Sinh viên điện ảnh xem phim như thế nào?
Khi còn chân ướt chân ráo bước vào trường điện ảnh, tôi khâm phục vô cùng lúc ngồi trong bóng tối của phòng chiếu chợt nghe bạn bè mình thốt lên sung sướng: “Ôi, đây là phim tôi cực kì thích, tôi đã xem nó bảy lần”. Tôi tự hỏi người ta có thể yêu thích một bộ phim và dành nhiều thời gian trong cuộc đời đến thế để xem nó ư? Và rồi vào một ngày đẹp trời, tôi đã làm ngạc nhiên chính mình khi xem một bộ phim trên cả bảy lần. Tôi không ham muốn phá kỉ lục của người bạn kia mà đơn giản xuất phát từ nhu cầu bản thân. Giống như đạo diễn Tim Burton, tôi đến với một bộ phim như đứa trẻ đứng trước món đồ chơi để không ngừng háo hức khám phá, tháo gỡ.
Đó không hẳn là lời than của một sinh viên phải thức khuya làm bài tập nộp thầy trong giờ phân tích phim vào buổi sáng hôm sau. Đó chính xác là sự than thở khi bạn trao cho mình trách nhiệm xem phim một cách nghiêm túc.
Một nhà văn Pháp từng so sánh hài hước: “Cần đọc tiểu thuyết như con chó gặm khúc xương”. Phải chăng việc xem phim cũng cần sự say mê tương tự bởi cùng bộ phim ấy nhưng qua mỗi lần “đọc kĩ hình ảnh” ta sẽ có những phát hiện bất ngờ đến không tin nổi.
Ví dụ như với phim “The Hours” (2002) của đạo diễn Stephen Daldry, lần đầu xem, tôi chỉ theo dõi câu chuyện của ba người phụ nữ đáng thương ở ba mốc thời gian khác nhau nhưng cùng mang nỗi ám ảnh về việc tự sát. Lần xem sau đó, tôi say mê cách dựng phim cực thông minh với những màn chuyển cảnh độc đáo, giàu cảm xúc đã mang đến một cách kể chuyện hấp dẫn: phức tạp trong rành mạch, hồi hộp trong giản đơn. Lần xem thứ ba, tôi bị mê hoặc bởi lối diễn xuất tinh tế của Nicole Kidman. Nhờ đó, tôi cũng phát hiện ra cái mũi giả mà những chuyên viên hóa trang đã dụng công tạo nên cho cô. Và trong lần xem thứ n nào đó, tôi dừng lại ở cảnh cận: khuôn mặt nghiêng của Nicole cùng xác một chú chim non, tôi nhận ra đây mới thực sự là cái hoàn toàn chinh phục tôi ở bộ phim này.
Còn bạn, đã bao giờ mang những kiến giải về một bộ phim chia sẻ với vài người bạn, hoặc thậm chí với người thầy uyên bác, trong tâm trạng phấn khởi như vừa phát hiện ra châu lục thứ sáu nhưng bị họ lắc đầu ngao ngán, nói đó chỉ là những áp đặt vô cớ chưa? Lúc đó bạn sẽ vẫn muốn hiểu và lý giải bộ phim theo cách của mình chứ? Hãy tiếp tục, bởi trong mỗi sinh viên điện ảnh đều tồn tại một nhà phê bình cần có những lập trường và quan điểm riêng. Đạo diễn người Đức Wim Wenders nhấn mạnh ý nghĩa của cách học làm phim từ việc xem phim và phê bình. Ông cho rằng: “Khi viết (phê bình phim), ta buộc phải đẩy phân tích đi xa hơn, phải định nghĩa và giải thích cụ thể – cho người khác, nhưng trước hết cho bản thân ta – cái được hay không được trong bộ phim. Khác biệt chính giữa phê bình phim và giáo án lý luận là, trong phê bình có mối tương quan trực tiếp giữa màn ảnh và bạn: bạn nói về cái bạn nhìn thấy. Trong giáo án lý luận, có một trung gian – người giáo viên – giải thích điều bạn phải nhìn thấy, tức điều người đó nhìn thấy, hay tệ hơn, điều người ta đã nói với người đó phải nhìn thấy.” (20 bài học điện ảnh, Laurent Tirard, NXB Văn hóa Sài Gòn,TP Hồ Chí Minh, 2007)
Như vậy, sinh viên thuộc bất cứ chuyên ngành điện ảnh nào đều có những bài học quý báu từ việc bình luận một bộ phim. Tuy nhiên, sinh viên ở mỗi chuyên ngành lại khai thác phim từ những góc độ chuyên môn khác nhau.
Với sinh viên biên kịch
Xem phim gắn liền với việc theo dõi các yếu tố tự sự gồm: cốt truyện, cấu trúc, các biến cố, mâu thuẫn, hành động, chi tiết, thoại và sự phát triển tính cách của nhân vật… Một trong những bài tập bắt buộc khi bản thân tôi theo ngành học này là xem phim và chép lại. Công việc tưởng chừng quá gian nan khi phải tưởng tượng lại bộ phim và chép ra giấy (cũng có những sinh viên láu cá, chép lại phim bằng cách tay cầm bút tay cầm điều khiển, vừa xem vừa chép từ màn ảnh) quả thực rất hữu ích. Đó là cách tốt nhất để lần ra bàn tay của người biên kịch trong việc tổ chức câu chuyện cho hợp lý, chặt chẽ. Khi dò từng phút phim hay lật ngược từng trang kịch bản chép lại, bạn sẽ không ngừng tán thưởng tác giả kịch bản vì anh ta đã cài cắm các chi tiết (sự chuẩn bị) hay sử dụng các thủ pháp tạo bất ngờ, gây kịch tính tài tình khéo léo thế nào. Mặt khác, bạn cũng có thể phản biện kịch liệt vào những điểm còn yếu trong công tác biên kịch của bộ phim. Việc chép lại phim còn có tác dụng giúp bạn học cách viết cho hình ảnh. Giờ thì tôi hoàn toàn đồng cảm với các họa sĩ mới vào nghề về chuyện họ học cách bố cục, ánh sáng, pha màu… như thế nào qua việc chép tranh của các họa sĩ bậc thầy.
Sau những bài tập chép phim khá vất vả, chúng tôi có những bài tập mới thú vị hơn khi xem phim. Ví dụ như tóm tắt cốt truyện bộ phim vừa xem và trình bày lại trước lớp như thể mình là tác giả kịch bản mang đi chào hàng cho nhà sản xuất. Hoặc ngược với việc chép kịch bản sau khi xem phim, chúng tôi được đọc những kịch bản như: “Công dân Kane”, “Casablanca”, “Bố già”, “Psycho”… và thảo luận trước khi xem những bộ phim kinh điển này. Qua đó, thấy được sự biến đổi từ kịch bản của biên kịch đến bộ phim dưới bàn tay nhạc trưởng của đạo diễn.
Riêng với những bộ phim được chuyển thể từ các tác phẩm văn học, đi kèm với việc xem phim, các sinh viên biên kịch phải tìm đọc tác phẩm gốc. Tôi và một người bạn đồng môn từng giận nhau dữ dội vì cô cho rằng hồi ký “Những cây cầu ở quận Madison” hay hơn bộ phim cùng tên của Clint Eastwood. Tôi thì có ý kiến trái ngược. Chúng tôi chỉ hòa hoãn khi cả hai cùng đọc sách và xem lại bộ phim một cách thật công bằng. Lúc ấy, chúng tôi nhận ra những khác biệt không thể đánh đồng, những mạnh yếu riêng của ngôn ngữ văn học hay ngôn ngữ điện ảnh. Bên cạnh đó, xem phim và không ngừng đặt câu hỏi hay táo bạo lật ngược vấn đề, thay đổi những gì các tác giả đã làm cũng là cách sinh viên biên kịch tạo ra những ý tưởng cho riêng mình.
Cảnh trong phim Mùi đu đủ xanh (1993) của đạo diễn Trần Anh Hùng.
Với sinh viên đạo diễn
Nhiệm vụ của đạo diễn với bộ phim quá lớn chính vì thế sinh viên lớp đạo diễn có không ít thứ để quan tâm nếu muốn học gì đó từ việc xem phim. Một người bạn học đạo diễn của tôi trong phút cao hứng khi xem phim đã nói: “Thấy được tư duy sáng tạo của người đạo diễn thì đó là một bộ phim hay rồi.”
Chúng ta hãy thử xem một sinh viên đạo diễn “giải mã” công việc dàn dựng ra sao. Trước hết về bối cảnh – không gian diễn ra tình huống – đạo diễn có ý đồ gì trong việc “lấy cảnh tả tình không”? Nếu có, ông ấy đã biểu đạt ý bằng cách nào: ẩn dụ, tương phản, hay biểu tượng… Liệu đôi găng tay, bình hoa hay một đầu lọc thuốc lá có góp phần kể chuyện không? Những hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy được phóng chiếu từ cái nhìn của ai, khách quan trường quay hay chủ quan nhân vật? Sau đó tới nhân vật, cô ấy đã vào cảnh với tâm trạng, mục đích gì? Bằng cách nào ta thấy được những điều đó? Rồi cô ta di chuyển ra sao trong bối cảnh? Cô ta diễn xuất thế nào? Chuyện kinh khủng gì đang thực sự xảy ra, có mâu thuẫn gì giữa điều cô ta nghĩ là cô ta cần với điều cô ta thực sự cần không? Cô ta nói gì hay im lặng, hay một âm thanh nào đó trong bối cảnh hoặc ngoài bối cảnh đã nói hộ cô ta?…
Cái quan trọng với mỗi phát hiện khi xem phim không chỉ là gọi tên mà cần xem nó như thế nào. Hãy cùng tham khảo ý kiến của nhà kí hiệu học I.Lotman: “Tất cả mọi văn bản – nghệ thuật hay phi nghệ thuật- của nền văn hóa con người được phân chia thành hai nhóm; nhóm thứ nhất có thể gọi là đáp ứng với câu hỏi: “Cái đó là cái gì?”, và nhóm thứ hai: “Chuyện đó xảy ra như thế nào? Bằng cách nào?”). Chúng tôi sẽ gọi loại văn bản đầu là “văn bản không chủ đề”, và loại văn bản thứ hai là “những văn bản có chủ đề”. (I.Lotman, Ký hiệu học nghệ thuật sân khấu điện ảnh, Viện nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh Việt Nam, Hà Nội 1997).
Với sinh viên quay phim
Là sinh viên biên kịch, tôi khoái nhất được ngồi xem phim với mấy người bạn học quay phim. Lúc đó những thắc mắc của tôi về khuôn hình, cỡ cảnh, việc chọn ống kính, góc quay, bố cục, ánh sáng, tông màu và động tác máy… sẽ được thỏa mãn. Tôi sẽ hiểu được sự cảm tính có cơ sở để đúng: mình thấy buồn hiu hắt vì người ta đã dùng tông màu lạnh lẽo ấy phủ lên bộ phim, mình thấy nhân vật méo mó đáng sợ vì hắn được nhìn từ một góc máy lệch, một xã hội bát nháo thực dụng giả dối thì phim sẽ được chiếu sáng bằng thứ ánh sáng trong rạp hát… Chỉ có xem phim ta mới thấy được yếu tố kĩ thuật đóng vai trò quan trọng tới mức nào trong việc đưa các ý đồ nghệ thuật cất cánh.
Sinh viên quay phim thường xem từng khuôn hình trong bộ phim đến tỉ mẩn. Họ xem những thứ có mặt trong khuôn hình để đọc ra những cái ngoài khuôn hình. Vì thế, cũng có những kĩ thuật gây ngạc nghiên tới mức không thể hiểu nổi. Những người bạn học quay phim của tôi sẽ vò đầu bứt tai than thở: Tại sao lại làm được như thế nhỉ? Không phải thế này và cũng không phải thế kia… Chắc bạn đồng ý: sự khó hiểu, bí ẩn mà ta không tài nào kiến giải dễ làm ta khâm phục và “bắt chước” một cách máy móc phải không?
Các sinh viên đạo diễn hay quay phim thường rất ngại khi nói rằng: Phim ngắn này của tôi được lấy cảm hứng từ… Song khi xem phần lớn phim của họ, chúng ta đều thấy thấp thoáng bóng của ông lớn điện ảnh nào đó. Hãy nghe đạo diễn người Tây Ban Nha Pedro Almodóvar “bắt bệnh” những trường hợp này: “…nguy cơ của cách học qua phim ảnh là rơi vào cạm bẫy của sự tôn vinh. Ta xem cách quay phim của một số bậc thầy, rồi thử bắt chước họ trong những phim của ta. Nếu làm điều đó chỉ vì sự khâm phục thì không hiệu quả. Lý do ảnh hưởng duy nhất có thể chấp nhận được là khi ta tìm được trong phim của người khác giải pháp cụ thể cho một vấn đề của ta và ảnh hưởng này hết sức tích cực trong bộ phim của ta” (20 bài học điện ảnh). Cũng phải nói thêm, có những sự đánh thó trong vô thức khiến bạn giật mình khi cái chi tiết đó nảy ra trong phim mình như một tất yếu mà không thể ngờ trước được. Khi đó những dấu ấn từ bộ phim ám ảnh bạn đã không còn, nó đã hoàn toàn của bạn rồi, hoàn toàn thuộc về bạn. Có lần, rất lâu sau khi hoàn thành, tôi mới nhận ra “đôi giày” của Trương Mạn Ngọc đã bước từ bộ phim Tâm trạng khi yêu vào kịch bản của mình thật hồn nhiên.
Với sinh viên lý luận phê bình
Có lẽ bạn không nên ngạc nhiên khi một sinh viên lý luận phê bình ôm cả chồng phim từ thư viện về nhà bởi họ phải xem nhiều phim hơn bất cứ ai. Không chỉ xem nhiều, sinh viên lý luận phê bình còn tiếp cận các bộ phim theo cả hai chiều sâu và rộng. Họ xem các phim theo lịch sử điện ảnh từ lúc khởi thủy dưới dạng phim câm đến các trào lưu, khuynh hướng trên thế giới. Họ xem rất nhiều phim của cùng một tác giả để nhận ra sự phát triển của sự nghiệp trong thống nhất của phong cách. Họ xem các phim khác nhau của cùng một đề tài để chỉ ra tính phong phú trong quan điểm sáng tạo của từng tác giả, ở mỗi nền điện ảnh. Họ nghiên cứu phim theo các hướng: mỹ học điện ảnh, phong cách tác giả, thể loại, hình thái ý thức, lý thuyết nghiên cứu… Họ tìm cách khai thác từ bộ phim đề tài mà bản thân họ dễ dàng kiểm soát được nhất, tổng hợp được các yếu tố nghệ thuật và cả kĩ thuật của bộ phim, xem lại nhiều lần và không ngừng mở rộng với những ghi chép.
***
Quay trở lại với việc nhìn nhận chung về một bộ phim, theo cách hiểu thông thường: Điện ảnh là câu chuyện được kể bằng hình ảnh nối tiếp hình ảnh nhưng điện ảnh đích thực phải là hình ảnh kể câu chuyện. Tức là mỗi hình ảnh của điện ảnh phải mang trong nó câu chuyện, xung đột, tâm tư, tính cách, lý do có mặt… dù đó chỉ là một cảnh đệm. Vì thế, chúng ta hoàn toàn tin lời dí dỏm của Fellini: “Một con chó chạy qua phim của tôi cũng là con chó được lấy ra từ hoài niệm”. Từ đây, ta nhận ra sự khác biệt giữa một khán giả bình thường và một người học nghề chính là thái độ quan tâm đến một cảnh phim. Một cảnh phim với khán giả bình thường sẽ có cơ may được nhớ suốt đời sau khi họ đã bỏ quên câu chuyện trên đường từ rạp về nhà, bỏ quên nhân vật sau giấc ngủ đêm hôm đó, bỏ quên bài hát chủ đề ngọt ngào trong buổi khiêu vũ tối thứ bảy, bỏ quên tên phim giữa bao cái tên đáng nhớ khác. Thỉnh thoảng họ sẽ nhắc lại: À, phim có cái cảnh ông bác sĩ bị bỏ đói rồi ăn nhiều bánh bao và uống nhiều nước nên nghẹn chết đó… Thật tội nghiệp quá. Thế thôi. Còn với người học nghề thì ngược lại. Cảnh phim là thứ khó nhớ nhất bởi chạm đến nó, bạn phải quan tâm đến đủ thứ: kịch bản, quay phim, diễn viên, âm nhạc, họa sĩ… thật chi tiết, thật cụ thể.
Nói thêm về cảnh phim, trong mỗi bộ phim đều có cảnh quan trọng nhất giữ vai trò then chốt. Lấy ví dụ về bộ phim Nhật nổi tiếng “Hòn đảo trụi” (1960) của đạo diễn Kaneto Shindo. Chìa khóa của phim hoàn toàn nằm ở hai cảnh mở đầu và kết thúc. Mở đầu là một toàn cảnh, góc máy từ trên cao zoom vào đảo trụi. Cảnh kết thúc phim, máy quay lại từ từ rút lên cao. Cảm giác như có một cuộc xâm nhập của đĩa bay từ sao Hỏa. Ống kính máy quay trở thành cái nhìn của người ngoài hành tinh nhìn vào cuộc sống của con người Trái đất. Tại sao con người lại sống cuộc sống nhẫn nhục như vậy, cuộc sống lặp đi lặp lại như vậy. Niềm vui thì ít mà nỗi buồn thì nhiều. Đồng thời, người ngoài hành tinh nhìn vào nên mọi ngôn ngữ không còn quan trọng. Vì thế bộ phim hoàn toàn không có thoại. Sỡ dĩ, bằng sự nhạy cảm bạn buộc phải tìm ra được cảnh quan trọng vì không chỉ để hiểu bộ phim bạn xem mà còn rất cần thiết khi thực hiện bộ phim của mình. Khi ra hiện trường, nhà sản xuất của bạn sẽ lên lịch quay các cảnh sao cho tiện lợi nhất, bạn không thể quay tuần tự các cảnh theo thứ tự trong kịch bản. Bạn phải tính được cảnh quan trọng nhất làm đinh cho phim. Như một chiếc đèn biển, nó xác định chủ đề và dẫn dắt mọi thứ đi đúng hướng. Những cảnh khác sẽ hướng tới nó, chuyển động quanh nó, là nguyên nhân hay kết quả từ nó… Cảnh quan trọng này, đồng thời cũng giúp bạn giữ được tiết tấu cho phim khi bạn mang một đống cảnh lộn xộn cùng một tập kịch bản bị gạch xóa be bét đến bàn dựng. Việc bạn đặt cảnh này ở vị trí nào của bộ phim khẳng định rất nhiều tài năng của bạn.
Cảnh trong phim “Hòn đảo trụi” (1960) của đạo diễn Kaneto Shindo
Như vậy, mỗi bộ phim đều có những luật chơi riêng do người đạo diễn quyết định. Những sinh viên thường thích thú với những luật chơi lạ, cổ quái hơn là những nguyên tắc cơ bản mình cần nắm chắc. Nhưng dù thế nào thì việc xem phim và bình luận là một hình thức tích lũy kinh nghiệm quý báu cho mỗi sinh viên điện ảnh. Bạn không thể làm phim, nếu hằng ngày hằng giờ bạn không được tắm táp trong không gian phim ảnh.