Rachmaninoff và nữ nhà văn Shaginyan

Hầu hết các nhà soạn nhạc lớn đều lấy cảm hứng sáng tác từ những người phụ nữ xuất sắc - đó cũng là trường hợp của nhà soạn nhạc Nga Sergey Rachmaninoff. Tuy nhiên, mối quan hệ bí ẩn giữa ông và nhà văn, nhà báo Marietta Shaginyan, Giải thưởng Lenin năm 1972, chỉ được hé lộ chi tiết khi bà công bố những trang viết về những cuộc gặp gỡ với nhà soạn nhạc vĩ đại.


Lá thư đầu tiên

“Trong những năm 1910, Rachmaninoff ở đỉnh cao của vinh quang, chơi đàn một cách mê hoặc và khiến nhiều người hâm mộ phải đi từ thành phố này sang thành phố khác chỉ để được nghe thần tượng của mình biểu diễn. Có hàng tá những người hâm mộ cuồng loạn luôn tràn ngập bên ngoài ngôi nhà của Rachmaninoff khiến người quản lý của ông phải thường xuyên dùng vũ lực để đưa họ đi. Nhưng chính trong thời điểm đó, có điều gì đó kỳ lạ đang xảy ra với chính Rachmaninoff… Trong các buổi hòa nhạc, tôi có thể cảm nhận ông rơi vào trạng thái cứng đờ như thế nào, thấy ông kiệt sức và dường như không biết mình sẽ phải làm gì tiếp theo…

Vào một buổi tối đầy giông bão tháng hai năm 1912, tôi đã liều lĩnh gửi Rachmaninoff một bức thư với tất cả niềm tin và tình yêu vào âm nhạc của ông. Tôi chỉ ký tên là Re. Đó là khởi đầu cho mối quan hệ bí mật kéo dài hơn năm năm trời”. Năm ấy bà mới 23 tuổi và sau đó, Rachmaninoff mới phát hiện ra người hâm mộ mang bí danh “Re” ấy chính là Marietta Shaginyan.

“Bên cạnh những đứa con, âm nhạc và hoa lá, tôi cũng yêu Em, Re thân yêu của tôi, và những bức thư Em gửi tôi,” Rachmaninoff viết trong bức thư hồi âm đầu tiên cho Marietta. “Tôi có tình cảm với Em bởi vì Em thông minh, thú vị và ôn hòa, đó là những điều cần phải có ở những người bạn của tôi. Và tôi cũng thích những bức thư của Em bởi tôi luôn luôn tìm thấy trong đó niềm tin, hy vọng và tình yêu, thứ thuốc mà tôi đang cần để bôi lên các vết thương của mình. Thật là ngạc nhiên khi Em thấu hiểu tất cả mọi thứ của tôi! Làm thế nào mà Em biết về tôi nhiều như vậy? Mọi người đều cho rằng tôi là một pianist tài ba nhưng là một nhà soạn nhạc tồi, đến mức tôi không dám chắc chắn về khả năng sáng tác của mình… Có vẻ như tôi đã mất toàn bộ niềm tin vào bản thân ngay từ khi còn nhỏ. Hãy cho tôi biết phải làm như thế nào để lấy lại tất cả những điều đó, Re thân yêu của tôi! Trong những năm qua, bác sỹ Dahl, một nhà thôi miên, và hai cô em họ của tôi đã là những người thầy và bác sỹ tốt nhất của tôi. Họ đã nói với tôi phải trở nên mạnh mẽ và tràn đầy niềm tin. Thỉnh thoảng tôi kiểm soát được cả hai, nhưng cũng có những ngày tôi muốn dừng sáng tác nhạc để trở thành một nông dân bình thường hoặc một lái xe… Nhưng tại sao tôi lại viết cho Em tất cả những điều này, Re thân yêu của tôi?”

Cuộc gặp đầu tiên

Mối quan hệ giữa họ ngày một thắm thiết, nữ nhà thơ trẻ và nhà soạn nhạc đã cùng nhau trao đổi quan điểm về tất cả mọi thứ, từ âm nhạc đến chính trị. Nhiều tháng trôi qua mà thậm chí họ còn chưa một lần gặp mặt. Chỉ có một cuộc giáp mặt bất ngờ vào cuối năm 1912. Một buổi tối, Marietta đi ngang qua Rachmaninoff trong tiền sảnh nhà hát và không cưỡng lại được sự cám dỗ, cô đã dừng lại và nhìn thẳng vào mắt ông. Rất đột ngột, Rachmaninoff khẽ chạm tay vào váy của Marietta rồi ra hiệu cho vợ đi tới: “Đây chính là Re mà anh đã kể với mình… Hãy xem cô ấy ngạc nhiên như thế nào khi biết rằng anh đã nhận ra cô ấy! Có thể cô ấy cho rằng trông anh cũng khá quen thuộc…”

“Ở lại Moscow suốt mùa đông năm 1913 và năm 1914, tôi thường xuyên gặp gỡ Rachmaninoff tại nhà anh họ tôi”, Marietta viết. “Một lần tôi đã mạo muội mời ông tới căn hộ thảm hại mà tôi đang ở cùng với em gái mình… Một đám đông hiếu kỳ lập tức bao vây Rachmaninoff, người khoác chiếc áo choàng sang trọng do thợ may nước ngoài thiết kế, và ngắm nhìn ông chằm chằm… Sau đó ông ngồi trên chiếc ghế tươm tất độc nhất mà chúng tôi tìm thấy và ngay lập tức biến bầu không khí trong phòng trở nên ấm áp và giản dị, giống như âm nhạc của chính ông vậy…”.

Lòng ghen

Rachmaninoff khi đó đang viết “The Bells” (Những chiếc chuông)1 và nói một cách đầy ngưỡng mộ về bản dịch bài thơ của Edgar Poe của Balmont, tác phẩm khiến ông say đắm ngay từ khi đọc lần đầu. Ai đó đã gửi cho ông bài thơ qua thư, nhưng chính xác là ai thì ông không nói ra… Vì một vài lý do kỳ lạ mà tôi đã tưởng tượng mình là textmeister2 của ông và tôi cảm thấy ghen tuông khủng khiếp…”.

Rachmaninoff thường xuyên thảo luận với Marietta về những bài thơ ông định phổ nhạc. Lần đầu tiên ông nhờ cô tìm hộ một vài bài thơ vào tháng 3-1912. “Re thân yêu, có quá quắt lắm không nếu tôi nhờ Em tìm hộ tôi một vài bài thơ cho các bản tình ca mà tôi đang định viết? Có điều gì đó mách bảo tôi rằng Em biết rất nhiều, nếu không phải là tất cả, những bài thơ. Không quan trọng là thi nhân đó còn sống hay đã chết. Tất cả những điều tôi cần là những bài thơ nguyên bản, không phải là dịch thuật và không quá 12 trang. Và tôi thoáng cảm thấy buồn là tôi không biết viết về những thứ quá vui tươi…”

“Kể từ đó tôi thường xuyên hồi âm cho ông những tác phẩm của các nhà thơ Nga, bao gồm cả những người theo trường phái Tượng trưng mà ông không mấy quan tâm”, Shaginyan viết. Dựa trên những bài thơ được tuyển này, Rachmaninoff sáng tác một chùm ca khúc nghệ thuật và ca ngợi Marietta vì khả năng lựa chọn tinh tế của cô…

Với Scriabin

“Mùa thu năm 1915 Rachmaninoff chơi tác phẩm Rostov trên sông Đông của Alexander Scriabin, người mới qua đời cách đó không lâu”, Shaginyan viết, “Rachmaninoff và Scriabin từng là đối thủ của nhau kể từ khi là sinh viên Nhạc viện Moscow. Bởi vì Scriabin chưa bao giờ chơi tác phẩm của Rachmaninoff và tương tự, Rachmaninoff cũng vậy, nên buổi hòa nhạc này đã gây ngạc nhiên lớn. Những người hâm mộ Scriabin đã nhanh chóng kết luận rằng đây là trò ma quỷ của Rachmaninoff, người mà theo họ đã đơn giản hóa quá mức âm nhạc của một “thiên tài đầy chất thơ” và nếu người nào đã một lần nghe những âm thanh trong như tiếng bạc trong màn trình diễn của Scriabin sẽ chỉ tìm thấy sự nặng nề cứng nhắc, nếu có thể, khi nghe Rachmaninoff. Tuy nhiên nhiều người lại nhận ra thiện chí đầy cao quý của Rachmaninoff khi quyết định hành động để giúp đỡ gia đình người bạn đồng khóa của mình. Chúng tôi cũng thấy toàn bộ điều đó và thời gian chứng minh rằng chúng tôi đã nhìn đúng”, Shaginyan viết.

“Rachmaninoff nói rằng, dù kiệt sức vì phải biểu diễn trong nhiều buổi hòa nhạc, ông vẫn cảm thấy sự thôi thúc của thành công và những tràng vỗ tay. “Tiếng vỗ tay như là ôxy, thứ đem lại sự ấm áp cho tâm hồn bạn và bạn cảm thấy mình thật sự là một người sáng tạo”, ông nói, “Leo Tolstoy biết điều đó. Có lần ông ấy nói với tôi về một nhà soạn nhạc đã chết bởi không được khán giả nào ca ngợi.”

Sau buổi hòa nhạc, Rachmaninoff đã trò chuyện với Marietta về Scriabin. “Scriabin là một con người không màu mè giả tạo nhưng tất cả những người sùng bái đã dựng nên những điều cường điệu khiến cho tôi thường nghĩ xấu về ông ấy. Bây giờ họ lại áp đặt một vài kiểu cách cho một trường phái hoa hoè hoa sói chơi nhạc của Scriabin, thứ chỉ làm triệt tiêu mọi năng khiếu âm nhạc bẩm sinh của con người… Tôi lại nghe âm nhạc của Scriabin theo một cách khác biệt với bổn phận hướng dẫn đồng nghiệp của mình chơi nhạc của ông ấy theo cách tôi đã từng nghe… Và bây giờ tôi du lịch vòng quanh nước Nga và trao cho mọi người cách nhìn của tôi về âm nhạc của Scriabin…”

Nỗi sợ cái chết

Một ngày sau buổi hòa nhạc, Rachmaninoff tới gặp Marietta. “Mẹ tôi bắt đầu hối hả chuẩn bị thết khách những món ăn truyền thống của Armenia. Rachmaninoff ở nhà chúng tôi trong khoảng hai giờ. Ông đã chế giễu các nhà phê bình vẫn ca tụng ông nhưng vẫn gọi ông là pianist mà không phải là một nhà soạn nhạc. Ông cho rằng ông sẽ chỉ chơi đàn và ngừng sáng tác hoàn toàn bởi vì ông có thể không bao giờ viết được tác phẩm nào hay hơn The Bells…”.

“Ngày hôm sau, Rachmaninoff trở lại,” Marietta Shaginyan kể. “Sau bữa tối mà hầu như ông không đụng tới, ông thu mình trên chiếc ghế bành cũ, giọng đầy lo lắng và run rẩy:

‘Em nghĩ gì về cái chết, Re thân yêu? Em có lo sợ về nó không?’

Tôi biết cái chết của Alexander Scriabin và vị giáo sư đáng kính Sergey Taneyev đã khiến ông cảm thấy trĩu nặng…

‘Đã có thời điểm tôi sợ hãi tất cả mọi thứ – bọn gangster, kẻ cắp, bệnh dịch, nhưng ít nhất cũng có cách để giúp xử lý tất cả điều đó. Điều khiến tôi lo ngại ở đây là cảm giác bất ổn; Tôi lo ngại rằng sẽ chỉ còn một thứ gì đó vô nghĩa sau khi em đi khỏi… Tôi muốn biến mất hơn là biết thứ gì đang bị che giấu trong màn đêm đen sau khi người ta đưa em tới nghĩa địa… Tôi không bao giờ muốn được bất tử chỉ cho bản thân mình. Nhưng nếu có điều gì đó xảy ra, điều khiến cho tôi thực sự sợ hãi là…’

Trong khi ông nói, khuôn mặt của ông trở nên tái xanh. Mẹ tôi bước vào với một đĩa đầy quả hồ trăn muối mà ông vẫn yêu thích và một cách tự nhiên, ông bắt đầu ăn chúng…

‘Tôi muốn ăn những quả hồ trăn này và thật bất ngờ, nỗi sợ hãi cái chết của tôi đã tan biến. Chúng đi đâu rồi vậy, Re thân yêu của tôi?’ ông truy vấn.”

Buổi tối hôm đó Rachmaninoff đã kể những điều thú vị về bản thân mình. Khi ông ra về, Marietta vội vã ghi lại trong nhật ký tất cả những điều đó.

“Tôi sinh ra ở vùng Novgorod. Cha mẹ tôi không yêu tôi nhiều lắm… Tôi có một anh trai, Arkady, một ‘hiệp sỹ của trái tim’, nhưng chúng tôi đã xích mích với nhau từ lâu… Chúng tôi khá giàu có, Arkady và tôi được kỳ vọng sẽ tham gia Ngự lâm quân nhưng khi tôi lên bảy tuổi, cha mẹ tôi bị phá sản. Tôi trở thành sinh viên Nhạc viện St. Petersburg và sống ba năm với bà ngoại, người rất mực thương yêu tôi. Tôi cũng đã bỏ qua nhiều giờ học để đến sân trượt băng và trở thành một vận động viên trượt băng giỏi. Cuối cùng, mọi người cũng hiểu tôi, và Alexander Ziloti, một người thân của tôi đã đưa tôi tới nhà giáo sư Zverev ở Moscow, và ông đã đồng ý để tôi sống trong căn hộ của ông và tiếp tục học đàn. Tôi nợ ông rất nhiều, thật sự là như vậy… Năm 16 tuổi, tôi bắt đầu tự kiếm sống và thi thoảng phải nhịn đói trong nhiều ngày. Sau đó tôi cưới cô em họ Natasha… Tất cả là như vậy.”

Những giọt nước mắt

Mùa xuân năm 1916 là thời điểm tồi tệ với ông: đầu tiên, vợ ông bị ốm nặng và sau đó ông bị viêm khớp ngón tay, căn bệnh sẽ dày vò ông trong suốt quãng đời còn lại. Theo lời tư vấn của bác sỹ, Rachmaninoff tới vùng Caucasus dưỡng bệnh và sống một cách vương giả trong căn hộ hai phòng của một khu điều dưỡng…

Marietta Shaginyan, cũng sống cả mùa hè ở Caucasus, đã tới thăm Rachmaninoff và nhanh chóng nhận ra ông ở trong tình trạng tồi tệ như thế nào. “Những giọt nước mắt chảy ra từ đôi mắt ông, giọng nói của ông kéo dài như thể ông không còn nhiều thời gian để sáng tác, rằng ông có thể chỉ là “một pianist nổi tiếng và một nhà soạn nhạc hạng xoàng”.


Chân dung Marietta Shaginyan, tranh sơn dầu của Alexander Deineka,1944

“Nếu như tôi luôn luôn như thế này thì mọi thứ sẽ dễ dàng cho tôi hơn, ông nói, Vấn đề là ở chỗ, tôi được cho là một nhạc sỹ trẻ có thể viết tất cả mọi thứ vào buổi sáng và kết thúc vào buổi tối… Tôi vẫn cảm thấy sự thôi thúc được sáng tác nhưng có vẻ như là tôi đã đánh mất sở trường và sẽ không thể lấy lại được nữa…”

“Giọng nói của ông thật khủng khiếp, không còn chút sinh lực nào như từ một ông lão, đôi mắt ông ấy đã không còn sự linh lợi, khuôn mặt xám méo xệch… Tôi cố gắng làm tất cả những gì có thể để cho ông thấy sự chân thành và niềm tin vững chắc của mình vào tài năng xuất chúng của ông ấy, bao bọc ông ấy trong niềm tin của mình để làm ông ấy cảm thấy vui hơn. Khi ông bình tĩnh lại một chút, tôi mở cuốn sổ ghi thơ của mình ra và chúng tôi bắt đầu đọc những bài thơ ông ấy có thể phổ nhạc…”

Kỳ nghỉ dưỡng kết thúc, Rachmaninoff tiếp tục cuộc hành trình với hơn 30 buổi hòa nhạc trên khắp các thành phố lớn của nước Nga. Vào ngày 26-1-1917 Rachmaninoff thực hiện một buổi hòa nhạc tại Rostov trên sông Đông và gửi thư cho Marietta, vốn ở không xa nơi đó. “Re thân yêu của tôi, tôi không thể lột tả hết mong ước được ngắm nhìn Em như thế nào nhưng tôi không còn thời gian để tới chỗ em nữa… Hãy tới phòng thay đồ của tôi khoảng một hoặc hai tiếng trước buổi hòa nhạc và trò chuyện với tôi… Được không Em?” Chúng tôi đã có hai giờ hoàn toàn bên nhau. Ông ấy tập luyện bằng cách phá vỡ một tác phẩm, chia cắt giai điệu và rải nó lên bàn phím. Điều đó đã tác động lên các sợi dây thần kinh của tôi; sự ấn tượng rằng từ một khuôn mặt thân yêu, ông chỉ đưa cho tôi chiếc mũi, sau đó là cái cằm, rồi cặp lông mày… Không thể chịu đựng được nữa, tôi nói với ông rằng điểm trống rỗng là ở chỗ tôi không thích tất cả…

Cuộc gặp cuối cùng

“Lần gặp nhau cuối cùng của chúng tôi là tại Kislovodsk, vào ngày 28-7-1917,” Shaginyan viết. “Áp phích quảng cáo cho biết sẽ có một buổi biểu diễn gồm toàn các ngôi sao không thể bỏ lỡ, tôi và chồng tôi mua một cặp vé rẻ ở tít xa sân khấu… Rachmaninoff xuất hiện hai lần, một lần như một pianist và sau đó là nhạc trưởng. Bộ quần áo màu trắng khiến ông trở nên đẹp lạ thường…”

Sau buổi hòa nhạc, Marietta tìm thấy ông. “Đêm phương Nam ngát hương với hoa hồng, đất và những cây dương, những con côn trùng bay cuồn cuộn trong những luồng ánh sáng… Tôi nhìn thấy ông ấy phía xa xa, ông đứng đó, điếu xì gà trên môi và ngắm những ngôi sao đổi ngôi trên bầu trời đêm…

Ông vui mừng khi nhìn thấy chúng tôi; chúng tôi ngồi xuống một chiếc ghế ngay bên phòng hòa nhạc và trò chuyện, trò chuyện, trò chuyện…” Shaginyan viết.

Sau đó là cách mạng năm 1917… Rachmaninoff đề cập đến cuộc cách mạng và cho biết nỗi lo lắng về giai cấp, những đứa con của ông và sự khiếp sợ khi để mất tất cả những gì đã có… Ông ấy nói rằng sẽ đi ra nước ngoài với gia đình để tránh thời điểm khó khăn này…

Cảm giác về sự chia lìa, Marietta đã cố gắng thuyết phục ông hãy ở lại và đưa ra ý kiến nếu rời nước Nga, ông có thể sẽ đánh mất tất cả. Rachmaninoff lắng nghe một cách kiên nhẫn, nheo nheo đuôi mắt và nhìn như thể ông sẽ không còn ở lại đây lâu nữa… Đó là lần cuối họ gặp nhau…

Một vài tuần sau, Marietta nhận được một bức thư. “Re thân yêu nhất của tôi, hôm nay, tôi đã ngồi xếp sắp tất cả trên cái bàn làm việc lộn xộn của mình, tôi đã đọc lại một vài bức thư em đã gửi tôi. Ngay sau đó, dù trước đó tôi còn chưa biết gì về nó, tôi đã cảm nhận được những điều dịu dàng mà tôi muốn nhìn thấy ở em, lắng nghe em, nói với em những điều sâu thẳm nhất về em, về tôi, về tất cả mọi thứ… Em ở đâu, Re yêu dấu? Tôi sẽ còn được nhìn thấy em một lần nữa không?”

“Vào cuối năm 1917, Rachmaninoff và gia đình rời khỏi châu Âu để tới Mỹ, nơi ông sẽ sống nốt quãng đời còn lại của mình. Rút cục thì ông ấy vẫn là một người Nga, quá nhiều tình yêu sâu đậm với đất mẹ Nga, làng quê Nga và mugích Nga! Và nỗi nhớ nhà cũng vậy, đứa con vĩ đại của nước Nga đã buộc phải sống xa quê hương và chết trên một vùng đất ngoại bang,” Shaginyan viết…

Thanh Nhàn dịch
Theo The Voice of Russia
————
1. Giao hưởng hợp xướng The Bells có phần lời dựa trên bài thơ cùng tên của Edgar Poe
2. Tiếng Đức: bậc thầy văn bản

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)