Sonata cello và câu chuyện cuộc đời Beethoven

Nếu phải ra đảo hoang hoặc một chốn tĩnh lặng nào đó, tôi sẽ mang theo năm bản cello sonata của Beethoven để có thể nghiền ngẫm sâu hơn về chúng. Bởi về cơ bản, chúng miêu tả toàn bộ câu chuyện cuộc đời Beethoven.


 Beethoven đã vượt qua bệnh điếc để có những tác phẩm xuất sắc vào giai đoạn cuối. Nguồn: Classical-Music.com

Cả năm bản sonata dành cho cello này đã trải dài suốt cả ba giai đoạn chính cuộc đời nhà soạn nhạc vĩ đại, từ bản sonata trữ tình giọng Fa trưởng Op.5 No.1 tới bản sonata đồ sộ Op.102. No.2. Chúng đều là những tác phẩm chủ chốt của danh mục tác phẩm viết cho cello.

Sự phát triển của thể loại cello sonata

Chúng ta hãy bắt đầu trở lại cội nguồn tình yêu dành cho cello của Beethoven. Vào năm 1796, ở tuổi 25 và vẫn chưa bị mất thính lực, nghệ sỹ piano Ludwig van Beethoven có một chuyến lưu diễn kéo dài năm tháng, bao gồm các buổi diễn ở Berlin tại triều đình vua Friedrich Wilhelm II nước Phổ, vốn là một người yêu âm nhạc và biết chơi cello. Tình yêu âm nhạc của ông lay động cả trái tim Haydn và Mozart – hai nhà soạn nhạc thời kỳ Cổ điển, bằng chứng là họ đều sáng tác một số các tứ tấu đàn dây để đề tặng vua Friedrich.
Tại triều đình vua Friedrich Wilhelm, Beethoven đã gặp hai nghệ sĩ cello xuất sắc đương thời – anh em nhà Duport, trong đó người anh là Jean-Pierre và người em Jean-Louis. Ngày nay, anh em nhà Duport vẫn được nhắc đến vì một vài lý do! Ví dụ, Duport sở hữu một cây cello Stradivarius được chế tác năm 1711 và từ đó, cây đàn mang luôn tên của ông. Không ai khác ngoài Napoleon đã khăng khăng đòi thử cây cello này rồi bảo: “Làm thế nào mà ma quỷ lại khiến ngài giữ vật này, hở ngài Duport?” Chuyện kể rằng trước nỗi kinh hoàng của Duport, Napoleon đã tạo ra một vết lõm ở sườn cây đàn mà hiện giờ vẫn còn nhìn thấy được trên cây Duport Strad ngày nay (nghệ sỹ cello huyền thoại Mstislav Rostropovich là người gần đây nhất sở hữu nhạc cụ này). Nhà văn và triết gia nổi tiếng người Pháp Voltaire đã nói về tài nghệ chơi đàn của người em Jean-Louis như sau: “Thưa ngài, ngài sẽ khiến tôi tin vào những điều kỳ diệu, bởi tôi thấy ngài có thể biến một con bò thành một con chim sơn ca.”

Các nghệ sĩ cello thế hệ sau như tôi đã phải vật lộn với hai mươi mốt bản etude gai góc của Jean-Louis Duport – “Nghệ thuật bấm ngón và kéo vĩ cello”, (Jean-Pierre trên thực tế đã viết hai trong số các etude trong tập) và ngày nay nó vẫn là cuốn Kinh Thánh của chúng tôi về kỹ thuật cello cùng với các etude của Popper.

Beethoven đã ấn tượng trước tiếng đàn của anh em nhà Duport tới mức ông quyết định viết hai bản cello sonata cho họ – Sonata giọng Fa trưởng và Sonata giọng Sol thứ, được biểu diễn tại triều đình Berlin vào năm 1796 với bè piano do Beethoven đảm nhiệm. Có vài tranh cãi xoay quanh chuyện ai là người đã đảm nhiệm bè cello, Jean-Louis hay Jean-Pierre.

Các sonata thời kỳ đầu là cuộc trình diễn sức mạnh của piano, trong khi bè cello dù có những dòng giai điệu đẹp nhưng lại tràn ngập những âm hình đệm. Vào thời đó, các bản sonata vẫn được coi là tác phẩm viết cho piano và cello, piano vẫn giữ thế chủ đạo. Hai sonata thời kỳ đầu của Beethoven vẫn còn mang đặc trưng của âm nhạc Haydn và Mozart về cấu trúc và nội dung, vì thế chưa có sự cân bằng về “giọng nói” của hai nhạc cụ. Chúng đều được bắt đầu bằng các đoạn dẫn nhập chậm và ngắn, rồi được tiếp nối bằng đoạn có thể được coi là dành cho kỹ xảo cello. Cho tới thời điểm đó, cello đã được xử lý như một nhạc cụ giữ bè trầm. Các dấu nhấn đặc trưng tại các phách nhẹ của Beethoven đã lộ rõ trong các tác phẩm thời kỳ đầu này.

Năm 1802 – thời kỳ giữa trong sự nghiệp sáng tác của mình, Beethoven bắt đầu rơi vào trạng thái chán nản và suy sụp vì mất thính giác. Sự nghiệp biểu diễn của ông vì thế cũng chấm dứt. Beethoven đã than thở về nỗi đau đớn bi thương của mình trong một bức thư mà sau này, người ta gọi là Chúc thư Heiligenstadt: “Nhưng tôi thấy đau đớn làm sao khi ai đó đứng cạnh mình có thể nghe thấy tiếng sáo ở xa còn mình gần như chẳng nghe thấy gì, hoặc ai đó nghe thấy tiếng hát mục đồng còn mình lại không nghe thấy gì cả. Những sự việc như vậy khiến tôi gần như tuyệt vọng; chút xíu nữa thôi là tôi đã tự kết liễu cuộc đời – chỉ có nghệ thuật của tôi mới giữ tôi lại. Ôi, dường như tôi không thể rời khỏi thế giới cho đến khi tôi đã bộc lộ hết tất cả những gì mình cảm thấy trong lòng…”.

May mắn là Beethoven đã vượt qua được nỗi thống khổ này, ông dồn mọi tình yêu và sức lực còn lại vào nghệ thuật. Vì vậy thời kỳ này cũng là thời kỳ ông sáng tác nhiều các bản Violin Concerto, bộ Trio Op.70 cho piano, violin và cello – bản “Bóng ma” và “Archduke”,  Giao hưởng số 5 hùng vĩ và Giao hưởng số 6 “Đồng quê”. Bản Cello Sonata giọng La trưởng Op.69 được soạn vào năm 1808 khi Beethoven đã gần như điếc hoàn toàn. Tác phẩm là một kiệt tác và có lẽ là bản được yêu thích nhất trong số các tác phẩm cello của ông.

Trong bản sonata này, bè cello và bè piano được đối xử bình đẳng, do đó nó là tác phẩm nhạc thính phòng đích thực đầu tiên. Điều khác thường là bè cello bắt đầu bản sonata một cách độc lập. Suốt bản nhạc, có rất ít những mảnh trang trí được đánh dấu “ad libitum” (tùy ý chọn nhịp độ) để nhạc công có thể biểu diễn trong trạng thái tự do. Beethoven đã sử dụng các mẫu nhịp điệu có dấu trọng âm đầy mạnh mẽ trong đoạn scherzo khiến mọi người phải liên tục đoán xem nghệ sỹ đang chơi ở loại nhịp nào. Một điều cần lưu ý là chương cuối nhanh, đòi hỏi nghệ sĩ cello phải chơi ở tầm âm cao của nhạc cụ và phô diễn kỹ thuật. Beethoven cũng phát triển giai điệu và hòa âm theo một cách thức rộng và thoáng hơn về kiến trúc so với các tác phẩm trước đó. Beethoven đề tặng bản sonata này cho một người bạn chơi cello rất giỏi là Ignaz Gleichenstein. Nam tước Gleichenstein đã tiếp quản những công việc của Beethoven khi Ferdinand Ries, cựu học trò và trợ lý cá nhân của Beethoven, rời Vienna năm 1805.

Sức sáng tạo nghệ thuật

Hai cello sonata cuối cùng xuất hiện theo một cách lặng lẽ. Năm 1808, bá tước Razumovsky (người mà Beethoven đề tặng các tứ tấu đàn dây Op.59) đã yêu cầu nghệ sĩ violin Ignaz Schuppanzigh thành lập “nhóm tứ tấu đàn dây xuất sắc nhất châu Âu”. Do đó, Schuppanzigh mời nghệ sĩ cello Joseph Linke, người nổi tiếng với kỹ thuật phân nhịp du dương, biểu cảm và hoàn hảo, tham gia vào nhóm tứ tấu này. Họ đã cùng chơi trong nhiều buổi biểu diễn các tứ tấu đàn dây đầu tiên của Beethoven. Có lẽ Beethove hài lòng với màn biểu diễn này của họ. Cùng năm đó, ông đã cùng với Linke, Schuppanzigh cùng trình diễn các buổi công diễn lần đầu hai bản piano trio của mình tại nhà nữ bá tước Maria von Erdödy. Đáng tiếc là vào năm 1814, một trận hỏa hoạn đã phá hủy hoàn toàn cung điện của bá tước Razumovsky và nhóm tứ tấu mất đi nhà bảo trợ. Trong rủi có may, nhà bảo trợ của Beethoven là nữ bá tước Erdödy đã đồng ý tuyển dụng Linke. Vào mùa hè năm 1815, nữ bá tước cùng chồng lưu trú tại ngôi nhà của mình ở Jedlersee. Mặc dù Beethoven đã ở đó cùng họ trong một thời gian ngắn nhưng ông biết chẳng bao lâu nữa Erdödys và Linke sẽ rời đi Croatia. Ông sáng tác bản cello sonata thứ tư giọng Đô trưởng và thứ năm giọng Rê trưởng thuộc tập Op.102, như một lời từ biệt Joseph Linke.
Các sonata này đánh dấu thời kỳ sáng tác cuối cùng của Beethoven. Mặc dù ngắn hơn so với ba bản đầu tiên, các sonata lại chứa đựng tinh thần đổi mới sâu sắc với nhiều thử nghiệm và kịch tính. Có thể thấy đoạn mào đầu trong các bản sonata này ngắn hơn nhiều – gần bằng một nửa so với hai bản đầu tiên. Mọi thứ ở đây đều cô đọng, mỗi cử chỉ được tuân thủ theo cách tối cần thiết. Cuộc trò chuyện giữa hai nhạc cụ cũng diễn ra một cách gần gũi và mỗi nốt nhạc đều chiếm một vị trí quan trọng trong cấu trúc tổng thể. Sonata giọng Đô trưởng cũng lại bắt đầu bằng giai điệu riêng của đàn cello theo một cách biểu cảm như hát. Mặc dù rất khó để chọn ra một bản cello sonata nào hay nhất nhưng sonata Đô trưởng có thể được coi là tác phẩm yêu thích của tôi!

Các tác phẩm mang tính anh hùng ca của Beethoven thường mang đặc trưng của sự thôi thúc tinh thần đấu tranh và đi tới chiến thắng. Điều này được minh chứng trong sonata cuối cùng giọng Rê trưởng. Nếu chương chậm của các bản sonata khác đều có pha lẫn các đoạn nhanh một cách chủ ý thì ở sonata này, chương chậm Adagio là trọn vẹn, chứa đầy những xúc cảm và đam mê. Một đoạn fugue hùng vĩ kết thúc tác phẩm giống như cách Beethoven kết thúc sonata số 29 Hammerklavier và những tứ tấu đàn dây cuối cùng đã đem lại xúc cảm mạnh mẽ về sự vươn lên trước định mệnh khắc nghiệt mà chỉ có những ý chí mãnh liệt và sự ham sống mới có thể sống sót. Beethoven đã hiện ra trong chiến thắng anh hùng và chúng ta có thể nghe tiếng ông hân hoan như nói lời chào tạm biệt với thể loại cello sonata.

Các bản cello sonata, mười sonata cho violin và piano cùng các kiệt tác piano sonata của Beethoven đều có sức mạnh mãnh liệt và tầm vóc biểu hiện vượt xa bất cứ bậc tiền bối nào của ông. Beethoven đã thành công trong việc nâng khí nhạc lên những tầm cao nhất của nghệ thuật. Tôi chẳng bao giờ thấy nhàm chán khi chơi hay nghe chúng.

Giống với vài tác phẩm khác cùng thời kỳ, bản cello sonata giọng La trưởng Op.69 là một trong những tác phẩm lạc quan nhất có thể tưởng tượng được; từ những câu nhạc mở đầu, nó đã tỏa ra sự thanh bình, hài hước và niềm vui. Đây là bản sonata đầu tiên có sự cân bằng giữa cello và piano bởi các cello sonata trước đó chỉ là các piano sonata với bè đệm cello. Tại đây mỗi chủ đề đều được hình thành một cách hoàn hảo cho cả hai nhạc cụ. Do đó, Beethoven đã phát minh ra một thể loại mới.

Ngọc Anh dịch
Nguồn: http://www.interlude.hk/front/a-cellists-dream-the-beethoven-cello-sonatas/
—-
*Janet Horvath là nghệ sĩ cello chính của Dàn nhạc Minnesota trong hơn ba thập kỉ. Cô cũng là một nghệ sĩ độc tấu, nhà văn, người phát ngôn chống phân biệt chủng tộc và người ủng hộ giải thưởng cho việc phòng chống thương tích.

 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)