Sài Gòn, thời của những biểu tượng thất truyền

Chỉ 15 năm, như chớp mắt, hàng loạt các công trình hiện đại đã hùng hổ đẩy những biểu tượng cũ của Sài Gòn đi sâu vào trong quá khứ, biến chúng thành những tiểu cảnh.

Được “mọc” trên một vị trí đẹp bên sông Sài Gòn, nằm ở điểm mạnh trên bố cục trung tâm, như xác định ban đầu, tòa tháp Bitexco Financial sẽ là một trong những cao ốc hàng đầu của thành phố, nhưng mục tiêu chính không chỉ là cạnh tranh về độ cao, mà cạnh tranh về tính biểu tượng. “Cạnh tranh về độ cao không có ý nghĩa gì cả bởi bất cứ độ cao nào cũng có thể bị vượt qua một cách dễ dàng,” ông Carlos Zapata, kiến trúc sư dự án nói vào năm 2005, khi tòa nhà vẫn còn nằm trên bản vẽ. Tham vọng về việc kiến tạo và xác lập một biểu tượng mới, hướng đến tính trường cửu gắn với hình ảnh thành phố là có thật. Và búp sen mảnh mai cho đến lúc này đã làm được chuyện đó, cho dù đôi khi vẫn có người nghĩ rằng nó gợi liên tưởng về một ngón tay chỉ lên trời hay một con rắn đang lè lưỡi mắc nghẹn vì nuốt phải một con mồi quá cỡ. Nhưng xét cho cùng, tính nhận diện của nó không thể phủ định, khuynh hướng sáng tạo kiến trúc công bằng mà nói, cũng chẳng có gì quá đáng để phải than phiền hay giễu nhại.

Trong tương lai, Sài Gòn sẽ có nhiều công trình hãnh tiến công năng và sức chứa nhưng chẳng chút đoái hoài về tính biểu tượng hay thẩm mỹ. Điều đó liệu sẽ ảnh hưởng đến số phận của những công trình từng là biểu tượng cũ hay di sản?

Có chứ. Phố xá rồi đây sẽ phẳng phiu hơn và hào nhoáng hơn nhưng chẳng còn gợi mở chút nào về chiều sâu quá khứ, khi biến những gì thuộc về di sản trở thành món đồ chơi, rồi chờ đợi một ngày không xa sẽ biến thành đống xà bần rẻ tiền như bao nhiêu “việc đã rồi” khác đang diễn ra.

Một sáng ngồi từ lầu 13 của tòa nhà Diamond Plaza ngay quận 1 và nhìn xuống nhà thờ Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn, khó tránh cảm giác thảng thốt khi thấy hai tháp chuông chiều cao chưa đến 60m với nét kiến trúc thánh đường cổ kính ngay giữa trung tâm dường như bị nghẹt giữa muôn trùng vây của bốn bề là những mái building lộn xộn về phong cách (nhiều thứ chưa phải là phong cách hoặc chẳng theo phong cách nào cả!). Một cảm nhận tương tự với Nhà hát Thành phố khi ta đứng nhìn nét kiều diễm sang trọng của nó – thánh đường tinh thần của một thành phố tuổi đời hơn ba trăm năm – từ sân thượng Continental, hay nhìn xuống chợ Bến Thành từ tầng 20 của Saigon Center.

Tự hỏi, điều gì đang xảy ra?

Những ta thán cho hàng cổ thụ già trước Nhà hát bị dọn sạch để phục vụ việc xây dựng nhà ga metro trung tâm hay số phận tới nay hãy còn đòng đưa của Thương xá Tax, màu sơn đậm hay nhạt của tòa nhà Bưu điện Sài Gòn, cho cùng, là những tiếng kêu đau điển hình của ký ức thị dân trước cuộc bãi bể nương dâu nhân danh hiện đại hóa đang diễn ra trước mắt, từng ngày, từng giờ nơi thành phố này.

Trong khi giới nghiên cứu, khảo cứu đang mải mê đi sao lục sách vở để ôn cố một cách công chức mẫn cán và thoát đời, trong khi báo chí đang nháo nhác gào thét vô phương, thiếu quy chiếu, trong lúc những văn nhân đang mải mê thêu vẽ mộng diễm tình lên những trang văn về Sài Gòn liêu phiêu phải đạo, thì những thực tế bẽ bàng được thiết kế bởi quyền lực cứ diễn ra, những “chuyện đã rồi” cứ sầm sập tới.

Sự thất truyền của hệ thống biểu tượng cũ diễn ra nhanh chóng hơn chúng ta tưởng. Có khi nhanh hơn cả nhịp rơi của một giọt cà phê rời đáy phin. Chúng diễn ra không nhất thiết trong âm vang của búa nện và máy xúc để biến vàng son thành ra đất đá, mà có khi chỉ cần vài thao tác phù phép cảnh trí, vài biểu hiện hãnh tiến nông cạn trên bản đồ quy hoạch, thay đổi bối cảnh địa mạo đô thị, thì lập tức, những gì từng làm nên linh hồn của nơi chốn sẽ chết lâm sàng. Ngay chốc lát.

Văn hóa TP Hồ Chí Minh muốn giàu có, mạnh khỏe để phát triển, không cách nào khác, phải tiếp nối và chuyên chở trên nền tảng những giá trị ký ức – hệ giá trị Sài Gòn – đã được mã hóa qua những không – thời gian và cô đọng nơi các biểu tượng. Đó là những thứ góp phần làm gắn kết tâm thức thị dân trong nhịp đập của một thành phố. 

Nhưng trong cuộc bảo vệ đến cùng những di sản có tính biểu tượng đô thị Sài Gòn, dĩ nhiên cần những động thái trực tiếp từ giới trí thức, những tổ chức dân sự chuyên môn, những nhà nghiên cứu. Vì tất cả phải được chuẩn bị từ nền tảng hồ sơ tư liệu, những dữ liệu chi tiết về văn hóa, lịch sử các công trình, nhất là tính khoa học và thuyết phục của các lập luận về biểu tượng trong tương quan với đô thị qua các thời kỳ. Sức đẩy của truyền thông báo chí trực tiếp là quan trọng, nhưng cần nhiều hơn nữa sức nặng của những thông điệp từ một hệ thống dữ liệu nghiên cứu bài bản, đủ sức khiến cho những chiếc máy xúc vô cảm phải ngưng lại khi những kẻ điều khiển chúng phải nhận biết rằng, làm vỡ một viên gạch trong một di sản biểu tượng chẳng khác nào tự cứa vào mạch máu trên cổ tay mình. Ngoài ra, cũng cần cho họ biết rằng, đâu là những thứ thuộc về thói quen cảm xúc nệ cổ mù quáng, để những dấu vết của cái ấu trĩ trong quá khứ cần được dọn sạch, mở đường cho sự sáng tạo nên những giá trị biểu tượng mới ở thì tương lai.

Nói một cách làm dáng và cũ rích, cuộc sống vẫn đang đổi thay từng ngày. Một TP Hồ Chí Minh – mega city (đại đô thị) trong tương lai được các nhà quy hoạch vẽ ra viễn cảnh sẽ là đa trung tâm, đa vệ tinh… và tất yếu, phải đa… hiện đại nữa. Cũng rất làm dáng và cũ rích, để nói với nhau rằng, có hiện đại nào không đổ máu ký ức, nhưng nếu cứ tổn thương mãi, thì chẳng ai sống nổi với tình trạng triền miên mất máu, trong khi đó những thứ được tiếp vào cơ thể lại dư lượng hồng cầu mà thiếu hụt bạch cầu văn hóa cần thiết để có thể đem lại nguồn kháng thể cho một thể trạng khỏe mạnh.

Văn hóa TP Hồ Chí Minh muốn giàu có, mạnh khỏe để phát triển, không cách nào khác, phải tiếp nối và chuyên chở trên nền tảng những giá trị ký ức – hệ giá trị Sài Gòn – đã được mã hóa qua những không – thời gian và cô đọng nơi các biểu tượng. Đó là những thứ góp phần làm gắn kết tâm thức thị dân trong nhịp đập của một thành phố.

Đừng để hệ lụy những đứt gãy nhất thời trong hình thái xã hội khiến cho mã gene, phẩm chất đô thị Sài Gòn mai một và thất truyền.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)