt lịch sử tháng 8-1971 tại đồng bằng Bắc Bộ đã cướp đi 100.000 mạng sống. Khi đó đỉnh lũ tại Hà Nội lên tới 14,13m, cao hơn mức báo động 3 là 2,63m. Theo tính toán của các chuyên gia, giả sử lúc đó đã có hồ thủy điện Hòa Bình giúp hạn chế, thì đỉnh lũ cũng chỉ giảm được chừng 1,5m, tức là còn cao 12,63m. Cũng có nghĩa là nước lũ vẫn dễ dàng tràn qua mặt đê với cao độ 11,5m như các tác giả dự án “Chỉnh trị sông Hồng” đề xuất.

THAY LỜI KẾT
Có lẽ đến lúc chúng ta cần dừng lại và suy nghĩ. Không nên tiếp tục xây dựng lớn tại khu vực nội thành Hà Nội hiện nay, không nên can nối và mở rộng Thủ Đô lam nham thêm nữa, nhất là về mạn bắc sông Hồng. Càng không nên thực hiện dự án Thành phố Sông Hồng, bởi làm thế là vĩnh viễn chặn đứng việc thực hiện phương án “bỏ đê” hiện còn bỏ ngỏ. Thay vào đó cần giải tỏa các khu dân cư xây dựng lộn xộn phía ngoài đê, quy hoạch lại dải đất ven sông thành những công viên sinh thái, những công trình vui chơi giải trí có thể “sống chung với lũ” và không ảnh hưởng đến việc thoát lũ của sông. Nếu thực sự cần thiết mới xây dựng tại một số nơi cao, như bãi Phúc Xá chẳng hạn, những chung cư không quá nhiều tầng (cỡ từ 6 đến 10 tầng) để giải quyết chỗ ở cho những hộ dân phải giải tỏa khi giải phóng mặt bằng, tạo thông thoáng cho không gian giữa hai thân đê. Nhưng tốt nhất là tìm một giải pháp khác, không xây dựng nhà ở trong vùng đất nhậy cảm này nữa.
Nội thành Hà Nội ngày nay đã quá đông đúc và chật chội, cần được lưu giữ, cải tạo và bảo vệ như một “Đặc khu của Thủ Đô tương lai”. Dành phần xây dựng mới một Thủ Đô khang trang, hiện đại tại vùng đất khác, cao ráo và đẹp đẽ, ở khoảng cách vài chục km so với nội thành Hà Nội hiện nay. Giữa “Đặc khu” và khu mới của Thủ Đô sẽ có đường cao tốc đủ rộng, tạo thuận lợi cho giao thông.
Mọi sự thay đổi đều không dễ dàng. Có những thay đổi nhỏ mang tính điều chỉnh cục bộ, song có những thay đổi lớn mang tính cách mạng triệt để. Một phương án bỏ đê từng bộ phận, đưa nước sông vào cánh đồng một cách có điều tiết, có sự kiểm soát chặt chẽ; một phương án di dân khỏi những ô trũng của đồng bằng, để cho phù sa bồi đắp định kỳ; một phương án xây dựng khu mới của Thủ Đô tại một miền bán sơn địa (ví dụ thuộc tỉnh Hà Tây chẳng hạn) v.v… là những ý tưởng của một cuộc đổi thay mang tính cách mạng.
Rất cần có một dự án lớn mang tầm chiến lược dành cho quy hoạch và phát triển đồng bằng châu thổ sông Hồng, với sự tham gia của nhiều ngành khoa học khác nhau.
Chúng ta đã bước sang một thiên niên kỷ mới, được trang bị những kiến thức đủ để thấu hiểu các quy luật của tự nhiên. Chúng ta đang có một nền tảng kinh tế – xã hội thuận lợi để xem xét vấn đề Sông Hồng và Thủ Đô một cách cẩn trọng và nghiêm túc nhất. Nhiều bài học trong quá khứ còn nhắc nhở chúng ta: Với lịch sử, những sai lầm của thế hệ này luôn khiến những thế hệ sau phải trả giá.
————————

ảnh trên cùng: Viễn cảnh  “Thành phố Sông Hồng” (Triển làm Quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội. Dự án quy hoạch này được thành phố Seoul xây dựng và công bố dựa trên kinh nghiệm đúc kết trong quá trình thực thi dự án phát triển tổng thể sông Hàn)

VẤN ĐỀ TRỊ THỦY SÔNG HỒNG
Học giả Pháp Pierre Gourou vào đầu thế kỷ 20 từng viết: “Châu thổ sông Hồng đã bị chết trong tuổi vị thành niên của nó”. Có thể nói, từ thời Lê đồng bằng châu thổ Sông Hồng đã chấm dứt giai đoạn phát triển tự nhiên của mình. Nó gần như bị cắt đứt liên hệ với chính con sông từng tạo ra và nuôi dưỡng nó. Dòng nước chứa nhiều phù sa của sông Hồng không còn tràn vào đồng bằng mà bị nhốt giữa hai thân đê. Một phần phù sa thoát ra biển, nhưng phần lớn chỉ có thể tích đọng trong lòng sông và những bãi bồi phía ngoài đê. Do vậy đáy sông không ngừng bị nâng cao, nhiều doi cát giữa dòng và bãi bồi được hình thành, đặc biệt trong đoạn từ Sơn Tây đến Nam Định. Từng phần đáy sông và bề mặt các doi cát ở nhiều nơi đã cao hơn mặt ruộng trong đê. Đó là nguyên nhân khiến cho từ đời này qua đời khác các con đê cứ phải được tôn tạo, đắp cao lên mãi.
Việc đắp đê sông Hồng là quyết định đúng đắn thời kỳ đầu. Năm 1108, vào thời Lý, con đê đầu tiên được đắp ở phường Cơ Xá chỉ có nhiệm vụ bảo vệ kinh thành Thăng Long. Những con đê thấp được đắp vào đời Trần (1225-1400) chỉ cốt giữ cho nước không tràn vào đồng ruộng để kịp làm vụ chiêm, sau khi mùa màng thu hoạch xong thì nước được tự do tràn vào đồng ruộng – một giải pháp có thể chấp nhận được. Nhưng những con đê bề thế được đắp mới và tôn tạo trên hai bờ Nhị Hà (sông Hồng) vào triều Lê Sơ (1428-1527) đã là sự can thiệp vào tự nhiên quá giới hạn cho phép.
Bị kìm kẹp giữa hai thân đê, sông Hồng càng trở nên hung dữ, đã “giãy giụa”, bứt phá, gây ngập lụt triền miên trong thời Nguyễn. Cũng chính trong thời Nguyễn đã có nhiều ý kiến đề nghị xem xét vấn đề bỏ hay giữ đê. Ví dụ vào thời Minh Mạng, năm 1833 Đoàn Văn Trường, Đặng Văn Thiêm, Trịnh Quang Khanh đã dâng sớ xin khai sông thay vì đắp đê, tạm bỏ đê ở Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định. Vốn có tư chất thông minh, năng động và quyết đoán, sau 10 năm tăng cường tôn tạo và đắp đê, vua Mimh Mạng đã cho áp dụng biện pháp thử bỏ đê và tiến hành đào sông Cửu An để tiêu lũ. Phải thừa nhận đó là một quyết định mang tính cách mạng, tuy việc thực hiện chưa thành công do nhiều khó khăn khách quan. Tiếc rằng không phải ai cũng hiểu như vậy, có người còn đánh giá việc làm kể trên biểu hiện thái độ ươn hèn của triều đình Minh Mạng.
Vào cuối thời Thiệu Trị, năm 1847, quyền tổng đốc Hà Ninh Nguyễn Đăng Giai đã dâng sớ nêu 12 điều hại của đê và xin bỏ đê, khai đào một số con sông (ví dụ các sông Nguyệt Đức, Thiên Đức, Nghĩa Trụ) để phân lưu cho sông Hồng, đổ về phía đông, giảm bớt lượng nước tràn vào đồng ruộng.
Vào thời Tự Đức, Nguyễn Đăng Khải (1857) xin giữ lại đê bên tả ngạn sông Hồng, phá bỏ đê bên hữu ngạn để nước lũ có thể tràn vào đồng ruộng; Vũ Văn Bình (1861) đề nghị bỏ tất cả đê ở các tỉnh Sơn Tây, Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định; Trần Bình (1875), Hoàng Tá Viêm (1876) cũng cho rằng bỏ đê thì lợi hơn đắp đê.
Năm 1915, Kinh lược xứ Hoàng Cao Khải đề nghị bỏ đê ở những vùng đất cao, giữ đê ở những vùng đất thấp, tìm cách nâng cao những vùng đất thấp để dần dần phá bỏ đê hoàn toàn. Mở rộng dòng chảy để thoát lũ cũng là vấn đề ông quan tâm.
Nhưng những đề xuất sáng suốt, giàu tâm huyết kể trên đã không thể thực hiện hoặc được thực hiện không triệt để. Bởi vì sông Hồng là một con sông hung hãn, mà những cụm dân cư và cơ sở hạ tầng kèm theo trên đồng bằng châu thổ sông Hồng từ lâu đời được xây dựng ỷ vào thế đã có đê bảo vệ. Có người cho rằng, một khi đã đắp đê thì không thể bỏ đê được nữa, kiểu “đã đâm lao thì phải theo lao” vậy. Cũng vì thế, mỗi lần vỡ đê, lũ lụt đã gây những tổn thất vô cùng nặng nề.
Từ trước năm 1837, Nguyễn Công Trứ đề xuất giải pháp nắn chỉnh, khai đào đoạn khởi đầu sông Thiên Đức (sông Đuống), chuyển cửa nhận nước từ sông Hồng dịch về phía thượng nguồn, giúp cho việc phân lũ được thuận lợi. Đó là một đề xuất rất khoa học, nhưng cũng không thể thực hiện vào thời Minh Mạng vì công trình quá lớn. Sang thời Tự Đức ý tưởng đó mới được thực hiện một phần và được hoàn chỉnh thêm trong thời Pháp thuộc. Nhìn trên tấm bản đồ Hà Nội hôm nay chúng ta có thể thấy đoạn đầu sông Đuống đã được nắn chỉnh để có vị thế thích hợp như thế nào, khiến nó trở thành đường thoát lũ quan trọng nhất của sông Hồng.
Vẫn còn đó sông Hồng, và vấn đề bỏ hay giữ đê đến nay cũng còn nguyên tính thời sự, nhất là khi chúng ta đã có hồ thuỷ điện Hòa Bình (trong tương lai gần còn có thêm hồ thủy điện Tạ Bú ở Sơn La) giúp điều tiết có hiệu quả lưu lượng nước của hệ thống sông Hồng phía hạ nguồn. Vì thế đã đến lúc cần xem xét lại phương án bỏ đê từng bộ phận, đưa nước vào đồng bằng một cách có điều tiết, có thể kiểm soát mực nước dâng. Làm được điều đó, châu thổ Sông Hồng sẽ được hồi sinh, được phát triển tự nhiên trở lại. Đồng bằng mỗi năm sẽ được bồi đắp thêm một lớp phù sa màu mỡ. Những ô trũng trên đồng bằng sẽ được lấp đầy dần. Có như vậy lòng sông mới không còn bị tiếp tục nâng cao với tốc độ như hiện nay. Nhưng dù phương án này được thực hiện thì những con đê bảo vệ Hà Nội vẫn cần được gia cố tốt hơn để đảm bảo an toàn những giá trị ngàn năm của Thủ Đô văn hiến.

Tạ Hòa Phương

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)