Sơn mài Việt Nam- lấp lánh và quyến rũ

Những ai đã từng tiếp xúc, yêu thích những vật phẩm, những bức họa được vẽ bằng chất sơn ta cùng các họa phẩm như son, then, vàng bạc... (1) thì cũng từng bị thu hút không chỉ bởi sự công phu của quá trình chế tác mà còn là một trạng thái thỏa mãn đôi mắt với những sự lấp lánh của hiệu ứng kim loại như bạc; vàng hay sự chuyển màu êm ái sâu lắng mà chỉ có được với sơn ta Việt Nam cùng kỹ thuật mài tinh xác, từ rất nhiều cảm giác mà hiệu ứng sơn mài mang lại ấy ta thấy có một sự lấp lánh và quyến rũ thông qua những tác phẩm sơn mài trong triển lãm cá nhân của nữ họa sỹ người Mỹ gốc Việt Nguyễn Oanh Phi Phi(2) được trưng bày tại phòng triển lãm của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 19 đến 31 tháng 7 năm 2007.

Nữ họa sỹ trẻ người Mỹ gốc Việt Nguyễn Oanh Phi phi vừa hoàn tất và công bố Triển lãm mang tên Black Box (Hộp đen) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với sự tài trợ của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội. Một triển lãm cá nhân và cũng như bản báo cáo kết quả về những trải nghiệm, khám phá của cô không chỉ về những kỹ thuật chế tác, biểu đạt mà còn là những trải nghiệm văn hóa, đời sống. Và, quan trọng hơn những trải nghiệm và khám phá của cô đã đọng lại tạo nên một ứng xử đáng trân trọng trong thế giới Sơn mài Việt Nam.

 
Bản tin

Triển lãm gồm 16 hộp cỡ lớn bằng gỗ phủ sơn mài, mặt mỗi hộp là một bức tranh sơn mài, được trình bày dưới hình thức xếp đặt nghệ thuật mà hiệu quả thị giác thu được là dạng thức kết hợp con mắt nhìn tranh hội họa mặt phẳng và vật thể mỹ nghệ 3 chiều, ngoài ra ánh sáng và các hiệu ứng không gian phụ trợ nhằm tạo một ấn tượng không gian kích thích mối quan sát tập trung vào 16 tấm tranh. Mỗi tấm tranh hay nói đúng hơn mỗi cái hộp (mà tác giả gọi tên là hộp đen) ngoài cái ý thức truyền tải thông điệp là sự ghi lại những ký ức hình ảnh mà tác giả trải nghiệm thì tự thân mỗi tác phẩm ấy độc lập với câu chuyện của mình. Tác phẩm mang tên “Dư vị” là một trong số ấy, diễn tả những gì còn lại xung quanh mâm cơm trên chiếc chiếu trải ra dưới sàn gạch hoa. Một cảm giác thân thuộc len trong ta, đầy ắp xúc cảm về sự sống. Tác phẩm khiến liên tưởng đến cách thực hiện tác phẩm xếp đặt của một nghệ sỹ châu Âu khi ông trình bày hàng loạt các tác phẩm bằng cách cho người xem thấy những gì còn lại sau những bữa ăn nhưng ở Tác phẩm “Dư vị” thực sự hấp dẫn đôi mắt chúng ta – người Việt – một hình ảnh vừa quá quen mà lại lạ lạ. Dưới ánh sáng, hiệu ứng phản chiếu của vàng, bạc dát trên mặt tranh loé lấp lánh như trang sức dường như vượt lên cho ta chạm tới cảm giác về cuộc sống trong niềm hân hoan ngợi ca. Phải ghi nhận rằng nữ họa sỹ thật tinh tế trong tư duy và điêu luyện trong khả năng thể hiện. Xem lần lượt các tác phẩm trong triển lãm, tất cả cho một ghi nhận về quá trình làm việc nghiêm túc, công phu có thể nói là hoàn hảo. Cho thấy rất nhiều sức mạnh thể hiện, tính khả thi của vật liệu này. Trải dài từ những chi tiết đòi hỏi chính xác, tinh tế đến những cảm giác không thiếu sự phóng khoáng. Tổng quan những cảm xúc khi xem phòng triển lãm khiến ta đồng cảm với ngôn từ “Siêu ngợp” mà Tiến sỹ Nora Taylor(3) đã dùng khi viết về nghệ thuật của Nguyễn Oanh Phi Phi.

 
Dư vị

Mỹ thuật Việt Nam đã có rất nhiều Họa gia thành công trong lĩnh vực sử dụng và xây đắp nên một hình thức Sơn mài truyền thống từ đó đã hấp dẫn ngày càng nhiều họa sỹ nước ngoài tiếp xúc, học tập và thực hành sáng tạo dù rằng sơn mài là một thế giới vật liệu và kỹ thuật đầy thách thức. Nguyễn Oanh Phi Phi đã tự khẳng định những thu hoạch và làm chủ cái thế giới thách thức ấy để bộc lộ một sự tập trung cao độ trong quá trình diễn đạt những chuyển động nội tâm; những sinh động của hiện thực khách quan chắt lọc qua đôi mắt. Đánh giá về một triển lãm đẹp của nữ họa sỹ này là thêm một lần ngợi ca sự quyến rũ của thế giới sơn mài đầy lấp lánh và huyền ảo, cũng thêm một lần ghi nhận thành quả hôm nay tô đậm sự xác lập của những thế hệ Họa sỹ Việt Nam tiên phong từ thế kỷ trước cho một thế giới nghệ thuật Sơn mài Việt Nam.

———–
*Thạc sỹ Mỹ thuật – Họa sỹ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

(1) “Son” là cách gọi để chỉ màu đỏ có gốc khoáng chất, có 4 cấp độ đỏ khác nhau tương ứng với 4 tên gọi son khác nhau; “Then” để chỉ chất sơn ta tự nhiên đã chế biến thành chất sơn sau khi khô cho lớp màu đen nhưng trong khiến có thể nhìn thấy cả bên dưới lớp sơn này.
(2) Nguyễn Oanh Phi Phi là tên hiệu mà nữ tác giả Katherine Oanh Nguyễn tự đặt cho mình khi ra mắt triển lãm. Học về thiết kế tại Mỹ và nhận học bổng sang Việt Nam nghiên cứu về Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam từ đầu 2005. 
(3) Nora Taylor là Tiến sỹ, Giáo sư nghành Nghệ Thuật Đông Nam Á, Học viện Nghệ thuật Chicago. Bà là tác giả cuốn “ Các họa sỹ Hà Nội – Một ngành Dân tộc học về Nghệ thuật Việt Nam” (Hawaii, 2004)

Phạm Hà Hải*

Tác giả