Sheku Kanneh-Mason: Yêu thích tiếng nói đa dạng trong âm nhạc

Ở tuổi 20, Sheku Kanneh-Mason lấy cảm hứng từ những nghệ sỹ cello trong quá khứ để tự tin bước vào sự nghiệp biểu diễn mới chớm nở.


Nghệ sĩ Sheku Kanneh-Mason. Nguồn: Telegragh.

Giữa vòng xoáy của những tài năng trẻ tại Học viện âm nhạc Hoàng gia London (RAM), điều duy nhất khiến Sheku Kanneh-Mason nổi bật khi mới là sinh viên năm thứ ba mà đã được báo chí phỏng vấn, hơn thế nữa lại là vì có các bản thu âm được Decca phát hành hay có lịch trình bao gồm các thỏa thuận quốc tế sẽ đưa họ đến Frankfurt ngay cùng ngày và rồi đến Đức, Thụy Điển, Pháp, Ý, Canada và Hoa Kỳ. Nhưng chỉ khi sống ẩn dật và không quan tâm đến đời sống âm nhạc đương đại thì người ta mới biết Kanneh-Mason không phải là một nghệ sỹ cello trẻ bình thường.

Nghệ sĩ của các cuộc thi và các bảng xếp hạng

Sheku Kanneh-Mason là con trai của cặp cha mẹ đến từ Antigua và Sierra Leone, và lớn lên ở Nottingham với sáu anh chị em mà người nào trong số họ cũng là nghệ sỹ tài năng nổi bật theo cách riêng của mình. Cha mẹ anh thực sự yêu thích âm nhạc, vì vậy họ đã cho con cái mình cơ hội để được học nhạc. Anh kể: “Chúng tôi có một cây piano tại nhà và Isata bắt đầu có những bài học và tôi đoán là tất cả chúng tôi đều xem chị học và học theo. Nhưng đó chưa bao giờ là việc bắt buộc với chúng tôi. Tôi đã chơi rất nhiều bản tam tấu piano cùng chị gái và anh trai – có rất nhiều tiết mục tuyệt vời, và bạn học được rất nhiều từ việc chơi trong các nhóm hòa tấu nhỏ mà bạn chắc chắn không thể học được khi chơi solo. 

Sau khi xuất hiện trên chương trình truyền hình Britain’s Got Talent vào năm 2015 – không phải là một bước chuyển hướng nghề nghiệp rõ ràng đối với nghệ sỹ cổ điển trẻ, Sheku còn tham gia và giành chiến thắng trong cuộc thi BBC Young Musician 2016 (Nghệ sỹ trẻ BBC), chơi nhạc trong lễ cưới của Công tước và Công tước phu nhân xứ Sussex vào tháng 5/2018, và chứng kiến bản thu âm đầu tay của mình là Concerto cello số 1 của Shostakovich leo lên vị trí thứ nhất bảng xếp hạng US Billboard Emerging Artists (Nghệ sỹ mới nổi của Billboard Hoa Kỳ).  Do đó anh là nghệ sỹ cello đã đưa Shostakovich lên vị trí đứng đầu trong bảng xếp hạng nhạc pop của Mỹ năm 2018. Và anh, vẫn ở tuổi 20 thu âm bản Concerto cello của Elgar cùng Sir Simon Rattle và Dàn nhạc Giao hưởng London. 

Thông cáo báo chí về bản thu âm này nhấn mạnh, anh đã được truyền cảm hứng từ Jacqueline du Pré. Thế nhưng mỗi khi tôi nghe anh chơi Elgar, dù là trên đĩa hay trực tiếp ở Bristol vào năm 2018, du Pré vẫn chưa phải là sự so sánh xuất hiện trong tâm trí. Khi tôi nói ra điều này, anh suy nghĩ một lúc trước khi trả lời: “Lấy cảm hứng từ nhiều nơi khác nhau nhưng tôi nghĩ cũng từ chính tác phẩm. Tôi đã nghiên cứu hòa âm rất nhiều để xây dựng cách chơi tác phẩm này của riêng mình. Và dĩ nhiên, tôi được truyền nhiều cảm hứng từ cách chơi và cách tiếp cận âm nhạc nói chung của Jacqueline du Pré, nhưng không nhất thiết phải theo cách đó – tôi không bao giờ muốn sao chép những gì người khác làm, vì khi ấy, âm thanh sẽ không chân thật nữa.

Hợp tác và học hỏi những nghệ sĩ lớn

Khi thu âm concerto của Elgar, Kanneh-Mason cộng tác với một nhạc trưởng giàu kinh nghiệm: Rattle đã từng thu âm Concerto Elgar trước đó với Truls Mørk và Sol Gabetta. Đây là lần đầu tiên Kanneh-Mason làm việc với Rattle trong studio. “Chúng tôi liên tục khám phá tác phẩm khi đang chơi. Chúng tôi không dừng lại nhiều lần và chơi theo từng đoạn nhỏ mà chơi liền mạch toàn bộ chương nhạc để xem cách âm nhạc tự bộc lộ – và đó là cách tốt nhất. Thật thú vị khi các ý tưởng kết hợp với nhau. Điểm khiến tác phẩm này trở nên tuyệt vời chính là là cách dàn nhạc tương tác với bè cello độc tấu chứ không đơn thuần chỉ là sự kết hợp giữa giai điệu và phần đệm. Nó tạo điều kiện cho nhiều ‘giọng nói’ của tác phẩm được nổi bật lên.”

Hẳn Kanneh-Mason có những “thần tượng” của riêng mình? “Tôi đang nghe rất nhiều nghệ sĩ cello Beatrice Harrison. Tôi thích cách bà chơi và chất lượng thanh âm của bà. Tôi đoán điều đặc biệt nhất trong lối chơi đàn dây là nó không chỉ như cất lên tiếng hát mà gần như là tạo ra một cuộc trò chuyện. Tôi cho rằng đó là điều làm nó đặc biệt và tôi đã học được rất nhiều từ các bản thu âm thời kỳ trước đây.”

 “Tôi muốn thu âm các tác phẩm tương tự Elgar theo một cách nhất định. Bản của Klengel đã được viết chỉ một năm sau concerto của Elgar. Nhiều tác phẩm khác tôi chọn vì tôi được truyền cảm hứng từ những bản thu âm được thực hiện vào đầu những năm 1920. Tôi đã nghe Prélude của Bloch trong một bản thu âm của London String Quartet –Tôi nghĩ rằng nó ra đời từ cuối những năm 1920 hoặc đầu những năm 1930.

Có một thông điệp rõ ràng trên đĩa nhạc mới nhất của Kanneh-Mason, và anh thừa nhận yêu thích đặc biệt đối với thể loại encore, những tác phẩm mà người nghệ sĩ nào cũng “thủ sẵn” để chơi tặng khán giả ở cuối buổi hòa nhạc. Anh đã tự chuyển soạn một vài khúc nhạc ngọt ngào: phiên bản duyên dáng cho cello từ bài No Woman, No Cry của Bob Marley là một trong những điểm nhấn trong đĩa nhạc đầu tay của anh. “Trước đây người ta thường làm cả album và cả recital gồm toàn các tiểu phẩm du dương này. Hiện giờ điều đó không phổ biến lắm. Song chúng có nhiều chất nhạc bên trong và rất tinh tế – chúng là các khúc nhạc có tính chất và điệu thức rất rõ ràng. Chúng có thể cũng đặc biệt và đáng để chơi hay để nghe y như với toàn bộ một bản sonata.”
Kanneh-Mason là một thành viên trong nhóm tứ tấu dây chơi bản Prélude; trong khi đó ‘Prayer’ là bản chuyển soạn của chính anh cho violin và cello – được biểu diễn ở đây cùng với anh trai Braimah của anh, hiện đang là nghiên cứu sinh tại RAM. Sheku đã nói về sự hợp tác của mình với Rattle, và sự mê mẩn của mình với những bè nằm dưới bè solo trong một bản concerto. Anh bắt đầu nghe rất giống một trong những nghệ sỹ thính phòng bẩm sinh – và quả thực khi tôi gặp anh thì nhóm tam tấu piano của anh với anh trai Braimah chơi vichuẩn bị biểu diễn tại Wigmore Hall của London. 

Tinh thần âm nhạc như là điều gì đó được chia sẻ, một nguồn sức mạnh và phát triển lẫn nhau, cũng là nền tảng cho việc anh tham gia vào Chineke, dàn nhạc được nghệ sỹ contrabass Chi-chi Nwanoku thành lập năm 2015 để mang lại tầm nhìn rõ ràng hơn cho các nghệ sỹ da đen và dân tộc thiểu số ở Anh. “Tôi cho rằng điều chính yếu mà mình có thể làm là truyền cảm hứng để mọi người xem âm nhạc cổ điển như một thứ gì đó mà họ cũng có thể làm được,” Kanneh-Mason nói. “Bởi tôi nghĩ rằng nếu bạn là một người da đen trẻ tuổi chẳng hạn, bạn có thể thấy khó mà tưởng tượng mình là một nghệ sỹ cổ điển vì bạn sẽ hiếm khi thấy ai đó trông giống mình làm việc đó. Rõ ràng đó không phải là lỗi của giới nhạc cổ điển: Tôi chẳng biết một nghệ sỹ nào lại dành cho nhạc công da đen ít cơ hội hơn để phấn đấu trong âm nhạc cổ điển. Việc đó tạo nhiều cảm hứng hơn thì có. Và xem Chineke kìa! Việc biểu diễn ở cấp độ cao nhất rất quan trọng. Không có cấp độ nào thể hiện sự đa dạng trong âm nhạc cổ điển nếu không phải ở cấp độ cao nhất.”

Và bây giờ anh lên đường tới Frankfurt; và sau đó sẽ quay lại học tại RAM cùng thầy Hannah Roberts của mình – bất chấp cơn lốc xung quanh, anh nhận thức ra sự nghiệp của mình mới ở giai đoạn bắt đầu, hiện giờ anh mới chỉ bắt đầu học bản Concerto của Dvořák. 

Anh có bản thu âm yêu thích nào không ư? Kanneh-Mason hé lộ một bất ngờ: “Chương thứ hai bản concerto của Dvorak mà Piatigorsky  là một trong những bản thu yêu thích của tôi. Tôi thích âm thanh của ông ấy và tôi cho rằng sự linh hoạt độc đáo về nhịp độ của ông ấy thực sự rất tuyệt. Ông ấy chơi rất giống kiểu Heifetz. Vibrato rất nhanh, kiểu lung linh mờ ảo. Âm thanh luôn truyền đi theo một cách nhất định.” Một nghệ sỹ cello đứng đầu các bảng xếp hạng nhạc pop trong thế kỷ 21 lại lấy Heifetz, Piatigorsky và Beatrice Harrison làm nguồn cảm hứng của mình ư? Dường như điều đó đã nói lên một bản chất rất quen thuộc của âm nhạc cổ điển: các cảm hứng đều xuất phát từ quá khứ. □

Ngọc Anh dịch

Nguồn: https://www.gramophone.co.uk/features/article/sheku-kanneh-mason-interview-just-playing-beautifully-is-kind-of-boring-i-want-to-play-with-as-much-character-as-possible

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)