Sách – công cụ lý tưởng để tiếp cận văn hóa*

Văn hóa là tài sản chung của chúng ta, chung cho toàn thể loài người. Nhưng để điều đó trở thành sự thật, cần phải sao cho mỗi người được trao cho những phương tiện như nhau để tiếp cận văn hóa. Để làm điều đó, cuốn sách, dù cổ kính đến đâu, vẫn là công cụ lí tưởng.

Chúng ta thử tưởng tượng là sách không tồn tại.

Tưởng tượng trong một khoảnh khắc rằng Gutenberg không từng phát minh nghề in. Rằng nghề này còn ở nguyên trình độ mà người Trung Quốc đã thực hiện, tức là một phương tiện thực dụng để tái tạo những bản thảo mà không cần viết ra, một trò đóng dấu, một cách nhân tạo để làm cho việc viết nhanh hơn. Thử tưởng tượng là những cuốn sách như chúng ta biết ngày hôm nay chưa hề tồn tại.

Không hẳn điều đó khó mà tưởng ra như người ta có thể ngờ. Rốt ráo bao dân tộc lớn, bao văn minh lớn đã sống không có phát minh này. Những người Ai cập, Sumer có biết những dạng văn tự, nhưng không biết phương tiện để tái tạo những văn bản này đại quy mô. Những người La tinh, Hi Lạp, Ấn Độ có văn bản. Họ vun xới triết học, họ soạn luận văn, thơ, bi kịch, truyện kể mà ngày nay còn tạo thành cái vốn chung của văn hóa loài người. Nhưng họ không biết đến nghề in. Tác phẩm Katha Sarit Sagara của Ấn Độ, soạn ở Cachemere khoảng thế kỉ thứ 10 công nguyên do Soma Deva, là cội nguồn của phần lớn truyện kể và truyền kì của châu Âu và phương Đông. Nó là Biển truyện, như nhà văn Salman Rushdie đã nhắc nhở và đành dịch từa đề như thế thôi. Từ đó mà ra Ngàn lẻ một đêm, truyện cổ tích của Perrault, những truyện ngụ ngôn.

Chúng ta ngày nay biết được gì, nếu chẳng có phát minh của Gutenberg? Tất nhiên, những văn bản lớn triết học của Platon và Aristote, những đại luận về các khoa học của Avicennes hoặc Averroès, hay những suy tư lớn về tôn giáo của thánh Augustin, của Plotin, những bài học về địa lí hoặc lịch sử của Plutarque hoặc Ptolémée – còn đến với chúng ta, mặc cho khiếm khuyết kĩ thuật kia. Nhưng chúng ta phải nhờ sách mới nghe đến chúng, tiếp nhận chúng, hội nhập chúng vào văn hóa chúng ta, dù ở bất cứ chân trời nào.

Hãy tưởng tượng thế giới chúng ta đã ra sao nếu không có sách. Một ví dụ rõ cho ta là dân tộc Maya. Từng sống ở Mexico giữa thế kỉ thứ 4 trước và thứ 10 sau Công nguyên. Nền văn minh ấy, sáng chói lạ thường, mặc dù ở tình trạng cô lập – khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước, thiếu những tài nguyên hàng đầu, hiểm nguy thường xuyên do những dân tộc kề cận gây ra (đáng kể là dân các đảo Caribê, vốn đã cho ta từ ngữ cannibal tức là ăn thịt người) – đã phát minh tất cả những gì đặc trưng cho tri thức con người: các nghệ thuật, các khoa học, triết học. Người Maya đã thiết lập một hệ thống chữ số, sử dụng số không và số thập phân cho phép làm những phép tính phức tạp. Một số những kiến tạo của họ (bởi dường như họ ham mê xác định lịch pháp cho các nghi lễ tính theo thời gian) hình dung những niên đại quay về cả hơn trăm ngàn năm. Họ đã phát triển khoa học thiên văn tới mức điều hành một lịch pháp mà biên độ sai lệch hằng năm chỉ có vài phút; nhờ quan sát sự vận hành của ba thiên thể là Mặt trời, Mặt trăng, và Kim tinh. Sự hiểu biết của họ về y học, về kiến trúc, về thiết kế đô thị, vượt xa tất cả những gì các dân tộc khác trên trái đất thực hiện được trong cùng thời kì. Thị hiếu của họ đối với các bộ môn nghệ thuật đã đạt tới những đỉnh cao, cả trong biểu hiện thi tính cũng như những thể hiện họa hình, khắc chìm, tượng toàn pho, điêu khắc trên đá hoa cương, đá cẩm thạch, hoặc đá vân ban. Kĩ năng của họ về luyện kim cũng rất phát triển. Nếu vì thiếu thiếc, họ không làm đồng thanh, thì họ chế tạo những đồ thờ bằng vàng rất nguyên chất và bằng đồng đỏ, và đã làm chủ được một nghệ thuật đồ gốm có thể so sánh với nghệ thuật này của phương Đông: cũng thanh thoát về mô thức, cũng cảm quan về sự hoàn hảo như thế.

Ngoài ra họ còn phát minh một hệ thống văn tự bằng phương tiện những linh phù tượng hình (hiéroglyphes) có thể so sánh với văn tự cổ đại Ai Cập, và vì thiếu viên đá Rosette [có khắc những văn bản tương đương của hai ngôn ngữ], người ta còn chưa giải mã được hệ thống văn tự này. Văn tự này phục vụ cho họ trong việc soạn thảo những tập hợp văn bản trên giấy làm bằng bột gỗ cây vả, hồ trắng bằng oxit kẽm, xếp kiểu nếp quạt như các pho sách cổ của Trung Quốc – trong đó họ kí lục lịch sử, kiến thức về thiên văn (dường như theo những sơ đồ đi kèm thì họ là những người đầu tiên tiên đoán được nguyệt thực), những nghi lễ phức tạp, và trên hết là sự đi qua của thời gian, những ngày, những tháng, những thế kỉ, và những kỉ nguyên.

Nhưng họ không biết nghề in, và vì thế họ biến mất. Khi người Tây Ban Nha tên là Diego de Landa đặt chân lên bán đảo Yucatan vào năm 1520, xã hội Maya cổ điển đã biến mất. Chỉ còn lại những thủ bản, những vật thờ, những kỉ niệm, do con cháu họ bảo tồn nơi những xóm làng cô lập trong rừng sâu. Kí ức về nền văn minh này có thể nguy hiểm và dùng làm chất men kích thích sự quật khởi của những người Da đỏ vừa mới bị chinh phục, Diego de Landa hiểu điều đó, y đã cho tập hợp tất cả thư viện thủ bản cổ của người Maya trên công trường trung tâm của thành phố Mani và nổi lửa đốt. Những kho tàng bị tiêu tán thành khói như thế thực không cách nào lượng giá cho nổi. Hành vi man rợ của kẻ chinh phục chẳng phải không nhắc nhở đến lò thiêu điên rồ trong đó những viên chức của đế chế Quốc xã, ở Nuremberg, đã quyết xóa sạch bộ nhớ của thế giới phương Tây.

Hãy thử tưởng tượng trong khoảnh khắc rằng Gutenberg chưa cải biên cái phát minh này của Trung Quốc cho nhu cầu của thời Phục hưng, bằng cách tạo ra những con chữ in rời lưu động. Chuyện gì sẽ xảy ra? Đúng là những thủ bản vẫn tiếp tục được sao chép: không được quên là những bài thơ của Christine de Pisan hoặc của Marie de France, những tiểu thuyết như là Morte d’Arthur [Cái chết của Arthur] hoặc Chevalier à la charette [Kị sĩ với chiến xa], Chanson de Roland [Ca khúc về Roland] hoặc những chuyện ngụ ngôn trong chuỗi kể về con cáo được phổ biến đâu có bằng cách nào khác. Chúng được chép lại bằng tay trên da thú – da cừu thuộc – hoặc trên giấy làm bằng giẻ rách, được các Tu sĩ điểm tô – nghề chép sách lúc đó kiếm lợi nhiều hơn nghề viết văn. Mỗi tấm da thuộc để chép văn đều là chỉ có một bản duy nhất, và bán giá rất đắt ở những cơ dinh lãnh chúa và được tồn trữ tại đó.

Nhà văn Nguyên Ngọc tại Hội thảo: Người Việt có mê đọc sách
tại TP Hồ Chí Minh năm 2008

Văn hóa bằng chữ viết đã từng tồn tại, nhưng bởi quý hiếm nên là đặc quyền của giới ưu tú. Tuyệt đại đa số loài người, ở cả phương Tây cũng như phương Đông, sống cách biệt với nền văn hóa này, không tiếp cận được với nó. Những khoa học, những phát minh kĩ thuật, những trào lưu tư tưởng chỉ vận hành hết sức chậm chạp.

Không có sách in, thế giới của chúng ta ắt hoàn toàn khác biệt. Không hồ nghi gì nó hẳn giống xã hội Ai Cập hay xã hội Maya ở đỉnh điểm sức mạnh và vinh quang: một thế giới đóng kín, khó tiếp xúc với các ảnh hưởng, bất công và bất bình đẳng từ trong sâu xa, mất quân bình hết cách cứu chữa.

Trong một thế giới như thế – thế giới Maya thời cổ điển, bởi tôi đã nêu thí dụ này – không có dân chủ, ít có bình đẳng trước pháp luật, còn sút kém hơn nữa về tinh thần đạo đức công dân. Một khối lượng bao la, oằn lưng dưới uy quyền của vài tăng lữ vĩ đại, của một vị vua- mặt trời, của những bạo chúa, những tay độc tài có vũ trang, của một tầng lớp ưu tú vừa tinh tế vừa tàn ác. Trong trường hợp tốt đẹp nhất, một nền thần trị có văn hóa, trong đó phát triển những nghệ thuật, tri thức, kĩ thuật vì quyền lợi của một số người.

Trong một chế độ như thế, sự hiểu biết không phục vụ cho truyền thông, cũng chẳng cho sự theo đuổi một tiến bộ chung; chủ yếu nó chỉ dùng để dựng một rào cản không thể vượt qua giữa những kẻ nắm giữ chế độ ấy và đa số chỉ biết được cái hình ảnh của chế độ. Người ta tạo dựng những đền đài tuyệt diệu, những cung điện xa hoa, hay như ở Ai Cập, ngay đến cả những lăng mộ kinh hồn dưới hình thức những Kim tự tháp. Còn thường dân thì lao động như nô lệ để xây dựng những công trình này, mà không hiểu ý nghĩa. Đó là xã hội của Mãng xà, như Vladimir Propp đã định nghĩa khi phân tích truyện kể dân gian.

Không nghề in, không chữ viết, thì những nền văn minh của chúng ta, ở phương Tây hay phương Đông, đã ra sao rồi? Không hồ nghi gì về điều xảy ra với những xã hội bạo quyền và xa hoa thế đó của quá khứ. Hoàn toàn dựa vào một giới ưu tú đặc quyền, Pharaon ở Ai Cập, Hoàng đế ở La Mã, hoặc Halach Uinic (tức Người Thực) ở Yucatan Maya, những văn minh ấy mong manh. Một sự cỏn con, một nạn đói, một trận dịch, một cách mạng cung đình đều có thể làm chúng sụp đổ, lụi tàn. Khi các giống Rợ, tiến vào La mã, cái chuỗi dài gồm các bạo chúa và những thù nghịch phe phái đã làm tiêu ma cái quốc gia từng làm bá chủ tuyệt đối vùng Địa Trung Hải này. Khi đám người Tây Ban Nha xâm nhập châu Mỹ Da đỏ, những thành thị long lanh của người Maya, những đền đài chọc trời và những cung điện khảm vàng của họ chỉ còn là di tích đã bị rừng thẳm phủ dầy. Một cuộc cách mạng của những nông dân đói khát ắt hẳn đã đạp đổ ách bạo tàn, nhưng vì thiếu những phương tiện kĩ thuật, tất cả những kì công và những hiểu biết của tổ tiên quang vinh của họ không thể nào giải mã được. Diego de Landa cũng chẳng cần thiêu đốt những thủ bản và đập tan những ngẫu tượng: chúng đã ngưng tồn tại rồi.

Viết lại lịch sử luôn là một cám dỗ. Điều đó thỏa mãn cho tâm trí một kẻ viết tiểu thuyết như tôi, và điều đó cũng ích lợi cho việc đánh giá tính tương đối của văn hóa và văn minh – là sự đã dẫn Paul Valéry đến cái kết luận tỉnh mộng, ngay trước thế chiến 2: ‘Những nền văn minh khác như chúng ta nay biết rằng chúng ta là tử vong.’

Sự thật, dường như tôi không thể tưởng tượng ngày nay một thế giới không có sách. Tất nhiên hiện tồn tại những phương tiện khác để truyền đi kiến thức, bằng hình ảnh, bằng công nghệ thông tin. Có thể những phương tiện mới này một ngày nào đó sẽ thành công trong việc thế chỗ gần như hoàn toàn sự phát minh của Gutenberg. Nhưng cuốn sách là một vật thể gắn liền với văn hóa của con người, với mô thức của tinh thần con người cũng như mô thức của hai bàn tay con người – một dụng cụ, sánh được với những dụng cụ thiết yếu khác như cái búa, con dao, cây kim, chiếc ấm – cũng sánh được với những dụng cụ hoàn hảo khác như cây vĩ cầm, ống sáo ngậm miệng thổi, một nhạc khí gõ, cây bút lông và cái nghiên đá mài mực. Không thể nào quan niệm được một ngày kia cuốn sách sẽ là một vật bị thay thế bằng truyền thông ảo. Bởi tính chất cụ thể của nó, cuốn sách chính là dấu hiệu của thiên tài sáng tạo, của tia lửa kia truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó có thể là một cuốn sách luật, một cuốn sách nghệ thuật, một luận văn về cơ học, một bài dạy hóa học hay toán học. Nó có thể là một bài thơ như bài thơ của [thi sĩ Hàn Quốc] Yun Dong-ju (Doãn Đông-trụ) về ngôi sao, một truyện kể không mạch lạc và cũng phơi mở như Alice ở xứ kì diệu [của Lewis Carroll], một kiểu mẫu như sự bừng sáng của nhà đạo sĩ sufi [huyền học Hồi giáo] là Jallal el-Din Rumi, hoặc như những bài học can trường của Hoàng đế La Mã là Marcus Aurelius. Hoặc còn như cuốn sách của các sách là cuốn Kinh thánh mà ngày trước Gutenberg đã in, và đó là cuốn sách xuất bản đầu tiên tất cả trong lịch sử ấn hành.


Super Comic City ở Tokyo là một trong những trung tâm bán các truyện tranh nghiệp dư tự xuất bản.

Tất cả chúng ta phải lo về một thế giới thiếu vắng cuốn sách. Không có cái vật thể hình khối bình hành sáu mặt vừa chứa minh triết, vừa tiêu khiển, vừa nhiễu loạn này, có lẽ chúng ta sẽ thấy lại xuất hiện bóng ma của thần quyền và bạo chúa, con Mãng xà lẫy lừng kia – mà người Maya vốn gọi là loài rắn trên mây – ngốn ngấu trái tim của loài người.

Để chấm dứt sự tán dương ngắn ngủi này về cuốn sách, và bởi cơ hội nơi đây cho phép tôi bộc lộ về chủ đề xuất bản nói chung và về văn học nói riêng, tôi không muốn bỏ lỡ dịp may này để nói về những mối quan tâm của tôi.

Văn học – cũng như cuốn sách vật thể – không phải là sự sống sót cổ kính mà theo luật tất phải thay thế bằng những kĩ xảo của nghe nhìn, và đặc thù là điện ảnh. Văn học là một con đường phức hợp, khó khăn, nhưng tôi tin rằng ngày nay nó còn thiết yếu hơn cả so với thời của Byron hay Victor Hugo.

Có hai lí do cho sự thiết yếu này:

Trước hết, bởi vì văn học làm bằng ngôn ngữ. Đó là nghĩa đầu tiên của từ này: lettres tức văn, là cái được viết ra. Ở Pháp, từ roman [tiểu thuyết] chỉ những bản văn xuôi lần đầu tiên từ thời Trung cổ sử dụng ngôn ngữ mới mà mọi người nói, tức la langue romane [ngôn ngữ La Mã]. Từ novel [mới/tiểu thuyết] trong tiếng Anh cũng đến từ ý tưởng về sự mới mẻ này. Gần như cùng thời kì đó, ở nước Pháp người ta thôi không sử dụng từ rimeur [người gieo vần] (đến từ rime [vần]) để nói về các nhà thơ – mà dùng từ poète do động từ tiếng Hi Lạp là poiein tức sáng tạo. Nhà văn, nhà thơ, nhà tiểu thuyết là những người sáng tạo. Nói như thế không phải bảo rằng họ phát minh ra ngôn ngữ, mà là muốn nói họ sử dụng ngôn ngữ để sáng tạo cái đẹp, tư tưởng, hình ảnh. Vì vậy người ta không thể không cần tới họ. Ngôn ngữ là phát minh phi thường nhất của loài người, phát minh đi trước tất cả, dự phần tất cả. Không có ngôn ngữ, thì không có khoa học, không có kĩ thuật, không có luật lệ, không có nghệ thuật, không có tình ái. Nhưng phát minh này, thiếu sự góp phần của những người nói năng, hóa ra tiềm thế. Nó có thể thiếu máu, co thắt, biến mất. Những nhà văn, trong một mức độ nhất định, là những kẻ canh giữ ngôn ngữ. khi họ viết tiểu thuyết, làm thơ, soạn kịch, họ làm cho ngôn ngữ sống động. Không phải họ sử dụng từ ngữ, mà ngược lại ấy là họ phục vụ ngôn ngữ. Họ chúc mừng, mài sắc, biến cải ngôn ngữ, vì ngôn ngữ có sức sống nhờ họ, qua họ, và đi cùng những chuyển hóa xã hội hoặc kinh tế của thời đại họ.

Đã bênh vực sự sinh tồn của kẻ hàm hỗn và hơi cổ kính kia tức nhà văn, tôi xin được nói lí do thứ nhì của sự sinh tồn của văn học, bởi nó chạm tới nghề xuất bản nhiều hơn.

Ngày nay người ta nói nhiều đến sự toàn cầu hóa. Người ta quên rằng hiện tượng này đã bắt đầu ở châu Âu vào thời Phục hưng với sự khai mạc kỉ nguyên những cuộc hải hành lớn. Sự toàn cầu hóa tự thân không phải là một điều xấu. Sự toàn cầu hóa làm cho tiến bộ mau lẹ hơn, trong y học, hoặc trong các khoa học. Có thể sự tổng quát hóa về thông tin làm cho những tranh chấp khó khăn hơn. Nếu lúc trước đã có mạng lưới trời Internet, có thể làm cho Hitler không thành công trong âm mưu chiếm đoạt quyền bính ở nước Đức – sự lố lăng có lẽ đã ngăn không cho cả sự nảy sinh âm mưu đó.

Văn hóa ở kích thước toàn cầu là việc chung của tất cả chúng ta. Nhưng trên hết nó là trách nhiệm của người đọc, nghĩa là trách nhiệm của những người xuất bản. Đúng là bất công khi nữ sĩ Rita Mestokosho, là người Da đỏ dân tộc Inu của vùng Đại Bắc phương Canada, để được người ta lắng nghe, lại phải viết bằng ngôn ngữ của những kẻ chinh phục – bằng tiếng Pháp. Cũng là bất công mà nữ sĩ Dewe Gorodé của sắc tộc Kanak ở Tân Calédonie, trong sự kiếm tìm tự do cho dân tộc mình, lại phải sử dụng ngôn ngữ của quốc gia đã cầm tù bà và từ chối quyền độc lập cho dân tộc bà. Và đúng là sẽ ảo tưởng nếu tin rằng một nhà thơ như Richard Sedley Assone của đảo Maurice, sử dụng tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ Créole, lại đạt được sự lắng tai của mọi người ngang với việc ông viết bằng một trong năm  hoặc sáu ngôn ngữ ngày nay đang ngự trị như những vị chủ tuyệt đối trên các phương tiện truyền thông.

Nhưng nếu, nhờ sự dịch thuật, thế giới có thể lắng nghe họ, có một điều gì mới mẻ và lạc quan đang sản sinh. Hàn Quốc là xứ sở được miễn trừ mọi hồ nghi về chủ nghĩa đế quốc văn hóa, cho ta một thí dụ đáng kể về sự đổi mới dạng này. Không phải là tình cờ mà cuộc hội ngộ quốc tế về xuất bản này hôm nay lại diễn ra ở Hàn quốc, một trong những xứ sở xuất bản nhiều nhất trên thế giới những bản dịch về văn học nước ngoài.

Văn hóa, tôi xin nói, là tài sản chung của chúng ta, chung cho toàn thể loài người. Nhưng để điều đó trở thành sự thật, cần phải sao cho mỗi người được trao cho những phương tiện như nhau để tiếp cận văn hóa. Để làm điều đó, cuốn sách, dù cổ kính đến đâu, vẫn là công cụ lí tưởng. Nó thực tiễn, dễ vận dụng, kinh tế. Nó không đòi hỏi kĩ xảo đặc thù nào về kĩ thuật học, và có thể bảo trì dưới mọi khí hậu. Khuyết điểm duy nhất của nó –  và đó là điều tôi xin đạo đạt cách riêng tới quý vị, những bằng hữu trong ngành xuất bản – là còn khó khăn trong việc tiếp cận đối với nhiều xứ sở. Ở đảo Maurice (là xứ bé tí mà tôi am tường) giá một cuốn tiểu thuyết hoặc một luận văn khoa học tương ứng với một phần quan trọng trong ngân quỹ chi tiêu hàng tháng của một gia đình. Ở châu Phi, ở Đông Nam Á, ở Mexico, ở châu Đại dương, cuốn sách còn là một vật xa xỉ không thể đạt tới. Điều tệ này không phải không có thuốc chữa trị. Sự đồng xuất bản với những nước đang phát triển, sự tạo dựng những quỹ cho các thư viện cho mượn sách hay những xe thư viện lưu động, và một cách tổng quát, sự chú tâm gia tăng đến những đòi hỏi và những văn tự trong những ngôn ngữ gọi là thiểu số – lắm khi lại là đa số về số lượng – cho phép cuốn sách tiếp tục là phương tiện kì diệu kia để ta tự tìm hiểu, để khám phá người khác, để lắng nghe bản hòa tấu của loài người trong tất cả sự phong phú của các chủ đề và các biến điệu của khúc nhạc này – như thế chắc hẳn chúng ta có thể tự phòng ngừa trước sự phản hồi của loài Mãng xà.

Nguyễn Tiến Văn dịch

———————–

*Bài phát biểu tại Seoul tháng 4-2008 trong Hội nghị các nhà xuất bản thế giới

Đầu để do Tòa soạn đặt

** Nhà văn Pháp, giải Nobel Văn học 2008

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)