Sonata “Phục sinh” của F. Mendelssohn đã sống lại

Thất lạc suốt 150 năm - và bị hiểu lầm là tác phẩm của em trai bà – một bản nhạc táo bạo và phức tạp của Fanny Mendelssohn mới đây đã nhận được sự chú ý xứng đáng dù muộn màng. Hậu duệ cách bà sáu thế hệ kể lại câu chuyện.


Những đam mê phi thường, tranh khắc gỗ chân dung Fanny Mendelssohn do chồng bà – họa sĩ Wilhelm Hensel – sáng tác năm 1881. Ảnh: Alamy.

Thật bất thường khi có tới năm tài khoản Twitter. Đặc biệt là nếu bạn đã qua đời được 170 năm. Nhưng cụ bà cách tôi sáu thế hệ, Fanny Mendelssohn, là một phụ nữ khác thường, và thậm chí ngày nay bà vẫn tiếp tục truyền những đam mê phi thường. Suốt đời mình, bất chấp tấm lưng cong vẹo và cặp kính mắt dày, bà vẫn được yêu mến bởi tài năng âm nhạc và sự ấm áp, đồng thời bị e sợ bởi trí tuệ sắc sảo (rất không nữ tính!) và sự không khoan nhượng đối với những gì thiếu chuyên nghiệp.

Fanny hơn cậu em trai Felix ba tuổi, và cho đến năm cậu em 20 tuổi còn cô chị 23, hai chị em không lúc nào rời nhau. Họ đã cùng học soạn nhạc, cho nhau xem các tác phẩm mới trước khi đem khoe với bất kỳ ai và chỉ tin cậy ý kiến của nhau.

Nhưng sự bình đẳng này đã không thể kéo dài. Năm 14 tuổi, Fanny chơi thuộc lòng trọn bộ Preludes và Fugues của Bach trong ngày sinh nhật cha mình (thời lượng như vậy là rất lớn song họ là kiểu gia đình đó). Kết quả, người cha phán rằng: “Rất hay, con yêu, nhưng đừng quên con là con gái, thế nên con có thể quên đi việc trổ tài trước bàn dân thiên hạ.”

Vào ngày 4/4/1829, Felix khởi hành một chuyến đi lớn để nghe nhạc, chơi nhạc và lấy cảm hứng từ âm nhạc khắp châu Âu – hãy nhớ rằng cách duy nhất để nghe nhạc vào thời ấy là nghe trực tiếp tại buổi biểu diễn. Còn Fanny thì ở nhà, chuẩn bị kết hôn với một người đàn ông mà cô không gặp đã bảy năm, họa sĩ Wilhelm Hensel. Như trong chuyện cổ tích, Wilhelm, người đã đem lòng yêu Fanny, phải đi xa cho đến khi chứng minh được mình đủ khả năng nuôi vợ. Và, cũng như trong chuyện cổ tích, chàng trai vốn bị gia đình Mendelssohn chế nhạo vì sự chậm hiểu và bất lực trong việc ghi nhớ dù chỉ một giai điệu, bỗng hóa thành người hùng. Anh tuyên bố sẽ không cưới Fanny trừ phi cô tiếp tục sáng tác; và trong suốt cuộc sống lứa đôi của họ, sáng nào trước khi đi vẽ, anh cũng đặt một tờ giấy chép nhạc trống trơn lên giá nhạc của cô và bảo rằng anh muốn thấy nó đầy nốt nhạc khi anh trở về.

Vậy là Fanny sáng tác. Cô không thể không làm thế. Giống như em trai mình, cô bị thôi thúc phải viết nhạc, sống và thở với nó, và dùng nó để thể hiện mọi điều xảy đến với mình. Cô tự viết nhạc cho đám cưới của mình vào đêm trước hôn lễ khi Felix không thực hiện lời hứa làm việc này. Cô săn sóc gia đình qua một đợt dịch tả rồi viết Cantata “Dịch tả” khi dịch bệnh kết thúc.1

Felix biết rằng cô giỏi viết nhạc. Trên thực tế, anh đã xuất bản một số bài hát cô viết dưới tên anh, dẫn đến tình huống đỏ mặt trước nữ hoàng Victoria khi anh hỏi nữ hoàng thích bài nào nhất trong số các bài hát của anh thì hóa ra đó lại là một bài do Fanny viết. Nhưng Felix không ủng hộ cô xuất bản, mà thiếu sự ủng hộ đó thì cô không đủ can đảm làm việc này. Vì vậy, trong 15 năm, cô đã viết những bản nhạc mà cô biết là sẽ chỉ được chơi ở nhà mình. Với các nhà soạn nhạc nữ khác thì Felix khuyến khích, gây quỹ cho họ và thậm chí trong trường hợp Clara Schumann, anh còn chỉ huy buổi công diễn lần đầu bản piano concerto của cô. Thế nhưng anh không làm điều tương tự với Fanny. Chỉ đến năm 1846, Fanny mới đủ can đảm bất chấp em trai mình và xuất bản một tuyển tập bài hát. Kiệt tác piano trio của cô cũng xuất hiện trong thời kỳ này. Nhưng rồi năm sau, cô qua đời hết sức đột ngột ở tuổi 41 vì một cơn đột quỵ.

Đến tận ngày nay cũng chỉ có một phần rất nhỏ trong số hàng trăm tác phẩm của Fanny từng được xuất bản hay trình diễn. Cái ngày mà hai chị em chia tay vào năm 1829, cô đã viết trong nhật ký: “Mình đã chơi Easter Sonata [Sonata Phục sinh] của mình.” Bản sonata này, cùng với phần lớn sáng tác của cô, đã bị lãng quên. Nhưng 140 năm sau, một định mệnh kỳ lạ đã mang nó trở lại.

Với một phụ nữ 22 tuổi, việc viết một bản piano sonata khi Beethoven qua đời chưa đầy một năm là chuyện động trời. Một bản sonata, một tác phẩm cho piano độc tấu thôi mà, có gì ghê gớm đâu; nhưng bất cứ ai đã nghe các sonata của Beethoven sẽ hiểu tại sao phần lớn các nhà soạn nhạc thời đó lại không dám động thủ trong suốt một thập kỉ. Tuy nhiên, Fanny nhà chúng tôi không như vậy. Cô chuyển sang thể loại này và viết một tác phẩm đồ sộ, phức tạp, mãnh liệt và táo bạo.

Nhà sưu tập và sản xuất thu âm Henri-Jacques Coudert, người đã tìm thấy bản thảo tác phẩm trong một hiệu sách ở Paris vào năm 1970, coi đây hiển nhiên là một kiệt tác chưa từng được biết đến của “F Mendelssohn”. Ông đã mời nghệ sĩ piano Eric Heidsieck thu âm nó như một tác phẩm mới được phát hiện của Felix Mendelssohn.

Nhưng năm 2010, một nhà âm nhạc học trẻ người Mỹ, Angela Mace Christian, đã nghe nó và nhận ra giọng nhạc của Fanny. Việc nghiên cứu Fanny khá khó khăn do Rudolf Elvers, người phụ trách kho dữ liệu trữ các giấy tờ của Fanny ở Berlin lúc bấy giờ, không để bất kỳ ai tới gần kho dữ liệu, xua đuổi cô y như với “một bà nội trợ”.

Nhưng người kế nhiệm ông cởi mở hơn, và Christian đã thấy, trong số các tác phẩm của Fanny có một tập nhạc được buộc chặt bị thiếu mất 30 trang. Khi cô lần tìm tới Coudert ở Paris và thuyết phục ông cho cô xem bản thảo quý giá, ông khăng khăng rằng đây là tác phẩm của Felix và Fanny chỉ sao chép lại. Ông bảo: “Nó không thể là của Fanny” và vẫn khẳng định “đó là một kiệt tác… rất nam tính. Rất mãnh liệt.” Nhưng Christian không chỉ thấy nó đầy các đoạn gạch bỏ và ghi chú (và vì vậy nó không thể là một bản sao chép) mà còn thấy các trang được đánh số. Và những con số này khớp với số trang bị thiếu trong tập nhạc ở Berlin.

Thế nên cuối cùng, 189 năm sau khi được Fanny sáng tác, bản Easter Sonata đã được biểu diễn với tư cách là tác phẩm của Fanny và bậc tiền bối nhẫn nại, quyết đoán và dũng cảm của tôi đã được đánh giá lại một cách xứng đáng.2 Trong khi đó, bản thảo tác phẩm lại biến mất vào một bộ sưu tập cá nhân khác, và bí ẩn trong mối quan hệ giữa Felix và Fanny vẫn còn đó.

Tác giả bài viết là tiểu thuyết gia, nhà làm phim và hậu duệ trực hệ của Fanny Mendelssohn.

Ngọc Anh dịch
Nguồn: https://www.theguardian. com/music/2017/mar/08/fanny-mendelssohn-easter-sonata-premiere-sheila-hayman
————-
1 Dịch tả đã cướp đi sinh mạng của 13 người bạn thân thích và thành viên trong gia đình. Bản thân Fanny cũng mắc bệnh nhưng qua được.
2 Buổi công diễn lần đầu tại Anh bản Easter Sonata do Fanny Mendelssohn sáng tác được truyền thanh trực tiếp trên kênh Radio 3 từ phòng hòa nhạc thuộc Trường nhạc Hoàng gia (Royal College of Music), London, vào ngày 8/3/2017 như một phần chương trình kỉ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ của đài này.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)