Sân chơi của Chúa: Lịch sử Ba Lan*

Giống như tất cả sách lịch sử khác, quyển sách này được soạn thảo qua đầu óc lệch lạc của người viết sử, vốn do thói tật cố hữu đã chọn lọc ra một số thông tin có hạn từ vô số chi tiết thực tế trong quá khứ. Quyển sách trình bày một cách chân thật thực tế ấy giống như một tấm ảnh hai chiều do ống kính máy ảnh chụp thế giới ba chiều. Cũng giống như máy ảnh, người viết sử vẫn luôn lệch lạc.

Viết về lịch sử một đất nước của người khác chắc chắn là việc làm vô cùng phóng túng. Các học giả chuyên nghiệp thường ngại bàn về những giai đoạn trong quá khứ của đất nước họ, thế nên dường như chỉ có lớp người trẻ ngông cuồng mới dám công bố ý nghĩ của mình về thiên niên kỷ của người khác. Khi nhận ra đấy là công việc đầy phức tạp thì nhiều người có năng lực cao nhất lại không muốn làm. Vì thế mà một người Anh dám viết Lịch sử Ba Lan hẳn phải biết rằng có nhiều học giả người Ba Lan có kiến thức về đề tài này sâu rộng hơn mình. Cùng lúc, nhờ không mang gánh nặng vì kiến thức và cũng nhờ không ở trong hoàn cảnh chính trị ngáng trở việc trình bày quan điểm độc lập, người viết sử vẫn mong đóng góp những khía nhìn và nhận thức về chân giá trị. Nhà viết sử dựa trên thói kiên cường chứ không hẳn tính khiêm tốn.

Công trình nghiên cứu này không phát xuất từ ý thức hệ cá biệt nào cả. Dĩ nhiên là không thể cho rằng công trình này có tính khách quan, bởi vì lúc nào cũng khó đạt mức khách quan. Giống như tất cả sách lịch sử khác, quyển sách này được soạn thảo qua đầu óc lệch lạc của người viết sử, vốn do thói tật cố hữu đã chọn lọc ra một số thông tin có hạn từ vô số chi tiết thực tế trong quá khứ. Quyển sách trình bày một cách chân thật thực tế ấy giống như một tấm ảnh hai chiều do ống kính máy ảnh chụp thế giới ba chiều. Cũng giống như máy ảnh, người viết sử vẫn luôn lệch lạc. Người viết sử không thể kể lại toàn bộ sự thật. Tất cả những gì ông ta làm được là nhận ra những biến dạng đặc thù mà công trình của mình không tránh khỏi va vấp, và tránh trau chuốt hoặc cắt xén để rồi khiến cho công trình trở nên thô thiển hơn. Giống như nhà nhiếp ảnh có thể tạo ra hiệu ứng của những kính lọc trên tấm ảnh của mình, người viết sử có thể đưa ra những suy luận khác nhau có tầm mức ngang nhau về các đề tài gây tranh cãi, và tránh cách suy xét độc đoán. Theo cách này, ông ta có thể hy vọng rằng nếu chưa được khách quan, thì ít nhất mình cũng không thiên vị.

Theo khía cạnh ấy, cần nêu ra cảm nghĩ cá nhân của người viết sử về lịch sử. Hai luồng ảnh hưởng có xu hướng lôi kéo tác giả theo hai hướng đối nghịch. Thời gian theo học Đại học Jagielloński ở Kraków, nơi sinh viên phải đọc sách báo có tính chất ý thức hệ đặc thù để chuẩn bị cho các kỳ sát hạch lấy bằng tiến sĩ, chắc chắn đã khơi dậy lòng hiếu kỳ của tác giả về vấn đề nguyên nhân–hậu quả(1). Tuy không cảm thấy thuyết phục bởi chủ nghĩa của Marx hoặc của Lenin, tác giả càng tin rằng cái gì đấy giống như là các “lực lượng lịch sử” có thể hiện diện, và có thể dự phần vào cách thức các sự kiện lịch sử diễn ra. Thêm nữa, thời gian theo học Khoa Lịch sử Cận đại ở Đại học Oxford trước đó dưới sự dẫn dắt của Ông A.J.P. Taylor đã để lại dấu ấn cho tác giả. Không giống như người tiền nhiệm xuất chúng Edward Gibbon ở Trường Magdalen, tác giả không thể giả vờ mà cho rằng thời gian theo học ở Oxford là “nhàn rỗi và vô bổ nhất trong cả đời tôi.” Tác giả không nghĩ những ý tưởng độc đáo của Ông Taylor là sai lạc hẳn, và cũng tôn trọng sự cổ vũ của ông khi cho rằng cả cơ may lẫn ý chí của con người đều đóng vai trò trong việc lèo lái các dòng sự kiện.

Vì thế, trong khi cố dung hòa các luồng ảnh hưởng đối nghịch nhau, tác giả cho rằng tư tưởng nguyên nhân-hậu quả không phải chỉ gồm có tư tưởng tất định, cá nhân chủ nghĩa hoặc những thành tố ngẫu nhiên, mà là tổng hợp của cả ba. Trong bất kỳ tình huống lịch sử nào, lúc đầu tác giả vẫn cố xác định tổng thể những yếu tố xã hội, kinh tế, văn hóa, thể chế, quân sự, cá nhân và chính trị năng động liên hệ đến những diễn biến xa hơn. Nhưng ở đây, tác giả phải định ra một giới hạn. Tác giả cho rằng tổng thể những lực lượng lịch sử xác định giới hạn của những gì là khả dĩ, nhưng không thể xác định các sự kiện sẽ diễn ra theo chiều hướng nào trong những giới hạn ấy. Tác giả tin rằng cá nhân luôn có một số chọn lựa trước mắt mình, đặc biệt đối với người có chức quyền, và rằng cách thức họ phản ứng với những chọn lựa có thể gây ảnh hưởng rõ rệt đến số phận của nhân loại. Trong phạm trù của động lực con người, tác giả nghĩ tính phi lý có vị trí ưu việt, xem Lý lẽ là nô lệ chứ không phải là chủ nhân ông của những nỗi hãi sợ, cảm xúc và bản năng của chúng ta.

Cuối cùng, tác giả tin rằng ai cũng có thể phạm sai lầm; rằng tất cả các nhà lãnh đạo đều yếu kém trong cương vị của họ; và rằng hệ quả từ hành động của họ ít khi là chính xác những gì họ muốn tạo ra. Như Bismarck có lần đã nhận xét, các nhà lãnh đạo không thể kiểm soát toàn bộ các sự kiện, nên đôi lúc họ sa vào vị thế hành xử lệch lạc. Khi ấy, họ là nạn nhân của cái mà con người cổ đại gọi là Định mệnh hoặc Ơn Trên, cái mà con người thời hiện đại gọi là Sự cố, và cái mà người Anh gọi là “rối ren.” Tóm lại, cuộc sống không phải là hoàn toàn vô lý mà cũng không phải đều có lý. Trong số các học giả người Anh và người Mỹ, cảm quan như thế là thông thường; nhưng liệu họ có diễn tả nó một cách thông suốt hay không thì chỉ người đọc mới phán xét được.

Tuy nhiên, khi viết lại lịch sử của một quốc gia thời hiện đại thì những suy tư triết học phải nhường chỗ cho những vấn đề thực tiễn hơn. Những vấn đề này là suy ngẫm về quá khứ. Mặt khác, sử gia thận trọng có xu hướng tự vấn rằng liệu cách suy luận theo cứu cánh để dò theo cội nguồn của một đất nước thời hiện đại từ hiện tại ngược về quá khứ có phải về bản chất là phi lịch sử hay không. Cách suy luận như thế thường nhầm lẫn sự kiện trước-sau với quan hệ nguyên nhân–hậu quả, và xóa bỏ những chọn lựa đa dạng được đặt trước mặt các nhân vật trong mỗi giai đoạn lịch sử bi hùng. Cách suy luận ấy muốn minh chứng những dòng sự kiện theo ý nghĩa hệ quả của những sự kiện ấy. Trong trường hợp của Ba Lan, suy luận chỉ ra rằng nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan hiện tại là một và chỉ là một sản phẩm có thể nhận ra được của quá trình lịch sử. Mặt khác, sử gia không thể phủ nhận rằng ông ta đang sống trong cuối thế kỷ XX chứ không phải trong Thời đại Tăm tối, và rằng dù thích hay không ông ta vẫn có cơ hội may mắn khi suy ngẫm về quá khứ. Ông ta cũng không thể nào quên quyền lợi của độc giả, mà tính hiếu kỳ về một đất nước thời hiện đại có lẽ sẽ được khơi dậy do những sự kiện đương thời chứ không phải do lòng khát khao muốn biết về quá khứ xa xưa. Sử gia phải chú ý đặc biệt đến những khía cạnh của đề tài mình vốn liên hệ mật thiết hơn với thế giới chúng ta đang sống.

Trước hết, việc xác định những sự kiện nào cần được trình bày là vấn đề chủ chốt. Đối với sử gia có mục đích nghiên cứu sâu rộng một quốc gia Châu Âu, thật ra suy diễn các sự kiện lịch sử thì không khó khăn bằng việc xác định những sự kiện cần phải suy diễn. Trong khía cạnh này, bác bỏ những tổng hợp của người đi ngược lại ý kiến của mình và người đi trước thì dễ dàng hơn là tự mình thiết lập một hệ thống sắp xếp mạch lạc. Điều kỳ lạ là các sử gia thời hiện đại có tư tưởng Marx-Lenin ở Ba Lan đã chấp nhận toàn bộ ý thức hệ dân tộc này. Dù cho phân tích kinh tế-xã hội của họ về sự phát triển của cộng đồng quốc gia Ba Lan thể hiện đường lối mới trong phương pháp hiện đại để viết sử, việc chấp nhận mà không thắc mắc sự hiện diện vĩnh cửu của cộng đồng ấy suốt dòng lịch sử là hoàn toàn phù hợp với định nghĩa về Lịch sử Ba Lan như các học giả theo chủ nghĩa dân tộc thời tiền chiến đã giả định. Rất ít sử gia Ba Lan đặt nghi vấn về ý tưởng cho rằng cộng đồng Ba Lan đương thời của họ là nhóm duy nhất có quyền hợp pháp trên lãnh thổ họ đang sinh sống, và rằng họ là những người kế thừa tự nhiên và duy nhất của những cộng đồng tổ tiên của họ vốn đã chiếm giữ cùng lãnh thổ ấy. Tuy thế, có thể minh chứng ý tưởng này là sai cho dù nó thuận lợi về mặt chính trị. Công dân nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan không giống như công dân của nước Ba Lan tiền chiến, lại càng không giống những người vô tổ quốc của lãnh thổ Ba Lan trong thế kỷ XIX hoặc của Vương quốc và nền Cộng hòa trước đó.

Một phương cách thận trọng hơn chỉ ra rằng không có gì trong kiến thức của chúng ta về Lịch sử Châu Âu cho phép ta xem sự tăng trưởng của các quốc gia cấu thành là “quá trình tự động… có tổ chức…” Có cái gì đấy để làm cơ sở cho ta phân tích được sự phát triển của các vùng lãnh thổ và định chế, nhưng không có gì để áp dụng vào sự phát triển của các quốc gia. Trong trường hợp của Ba Lan, nơi mà quốc gia có giai đoạn hiện diện và có giai đoạn bị phân chia, lại chỉ ăn khớp một phần với đời sống của dân tộc, thì có vẻ như ý tưởng nêu trên là không phù hợp.

Theo quan điểm của tác giả, sử gia không có chọn lựa chắc chắn ngoài việc xem xét từng mảng riêng biệt của bức tranh ghép, mà không mong gì sẽ tổng hợp được Xã hội, Lãnh thổ và Quốc gia thành một mẫu hình chỉn chu và có đầu đuôi. Dĩ nhiên là tác giả không cho rằng Lịch sử Ba Lan là hoàn toàn có tính ngẫu nhiên hoặc rời rạc. Điều tác giả muốn nói là: thứ nhất, vai trò của những ảnh hưởng độc đoán bên ngoài và của các ngoại bang hùng mạnh không kém phần quan trọng so với những sức mạnh có tính kết dính trong nước; và thứ hai, những tình huống rời rạc thì không kém quan trọng so với dòng lịch sử liên tục.

Trong dòng lịch sử của đất nước Ba Lan, trật tự đang ổn cố đã bị đảo lộn ít nhất năm lần – vào những năm 1138, 1795, 1813, 1864, và 1939. Trong mỗi trường hợp, tất cả những biểu thị cụ thể của một cộng đồng chính trị thống nhất đều bị mất đi. Ở cuối mỗi giai đoạn đất nước bị phân chia – vào những năm 1320, 1807, 1815, 1918 và 1944 – một trật tự mới hình thành mà không liên quan gì đến trật tự trước đó, nhưng có bước khởi đầu mới, trong tình hình mới và dưới nền pháp trị mới. Tương tự, theo dòng lịch sử của đất nước người Ba Lan, trong những giai đoạn dài, số mệnh của họ đã hòa trộn với số mệnh của những dân tộc khác theo cách gần gũi nhất – trong những thế kỷ đầu tiên với người Séc và những dân tộc Slav khác; trong giai đoạn 1385-1793 với các dân tộc của Đại Công quốc Lietuva; trong giai đoạn 1772-1918 với người Nga, người Đức và Đế quốc Áo; và suốt dòng lịch sử thành văn cho đến Giải pháp Cuối cùng trong giai đoạn 1941-1944 với người Do Thái Askenaz. Trái ngược với những điều kiện trong các thế kỷ trước Thế chiến II, tình trạng hiện tại là không có tiền lệ: ranh giới của Cộng hòa Nhân dân Ba Lan về mặt thực tế là giống như đất nước của người Ba Lan đồng nhất và có ý thức quốc gia. Tình trạng này khác biệt sâu xa với quá khứ.

Một bộ sử dựa vào quan điểm trung lập đối với chủ đề dân tộc thì khó được độc giả Ba Lan tán thưởng. Cũng thế, lẽ tự nhiên là giới chính trị ở Warszawa sẽ không đánh giá cao một công trình đánh đồng mối quan hệ giữa Ba Lan với từng nước láng giềng là ngang bằng nhau. Các nhà chủ thuyết học của chế độ sẽ không thể chấp nhận ý tưởng bác bỏ bản chất có tổ chức của quá trình lịch sử. Điều quan trọng hơn, đại đa số người Ba Lan, dù nghiêng theo xu hướng chính trị nào, sẽ cảm thấy thất vọng khi đọc bộ sử không khẳng định những gì mà họ hằng tin tưởng sâu sắc nhất. Đối với các học giả, Lịch sử Ba Lan là một căn nguyên, một ý tưởng, một công cụ chính trị. Đối với sử gia độc lập thì đấy chỉ là một đề tài nghiên cứu. Dù cho tâm tư cá nhân là ra sao, sử gia không thể giả định rằng Ba Lan có giá trị tinh thần đặc biệt, hoặc có sứ mệnh cao cả, hoặc thậm chí có quyền tuyệt đối để tồn tại.

Về phần mình, tác giả xem Ba Lan là một hiện tượng vô cùng phức tạp – đối với đất đai, lãnh thổ, dân tộc và văn hóa: một cộng đồng luôn tuôn trào, thường thay đổi về cấu phần, về cái nhìn vào chính mình, về lẽ sống: tóm lại là một câu đố bí hiểm mà không có giải đáp rõ ràng. Có lần, khi tác giả cố giải thích quan điểm này trong một buổi hội thảo ở Đại học Havard thì một người dự khán than phiền một cách cay đắng: “Ông nói như thể Lịch sử Ba Lan là bình thường.”

Dĩ nhiên là đối với độc giả Anh và Mỹ, không cần có biện bạch gì về sự khách quan của quyển Lịch sử Ba Lan. Một quốc gia vốn đã chiếm một vị trí trung tâm trong các sự vụ Châu Âu, vốn đã mang đến cho nước Anh và nước Mỹ những sắc dân lỗi lạc, vốn đã chịu đựng nhiều cơn khốn khổ ở Châu Âu hơn là những quốc gia khác, thì lại không được các nhà sử học quan tâm đúng mức. Giống như ở nhiều quốc gia bên ngoài biên cương của quyền lực và uy thế, người ta thường gói gọn lại những sự vụ Ba Lan thành những mẩu tin rời rạc mà không có nghiên cứu thấu đáo, chỉ nhắc sơ qua vào những thời khắc khủng hoảng rồi lãng quên nhanh chóng. Người Đức hoặc người Nga thường trình bày các sự vụ này với thế giới nói tiếng Anh để biện minh cho những hành động sai trái của họ, còn người Ba Lan hoặc người Do Thái cũng trình bày nhưng nhằm kể lể những vấn nạn của họ. Người ta che đậy những sự vụ Ba Lan phía sau bức màn lợi ích chính trị, niềm hãnh diện dân tộc và ngôn ngữ bí ẩn, nhưng ít khi trình bày bộ mặt thật. Các học giả Ba Lan viết những quyển sử cho độc giả Ba Lan, mà khi dịch ra Anh ngữ thì độc giả cảm thấy kỳ lạ. Những công trình tổng hợp như Cambridge History of Poland (Lịch sử Ba Lan của ấn bản Cambridge) trong giai đoạn 1941-50 của W.F. Reddaway(1), hoặc History of Poland (Lịch sử Ba Lan) do Stephen Kieniewicz và cộng sự hiệu đính năm 1968 thì khó hiểu(2); trong khi những công trình của Allison Philips, Lord Eversley hoặc W.J. Rose do hai kỳ Thế chiến khơi nguồn cảm hứng thì chỉ phục vụ mục đích chính trị ngắn ngủi rồi chìm trong quên lãng.(3) Tuy thế, các học giả người Anh hoặc người Mỹ vẫn chưa từng viết nên công trình rộng lớn về Lịch sử Ba Lan cho độc giả Anh và Mỹ. Khi tập sách này được xuất bản, đây sẽ là một trong những công trình ít ỏi từ khi GS W.F. Morfill có bước khởi đầu vào năm 1893.(4)

Hơn nữa, Lịch sử Ba Lan cho thấy nhiều sắc thái đáng quan tâm. Từ vị thế lớn lao đến sự hủy diệt, sự nổi dậy và suy tàn của nền Cộng hòa cũ đều là kinh khủng và thảm hại. Như Ferdinand Lot nhận xét trong mối tương quan đến một nền văn minh buồn khổ quen thuộc hơn: “Thảm kịch của một thế giới không muốn chết thể hiện một cảnh tượng cảm động đối với nhà sử học hoặc nhà xã hội học.” Trong giai đoạn lịch sử gần đây, những kinh nghiệm của người Ba Lan thì tương phản với những sự kiện hun đúc nên truyền thống Anh-Mỹ. Người Ba Lan bị đánh bại về mặt chính trị và bị chèn ép về kinh tế trong thời kỳ lâu dài hơn bất cứ dân tộc nào khác mà người ta có thể nhớ đến. Cho đến gần đây, người Anh và người Mỹ vẫn có xu hướng cho rằng chiến thắng và sự phồn vinh là những gì họ đương nhiên được hưởng từ khi sinh ra, nhưng người Ba Lan cho họ thấy rằng không nên có ý nghĩ chủ quan như thế. Trên sân khấu Châu Âu, Ba Lan giữ vai trò lép vế nhất. Nhưng theo cách nói của Michelet thì “đấy là dân tộc có tính nhân văn cao nhất.”(5)

Một quan điểm hồ nghi về phương pháp luận cần thiết phải điều chỉnh nội dung và kết cấu của nghiên cứu này. Điều này có nghĩa là, lấy ví dụ, không nên nói đây là “tổng hợp”, mà chỉ là “khảo sát” hoặc “phác thảo.” Những nhận xét trong nghiên cứu thì có tính cách không chính thống, gợi lại những thói quen vô vọng của chủ nghĩa kinh nghiệm Anh, pha trộn với một ít Lo lắng và có lẽ thêm một ít Nhân từ. Những mối nghi ngại đều là đúng lý. Tình trạng này là không thỏa đáng chút nào. Sẽ là tốt đẹp nếu có một giả thuyết; nhưng tác giả không có giả thuyết nào cả. Sẽ là tốt đẹp nếu cho câu trả lời đơn giản đối với câu hỏi đơn giản như “Nước Ba Lan nằm ở đâu?” hoặc “Ai là người Ba Lan và ai không phải là người Ba Lan?” Nhưng tác giả không làm được như thế. Tác giả chỉ có thể đưa ra một ít sự kiện và một ít nhận xét.

Để bù lại, tác giả đã chú ý đến những khía cạnh thực tiễn về cấu trúc và dàn bài. Các chương đều có phần trình bày theo chủ đề và niên biên. Sau những phần trình bày về phương pháp viết sử, địa lý sử học và những vương triều Ba Lan trước năm 1572, bộ sách được chia ra hai tập phân cách nhau bởi điểm mốc là năm 1795.

Tập đầu, có tựa The life and death of the Polish–Lithuanian Republic (Sự sống và cái chết của Cộng hòa Ba Lan-Lietuva), trình bày lịch sử Cộng hòa Ba Lan-Lietuva từ lúc khởi đầu năm 1569 cho đến lúc sụp đổ khi cuộc Phân chia Ba Lan thứ Ba xảy ra.

Tập thứ hai có tựa The growth of the modern nation (Sự vươn mình của quốc gia thời hiện đại) trình bày những nỗ lực nhằm xây dựng một quốc gia từ những mảnh vụn của nền Cộng hòa xưa cũ và tái lập một thể thức chủ quyền quốc gia. Giai đoạn này kéo dài từ cuộc Phân chia Ba Lan thứ Ba cho đến cuối Thế chiến II năm 1945, khi sự hiện diện của một đất nước dân tộc Ba Lan cuối cùng được công nhận.

Mỗi tập có các chương trình bày những chủ đề tôn giáo, xã hội, hiến pháp và ngoại giao, tiếp theo là những chương tường thuật sự kiện. Kết hợp nhau, các chương trình bày những mối tương quan phức tạp cùng những phản ứng lộn xộn của cuộc sống công quyền và xã hội. Chương cuối rà soát những sự kiện trong Cộng hòa Nhân dân Ba Lan vào những năm sau Thế chiến II. Phần kết luận, là đoạn văn có tính cá nhân và theo trường phái ấn tượng, được dựa trên một bài báo xuất hiện trên tờ The Times ngày 27 tháng 10 năm 1972 dưới tựa đề A magical mystery tour of Poland (Một chuyến đi bí ẩn kỳ thú ở Ba Lan).

Nội dung quyển sách bao quát theo số trang cho phép. Vì lẽ phần lớn độc giả Anh-Mỹ không quen thuộc với Lịch sử Ba Lan, các sự kiện to tát được trình bày theo cách dễ tiếp thu với nhiều giai thoại, mộ chí, câu văn dí dỏm, ca từ, thơ văn, ký sự đường trường, và nhiều mẩu chuyện truyền kỳ – tóm lại là các thể loại kỳ dị về lịch sử mà các học giả có tinh thần khoa học nghĩ rằng không đáng cho họ quan tâm.

Tác giả đã dành chỗ trong các chương để trích dẫn tài liệu lịch sử và văn học. Mục đích ở đây là nhằm cung cấp một số chi tiết cụ thể chen vào các phần tóm lược nhạt nhẽo có thể chiếm phần lớn chủ đề. Dĩ nhiên là việc chọn lựa tài liệu tham khảo không có tính chất điển hình. Nhưng một mẩu chuyện khơi gợi về những điểm đặc thù vô tận của sự vụ con người thì ít khi bị méo mó so với khi người ta nói theo cách chung chung. Sau khi đã được cảnh báo về những nguy cơ trong việc chọn lọc tư liệu, độc giả có thể an tâm khi xem qua nguồn tư liệu phong phú mà những người muốn nghiên cứu Lịch sử Ba Lan có thể tham khảo.

Tác giả cũng dành chỗ để cung cấp một ít thông tin theo thể loại từ điển bách khoa. Ở đây, mối quan tâm về thể cách và sự thông hiểu phải được dung hòa với sự cần thiết mang đến những đầu mối để người đọc có thể tìm hiểu thêm sau này, và cần thiết lấp những khoảng cách về các sự vụ Ba Lan trong tài liệu tham khảo của Anh-Mỹ.
Tác giả đã giữ chú thích ở mức tối thiểu. Nguồn tham khảo được ghi ở cuối sách cho những đoạn được dựa trên thông tin thứ cấp hoặc trên nghiên cứu gần đây. Dĩ nhiên, việc trích dẫn nguồn tài liệu không có nghĩa là tác giả hoàn toàn đồng ý với quan điểm của các nguồn ấy.

Các nhà xuất bản vẫn cảnh báo rằng độc giả thời hiện đại dễ hãi sợ với ngoại ngữ. Đây là điều đáng tiếc, bởi vì phần lớn nội dung của Lịch sử Đông Âu đến từ những nguồn ngôn ngữ phong phú khác nhau. Tuy thế, tất cả câu văn và trích dẫn đã được chuyển qua Anh ngữ, và chỉ còn lại một số ít được giữ trong ngôn ngữ gốc. Mỗi khi có thể được, thi ca nước ngoài được chuyển qua Anh ngữ. Trừ phi được ghi chú theo cách khác, tác giả phụ trách việc dịch thuật từ các ngữ văn Latinh, Ba Lan, Nga, Pháp, Đức và Ý.

Địa danh luôn gây vấn đề hóc búa. Trong một tác phẩm viết về Lịch sử Ba Lan, viết tất cả tên riêng theo ngữ văn Ba Lan là việc dễ dàng. Nhưng cách này sẽ tạo ra nhiều sai sót theo niên đại; và trong mỗi trường hợp tác giả đã cố tìm thể phù hợp nhất đối với niên đại và tình huống lịch sử(2).  Việc này được thảo luận trong Tập II, Chương 21.

Tựa đề của tác phẩm – God’s Playground (Sân chơi của Chúa) – có thể khiến nhiều người nhíu mày vì cảm thấy khó hiểu. Đấy là một trong những cách dịch một câu Ba Lan từ thời xưa cũ, Boże Igrzysko, lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1580, là tựa bài thơ của Kochanowski, Człowiek – Boże Igrzysko (Nhân loại – Đồ chơi của các Đấng Thiêng liêng). Boże có nghĩa là “thiêng liêng”, ý nói theo nghĩa ngoại đạo là “các Đấng Thiêng liêng” và theo nghĩa Cơ đốc giáo là “Thượng đế.” Igrzysko là biến thể của động từ cổ igrać có nghĩa “chơi đùa”, cũng có thể được dịch là “đồ chơi” hoặc “hài kịch” (đối tượng được trình diễn); “diễn viên kịch” (người trình diễn), “sân khấu” hoặc “sân chơi” (nơi chốn trình diễn). Theo nghĩa sau cùng, ý niệm này hiện diện nhiều lần trong văn học Ba Lan, và có thể được dùng một cách phù hợp cho một quốc gia nơi mà số phận con người thường chịu nhiều trò đùa tai hại, và nơi mà tính hóm hỉnh đóng vai trò thiết yếu để sinh tồn. Từ ngữ này có thể không đúng khoa học, nhưng trong số độc giả nói chung và thậm chí trong số các sử gia, nó có thể gợi nhớ quan điểm của Montesquieu rằng tất cả mọi thể thức đùa cợt đều được phép miễn là không có ý nghiêm túc. Trong các giới dân tộc Ba Lan, đôi lúc lịch sử của quốc gia được thảo luận một cách tôn kính; còn các “giáo sĩ” truyền bá giáo điều chính thức thì thiếu tính dí dỏm. Dù thế, hy vọng rằng phương cách bông đùa và khoáng đạt không nhất thiết bị xem là thiếu tôn trọng, và rằng có thể tìm được mối thông cảm từ những người vốn xem “người hay đùa”, từ Stańczyk, Potocki, và Zabłocki trở đi, như là những nhà nghiên cứu truyền thống Ba Lan.

Trong mười hai tháng sau khi tập sách này hoàn tất, đã không có nhiều sự kiện xảy ra khiến cho nội dung sách bị ảnh hưởng. Tình trạng bế tắc chính trị vẫn chưa có cách giải quyết. Những đoàn người xếp hàng mua thực phẩm và những nhóm đối lập vẫn còn đông đảo; nhưng chính quyền đã không làm gì để giảm bớt nhóm người nào. Những lời tiên đoán u ám về sự nổi dậy công khai hoặc sự can thiệp của Liên Xô vẫn chưa thành hiện thực. Vào tháng 11/1978, ngày Quốc khánh kỷ niệm Độc lập năm thứ 16 được đánh dấu bởi một loạt những buổi lễ chính thức và không chính thức. Giới truyền thông do nhà nước kiểm soát trình bày nhiều về ngày 7-8 tháng 11 – ngày kỷ niệm Cách mạng Nga và kỷ niệm thành lập Chính quyền Nhân dân của Daszyński ở Lublin; trong khi Giáo hội và người dân hướng đến ngày truyền thống 11/11 . Giới hàn lâm mở nhiều cuộc tranh luận về tầm quan trọng của những sự kiện trong năm 1918. Đảng không từ bỏ cơ hội nào nhằm hạ thấp vai trò của Józef Piłsudski, và che giấu sự kiện là phong trào cộng sản Ba Lan đã đi ngược lại độc lập dân tộc ở điểm giao thời ấy. Hầu như tất cả các nhà bình luận đều nói theo một luận cứ máu lửa, cho rằng ý chí của người dân Ba Lan tự nó là đủ để nhận ra khát vọng được cho là đồng nhất của quốc gia. Đấy là tiếng nói khá lạc lõng, muốn giữ thế quân bình trong sự đánh giá tỉnh táo giữa một bên là tình hình quốc tế năm 1918 và bên kia là công luận Ba Lan.

Xét theo thành tựu cá nhân, năm 1978 đánh dấu hai sự kiện đáng ghi nhớ. Vào tháng Sáu, các cơ quan Nhà nước và Đảng thông tin tuyên truyền sâu rộng sự kiện Đại tá Mirosław Hermaszewski được phóng lên không gian trong một tàu vũ trụ của Nga. Ngày 16/10, người dân Ba Lan vui mừng vì Đức Hồng y Karol Wojtyła, Tổng Giám mục giáo phận Kraków, trở thành Giáo hoàng John Paul II. Nét tương phản giữa những buổi lễ do nhà nước tổ chức để ăn mừng người Ba Lan đầu tiên bay trong không gian và nỗi hân hoan chung quanh người Ba Lan đầu tiên đứng đầu Công giáo nói lên nhiều điều về tình trạng thực của Ba Lan ngày nay. Ai cũng nhận ra tính chất biểu tượng: của nhà du hành Ba Lan trong một con tàu Liên Xô giả tạo và của một nhà lãnh đạo Ba Lan sinh động ở Tòa thánh Vatican. Một người nối tiếp Lajka , đang thúc đẩy sự nghiệp khoa học hiện đại và công nghệ quân sự; còn người kia đi theo bước chân của Thánh Peter, đang củng cố sự nghiệp của tôn giáo và tâm linh truyền thống.

Vào lúc này, chưa thể đánh giá toàn bộ tác động của việc tấn phong Giáo hoàng John Paul II; nhưng đúng là việc này đã củng cố vị thế của Giáo hội Công giáo Ba Lan và tư cách của Ba Lan trong thế giới phương Tây, theo cách mạnh mẽ hơn là bất kỳ sự kiện nào khác trong thời đại gần đây. Sự kiện đơn giản là người con này của đất nước Ba Lan trở thành giáo hoàng sẽ làm cho tất cả đồng bào của ông tăng thêm lòng tự trọng, củng cố tinh thần của họ, và giúp họ vững tin hơn trong bang giao quốc tế. Vị tân Giáo hoàng hiểu rõ những hệ quả này. Trong bài diễn văn nhận lễ tấn phong ngày 23/10/1978, ông nói với đồng bào của mình bất kể họ theo tôn giáo nào, và hướng sự chú ý của họ đến ý nghĩa thực sự của lòng ái quốc, mà ông tách rời khỏi mọi loại hình của “chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và ái quốc cực đoan.” Ông tuyên bố: “Tình yêu đối với đất nước của chúng ta đoàn kết tất cả chúng ta với nhau và phải là mối dây hàn gắn những bất đồng giữa chúng ta.” Trước đó, trong bài giảng cuối cùng ở Kraków khi cử hành lễ Ba tháng Năm , ông đã nhấn mạnh thêm về chủ đề ấy:

Đối với những gì chúng ta đã kinh qua trong quá trình lịch sử của chúng ta, đặc biệt là trong những giai đoạn đau đớn nhất khi đất nước trải qua cuộc phân ly, chiếm đóng, kháng chiến, đấu tranh, và đau khổ, đều có tác dụng bơm nguồn sống sơ sử và cận đại của toàn thể Dân tộc qua con tim của mọi người Ba Lan. Không có gì thuộc về Ba Lan mà Người xa lạ hoặc hờ hững. Chính nhà thơ vĩ đại Stanisław Wyspiański đã yêu cầu các thính giả tụ tập quanh một cô gái nhỏ, và ông nói với cô gái: “Cô có thể nghe cái gì đập trong người cô? Đấy là quả tim của cô. Và Ba Lan đích thực là quả tim ấy…”

Dù sao chăng nữa, mỗi người trong chúng ta mang trong người một di sản – một di sản mà nhiều thế hệ và nhiều thế kỷ của thành tựu và tai ương, của chiến thắng và thất bại, đã đóng góp: một di sản bằng cách nào đấy đã bén rễ và mọc lên thành sự sống từ mỗi người trong chúng ta. Chúng ta không thể sống mà thiếu nó. Đấy là linh hồn của chúng ta. Chính di sản này, thường được gọi là Tổ quốc hoặc Đất nước, là lẽ sống của chúng ta. Là người Cơ đốc, chúng ta sống với di sản Ba Lan này, Thiên niên kỷ Ba Lan này, Cơ đốc giáo Ba Lan này của chúng ta. Đấy là quy luật của thực tế…

Đối với người mộ đạo lẫn người ngoại đạo, đấy quả là ngôn từ mạnh mẽ mà một số người lắng nghe, những người khác e sợ, nhưng tất cả đều tôn trọng.

* * * * *
Bước cuối cùng trong việc chuẩn bị bản thảo to tát càng khiến cho tác giả hàm ơn thêm người cộng tác và bảo trợ. Theo khía cạnh này, tác giả xin cảm tạ sự hỗ trợ của ông Ken Wass ở Đại học London, người phụ trách vẽ phần lớn bản đồ và biểu đồ; của Andrzej Suchcitz và Marek Siemaszko, đã soạn ra danh mục; của Ban Xuất bản ở Trường Slavonic và Đông Âu học; và đặc biệt của Quỹ De Brzezie Lanckoroński đã có khoản tài trợ rộng rãi.

                                                               Wolvercote, ngày 3 tháng 5 năm 1979
                                                                                  NORMAN DAVIES

(*) Tác giả: Norman Davies; Dịch giả: Diệp Minh Tâm, NXB Tri Thức ấn hành tháng 2/2011.
Bài viết trên là Lời mở đầu cho ấn bản gốc

(1) Tư tưởng nguyên nhân-hậu quả: ý nói đến tư tưởng cho rằng quy luật lịch sử mang tính chất tất yếu, với tư duy là khởi đầu từ những hiện tượng có thực, từ đó rút ra một số thuộc tính được xem là quan trọng nhất, rồi căn cứ vào đó suy ra hệ quả. (ND)

(2) Tác giả biện luận đúng đối với người Anh-Mỹ: dùng địa danh theo tiếng Anh thì không bị vướng vào vấn đề niên đại. Nhưng theo cùng cách biện luận này, đối với độc giả người Việt thì không nên cứ lệ thuộc vào địa danh theo tiếng Anh, mà cần ghi nhận rằng tên các địa danh như Warszawa thay vì Warsaw, hay Gdańsk thay vì Danzig… là theo cách người Ba Lan gọi chứ không phải tùy thuộc vào niên đại. Ví dụ rõ ràng là Thành phố Gdańsk bị các nước chiếm qua lại nhiều lần, nên mỗi lần có tên Gdańsk hoặc Danzig, thì độc giả không cần phải bận tâm thời kỳ nào thành phố này mang tên nào. (ND)

(3) Ngày 11/11/1918, sau khi được trả tự do từ nhà tù của Đức, Józef Piłsudski trở về Warszawa, tuyên cáo Ba Lan là nước Cộng hòa độc lập. (ND)

(4) Lajka hay Laika (Nga văn: Лайка) là tên chủng loài của con chó được phóng lên không gian ngày 03/11/1957 trong tàu vũ trụ Sputnik 2 của Liên Xô.

(5) Ngày Quốc khánh Ba Lan để ghi nhớ ngày 03/5/1791, khi Nghị viện Liên hiệp Ba Lan–Lietuva thông qua bản hiến pháp, được xem là bản hiến pháp hiện đại của quốc gia thứ hai trên thế giới (sau Hiến pháp Mỹ). Xem thêm từ trang 388. (ND)

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)