Sự đánh đổi di sản trong đô thị ngàn năm tuổi
Thăng Long- Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến sẽ không còn một di tích nguyên gốc về Đàn Nam Giao tại khu vực 114 Mai Hắc Đế. Như vậy là chúng ta đang phải tiễn đưa một di sản khảo cổ học đô thị.
Một di tích khảo cổ học đã nhường chỗ cho một công trình xây dựng mới theo biện luận bảo tồn phải “hài hoà” với phát triển. Một lần nữa những giá trị khảo cổ học lại đối mặt trước những quan niệm, tư duy “mới” về bảo tồn.
Khi độ phẳng của thế giới ngày càng rõ nét, khi nền văn hoá bản địa đang bị xâm thực, đối thoại, hoà nhập, hoà tan, khi các diện mạo các đô thị ngày càng giống nhau… cũng là lúc bản sắc văn hoá, đặc trưng đô thị được đề cao hơn bao giờ hết trở thành cứu cánh của một dân tộc, một thành phố hay quốc gia. Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến sự nỗ lực của nhiều đô thị muốn tìm kiếm, khẳng định bản sắc bề dày lịch sử văn hoá của mình. Có nhiều cách để họ thực thi việc đó, và một trong những cách làm hiệu quả nhất nhưng không mấy dễ dàng là kiếm tìm và làm toả sáng những di sản văn hoá, trong đó có các di sản khảo cổ học. Sống động, thực tế hơn bất kỳ tài liệu sách vở, tranh ảnh, mô hình, lời ngợi ca nào các di sản khảo cổ học hàm chứa những giá trị vật thể và phi vật thể lớn lao, minh chứng về một thời kỳ lịch sử đã qua.
Bia Đàn Nam Giao ở Bảo tàng
Lịch sử Việt Nam |
Thăng Long – Hà Nội đang chạy đua với thời gian để kỷ niệm 1000 năm tuổi của mình. Và cũng chưa bao giờ lịch sử phát triển đô thị Hà Nội lại được củng cố và làm sáng rõ qua các dấu tích vật chất của khảo cổ học nhiều như vậy. Từ các di tích khảo cổ học tại địa điểm 11 Lê Hồng Phong, Bắc Môn, Đoan Môn, Hậu Lâu, Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu, Đàn Xã Tắc nay là Đàn Nam Giao cùng với các di tích hiện hữu đã cơ bản hình thành khung đô thị Thăng Long qua các dấu tích vật chất.
Từ ngày 15/3/2007 đến nay, qua 3 đợt thám sát, khai quật khảo cổ học tại 114 Mai Hắc Đế, với diện tích 1.100m2 Viện Khảo cổ học đã tìm thấy một khối lượng di tích, di vật khá phong phú, có niên đại kéo dài từ thời Lý qua thời Trần đến thời Lê (từ thế kỷ XI-XII đến thế kỷ XVII) đó là một bộ phận dấu tích kiến trúc Đàn Nam Giao thời Lý – Trần. Việc phát hiện ra vị trí, dấu tích Đàn Nam Giao tại đây không gây sự bất ngờ trong giới chuyên môn và người dân vì nó đã được sách sử ghi rõ. Tuy nhiên kết quả, giá trị và việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích này như thế nào cần được cân nhắc cẩn trọng. Qua báo cáo kết quả của Viện Khảo cổ học, qua 3 lần hội thảo của các nhà quản lý, nghiên cứu lịch sử, văn hoá, bảo tàng, cho thấy kết quả chưa thoả mãn mong muốn của chúng ta, còn nhiều vấn đề mà kết quả khảo cổ và nghiên cứu chưa làm sáng rõ là những dấu tích kiến trúc đó là công trình gì, vị trí ở đâu, cấu trúc tổng thể Đàn Nam Giao như thế nào, chưa thấy được trung tâm của Đàn. Với khảo cổ học, chúng ta không hy vọng thỏa mãn đầy đủ những mong muốn trả lời thoả đáng những câu hỏi, sáng rõ tất cả vì chúng vốn đã bị tổn thương, phá huỷ, đó là nguồn vật chất vô cùng mong manh, cần thời gian, công sức nghiên cứu của nhiều ngành, lĩnh vực liên quan thậm chí của nhiều đời.
Do đó những câu hỏi chưa có lời giải đáp về Đàn Nam Giao là điều dễ hiểu, khi chúng ta còn thiếu thời gian, thiếu công nghệ hay hạn chế trong nghiên cứu…vượt ngoài khả năng hiện có của chúng ta thì hãy dành cho các đời sau vì các đời sau. Nếu chỉ vì những vấn đề chưa làm sáng rõ ngay được, nếu chỉ vì sự hối thúc của phát triển công trình cao tầng, nếu chỉ vì ý kiến của hội thảo các nhà khoa học lịch sử, nếu chỉ vì thời gian, nếu chỉ vì…mà chúng ta đi đến quyết định di dời hiện vật, dịch chuyển một phần di tích, làm bia đá, dựng nhà bia, làm vườn hoa…để ghi dấu tích Đàn Nam Giao nhường chỗ cho việc xây dựng toà tháp cao tầng, đồng nghĩa với việc vĩnh viễn xoá bỏ di tích khảo cổ học nguyên gốc là việc làm cần được khắc ghi trong sách sử và bài học trong bảo tồn di sản của thế giới.
Khảo cổ học Đàn Nam Giao |
Ngày nay, có những thành phố trên thế giới phát triển hết mình nhưng vẫn luôn đau đáu tìm kiếm, gìn giữ và trân trọng từng hạt ngọc dù nhỏ nhoi của khảo cổ học. Bên cạnh những khu vực, công trình hiện đại còn có những di sản đô thị cổ, cũ, có những di tích khảo cổ học, chính nó làm càng dày hơn, đặc chắc hơn vốn văn hoá, lịch sử đô thị của đô thị đó.
Trong khi nhà cao tầng xây dựng ở khu trung tâm đô thị cũ đang bị nhiều thành phố trên thế giới chối bỏ, thì chúng ta lại tiếp nhận. Trong khi các di sản khảo cổ học đô thị ngày càng trở nên hiếm hoi trên thế giới, bảo tồn và phát huy giá trị chúng đã được nâng lên tầm cao mới về văn hoá, công nghệ thì ở ta các di sản khảo cổ học được nhận thức hết sức mờ nhạt, việc khai quật khảo cổ học- một công việc đòi hỏi sự công phu, hệ thống, khoa học thì có lúc, có nơi bị đối xử như việc tìm kiếm kho báu ở thế kỷ XVIII tại thành phố cổ Herculanum hay các quảng trường La Mã (forum). Do đó xuất hiện thể loại “khảo cổ học giải phóng mặt bằng”.
Việc xây dựng toà tháp cao tầng lên trên di tích khảo cổ học Đàn Nam Giao và dịch chuyển di tích, di vật sang vị trí khác được coi là “phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích Đàn Nam Giao trong sự kết hợp hài hoà với yêu cầu xây dựng phát triển thủ đô văn minh, hiện đại” là sự hài hoà giữ bảo tồn với phát triển. Không thể có sự hài hoà ở đây nếu một di sản phải nhường chỗ cho công trình kiến trúc khác thì đó là mối quan hệ bất bình đẳng, sự đánh đổi, trả giá. Nếu đó là vì lợi ích quốc gia, quốc tế thì đã đành, đây lại là sự đánh đổi, nhường chỗ giữa một bên là 1 công trình cao tầng thương mại có thể mọc ở bất cứ đâu trong những khu phát triển mới tại Hà Nội với một bên là Đàn Nam Giao duy nhất của Thăng Long – Hà Nội có gần 10 thế kỷ.
Nhìn ra thế giới, tại các thành phố Barcelona, Beirut…đến di tích khảo cổ học nhà tắm công cộng cũng được họ bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống đô thị, trong khi đó ở Hà Nội di tích Đàn Nam Giao được “bảo tồn, phát huy giá trị” theo cách mới – cách xoá sổ di tích gốc. Sự so sánh trên có thể không thoả đáng vì từng quốc gia, tuỳ bối cảnh, đặc thù di tích mà có cách ứng xử phù hợp. Tuy nhiên, bất luận vì lý do gì, trong thời đại hiện nay, trong văn hoá Việt Nam, với Hà Nội gần 1000 năm tuổi mà ứng xử với di tích như vậy là điều khó chấp nhận, phải chăng đó là sự đánh đổi.
Trong khi di sản khảo cổ học ngày càng hiếm hoi, mong manh và không thể tái sinh được còn nhà cao tầng thì vô cùng nhiều và có thể xây ở mọi nơi. Nếu vì bất kỳ lợi ích phát triển kinh tế nào mà ta dễ dàng đánh đổi sự sống của di sản đô thị thì quả là một điều đáng báo động về văn hoá… và sự sống còn của chính Thành phố đó. Nếu cứ theo đà đó rất có thể các thế hệ sau sẽ dễ dàng xóa bỏ những gì ngày nay ta đang coi là linh thiêng để xây dựng những công trình cao hàng trăm tầng.
Để đề cao tính chịu trách nhiệm bởi các tư vấn khoa học và những quyết định hành chính đối với các công trình tiêu biểu mang ý nghĩa di sản, văn hoá cao, ảnh hưởng tới nhiều thế hệ, thiết nghĩ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên xác lập cơ chế ghi danh. Cụ thể tại di tích khảo cổ học Đàn Nam Giao, nếu tập thể, cá nhân nào tư vấn, quyết định việc di dời di tích nguyên gốc, xây dựng nhà cao tầng ở đây cần được khắc tên tại bia đá và ghi chép chân thực, đầy đủ, khoa học quá trình khảo cổ học, nghiên cứu và quyết định số phận di sản để đời đời tiếp theo ghi công hoặc phán xét.