Sắc màu GRUNEWALD

Là một họa sĩ người Đức sống ở thời kỳ Phục hưng, Grunewald nổi tiếng với tài sử dụng các sắc màu. Những phân tích hóa học và vật lý cho phép các nhà khoa học khám phá một số bí mật của màu sắc trong tài nghệ tác phẩm nổi tiếng nhất của họa sĩ này: bức tranh đặt sau bàn thờ Issenheim.

Trong tuyệt tác Issenheim được trưng bày tại viện bảo tàng Unterlinden (thành phố Colmar, miền Đông-Bắc Pháp), Matthias Grunewald (sinh khoảng năm 1475-1480 và mất năm 1528) đã phô diễn tất cả tài dùng màu của mình. Bức tranh chín tấm rạng ngời màu sắc này từng là niềm ao ước của nhiều người quyền quý, chẳng hạn như ông hoàng Maximilien của xứ Baviere hay quốc vương Đức Rodolphe đệ nhị (vào thế kỷ 16 và 17, cả hai đều muốn sở hữu bức tranh nhiều tấm này), và tiếp tục cuốn hút rất nhiều người bởi cho đến tận bây giờ các nhà lịch sử nghệ thuật vẫn chưa có được nhiều thông tin về quá trình thực hiện bức tranh này.

Các tia X quang được chiếu khắp bức tranh để xác định chất màu dùng trong tranh. Nhóm nghiên cứu tiến hành những phân tích này ngay tại viện bảo tàng Unterlinden và không chạm vào bức tranh. Ở hình dưới, tấm tranh Phục sinh đang được phân tích; nằm dưới chân Chúa là chiến binh mặc chiếc áo màu đỏ được nhắc đến trong bài.

Khi sinh thời, Grunewald là một họa sĩ ít được biết đến. Cho đến thế kỷ 20, khi các công trình nghiên cứu về tác giả bức tranh được tiến hành, danh tính của một họa sĩ Mathis nào đó làm việc ở giáo phận Mayence, Đức mới được phát hiện. Và nhờ những văn bản lập lúc Grunewald qua đời, các nhà sử học đã biết được tên thật của ông là Mathis Gothart Nithart. Đó cũng là lý do giải thích tại sao chữ ký tắt MGN xuất hiện trên một số tác phẩm của thời kỳ đó.
Căn cứ vào các tài liệu lịch sử, có thể khẳng định bức Isseinhem là do Grunewald vẽ đơn đặt hàng của các tu sĩ dòng thánh Antoine cư ngụ ở Issenheim, gần thành phố Colmar. Vị họa sĩ người Đức này đã phải mất ít nhất bốn năm, từ 1512 đến 1526, để hoàn thành tác phẩm.

NỀN TRẮNG
Công tác khảo cứu bức tranh đặt sau bàn thờ Issenheim được các nhà khoa học của Trung tâm C2RMF bắt đầu tiến hành từ năm 2002-2003. Trước tiên, việc phân tích so sánh sắc màu sử dụng trong tranh cho thấy so với các họa sĩ đương thời, thang màu của Grunewald đa dạng hơn nhiều. Tiếp theo, bức tranh được chụp X quang, chiếu tia hồng ngoại, cực tím, ánh sáng thẳng và ánh sáng xiên. Từ đó, có thể khẳng định bức tranh Issenheim được vẽ hết sức cẩn trọng đến từng chi tiết nhỏ nhất. Các tấm tranh làm bằng gỗ đoạn và mặc dầu có dạng hình bình hành, chúng được ghép rất chính xác với nhau. Những chỗ lồi lõm của mặt gỗ được đá phấn lấp đầy, che khuất các thớ gỗ. Trên đó, Grunewald phết một lớp nền màu trắng. Chính trên cái nền trắng ấy các nét phác thảo rất mảnh đã thành hình. Khi tô màu, Grunewald giữ nguyên hầu hết các nét vẽ ban đầu ấy.
Để biết Grunewald đã tô màu theo hướng nào, nhóm nghiên cứu của Trung tâm C2RMF đã khoan một số lỗ nhỏ trên bức tranh. Đặc tính của các chất màu sử dụng trong tranh (các hạt màu tan được trong dầu này sẽ tạo màu sắc cho nước sơn) được xác định bằng nhiều phương pháp vật lý – hóa học khác nhau.
Kết luận đầu tiên: màu sắc trong tranh phong phú như vậy chính là nhờ Grunewald đã sử dụng kỹ thuật tráng (vẽ chồng các lớp màu mỏng lên nhau). Michel Menu, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu của Trung tâm C2RMF, cho biết: “Đầu tiên, Grunewald hòa các chất màu với nhau để chọn màu. Sau đó, bằng cách tráng các lớp màu dày mỏng khác nhau, ông có được màu sắc như ý.”
Ngoài ra, trong cùng một sắc, Grunewald còn sử dụng nhiều nguồn màu khác nhau: ông kết hợp chất màu với sơn mài, một loại chất hóa học có tác dụng tạo màu cho màu dầu. Chẳng hạn, để có được màu đỏ thẫm nơi áo của một chiếc binh trên tấm tranh Phục sinh, họa sĩ người Đức đã sử dụng một loại sơn mài là thuốc nhuộm từ cây thiến. Dùng riêng lẻ, thuốc nhuộm này cho màu rất nhạt. Do đó, Grunewald đã hòa nó cùng với một chất màu đỏ khác: bột thần sa. Tuy nhiên, vẫn không hài lòng với màu sắc thu được, ông tô thêm một lớp sơn mài khác, ánh sắc tía hơn: phẩm yên chi.

Bức tranh được khoan một số lỗ nhỏ để lấy mẫu nghiên cứu màu vẽ. Nhìn từ dưới lên trên, có thể nhận thấy lớp nền màu trắng và các lớp màu nằm chồng lên nhau. Các mẫu nghiên cứu được đem chiếu tia cực tím hoặc ánh sáng thẳng để quan sát các lớp màu hoặc lớp sơn mài.

1. DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA TIA CỰC TÍM, lớp tráng thuốc nhuộm từ cây thiến (viền màu vàng cam) nằm trên lớp màu xanh lơ (lớp màu xanh lục nhạt) gồm azurite, thuốc trắng chì và hạt sơn mài.

2. BA LỚP MÀU XANH LỤC được hòa theo tỉ lệ khác nhau có thành phần gồm chất màu xanh chưa được xác định, thuốc vàng chì, kẽm và thuốc trắng chì.

3. MÀU ĐỎ NƠI ÁO của người chiến binh có thành phần là sơn mài thuốc nhuộm từ cây thiến với bột thần sa (màu sáng, ở dưới) và sơn mài phẩm yên chi (màu tối, ở trên).
4. LỚP MÀU VÀNG CAM có thành phần là thuốc trắng chì và một chất màu chưa được xác định nằm giữa hai lớp màu xanh lơ. Thành phần của lớp màu xanh lơ gồm azurite, thuốc trắng chì và hạt sơn mài đỏ.

Ở một số chi tiết, Grunewald đã không ngần ngại sử dụng những chất màu lạ. Để vẽ quần của người chiến binh ấy, ông chọn một loại khoáng chất màu xám có ánh kim loại: chất stibnite(i). Thế nhưng, chất màu có thành phần chính là antimonite này rất hiếm khi được dùng trong hội họa: vào thời ấy, chất này chỉ được một vài họa sĩ Italia sử dụng. Chẳng hiểu Grunewald lấy màu này ở đâu. 
Họa sĩ người Đức này còn pha chế chất màu cho riêng mình. Thật vậy, vào năm 1972, khi xem xét biên bản kiểm kê tài sản của Grunewald (được lập sau khi ông qua đời), nhà sử học người Đức Bernhard Saran tìm thấy một lượng lớn chất màu không thông dụng. Ngoài ra, bản kiểm kê còn ghi rõ trong số tài sản của Grunewald có một cuốn sổ chi tiêu liên quan đến một khu mỏ. Dựa trên cơ sở đó, Saran kết luận: Grunewald đã mua khoáng chất để pha chế màu vẽ cho riêng mình.
Điều này hoàn toàn có thể xảy ra bởi vì cũng giống như Leonard de Vinci, ngoài hội họa, Grunewald còn đam mê nhiều thứ khác. Giấy báo tử, cũng như nhiều văn bản khác, ghi rõ Grunewald là “họa sĩ hoặc kỹ sư thủy lực”. Có thời ông từng làm tổng giám sát công chính cho Tổng giám mục Mayence. Đồng thời, cũng là… thợ làm xà phòng.

NHIỀU LOẠI CHẤT MÀU KHÁC NHAU
Dù sao chăng nữa, dường như Grunewald đã nghiên cứu màu xanh lục rất kỹ. Bản kê khai tài sản của ông khi qua đời cho thấy họa sĩ người Đức này đã dùng không dưới bốn loại màu xanh lục, trong đó có một màu xanh “huyền hoặc”. Các phương pháp như chụp X quang, chiếu tia hồng ngoại không giúp các nhà khoa học xác định loại màu xanh nào đã được sử dụng trong bức tranh Issenheim. Tuy nhiên, những quan sát dưới kính hiển vi cho thấy Grunewald đã rất chăm chút cho các gam màu xanh lục của mình. Như màu xanh của bức màn trên tấm tranh Lễ truyền tin chẳng hạn, để có được màu này, vị họa sĩ người Đức đã tráng một lớp màu đỏ rồi mới vẽ chồng ba lớp màu xanh lên.
Vấn đề gốc tích của màu trắng, gam màu được dùng làm nền hoặc hòa với những màu khác, cũng được đặt ra. Những phân tích ban đầu dưới tia X quang cho thấy đây là màu trắng của chì cũng giống như ở các bức tranh đương thời khác. Thế nhưng, theo tài liệu, tại khu chợ nghệ sĩ ở Francfort, nơi Grunewald chắc hẳn thường đi mua sắm, có bán tới ba loại chất màu trắng: thuốc trắng chì Venise, thuốc trắng chì Anvers và thuốc trắng chì thông thường. Vậy, Grunewald đã dùng loại nào?
Nhờ những phân tích tiến hành ở Phòng nghiên cứu phóng xạ synchrotron châu Âu (ESRF) tại Grenoble, nhóm nghiên cứu của Trung tâm C2RMF đã lần đầu tiên chứng minh được thuốc trắng chì có hai thành phần hóa học là hydrocerussite (Pb3(CO3)2(OH)2) và cerussite (PbCO3), đồng thời cũng đã tính được tỉ lệ của hai chất này. Nhà nghiên cứu Michel Menu kết luận: “Grunewald đã dùng thuốc chì trắng giàu hydrocerussite hơn để vẽ tranh và dùng loại ít hydrocerussite hơn để vẽ nền(2)”. Liệu có phải vì loại thuốc màu giàu hydrocerussite đắt hơn hay trắng hơn không? Để có thể xác định rõ gốc tích các loại màu sử dụng trên bức Issenheim và những chất màu bán ở chợ Francfort, cần phân tích thêm nhiều bức tranh khác nữa.
Hồ Thủy An dịch
(La Recherche số 427 ra tháng 2/2009)
——
(1) M. Cotte et al., Analytical Chemistry, 79, 6988, 2007.
(2) E. Welcomme et al., Applied Physics A: Materials Science & Processing, 89, 825, 2007.

Tác giả