Riêng – Chung

Nghệ thuật muôn thuở là vấn đề của cá nhân. Xuất phát từ trải nghiệm, từ câu chuyện, từ cảm xúc của chính mình để làm ra tác phẩm. Chỉ có con đường duy nhất đó thì chuyện của mình mới đến được với những người khác, đụng chạm được vào người khác.

Bởi vì không thể đi theo chiều ngược lại, đi từ số đông đến với số đông. Không thể vẽ viết hoặc bàn đến vấn đề vĩ mô, đại sự, toàn cầu khi mình không có trải nghiệm, không biết hoặc thấu hiểu những vấn đề đó. Ví dụ, không nên vẽ về đại dịch HIV hoặc dịch cúm H5N1, dịch tiêu chảy nếu cá nhân nghệ sĩ đó không rung, không cảm, không hòa vào cái “trường” của những người mắc các căn bệnh đó. Nhưng giả sử tôi có một con chó, tôi vừa bị mất nó, tôi chán, tôi tự họa và đó là một bức chân dung thành công chẳng hạn thì câu chuyện riêng tư đó vẫn có thể cộng cảm được với nhiều người khác. Đương nhiên thì để có một tác phẩm còn cần nhiều yếu tố khác nữa chứ đâu chỉ đơn giản là nói câu chuyện lòng mình là hy vọng làm xúc động được người khác. Và thêm một đương nhiên nữa, nghệ thuật không phải xã luận, không phải triết học không phải nhà đạo đức hoặc luật pháp để có thể quán xuyến và giải quyết được mọi sự trên đời.

Thế nên cứ vẽ những chuyện của mình, cỏn con cũng được, bằng suy nghĩ của mình.

Có những chuyện riêng tư không vào tranh vào nhạc sẽ thành chuyện chung như cái cách người ta hay bình: nhân vật trong kịch, phim đó đã nói hộ được rất nhiều người về sự mất mát trong chiến tranh, chẳng hạn.

Cũng có những chuyện mà vấn đề đặt ra nhỏ hơn, nói hộ được ít người hơn. Nhưng ngay cả khi một câu chuyện riêng tư nào đó trong một tác phẩm nào đó chỉ là một chuyện nhỏ và rất riêng và chỉ nói hộ được cho đôi ba người, giả sử như vậy thì nó vẫn có giá trị bởi vì bất kể một số phận nào cũng là số phận người.

Trong thời chiến tranh, cả nước chỉ có một chuyện lớn chuyện chung là chuyện chiến tranh, chuyện sống chết. Văn học nghệ thuật thời kỳ đó cũng chỉ nói đến chuyện chung là tất yếu. Đến thời kỳ hòa bình, thời đổi mới, đề tài mở rộng hơn, nhiều phong cảnh, nhiều áo dài, nhiều nude, nhiều trừu tượng… Cách thể hiện cũng riêng hơn nhưng đó cũng là điểm được và đồng thời là điểm chưa được của hội họa thời đổi mới. Căn bệnh đẹp chung chung, mượt mà, nuột nà, nhẹ nhàng, bàng bạc ngày càng nặng. Lớp họa sĩ trẻ của hậu đổi mới chưa “chôn” được các đàn anh, nhưng họ đã làm được nhiều điều đáng kể với các đề tài nóng, gai góc ví dụ tình trạng ô nhiễm mỗi trường, mặt trái của quá trình đô thị hóa, đề tài đồng tính…

Mải mê đi tìm cái riêng bằng những đề tài chung chung không có hơi thở của đời sống hiện tại như họa sĩ thời kỳ đổi mới thì cũng không được mà mải mê với những đề tài lớn, ôm đồm, to tát mà không có cách nhìn riêng như phần lớn những nghệ sĩ trẻ hậu đổi mới thì cũng không được.

Công thức ngắn gọn: đi đến tận cùng mình sẽ gặp mọi người là một con đường dài, một chuyến đi dài đầy gian truân.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)