Sài Gòn cuối Chạp sang Giêng

Thành phố rộng lớn gần mười triệu dân luôn ngập tràn sức sống, vậy nhưng trong những ngày tháng giêng ẩn hiện đâu đó trên những con đường một nỗi niềm chia ly của người từ đây ra đi và người từ các vùng miền khác đổ vào thành phố.


Chợ hoa Hồ Thị Kỷ, tranh màu nước của họa sĩ Jean-marc Potlet.

Ngày giáp tết

 

Tháng chạp, đi trên những con đường Sài Gòn xào xạc gió chướng, tự nhủ: Gần Tết rồi! Sài Gòn quanh năm nắng và gió. Vậy nhưng thoáng chuyển mùa vẫn hiện diện đây đó, kín đáo mà đầy quyến rũ!

Mỗi sớm mai khi bước chân ra đường phố chợt nhận ra mùa lá rụng đang về. Những chiếc lá bình thản nép vào lề đường hay thong thả giỡn chơi trên vỉa hè khập khiễng từng viên gạch, bầy lá vàng ung dung ngả mình trên thàm cỏ xanh trong công viên. Sài Gòn dường như suốt đêm không ngủ mà sáng nay vẫn tinh khôi màu lá xanh, dịu dàng màu lá vàng. Người lướt qua đường dường như thấm đẫm hương thơm ẩm ướt của sương sớm và tiết trời  se lạnh…

Mỗi buổi trưa những chùm hoa bò cạp nước vàng tươi buông mình rực rỡ trong vòm lá xanh ở công viên Gia Định. Sao loài hoa có sắc màu tươi đẹp lại có cái tên nghe chẳng thơ mộng chút nào? Từng chùm hoa thả dài như những chiếc đèn lồng bằng lụa vàng sang trọng, như thu hết ánh sáng Mặt trời ấm áp, thắp sáng cả vòm cây, sáng cả một góc trời… Trời Sài Gòn rạo rực một màu xanh làm mềm cả cái gay gắt nắng trưa tháng chạp, để rồi xế chiều nền trời như được phủ một vòm lụa vàng dịu mát.

Trên lề đường Trương Định từ nhiều năm nay, cứ đến khoảng thời gian này là xuất hiện mấy ông đồ trẻ tuổi quần jeans áo thun với mực tàu bút lông, cũng giấy điều giấy dó, ngồi đó viết những bức thư pháp bằng chữ Hán, cả thư pháp chữ Việt nữa. Người đến “xin chữ” bây giờ ít xin câu đối mà thường xin những chữ tỏ lòng mong ước hay là điều mình tâm niệm, như chữ Phúc chữ Lộc, chữ Tâm chữ Nhẫn… Cuộc sống đô thị vội vã gấp gáp, chữ nghĩa cũng theo đó ngắn gọn, dễ hiểu. Người cho và người xin chữ đều mong muốn trong năm mới sẽ nhận được những điều tốt lành qua ý nghĩa và giá trị tinh thần của những con chữ.

Hoàng hôn buông xuống, thành phố lên đèn, đường phố đông đúc người lẫn khói xe. Sau một ngày vất vả mưu sinh dòng người lại như kiến tìm về tổ. Từ sau rằm tháng chạp người tứ xứ làm ăn ở Sài Gòn chuẩn bị trở về bên gia đình. Những ngày giáp tết người Sài Gòn, người miền Tây cũng nhộn nhịp chờ đón những người thân sinh sống ở nơi nào đó trên thế giới… Dù là ai thì cũng muốn đắm mình vào không khí Tết ở quê nhà dù chỉ vài ngày ngắn ngủi.

 

Ba ngày tết

 

Mặc dù không khí bận rộn nhộn nhịp ngay từ đầu tháng chạp, nhất là từ ngày 23 cúng Ông Táo về Trời, nhưng ở các đô thị thời gian tâm linh của Tết thật sự chỉ trong mấy ngày.

Như lệ thường, ngày 30 (ba mươi chưa phải là tết, ông bà xưa nói vậy) mọi gia đình đều sắp đặt mâm cơm cúng đón ông bà về hưởng Tết cùng con cháu. Vẫn là những món ăn quen thuộc nhưng được người bà, người mẹ, người chị chăm chút: nồi thịt kho tàu kho bằng nước dừa, hột vịt và từng miếng thịt màu nâu vàng, mỡ trong veo mềm rục, này đĩa thịt đầu heo ngâm dấm trộn vài cọng dưa rau muống xanh điểm lát tỏi trắng lát ớt đỏ sợi gừng vàng, dưa góp củ cải cà rốt mặn ngọt thơm thơm, chả giò chiên và rau sống, tô canh khổ qua hầm thịt, tô canh măng tươi hầm chân giò… Tất nhiên không thể thiếu đĩa bánh tét từng khoanh và những món đồ nguội như giò chả, nem, bì…

Giao thừa cúng đất trời cầu mong mọi điều tốt lành may mắn. Mâm cúng đặt ngoài sân có nhang nến trái cây bánh mứt, không thể thiếu bình bông vạn thọ và trái dừa tươi. Khi trên TV vang lên tiếng hò reo cùng từng chùm pháo bông rực rỡ cũng là lúc trong từng ngôi nhà khói nhang thơm lan ra trong đêm, ngoài sân lấp lóe ngọn nến ấm áp đánh dấu giây phút đất trời chuyển mình giao hòa cũ mới. Đó chỉ là một khoảnh khắc trong vô tận, nhưng dường như trong giây phút khi năm cũ chấm dứt và bắt đầu năm mới, mọi điều phiền muộn đã qua bỗng trở nên nhẹ nhõm, hư không. Những người thân yêu nhớ đến nhau, cần có nhau, ước ao cùng nhau gắn bó… cảm giác trống trải lạ lùng nhưng bồi hồi, dễ chịu.

Ngày mùng Một tết các gia đình thường cùng nhau chúc thọ ông bà, cha mẹ, mừng tuổi các con, lên chùa lễ Phật. Hai ngày này thật thiêng liêng, là thời gian sum họp gia đình có tổ tiên ông bà về với con cháu. Mùng hai mùng ba Tết dành cho bà con hai bên nội ngoại, thăm viếng thầy cô, bạn bè thân thiết… Ngày mùng ba là ngày tiễn đưa ông bà, mâm cơm cúng không thể thiếu món “tam sên” gồm một miếng thịt ba chỉ, hai hột vịt và ba con tôm càng xanh, đĩa cá kho và tô canh chua cá lóc, rau củ xào thịt bò nấm hương cần tây… Vẫn biết trước cúng sau ăn, nhưng bữa cơm đông đủ cả nhà lại có ông bà về chứng kiến chắc chắn là bữa cơm ngon nhất trong năm!

“Ba ngày tết” ngắn ngủi nhưng như cơn mưa rào mùa hạ, mang lại cho mọi người sự tĩnh tâm và bình an để chuẩn bị đón nhận mọi điều sẽ đến trong năm mới…

 

Hết Tết

 

Sau những ngày Sài Gòn vắng vẻ yên tĩnh, mùng bốn mùng năm Tết đường phố trở lại nhịp sống đông đúc hối hả như ngày thường. Theo tục lệ ông bà mùng bảy Tết là ngày hạ nêu, nhưng giờ đây không cây nêu cũng không cung tên không vôi bột… cũng không còn nơi nào làm lễ Dựng nêu và Hạ nêu. Ngay cả khái niệm “cây nêu” hình như cũng đang trôi vào quên lãng. Bao nhiêu tập tục đã biến mất trong đời sống xã hội “hiện đại hóa” từng ngày. Nhiều thứ hiện diện trong câu đối Tết xưa đã mất và sắp mất, chắc chỉ còn những người lớn tuổi nhớ đến:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Sắc đỏ của câu đối tết trong mỗi gia đình rất hiếm, còn chăng chỉ có ở đình chùa hay thấp thoáng trong khu phố người Hoa. Tiếng pháo báo hiệu giao thừa hay mở đầu ngày mùng Một Tết cũng đã im ắng từ lâu rồi. Giò chả các loại, bánh chưng bánh tét không còn là “đặc sản” ngày Tết. Bước chân ra đường ở đâu cũng có thể tìm thấy nơi bán bánh chưng bánh tét bánh dày giò chả… Bây giờ, bất cứ ngày nào vào một quán cơm bụi hay quán cơm trưa văn phòng cũng có thể ăn thịt (nấu) đông giữa Sài Gòn nắng như đổ lửa, không cần phải có cái giá lạnh của mùa đông miền Bắc. Dưa hành, hành muối bán trong siêu thị quanh năm, luôn có ở các “cửa hàng thực phẩm Hà Nội”. Thức ăn ngày thường chẳng khác ngày Tết bao nhiêu, vị ngon đặc biệt của các món ngày Tết theo đó cũng mất dần, chỉ còn lại trong ký ức…

Những ngày nghỉ Tết trôi qua rất nhanh. Người từ nhiều tỉnh thành lại đến các thành phố lớn, ai cũng mang theo chút quà đặc sản hương vị tết quê nhà. Sài Gòn lại đón những người tứ xứ, lần lượt tiễn đưa người về Sài Gòn ăn tết. Thành phố rộng lớn gần mười triệu dân luôn ngập tràn sức sống, vậy nhưng trong những ngày tháng giêng ẩn hiện đâu đó trên những con đường một nỗi niềm chia ly của người từ đây ra đi và người từ các vùng miền khác đổ vào thành phố. □

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)