Samizdat, từ bao giờ và như thế nào?

Cùng với những từ tiếng Nga khác như Perestroika (cải tổ), Glasnost (công khai), Samizdat (tự xuất bản) đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Nhiều tác phẩm lớn của B. Pasternak, A. Solzhenitsyn, M.Bulgakov, O. Mandelshtam,… đều ra đời lần đầu bằng hình thức xuất bản này. Nhưng Samizdat không chỉ giới hạn ở các tác phẩm văn học, mà còn mở rộng ra những công trình nghiên cứu về kinh tế, chính trị, triết học, tạo ra ảnh hưởng không nhỏ.

Người ta vẫn hiểu nôm na rằng, sami (tự) – zdat (xuất bản) – là các tác giả tự xuất bản tác phẩm của mình, mà hầu hết là những tác phẩm bị cấm hoặc có những nội dung không phù hợp với những tiêu chí chính trị, xã hội và cả thẩm mỹ mà các cơ quan hữu trách đã đặt ra.

Thế nhưng, theo Aleksandr Daniel – nhà nghiên cứu lịch sử văn học Nga, Samizdat là thuật ngữ ám chỉ phương cách tồn tại của tác phẩm/ấn phẩm chứ không phải nội dung của nó. Theo ông, đó là cách thức tồn tại của những văn bản chưa được qua kiểm duyệt nhà nước và lượng bản lưu hành trong dân chúng không thuộc quyền hoặc vượt quyền kiểm soát của tác giả. Nhiều trường hợp, có những tác phẩm được xuất bản chính thống sau một thời gian lại trở thành đối tượng của Samizdat, được đưa đến tay người đọc bằng cách chép tay, đánh máy từ bản gốc như rất nhiều truyện ngắn của Solzhenitsyn. Ngược lại, có những tác phẩm Samizdat về sau lại là cơ sở làm nên những ấn phẩm qua kiểm duyệt như bản dịch tiếng Nga của tiểu thuyết “Chuông nguyện hồn ai” (Hemingway).

Nếu hiểu với nghĩa “phương cách tồn tại” của văn bản thì có thể nói, Samizdat đã xuất hiện từ lâu lắm rồi, chỉ có chưa ai gọi phương cách ấy bằng cái tên này mà thôi. Từ những thế kỷ trước, ở nước Nga, người ta đã biết đến hình thức xuất bản tự lực thế này, truyền tay nhau những ấn phẩm không được in ấn chính thức. Chẳng phải bài thơ nổi tiếng “Cái chết của nhà thơ” mà Lermontov viết sau ngày mất của Pushkin đã được lưu truyền trong dân chúng qua hàng vạn bản chép tay ngay trong năm 1837 đấy sao?

Rất nhiều ấn phẩm khác cũng tìm cách để đến được với độc giả trước khi ra mắt một cách toàn vẹn, đầy đủ và chính thức.

Từ những tập thơ tự đánh máy và dập ghim…

Samizdat chỉ được coi như một thuật ngữ xã hội với ý nghĩa “tự xuất bản văn chương của mình” vào những năm 40 của thế kỷ trước, do nhà thơ Nikolai Glazkov (1919-1979) sử dụng khi ông trân trọng đề từ này trên trang bìa những tập thơ tự đánh máy tự dập ghim của mình. Thơ và truyện của nhà thơ người Moscow ấy chưa từng được in ấn khi ông còn sống. Chính vì thế, ông phải nghĩ ra một cách “xuất bản” riêng – Samizdat, để tặng bạn bè, người thân và những người yêu thích thơ mình. Các đồng nghiệp hoan nghênh ông và nhiều người bắt đầu làm theo.

Từ cuối những năm 50, Samizdat không chỉ là cơ chế hợp lý để phổ biến những văn bản bị cấm hoặc bị kiểm duyệt. Samizdat trở thành công cụ của “nền văn hóa thứ hai” – nghĩa là một tầng văn hóa bất chấp kiểm duyệt. Ở đây – văn bản không được trình kiểm duyệt chứ không phải là văn bản bị cắt cúp hoặc bị loại sau khi kiểm duyệt. Các nhà văn, nhà thơ rất thú vị với hình thức này.

Cũng theo Aleksandr Daniel, người mở đầu triệt để cho phong trào này là một nhà báo của tờ “Đoàn viên thanh niên cộng sản Moscow” Aleksandr Ginzburg. Anh đứng ra đánh máy cả một tập thơ nhiều tác giả, những thi phẩm chưa được thông qua kiểm duyệt và cũng chưa ai nghĩ đưa ra xin giấy phép xuất bản. Thế là hình thành một hình thức tự xuất bản đúng nghĩa. Ginzburg sau này còn làm thêm được ba ấn phẩm như thế trước khi bị buộc phải ngừng hoạt động. Thời đó, mỗi một ấn phẩm đánh máy thường chỉ có từ một đến tám hoặc cùng lắm là 12 ấn bản.

… đến một phong trào lớn

Máy photocopy xuất hiện vào cuối những năm 70, và lúc đó bắt đầu một thời kỳ mới của Samizdat. Tuy nhiên, việc “thị trường hóa” các ấn phẩm Samizdat chỉ được nói đến vào cuối những năm 80.

Rất nhiều tác phẩm có giá trị được ra đời ở Nga lần đầu bằng hình thức Samizdat: “Bác sĩ Zhivago” của B. Pasternak; “Quần đảo GULAG”, “Trại ung thư”, “Tầng đầu địa ngục” của A. Solzhenitsyn; “Cuộc đời và những cuộc phiêu lưu của anh lính Ivan Chonkin” của V. Voinovich; “Ngôi nhà hoang” của L.Chukhovskaya; “Nghệ nhân và Margarita” của M.Bulgakov; thơ của I. Brodsky, O. Mandelshtam, A. Galich; nhiều ấn phẩm khác của các tác giả M. Svetaeva, A.Belyi, A. Akhmatova, Daniil Kharms… Những tác giả này về sau, đặc biệt là từ sau Perestroika, đều được xuất bản chính thống và được vinh danh một cách xứng đáng. Chẳng hạn, như A. Solzhenitsyn được tặng Giải thưởng Nhà nước vì những đóng góp xuất sắc cho hoạt động nhân đạo và Tổng thống Putin đã đến tận nhà riêng của ông ở ngoại ô Moscow để trao giải, đồng thời ca ngợi ông là người “dâng hiến cả cuộc đời cho nước Nga”.

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, nhà nghiên cứu Aleksandr Daniel kể một câu chuyện khá thú vị về trường hợp của nhà thơ L.N. Gumiliov (chồng cũ của nữ sĩ Akhmatova). Đầu những năm 70, Gumiliov là một trong những tác giả rất “hot” và luôn được xuất bản, thậm chí không bị cắt cúp lấy một dấu chấm. Thế nhưng, tác phẩm chính của ông là “Khởi nguyên nhân chủng học hệ sinh thái Trái đất” lại không được in. Bấy giờ, nhà thơ đưa tác phẩm đi “tự xuất bản” nhưng không phát tán mà khôn khéo gửi cho ban lưu trữ Viện Thông tin khoa học kỹ thuật Toàn Nga, như một bản thảo lưu trữ. Theo luật thì bản thảo này có thể được mượn để copy nếu trả tiền. Ngày đó, mỗi lần xin một bản copy của tác phẩm này, người đọc phải trả 30 Rúp, là một số tiền rất lớn. Như vậy, lưu trữ bản thảo trong Viện Thông tin khoa học và kỹ thuật toàn Nga hóa ra cũng là một phương cách Samizdat.

Ngoài ra, người ta dùng thuật ngữ Samizdat cho cả những tác phẩm âm nhạc được tự thu tự phát trong dân hoặc những bài thơ được ngâm và thu băng catssette của Galich, Vysotsky, Okudzhavy – những tác giả, vì nhiều lý do khó hiểu hoặc thậm chí không vì lý do gì đã không được nhà nước xuất bản tác phẩm trong một thời gian dài. Vysotsky là một ví dụ. Sinh thời, người nghệ sĩ “của toàn dân” này chưa từng được in ấn xuất bản một tác phẩm nào, nhưng khắp nơi người ta vẫn đọc anh, hát anh, đương nhiên, qua hình thức “tự xuất bản”. Những ấn phẩm thơ và âm nhạc của Vysotsky chỉ được xuất bản chính thống sau khi anh đã nằm xuống, bấy giờ thậm chí còn đoạt nhiều giải thưởng.

Samizdat phát triển rộng rãi vào những năm 70, và đương nhiên không chỉ giới hạn ở các tác phẩm văn học hay âm nhạc. Theo thông tin của KGB, trong khoảng từ 1965 đến 1970, có hơn 400 công trình nghiên cứu, bài viết về kinh tế, chính trị, triết học được in ấn theo hình thức Samizdat, có ảnh hưởng không nhỏ tới người đọc, tạo nhiều phản biện xã hội đối với các chính sách đối nội và đối ngoại của nhà nước.

Tuy vậy, cũng chớ đánh đồng Samizdat với hoạt động của những người chống đối nhà nước. Nhiều tác phẩm văn học được các tác giả lựa chọn xuất bản theo phương thức này đôi khi chỉ vì lượng in ấn ít, không muốn chờ đợi thời gian duyệt bản thảo, hay cả những vấn đề khúc mắc về mặt nghệ thuật nữa. Nhiều kiệt tác kinh điển lâu không được tái bản, cũng được dân chúng đón nhận thông qua Samizdat bằng những chiếc máy chữ cũ kỹ hoặc, thậm chí, chép tay. Thơ Svetaeva, Mandelshtam, Gumiliov đã đến với bạn đọc bằng cách đó… Cũng chính vì thế mà thời ấy, thuật ngữ Samizdat được dùng thông dụng và thân thuộc đến nỗi người ta hay kể câu chuyện tiếu lâm như thế này: “Bà kỳ cạch đánh máy tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” của Tolstoy cho cháu, và cháu của bà chẳng đọc gì ngoài các tác phẩm Samizdat kiểu ấy”. Một chi tiết hài hước nữa là, theo nhà nghiên cứu vodka Aleksandr Nikishin, trong thời kỳ Liên Xô đấu tranh với nạn uống rượu và say xỉn thì Samizdat là từ lóng để người ta nhắc đến việc nấu rượu lậu!

Cho đến khi phong trào Samizdat đã được phổ biến rộng rãi thì những tạp chí Samizdat ra đời. Ngoài một vài ấn phẩm văn học, nổi nhất và được chờ đón nhất là những tạp chí về nhạc Rock như tạp chí “Roxy”, “Ukho” (Cái tai), “Zerkalo” (Tấm gương)… được đánh máy và phát hành rộng rãi. Những ấn phẩm tương tự được bán khắp nơi, đặc biệt là trên các chuyến tàu xa và được đón nhận nồng nhiệt!

Trong tiểu thuyết tự truyện “Và gió đã lại về…”, nhà thơ Vladimir Bukovsky định nghĩa về Samizdat thế này: “Tôi tự sáng tác, tự biên tập, tự kiểm duyệt, tự xuất bản, tự phát hành và tự… trả giá cho những việc này”. Quả vậy, ban đầu, một thời gian dài nhà nước theo dõi khá sát sao những hoạt động của Samizdat. Tài liệu lưu trữ về những vụ việc này nằm chất đống trong hồ sơ của KGB. Những người phát tán các tác phẩm Samizdat có thể bị buộc tội không chỉ vì nội dung ấn phẩm chưa qua kiểm duyệt mà còn vì “sự lạm dụng tài sản xã hội chủ nghĩa” – những giấy, những mực phục vụ việc tự xuất bản này. Cho đến cuối những năm 80 thì người ta gần như không còn quan tâm nhiều nữa. Các hoạt động phát hành, phân phối ấn phẩm gần như được công khai, gửi cả qua bưu điện đến cho người có nhu cầu. Đầu những năm 90, Samizdat đã tiến đến bước phát triển mới – là các ấn phẩm được in ấn chứ không phải đánh máy, photocopy hay chép tay nữa.

Theo Aleksandr Daniel, hiện giờ, trên thế giới có ba nơi lưu trữ các hồ sơ Samizdat thời Xô Viết lớn nhất. Đó là Đài Tự do tại Đại học Tổng hợp Trung Âu ở Budapest (Hungary), Trung tâm Memorial (Tưởng niệm) ở Nga, và Viện Nghiên cứu Đông Âu tại Đại học Bremen (Đức).

Và Samizdat thời @

Thời bây giờ, hình thức tự xuất bản Samizdat ấy có lẽ chính là thông qua Internet, cái mà vẫn được gọi nôm na là “văn học mạng”. Các tạp chí online được cập nhật thường xuyên và hỗ trợ thông tin cho bạn đọc rất kịp thời, đầy đủ, khoa học. Các tác phẩm chỉ cần được một nhóm điều hành viên, cũng là những người viết kiểm duyệt theo những tiêu chí riêng của website. Và đây cũng là một trong những xu hướng xuất bản toàn cầu – xuất bản online trước khi đến với xuất bản sách giấy. 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)