Số báo Sự thật đầu tiên

Trong suốt gần một thiên niên kỷ vừa qua “Sự thật” có thể coi là một tờ báo mang tính Lênin nhất (ra đời dưới sự chỉ đạo của Lênin, tuyên truyền không mệt mỏi cho chủ nghĩa Mác-Lênin, luôn tuân thủ những chỉ dẫn của Lênin về báo chí cách mạng) và có đóng góp lớn nhất về mọi mặt cho phong trào công nhân Nga cũng như giai cấp vô sản thế giới. Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu nội dung của số báo “Sự thật” đầu tiên.

Truớc hết, thời điểm ra mắt báo Sự thật vào mùa Xuân năm 1912. Đây là thời gian trong năm có khí hậu tương đối thuận lợi cho việc phát hành. Tình hình chính trị ở nước Nga khi đó đang có những biến đổi lớn: chính quyền của giai cấp tư sản đang tích cực đàn áp những người công nhân, người làm thuê; mâu thuẫn giai cấp đang ngày trở nên trầm trọng hơn; phong trào công nhân đang ngày càng sôi động; trong cuộc đấu tranh giai cấp những người vô sản với hai bàn tay trắng đã và đang tiếp tục thu được những thắng lợi bước đầu; báo “Ngôi sao”- cơ quan ngôn luận có xu hướng chính trị tiên tiến xuất bản từ năm 1911 mới chỉ ra 3 số trong tuần, chưa đáp ứng được nhu cầu phổ cập tin tức trong xã hội có nhiều biến động; cuộc bầu cử vào thượng viện Nga sắp diễn ra nhưng đang bị che phủ bởi bầu không khí tuyên truyền sai sự thật của thế lực phản động; giai cấp công nhân và người dân lao động Nga cần phải được cung cấp các thông tin chính xác, rõ ràng về đời sống xã hội v.v.

Vì thế ngoài “Ngôi sao”, một tờ báo mới của giai cấp vô sản Nga đã ra đời. Đó là “Sự thật” (Правда)- là tờ báo chính trị xuất bản hằng ngày. Số “Sự thật” đầu tiên đã ra mắt bạn đọc ngày Chủ nhật, 22 tháng 4 năm 1912. Ngay dưới tên gọi “Sự thật” của tờ báo có ghi dòng chữ “Báo công nhân ra hằng ngày”.

Giá bán của “Sự thật” cũng là một điều đáng chú ý. Những người vô sản Nga khi đó đã quan tâm đến khái niệm “tính kinh tế của qui mô” trong các học thuyết kinh tế tư bản. Giá bán “Ngôi sao” (xuất bản ít hơn, 3 số/tuần) trong một tháng khi đó là 30 côpếc (xu- ND), bình quân 2,5 côpếc/số. Giá bán “Sự thật” đã giảm xuống còn 2 côpếc/số.



Ảnh chụp góc trên trang nhất của “Sự thật”

Đội ngũ những người làm báo công nhân cũng rất đặc biệt. Phụ trách biên tập (Tổng biên tập) đầu tiên của báo Sự thật là M. E. Egôrốp, và phụ trách xuất bản (thư ký toà soạn) đầu tiên của Sự thật là N. G. Poletaép. Thành phần Ban biên tập (khi đó được gọi là “các cộng tác viên thường trực”) của “Sự thật” được công bố trên trang nhất gần 80 người. Trong đó chủ yếu là các nhà chính trị, nhà văn, nhà quân sự, thành viên thượng viện Nga (Duma quốc gia), các nhà khoa học, các nhà quản lý, nổi tiếng của Nga như B. Avilốp, N. Azarốp, M. Paklanốp, N. Paturin, D. Bednưu, A. Vinagrađốp, V. Varonhin, A. Valôxnhicốp, V. Voinxki, S. Gansin, M. Gorki, L. Germanốp, X. Guxen-Orenbuốc, IU. Građốp, I. Glanhép, T. Gievich, P. Danxki, V. Ponomariép, G. Plêkhanốp, N. Poletaép, A. Predkon, V. Nhépxki, M. Medvêđép, N. Surkốp, A. Riabin,  I. Pakrôpxki, M. Zakharốp, v.v.

Trong gần 80 các cộng tác viên thường trực có tới 9 người là thành viên của Duma quốc gia (Thượng viện Nga), gồm: V. Varonhin; A. Vôilôsnhicốp; N. Egôrốp; M. Zakharốp; N. Poletaép; A. Predcoln; I. Pakrốpxki; N. Surcốp; Surcanốp.

Trong thành phần các cộng tác viên thường trực còn có 4 người là đại diện thường trú tại Anh (E. Rotstein), Bỉ (I. Popốp), Thụy Sỹ (P. Salin) và Pháp (IU. Streklốp). Họ tên của phần lớn trong số họ đến nay đang được đặt cho các thành phố, phố, trường đại học v.v. ở Nga để lưu danh.

Nội dung của số báo Sự thật đầu tiên cũng rất đặc sắc và cũng rất đa dạng. Trên trang nhất, gồm các mục quan trọng cần tuyên bố khi “chào đời” như giới thiệu đầy đủ thành phần hội đồng biên tập rất có uy tín; lời toàn soạn được viết với hành văn rất gần gũi và thân thiết với người đọc; mục đích tôn chỉ được nêu rất rõ ràng và xác đáng; bài xã luận rất thời sự và nóng hổi mang hơi thở của cuộc đấu tranh giai cấp; mục văn nghệ có đăng một bài thơ rất hay; mục đặt mua báo có những hướng dẫn mang tính khuyến mãi rất cụ thể v.v. Ngoài ra còn có cả các dịch vụ quảng cáo rao vặt.


Ảnh chụp mục “Đăng ký mua” của trên trang nhất của “Sự Thật” có ghi rõ “Trong số các cộng tác viên thường trực có tham gia:” và đăng tên của các cộng tác viên thường trực thay cho lời quảng cáo

“Sự thật” số 1, trong mục “Lời toà soạn” đã nêu rõ: “Liệu có cần phải chứng minh rằng giai cấp công nhân Nga cần có một tờ báo chính trị của mình? Không, điều đó đã được chứng minh. Vấn đề này được đưa ra và thảo luận trên “Ngôi sao” đã lôi kéo được sự ủng hộ nhiệt tình nóng bỏng nhất trong tầng lớp công nhân trên toàn nước Nga. Vì vậy chúng ta không cần phải chứng minh sự cần thiết của tờ báo công nhân, mà chỉ thực hiện những yêu cầu của vô sản Nga. “Sự thật” chính là câu trả lời cho đòi hỏi đó. Giai cấp công nhân cần biết được sự thật”.


Ảnh chụp mục quảng cáo đăng ký đặt báo “Ngôi sao” trên “Sự thật”)

Đồng thời, Lời toà soạn cũng đã nêu: “Tờ báo “Sự thật” của công nhân cần phải xứng đáng với tên gọi của mình: bằng cách đó tờ báo thực hiện sứ mệnh của mình”.
Về mục đích tôn chỉ của “Sự thật” trên số báo đầu tiên đã nêu rõ như sau:

Ai đang đọc báo Ngôi sao và biết các cộng tác viên thường trực của báo Ngôi sao cũng là cộng tác viên thường trực của báo Sự thật thì sẽ không khó hiểu mục đích ra đời của báo Sự thật..

Soi rọi con đường của phong trào công nhân Nga bằng ánh sáng của nền dân chủ xã hội quốc tế, phổ biến trong đội ngũ công nhân sự thật về bạn và thù của giai cấp công nhân, đứng ra bênh vực quyền lợi của sự nghiệp công nhân- đó chính là mục đích “Sự thật” sẽ theo đuổi.

Đặt ra mục đích như vậy, chúng tôi không có ý định che đậy những ý kiến khác nhau đang tồn tại giữa những người công nhân xã hội-dân chủ.

Hơn thế nữa, chúng tôi cho rằng phong trào công nhân mạnh mẽ và đi vào cuộc sống không thể tránh được các bất đồng- chỉ có ở nghĩa trang mới có thể “thống nhất quan điểm đầy đủ”.

Nhưng điều đó không có nghĩa rằng những nội dung bất đồng lớn hơn những nội dung đoàn kết. Còn lâu mới như vậy. Những người công nhân tiên phong dù có bất đồng thế nào chăng nữa họ cũng không thể quên rằng, tất cả mọi người, không phân biệt đảng phái, đều bị bóc lột như nhau; rằng tất cả mọi người, không phân biệt đảng phái, đều đang bị mất quyền lợi như nhau. Vì vậy “Sự thật” trước hết và quan trọng nhất sẽ kêu gọi sự đoàn kết đấu tranh giai cấp của những người vô sản, sự đoàn kết bằng bất kỳ giá nào.

Chúng ta cần không chung sống hòa bình với kẻ thù bao nhiêu thì chúng ta cần trung kiên trong mối quan hệ bạn bè bấy nhiêu. Chiến tranh cho kẻ thù của phong trào công nhân, hòa bình và công việc thân thiện cho nội bộ của phong trào- đó chính là điều “Sự thật” sẽ tuân thủ trong công việc hằng ngày của mình.

Điều đó đặc biệt cần nhấn mạnh hiện nay, khi sự kiện lenxki (sự kiện đàn áp thợ thuyền-ND) và cuộc bầu cử vào thượng viện sắp tới đang đặt ra một cách đặc biệt trước những người công nhân vấn đề cần thiết phải đoàn kết trong một tổ chức duy nhất của giai cấp ”.


Ảnh chụp mục quảng cáo đăng ký đặt báo “Ngôi sao” trên “Sự thật”)

Trong mục xã luận có tiêu đề “Trước bước ngoặt lịch sử” của “Sự thật” đã nêu rõ:

Tờ báo của chúng ta xuất hiện tại thời điểm mà có thể ví một cách đúng đắn là bước ngoặt lịch sử (ranh giới phân chia hai giai đoạn-ND) của phong trào công nhân ở Nga.

Chúng ta đã sống sáu năm gần như dưới tác động của những lời nói của Stolpin: “đừng có sợ hãi” (Stolpin là kẻ cổ vũ cho những hành động đàn áp công nhân-ND). Đã từng không có lối ra. Đã chỉ có bức tường, và những bàn tay buông xuôi trước mắt chúng ta.

Và giờ đây, trong tháng 4 năm 1912, bức tường đang bị rạn nứt. Bức tường sẽ bị phá vỡ bằng chính bàn tay gân guốc của giai cấp vô sản.

Hội đồng Nhà nước đã lùi bước trước sức phản kháng của những người thợ thuyền (người lao động làm thuê-ND). Việc thảo luận dự luật chống lại những người thợ thuyền đã bị hoãn lại đến mùa thu.

Âm mưu hãm hại những người thợ thuyền đã bị đẩy lùi. Tất nhiên sẽ có những âm mưu mới. Nhưng những người thợ thuyền đã hiểu được họ cần phải làm gì.

Sau Hội đồng Nhà nước đến sự nhân nhượng của bộ (tư pháp-ND). Bộ đã hứa sẽ điều tra đặc mệnh về các sự kiện lenxki. Bộ đang nhân nhượng những ai không tin tưởng vào sự truy xét những thủ phạm chính.

Bộ trưởng Trimasép hứa sẽ ban hành một đạo luật mới về điều kiện làm việc và nhà ở cho công nhân.

Bộ đã thừa nhận rằng cần phải nuôi công nhân không phải bằng súng đạn và nhà tù.

Sự ám hại đối với người vô sản đã bị đẩy lùi nhờ phong trào phản kháng, mít tinh và đình công của công nhân.

Stolpin khi nào đó đã kêu gọi lực lượng phản động: “đừng có sợ hãi”. Còn Macarốp hiện nay đã đe doạ (nhắc lại luận điệu của Stolpin-ND): “trước thế nào sau sẽ vậy”. Stolpin đã đúng trong 5 năm, còn Macarốp chỉ đúng có 5 ngày.

Sự phá sản của chính sách Stolpin-Macarốp đã diễn ra dưới áp lực của phong trào vô sản.

Bộ trưởng Macarốp được vinh dự ngoài mong muốn nhại bài ca tẻ nhạt của chế độ (hệ thống-ND) Stolpin.

Phong trào công nhân đã bước sang một trang mới”.


Ảnh chụp mục “На грани”

Trong mục quảng cáo phát hành “Sự thật” đã công bố giá bán như sau:

Giá đăng ký mua 1 năm là 4 rúp 50 côpếc; mua 6 tháng- 2 rúp 25 côpếc; mua 3 tháng – 1 rúp 15 côpếc; mua 1 tháng- 40 côpếc

Đồng thời những người làm báo vô sản Nga lúc bấy giờ cũng đã rất coi trọng việc đăng các dịch vụ quảng cáo. Cũng ngay trên trang nhất, “Sự thật” đã công bố rõ giá cho việc đăng các mục quảng cáo, rao vặt trên báo như sau:

Các loại thông báo: đăng đầu bài- 80 côpếc, đăng cuối bài- 40 côpếc;

Các văn bản: 10 côpếc cho 1 dòng trong cột báo;

Tìm thuê, mua phòng ở: 10 côpếc/dòng;

Phụ trương: đăng dưới 1 năm- 10 rúp/1000 cái; trên 1 năm- 2,5 rúp/năm.

Và cuối cùng, bên dưới cùng góc phải của “Sự thật” là những vần thơ yêu nước của E. Pridvorốp.
      

  Nguyễn Thành Sơn (sưu tầm)

Tác giả